Chân tướng "thủ lĩnh" tổ chức phản động ở Phú Yên và những trò lừa dân, phản quốc

Thứ Năm, 23/02/2012, 15:20

Học vấn thấp, kiến thức xã hội hẹp, nhưng nhờ "đánh" trúng tâm lý người cuồng tín thuyết giáo đậm chất mơ hồ, nên Thu dụ dỗ nhiều người gia nhập "Ân đàn đại đạo". Nếu như thời niên thiếu Thu vào quận Tuy Hòa trong tình cảnh "3 không", thì khi lập ra "Ân đàn đại đạo", hắn thực hiện kế sách "4 tự": tự dựng đạo phái riêng, tự khắc dấu, tự phong chức sắc và tự sáng tác kinh pháp".

KỲ I: KẺ PHẢN BỘI, LỪA BỊP VÀ MỊ DÂN

Sau khi chuyên đề ANTG đăng bài viết "Vô hiệu hóa một tổ chức chính trị phản động ở Phú Yên", đã có rất nhiều độc giả quan tâm tới bài viết. Trong số đó có không ít bạn đọc muốn hiểu rõ bộ mặt thật và hành tung kẻ cầm đầu hoang tưởng chính trị, hiếu chiến, ngông cuồng khi muốn thực hiện mưu đồ chính trị đen tối và tự phong cho mình vị thế "thủ lĩnh" của "Hội đồng công luật công án Bia Sơn".

Cũng từ ý tưởng đó, phóng viên ANTG thu thập chứng cứ tài liệu với mong muốn góp phần lật tẩy chân tướng Phan Văn Thu và những trò bịp bợm, lừa dân, phản quốc để góp phần nâng cao ý thức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các phần tử phản động.

Lật lại hành tung kẻ đi chiêu hồi

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở thôn Ngân Sơn, xã An Thạch - nay là thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, Phú Yên. Ngoài người chị cả, Phan Văn Thu là con út của vợ chồng cụ Phan Quý - Hồ Thị Cấy. Thu tuổi Kỷ Sửu (1949). Nếu như thời trai trẻ Thu lận đận, phiêu bạt nhiều nơi, đến khi trưởng thành lại vướng vấp nhiều chuyện chính trị xã hội và lao lý. Trong lý lịch tự khai ngày 26/11/1975 tại Trại cải tạo A30, nay là Cơ sở giáo dục A1 - Bộ Công an ở xã Hòa Phú, huyện Tuy Hòa - nay là huyện Tây Hòa, Phú Yên, Thu thừa nhận văn hóa chưa hết lớp 5.

Thời niên thiếu Thu cũng chặt củi, đốt than để kiếm cơm như nhiều người khác, nhưng "con thuồng luồng không chịu ở cạn", nên đã bỏ quê vào xã Tuy Hòa, quận Tuy Hòa để mưu sinh trong cảnh "3 không" như đã thú nhận: không tiền, không nhà và không nơi nương tựa. Từ bán kem dạo đến gánh nước thuê, hành nghề tẩm quất, nhưng Thu vẫn phải đối mặt với nhiều vất vả đời thường. Giữa lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, nhiều người dân ở huyện Tuy An phải tản cư tìm nơi sinh sống, ngày 8/12/1965, Thu được một số cô chú ở cùng làng dẫn dắt thoát ly vào Đội du kích xã An Thạch. Cứ tưởng cuộc đời của Thu hướng theo ánh sáng chân lý, không ngờ 4 tháng sau đó Thu tìm đường đào tẩu xuống quận Tuy An xin chiêu hồi ngày 10/4/1966.

