“Cảnh sát IT” vào trận điều tra các clip ẩu đả được tung lên mạng

Thứ Năm, 28/04/2011, 05:45

Chuyện các "teen" hành xử với nhau đậm chất xã hội đen, ghi hình tại chỗ rồi post lên mạng... như một thứ dịch bệnh, đang bùng phát và lây lan đến chóng mặt. Mặc cho cả xã hội choáng váng, riêng chúng hả hê, bởi không gì có thể... "hot" nhanh đến thế, vụt có tên, có tuổi, thành anh thành chị. Bởi cái "bản lĩnh" đánh người mà chúng được đám lau nhau tuổi... dở hơi nhìn với ánh mắt sờ sợ, nể vì!

Những ngày gần đây, cư dân mạng lại được phen rúng động khi mục kích cảnh tượng một cô gái bị nhóm 4-5 phụ nữ đánh đập, lột trần, cắt tóc làm nhục giữa nơi công cộng, trong đoạn clip có tên: “Nữ sinh Quốc Oai đánh nhau”, độ dài 6 phút 52 giây, đăng tải trên trang Web “YouTube”. Dư luận xã hội đã có những phản ứng mạnh mẽ, phẫn nộ về đoạn clip phản văn hóa đó và đòi hỏi Cơ quan Công an phải vào cuộc khẩn trương tìm ra và xử lý nghiêm thủ phạm cùng kẻ đã post lên mạng đoạn clip rùng mình này.

Từng nhanh chóng điều tra làm rõ vụ nữ sinh Trần Nhân Tông xử nhau đầu năm 2010, các trinh sát của Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội lại vào trận, và chỉ trong 2 ngày, từ những dấu vết mờ ảo nhất, toàn bộ vụ việc và các đối tượng liên quan đã được làm rõ.

"Nữ sinh Quốc Oai" không phải là… nữ sinh

Buổi chiều ngày Chủ nhật 11/4/2011 trôi đi yên ả, đang khoan khoái nghĩ đến kế hoạch cho ngày nghỉ Quốc giỗ, chợt điện thoại réo vang. Đầu dây kia, Trung tá Ngô Minh An -  Đội trưởng chỉ thị: "Ca trực lên mạng ngay, vừa xuất hiện đoạn clip nữ sinh Quốc Oai đánh ghen rất dã man, kiểu gì cũng đến tay anh em mình. Nghiên cứu xem post từ trang nào", chúng tôi lập tức ngồi vào máy.

Tìm "toét mắt", chỉ thấy vài bài báo đưa tin mà không thấy đoạn clip đâu. Mất một hồi, những "tay cơ" của Đội mới lần ra được nguyên vẹn đoạn clip trong một blog cá nhân. Đoạn clip có độ dài 6 phút 52 giây, gắn tên "nữ sinh Quốc Oai đánh nhau" đã tung lên trang You Tube từ ngày 30/3/2011, sau đó được gỡ xuống do vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cư dân mạng. Nhưng rồi đến chiều ngày 11/4, đoạn clip trên lại "tái xuất".

Nhìn cảnh cô gái bị nhóm phụ nữ hùng hổ vây quanh, túm tóc giật đầu, đấm đá đạp, lột trần, cắt tóc hạ nhục… những ánh mắt vằn lên như có lửa, anh em bảo nhau, bằng mọi giá phải vạch mặt, chỉ tên chúng là ai. Tuy nhiên, sẽ không dễ vì chưa rõ đoạn clip được quay khi nào, ở đâu. Manh mối lúc này chỉ có tên gọi và một câu nói: "Lên Bảo Long hỏi Thảo thì ai cũng biết".

Trong clip có nhiều tiếng nói lao xao, nghe như là khẩu âm của cư dân vùng Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây. Chúng tôi "siêu âm" thật kỹ từng hình ảnh, từng âm thanh trong đoạn clip rồi bắt đầu dựng "ăng ten" thu phát "sóng" tại địa bàn nghi vấn. Điện nóng máy, được biết ở mấy huyện Hà Tây cũ, không có xã nào tên là Bảo Long cả, anh Ngọc - Đội trưởng CSHS - Công an huyện Thạch Thất cho biết, ở xã Cổ Đông, TX Sơn Tây có Tập đoàn Y dược Bảo Long. Phải chăng đối tượng lấy tên doanh nghiệp có tiếng ở vùng đấy, làm địa danh? Nghe không thật thuyết phục.

Giữa lúc bí, chợt phóng viên Thu Trang - Báo Phụ nữ TP HCM gọi điện đến, chị cung cấp, trước có viết một bài về một học sinh Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long. Tại trường này có dạy văn hóa từ lớp 4 đến lớp 12. Chúng tôi ồ lên. Rất có thể đối tượng tự hào mà ra oai, xưng danh về nơi từng học võ. Như vậy, cần bắt đầu từ trường Bảo Long, Sơn Tây.

