Chân dung những kẻ khủng bố

Thứ Hai, 13/08/2007, 10:30
Hầu hết những phần tử khủng bố Ailen xuất thân từ những khu lao động nghèo và ít có triển vọng thăng tiến trong xã hội. Thành ra, tham gia vào cuộc “đấu tranh vũ trang” được coi như là cách duy nhất để đạt được một vị trí xã hội nào đó.

Vụ tấn công khủng bố hụt hồi đầu tháng 7 vừa qua tại London đã làm náo động cả nước Anh. Nhưng điều làm cho người ta bàn tán nhiều nhất là những nghi phạm bị bắt tại Anh và Australia đều là những người có học vấn cao, một số còn xuất thân từ những thành phần thượng lưu trong xã hội nữa.

Tại sao những người như vậy với một tương lai tươi sáng lại trở thành những kẻ khủng bố?

Quan niệm thông thường của mọi người cho rằng những kẻ thiếu học, nghèo khó thuộc các tầng lớp dưới mới dễ bị dụ dỗ trở thành những kẻ khủng bố. Trong trường hợp quân đội Cộng hòa Ailen - IRA, tổ chức khủng bố cũ tại Bắc Ailen mà cảnh sát và an ninh Anh phải đối phó trong nhiều năm thì quan điểm thông thường này đúng.

Hầu hết những phần tử khủng bố Ailen xuất thân từ những khu lao động nghèo và ít người có triển vọng thăng tiến trong xã hội. Thành ra, tham gia vào cuộc “đấu tranh vũ trang” được coi như là cách duy nhất để đạt được một vị trí xã hội nào đó.

Nhưng đối với các kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, có vẻ như động lực kinh tế xã hội đi theo một chiều hướng khác.

Cho đến nay chưa có một hình ảnh về một tên khủng bố Hồi giáo điển hình dựa trên những chỉ số kinh tế, xã hội đơn giản có thể giúp các nhân viên an ninh nhận diện những kẻ có triển vọng trở thành jihadist.

Một viên chức tình báo cao cấp của Anh nhận xét: “Vấn đề là không có một khuôn mẫu nào cả”.

Quả thật, các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội đã phải ngạc nhiên trước sự đa dạng về trình độ học vấn cũng như về thành phần xã hội trong số những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan mà người ta được biết.

Bên cạnh những kẻ nghèo khó thất học cũng có một số không nhỏ người có trình độ học vấn cao và xuất thân từ những tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhiều người trong bọn họ được huấn luyện trong các ngành khoa học kỹ thuật và đóng những vai trò nổi bật trong các phong trào khủng bố Hồi giáo trên toàn thế giới.

Nếu trong 4 tên khủng bố thực hiện vụ tấn công vào hệ thống xe điện ngầm tại Anh hồi năm 2005, chỉ có 1 tên Mohammed Sidique Khan là tốt nghiệp đại học về thương mại, còn 3 tên kia đều chưa tốt nghiệp trung học.

Riêng tên Mohammed Atta, cầm đầu tổ chức khủng bố tại Hamburg và là kẻ chủ mưu thực hiện vụ tấn công 9/11 tại Mỹ, tốt nghiệp đại học và vừa hoàn tất tấm bằng cao học về thiết kế đô thị.

Cũng không thể không nhắc tới Ayman Al-Zawahiri, nhân vật đứng thứ hai trong tổ chức Al-Qaeda sau Osama bin Laden, vốn xuất thân từ một gia đình thân thế tại Ai Cập và là một bác sĩ.

Như vậy, nếu không phải trình độ học vấn và vị thế kinh tế xã hội là nguyên nhân thúc đẩy những người này trở thành những kẻ khủng bố thì động cơ gì đã tác động để họ hành động như vậy?

Mới đây, trong một tài liệu nghiên cứu về việc tuyển mộ những kẻ khủng bố là người Hồi giáo, Cơ quan An ninh quốc nội Hà Lan đã xác định ra 3 loại bản tính cá nhân vốn rất dễ bị kích động đi theo các hoạt động cực đoan.

Thứ nhất, là những kẻ được gọi là “di dân mới”, những người sinh ra và lớn lên tại Trung Đông hoặc Bắc Phi, đến châu Âu với tư cách là sinh viên hoặc tị nạn. Những người này trước đó có thể không có quan hệ gì với các phong trào cực đoan trước khi họ sang phương Tây.

Đây là trường hợp của Mohammed Atta và cũng có thể áp dụng đối với một số những nghi phạm trong vụ khủng bố hụt của nhóm bác sĩ tại Anh vừa qua.

Thứ hai, là những đám “di dân cũ” có thể thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba mà cha mẹ hay ông bà đã sang định cư tại châu Âu cách đây mấy chục năm.

Hầu hết những người này đều là công dân của những nước châu Âu mà họ sinh sống, đọc thông nói thạo ngôn ngữ của nước mình ngụ cư. Nhóm khủng bố 7/7 vừa qua tại Anh thuộc trường hợp này.

Sau cùng, là một nhóm, tuy còn ít nhưng ngày một gia tăng, những dân châu Âu chính thống nhưng đã đi theo Hồi giáo cực đoan sau khi cải đạo theo đạo Hồi. Đây là trường hợp của tên Richard Reid giấu thuốc nổ trong giày định làm nổ máy bay.

Theo tài liệu nghiên cứu này thì trên phương diện kinh tế xã hội, không có chỉ số nào có thể được dùng để nối liền 3 nhóm khác biệt này.

Nhưng cả 3 nhóm có điểm chung là tất cả những người này đều đã trải qua một giai đoạn căng thẳng trong đời sống cá nhân, hoặc là rơi vào trong một cuộc khủng hoảng bản tính lâu dài và sâu đậm mà họ chỉ giải quyết được bằng cách từ bỏ cá nhân của mình để đi theo xu hướng cực đoan (trong trường hợp những người này thì đó là “jihadism”, nhưng trước đó có thể là Quốc xã...).

Đối với những “di dân mới” rơi vào cảnh cô lập và lạc lõng khi rời khỏi xã hội của họ, thì Hồi giáo cực đoan không những mang lại cho họ những người bạn mới mà còn cho họ một bản thể mới và một chỗ đứng trên thế giới.

Con cháu của những người di dân cũ, vốn thường bị chi phối giữa một bên là nền văn hóa truyền thống của cha mẹ họ và một bên là xã hội phương Tây bên ngoài vừa hấp dẫn vừa hắt hủi họ, thì họ tìm thấy trong Hồi giáo cực đoan một môi trường cho phép họ nổi loạn chống lại cả hai.

Và những kẻ cải đạo, đương nhiên là đã từng trải qua một cuộc khủng hoảng cá nhân khiến họ chấp nhận một bản tính mới.

Những khám phá này có lẽ chẳng giúp được gì cho các cơ quan an ninh vẽ ra hình ảnh một tên khủng bố điển hình để theo dõi. Nhưng nó cho ta nhìn thấy một phần nào những căng thẳng nội tâm mà những người này phải trải qua trước khi đi vào con đường thánh chiến của họ.

Và nó cũng giải thích tại sao bác sĩ, kỹ sư cũng có thể trở thành những kẻ khủng bố không khác gì những người thất nghiệp hoặc vô học. Vì dù sao chăng nữa, một cuộc khủng hoảng về bản tính cá nhân không phải chỉ là xảy ra đối với những người nghèo và thất học. Thậm chí là ngược lại

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.