Cảnh sát Pakistan triệt phá tội phạm buôn lậu nội tạng người

Thứ Năm, 01/03/2018, 14:32
Sadi Ahmed, người bị một băng nhóm tội phạm buôn lậu nội tạng người giam cầm suốt 3 tháng, kể lại việc bị bọn chúng buộc phải bán quả thận với giá 300.000 rupee (khoảng 3.200 USD).

Hồi tháng 10-2016, Sadi Ahmed là một trong số 24 người được cảnh sát giải cứu ở thành phố Rawalpindi thuộc tỉnh Punjab của Pakistan. Một tháng sau đó, 3 người đàn ông bị truy tố nhưng chúng luôn phủ nhận mọi sự dính líu đến mạng lưới tội phạm buôn lậu nội tạng và ghép tạng bất hợp pháp.

Theo báo cáo của cảnh sát, các nạn nhân bị lừa đến Rawalpindi để có công việc lương cao. Sadi Ahmed cho biết anh bị giam giữ bên trong một tòa nhà thương mại ở Rawalpindi và bị bọn tội phạm tước mất điện thoại mà chẳng hề nhận được việc làm nào như lời hứa hẹn của chúng.

Trung tâm Thận ở Rawalpindi.

Sadi nhớ lại: “Khi tôi bị đưa vào căn phòng, khoảng 20 đến 25 người khác đã ngồi ở đó. Chúng bắt mọi người phải ngồi im tại chỗ và giữ im lặng. Khoảng 10 phút sau, một tên xuất hiện và bảo tôi phải đi xét nghiệm. Tôi hỏi xét nghiệm để làm gì và sẽ nhận được công việc gì”.

Thật ra, bọn chúng muốn xét nghiệm quả thận của Sadi và hứa sẽ trả cho anh số tiền tương đương 3.200 USD cho một cơ quan. Sadi nói anh “bị đánh đập, không được phép rời khỏi phòng, thậm chí bị đe dọa giết chết và mọi người đều bị còng chung với khóa móc”.

Khi cảnh sát đột kích tòa nhà, Sadi Ahmed được giải cứu kịp lúc nếu không vài giờ sau anh sẽ bị cắt mất quả thận tại bệnh viên gần đó gọi là Trung tâm Thận.

Bác sĩ Mirza Naqi Zafar, Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Pakistan, cho biết bất chấp lệnh cấm tiến hành những ca ghép tạng mang tính thương mại từ năm 2010, trong những năm gần đây vẫn diễn ra hàng loạt vụ buôn bán thận bất hợp pháp với khoảng 100 ca cấy ghép mỗi tháng.

Cũng theo Naqi Zafar, nhiều ca ghép thận liên quan đến loại hình “du lịch ghép tạng” với những bệnh nhân nước ngoài giàu có tìm đến Pakistan để chữa trị. Naqi Zafar tiết lộ giá thị trường đen cho mỗi ca ghép tạng từ 50.000 đến 60.000 USD. Trong khi đó, người hiến tạng chỉ được trả một phần nhỏ trong số tiền đó. Người Hồi giáo không được phép hiến tạng khiến tình trạng khan hiếm tạng ghép càng thêm trầm trọng.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động buôn lậu nội tạng diễn ra trong bóng tối nhưng ở Pakistan lại hoạt động gần như trắng trợn. Tại một bệnh viện hạng sang ở Islamabad, nhân viên y tế công khai mời mọc bệnh nhân ghép một quả thận với giá 23.000 USD đồng thời bảo đảm có giấy phép từ chính quyền!

Mumtaz Ahmed, lãnh đạo Khoa Nghiên cứu thận Bệnh viện công Benazir Bhutto ở thành phố Rawalpindi thuộc tỉnh Punjab, lập luận: “Người giàu và giới quan chức đất nước chính là những đối tượng hưởng lợi từ thị trường thận bất hợp pháp”. Mumtaz Ahmed (cũng là thành viên một ủy ban điều tra về buôn bán thận) tuyên bố thẳng thừng rằng đó là lý do tại sao những nhà lập pháp tỏ vẻ không muốn tăng nặng án trừng phạt bọn tội phạm.

Mỗi năm ở Pakistan có khoảng 25.000 người bị suy thận song chỉ có 10% trong số đó có điều kiện tài chính để lọc máu và 2,3% có cơ hội được ghép thận - theo số liệu từ Viện Tiết niệu học và Cấy ghép Sindh (SIUT) đặt trụ sở tại thành phố cảng Karachi miền nam Pakistan.

Sadi Ahmed.

Mumtaz Ahmed kể một câu chuyện: “Nhiều người đến bệnh viện công cùng với người thân đồng ý hiến tạng. Song, bất ngờ sau đó họ chuyển sang bệnh viện tư nhân sau khi biết tin ở đó có bán thận”.

Nhu cầu cao tạo ra thị trường cho phép dân nghèo vùng quê có cơ hội bán thận với mong muốn thoát nghèo hay để trả nợ. Thay vì lao động cực nhọc mà chẳng được bao nhiêu, họ hy vọng sẽ có một số tiền lớn sau khi bán thận!

Vào khoảng đầu năm 2018, cảnh sát Pakistan bắt giữ 4 người bị cáo buộc đánh cắp dịch tủy sống từ một số phụ nữ. Theo cảnh sát, các nạn nhân phụ nữ bị dụ dỗ cung cấp mẫu máu để đánh giá chất lượng nhằm nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền tỉnh Punjab. Tuy nhiên, bọn chúng đã bí mật trích lấy dịch tủy sống để bán ra thị trường đen.

Tòa nhà giam giữ Sadi Ahmed và các nạn nhân khác.

Băng nhóm tội phạm được cho là đã đánh cắp dịch tủy sống của hơn 12 phụ nữ, trong đó có 1 thiếu niên. Chính quyền phát hiện vụ việc nguy hiểm sau khi nhận được thông tin từ một người cha cho biết cô con gái 17 tuổi của ông bị suy sụp sức khỏe trầm trọng sau khi lấy mẫu máu. Băng nhóm tội phạm hoạt động trong vùng Hafizabad thuộc tỉnh Phunjab.

Dịch tủy là chất dịch trong suốt tìm thấy quanh não bộ và tủy sống có chức năng bảo vệ chúng trước thương tổn. Dịch tủy được trích lấy bằng kim chọc vào ống tủy sống nhằm mục đích chẩn đoán bệnh. Hiện thời, chính quyền Pakistan vẫn chưa biết rõ dịch tủy bán ra thị trường đen để sử dụng vào mục đích gì. Bộ Y tế Pakistan cũng đã cho thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ việc.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.