8h sáng ngày 12/4/2011, chúng tôi đã có mặt tại trường Bảo Long. Qua nhiều động tác, đến xế trưa, trước mặt tôi đã là cháu Thảo, học sinh lớp 10. Cả trường hiện nay chỉ duy nhất có cháu Thảo này mới nhập trường vài tháng. Lúc tiếp xúc thấy cháu Thảo này có vẻ rụt rè, không có dáng "sư tử" như người trong "phim", khuôn mặt cũng khác. Vậy là không phải người cần tìm.

Đến xế trưa, các quan hệ của tôi tại Quốc Oai, Thạch Thất điện báo đã sơ bộ nắm tình hình qua giáo viên các trường trung học trên địa bàn, nhưng chưa phát hiện được gì. Chúng tôi nhận định, "teen" đánh nhau, chắc chỉ bạn bè cùng trang lứa là rõ nhất, người lớn chắc gì đã biết vì bị giấu. Vụ nữ sinh trường Trần Nhân Tông đánh nhau, cũng bung ra từ tiếng "xì xào" của "teen" đấy thôi. Nghĩ vậy, tôi bốc máy gọi cho anh T… người Quốc Oai, đề nghị anh huy động hết đám… con cháu trong nhà để "dò sóng". Kết quả đúng như dự đoán, nửa tiếng sau con gái anh gọi về: "Cháu nghe vụ này có con Thảo ở trường Bảo Long, con Ly ở Cố Thổ tham gia". Thông tin quý như vàng, tôi bảo anh em quay lại ngay trường Bảo Long.

Nhưng còn chưa kịp hỏi han gì thì chợt có một cán bộ của trường đi ngang qua, góp chuyện: "Vụ đánh ghen à? Trưa nay bà hàng xóm nhà tôi có xem clip, nhận ra một đứa là cái Thảo, cháu ông Phối (hoặc ông Cối, ông Khối) trong đấy". Câu nói thoảng qua lúc anh em đang chuẩn bị ra xe, làm tôi sững người. Phải chăng còn một Thảo nữa mà ta chưa biết? Hỏi sâu, được biết cô Thảo này đã từng học ở trường Bảo Long, sau đó chuyển sang trường khác, còn giờ thì đã bỏ học. Thảo là con chị L… hiện làm cấp dưỡng ở đây.

Ngay sau đó chị L. được mời lên làm việc. Vừa gặp chị sụt sùi: "Con dại cái mang, chiều qua em mới biết nó phạm cái tội tày đình này, nó bỏ nhà đi "dạt" mấy hôm nay rồi, em mong các anh giúp em tìm lại cháu về". Thế là rõ! chúng tôi đưa chị lên xe ôtô cùng đi tìm Thảo. Dọc đường tranh thủ khai thác những hiểu biết của chị về vụ việc. Câu chuyện đời của chị thật buồn, vì có những chia ly, mất mát, Thảo và em gái đang ở cùng mẹ. Gần đây con bé sinh ra hư đốn, bỏ học tụ tập theo mấy thằng "tóc xanh, tóc đỏ, dạt vòm, đập đá", chị đang lo Thảo mắc vào ma túy. Chiều qua chị đến nhà Nguyễn Khánh Ly – 14 tuổi ở thôn Cố Thổ, Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình tìm Thảo, vì cả hai cùng một "đội chơi", mới hay về cuộc đánh ghen này. Thảo, Ly đã tham gia vụ việc vì được Khánh ở xã Hòa Thạch, Quốc Oai nhờ.

Từ Sơn Tây, chúng tôi lộn lên Lương Sơn, Hòa Bình truy xét. Đến gần nhà Ly, tôi cho một trinh sát cùng chị L. vào nhà Ly, trong vai người chú đi tìm Thảo, nếu "có hàng" thì ám hiệu bên ngoài sẽ vào. Trong đánh án, yếu tố may mắn rất quan trọng. Khi Thượng úy Phạm Văn Thịnh bước vào, cũng là lúc Ly mở máy điện thoại ra nghe Khánh gọi: "Trốn ngay, hôm nay có bọn nào lạ đi hỏi về vụ đánh ghen".

Thịnh rút thẻ cảnh sát,  yêu cầu ngồi im và bốc máy gọi tiếp ứng. Chúng tôi truy nóng Ly về nơi Thảo đang ở, yêu cầu cô bé gọi điện xin Thảo chỗ ngủ nhờ, vì bị mẹ đuổi khỏi nhà. Đầu dây kia, Thảo nói đang ở tại ngôi nhà của vợ chồng ông N.… nơi mà theo dân địa phương cung cấp, đó là "nhà chứa". Chiếc xe ôtô biển trắng đỗ trong trạm xăng. Ly ngồi ở quán bên cạnh gọi Thảo ra. Chưa đầy 5 phút Thảo đã có mặt trong… xe của tôi và trực chỉ hướng Công an huyện Quốc Oai.

Khai thác nóng, đối tượng chủ mưu và đồng phạm đã lộ diện. Tổ công tác để lại 2 cán bộ xét hỏi, còn lại tỏa xuống xã Hòa Thạch để truy tìm Nguyễn Thị Ngọc Khánh – 23 tuổi là chủ mưu, Nguyễn Thị Nhung - người trực tiếp quay clip vụ đánh ghen. 22h đêm 12/4, chúng tôi tìm được Nhung, còn Khánh đã "lặn" mất tăm.

Thiếu Khánh, cuộc điều tra chưa trọn vẹn. Tôi bốc máy gọi cho một tay có "số má" tại đất Quốc Oai, mà tôi biết có thể "điều trị" Khánh, yêu cầu đúng 9h sáng hôm sau phải đưa Khánh về số 7 Thiền Quang trình diện, vì sẽ không thể trốn được. 24h, ở nhà điện lên yêu cầu tổ công tác phải dẫn giải 3 đối tượng đi xác định nơi gây án. Những chiếc ôtô lại quay đầu di chuyển vài chục cây số ngược về mạn Hòa Bình.

Khi tấm biển "nhà nghỉ Yên Bình" xã Yên Bình, huyện Thạch Thất hiện ra, qua ánh đèn ôtô, chúng tôi đã thấy trước mặt cái cổng sắt, nền xi măng… trong đoạn clip. Mừng rỡ vì đã tìm được câu trả lời chính xác, chúng tôi yêu cầu các đối tượng chỉ dẫn cụ thể từng vị trí mà chúng đã xuống tay tàn bạo với cô gái đáng thương kia. Xong xuôi, đồng hồ đã chỉ gần 2h sáng ngày 13/4/2011.

Cho anh em dẫn giải các đối tượng về số 7 Thiền Quang, tôi cùng Thiếu úy Phùng Việt Anh lộn lại Quốc Oai, chuẩn bị cho cuộc truy tìm người bị hại. Ở nhà quán triệt, không có bị hại là không có vụ án, vì thế bằng mọi giá phải tìm cho ra. Tuy nhiên, giữa mênh mông đồng đất, biết tìm đâu cho ra một cô gái, mà thông tin chỉ vỏn vẹn: tên là T., nhà ở Phú Thọ, làm nghề mát xa, tầm quất. Đêm ấy chúng tôi ngủ gà gật trong căn phòng đầy muỗi, chờ sáng để bắt tay với "núi" công việc còn dang dở.

Sáng 13/4, chúng tôi phối hợp với địa phương lập biên bản xác định hiện trường, xế trưa thì xong, hai anh em ôm cái bụng cồn cào lên xe đi rà soát theo tuyến đường Láng Hòa Lạc. Ở nhà điện lên: "Khánh đã ra trình diện, cho biết người bị đánh thường gọi là T., trước đây là gái mát xa ở quán Lung Linh, thôn Linh Sơn, Bình Yên, Thạch Thất".

Chúng tôi cắt qua sân bay Hòa Lạc, theo con đường đất đá ong di chuyển nhanh về thôn Linh Sơn. Bước vào quán, vừa lúc một cô gái tóc vàng trông quen quen bê chậu quần áo đi lên gác, linh cảm thế nào tôi cất giọng: "T., xuống đây anh bảo!". Cô gái đi xuống ngồi cạnh, tôi hỏi tiếp: "Đã đỡ đau chưa em?". Cô gái nhìn tôi lạ lẫm rồi lí nhí: "Em cũng đỡ rồi".

Điều tra viên đang ghi lời khai của một đối tượng trong vụ án.

Vậy là chúng tôi đã tìm được người cần tìm. Đưa về Công an huyện Quốc Oai, T. khai nguyên nhân vụ đánh ghen từ cuộc tình tay ba, giữa T., Khánh và một gã trai tên C. Mặc dù chẳng nghề ngỗng gì nhưng C. rất "sát gái". Ngày 16/3/2011, C. gọi điện rủ T. lên nhà nghỉ Yên Bình ngủ với mình. Run rủi thế nào Khánh biết chuyện. Buổi trưa ngày 19/3 nhân lúc C. đi vắng, Khánh đã huy động đàn em lên đánh T. để dằn mặt. Sau trận đòn tại phòng 103, T. ôm túi quần áo ra đường đợi xe để về. Bọn Khánh ra theo rồi xúm vào đánh tiếp, lột trần, cắt tóc của T để làm nhục, vì cái tội "cướp chồng".

Sau hai ngày làm việc cật lực, chúng tôi đã có đủ 4 đối tượng thủ phạm và người bị hại, nhưng công việc chưa kết thúc. Vấn đề là ai đã đưa đoạn clip do Nhung ghi lại bằng máy điện thoại của Khánh lên mạng Internet? Những người lính công nghệ cao chưa cho phép mình nghỉ ngơi, lại bắt đầu một cuộc truy xét mới. Đến 15h ngày 14/4, hai đối tượng Hoàng Văn Khá – 22 tuổi, ở Hòa Thạch, Quốc Oai và Nguyễn Văn Trường – 22 tuổi, ở Phú Cát, Quốc Oai đã có mặt tại số 7 Thiền Quang để tường trình về hành vi post (phát tán) đoạn clip phản văn hóa nói trên lên mạng.

Các teen nữ phang nhau rồi ghi hình để "bố cáo' thiên hạ - một thứ dịch bệnh nguy hiểm đang bùng phát

Chuyện các "teen" hành xử với nhau đậm chất xã hội đen, ghi hình tại chỗ rồi post lên mạng... như một thứ dịch bệnh, đang bùng phát và lây lan đến chóng mặt. Mặc cho cả xã hội choáng váng, riêng chúng hả hê, bởi không gì có thể... "hot" nhanh đến thế, vụt có tên, có tuổi, thành anh thành chị. Bởi cái "bản lĩnh" đánh người mà chúng được đám lau nhau tuổi... dở hơi nhìn với ánh mắt sờ sợ, nể vì!

Tràn ngập trên các trang mạng là các tin về lũ trẻ xử nhau một cách tàn bạo, vô nhân tính. Còn nhớ hồi nhỏ đi học, đám "trống choai" chúng tôi cũng chẳng ít lần "thượng đài" với nhau. Những lý do khiến trẻ đánh nhau, nhìn chung là giống nhau. Đều do bốc đồng và thiếu suy nghĩ. Đang tuổi học làm người lớn, cần ra dáng người lớn, hay chí ít bộc lộ cái gì đó để "giật le" với đám bạn mình.

Có điều ngày xưa, trẻ "uýnh" nhau "hồn nhiên" hơn, mang tính tỷ thí, đọ sức là chính. Giờ đây, nhìn các "teen" nữ phang nhau "nhiệt tình", lại còn quay phim, ghi hình và bố cáo "thiên hạ", chợt thấy chúng không còn là "trẻ con" nữa rồi!. Thấp thoáng đâu đó là ý thức "hạ nhục" đối thủ để nâng tầm mình lên. Trẻ có cách hành xử như trong phim găngxtơ, manh nha tính băng nhóm. Hành động đánh người thật quyết liệt, không thương tiếc, đầy chất dằn mặt, phân chia ngôi thứ, đẳng cấp.

Nhìn trẻ đánh nhau, người lớn nghĩ gì? Những đoạn clip liên tục phát tán thời gian gần đây, phải chăng là phần nổi của tảng băng trôi trong giáo dục? hay lớn hơn là lỗi trong lời giải bài toán xây dựng con người hiện nay? Ngày xưa tuy không được học nhiều như bây giờ. Xét về lượng kiến thức được trang bị, hẳn là thua xa hiện nay. Nhưng tôi có cảm giác trẻ xưa ngoan hơn, kỹ năng sống nhiều hơn và có tình hơn. Trẻ nay giỏi giang, sành điệu, nhanh nhạy với cái mới. Nhưng có một bộ phận các em lại bị hổng, mà lại hổng ở nơi thật quan trọng, đó là kỹ năng sống.

Quan sát cách hành xử, thấy trẻ bây giờ ganh đua mạnh mẽ hơn xưa. Cạnh tranh là tốt, vì thúc đẩy sự nỗ lực hoàn thiện mình. Nhưng từ đó mà đẻ ra sự đố kị, ganh ghét, hãm hại nhau để vượt lên thì thật đáng sợ. Bởi đó là gốc của cái ác, của những nhân cách lệch lạc trong tương lai.

Người lớn có lỗi không? Tôi nghĩ là có. Phải chăng trong cuộc sống hiện đại này, đang dần ít đi những lời răn dạy con cái biết cảm thông, sẻ chia, thương yêu đồng loại? Nếu trang bị nhiều quá những công thức, định lý, mà thiếu đi vế dạy cho trẻ kỹ năng sống, hiểu biết luân thường, đạo lý... thì nói như người xưa : "Cái gì cũng biết, mà đạo làm người không biết, chưa phải là người hay"

Đào Trung Hiếu (Đội phó Đội 14, Phòng CSHS, CATP Hà Nội)
.
.