Trả lời phỏng vấn của Chi vụ chiêu hồi Tuy An ngày 17/6/1966, kẻ phản bội cách mạng đã bẻ cong cuống lưỡi, gượng gạo nói rằng, do không chịu nổi cuộc sống gian khổ nên mới quay về với "Chính nghĩa Quốc gia". Gian manh và nguy hiểm hơn nữa là Thu đã khai ra hàng loạt tên tuổi du kích, cán bộ cách mạng ở huyện Tuy An. 6 ngày sau đó hắn được Trưởng ty Thông tin chiêu hồi Phú Yên cấp phiếu gia nhập Trung tâm chiêu hồi, nên ngày 15/7/1966, Tỉnh trưởng Phú Yên, Trung tá Nguyễn Văn Bá cấp giấy hoàn lương cho Thu và gia đình vào ấp Bình Tịnh, xã Tuy Hòa, quận Tuy Hòa sinh sống bằng nghề… giặt ủi quần áo, bán báo và đánh giày.

Nhầm tưởng người chiêu hồi luôn được "đãi ngộ, ưu ái", nào ngờ Thu luôn bị đám liên gia, ấp trưởng kiểm soát, nên có lần hắn bị bắt giữ về tội chứa chấp cao bồi, du đãng. Năm 1967, Thu bị cảnh sát bắt quân dịch, đưa ra huấn luyện tại Quân trường Võ Tánh ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ba tháng sau ngày khoác áo lính Bảo An, hắn lo sợ phải đối mặt với những người hắn đã từng phản bội, nên vội vã tìm đường đào ngũ.

Phan Văn Thu khi mới thành lập tổ chức "Ân đàn đại đạo" năm 1969 và "thủ lĩnh" Phan Văn Thu ngoài đời.

Lừa bịp, mị dân bằng những trò mê tín

Trong chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), những cuộc pháo kích của địch dội ra vùng ven nội quận Tuy Hòa để khống chế các mũi công kích của bộ đội ta, khiến cho nhiều nhà dân, trong đó có nhà của Phan Văn Thu bị thiêu rụi. Nghĩ tới hành vi phản bội cách mạng, Thu không dám bám trụ trên nền đất cũ mà hắn góp nhặt những đồng tiền của bà con trong xóm cứu trợ, chạy xuống ấp Bình Lợi dựng căn nhà nhỏ để sống nép mình.

Dù không sành đạo giáo, pháp thuật nào, nhưng Thu vẫn liều lĩnh dựng am tự, vẽ "giun dế" nhùng nhằng và khoe mình có khả năng chữa bệnh bằng bùa phép và khua môi múa mép khoe mình là… "Thiên tử". Một số trường hợp thoát bệnh do uống thuốc trước khi nhờ cậy Thu, có người được "thầy" cho uống thuốc đã nghiền nát để biến thành "bùa", nên Thu có cơ hội gây thanh thế và "đánh bóng" thứ "tà thuật" do hắn "vẽ" ra. Còn nhớ, lúc đó y học chưa có thiết bị kiểm nghiệm, chẩn đoán bệnh như bây giờ. Đêm xuống, không ai dám ra vùng ven Tuy Hòa vì điện, đường cách trở, mê tín dị đoan là chuyện thường ngày. Chỉ cần bệnh nhân sốt cao, nói nhảm là người thân nghĩ tới chuyện tâm linh, nên Thu có cơ hội khuếch trương, mở rộng "tà đạo" do hắn lập ra bằng tên gọi "Ân đàn đại đạo".

Một trong nhiều bút tích Phan Văn Thu thú nhận tội lỗi sau khi đưa vào Trại A30.

Học vấn thấp, kiến thức xã hội hẹp, nhưng nhờ "đánh" trúng tâm lý người cuồng tín thuyết giáo đậm chất mơ hồ, nên Thu dụ dỗ nhiều người gia nhập "Ân đàn đại đạo". Nếu như thời niên thiếu Thu vào quận Tuy Hòa trong tình cảnh "3 không", thì khi lập ra "Ân đàn đại đạo", hắn thực hiện kế sách "4 tự": tự dựng đạo phái riêng, tự khắc dấu, tự phong chức sắc và tự sáng tác kinh pháp". Trong hồ sơ nhân thân của Phan Văn Thu, chúng tôi tìm thấy lá đơn của nhiều người oán trách vì  bị Thu lừa bịp: "Tên Thu là ma đồ giáo chủ đội lốt thánh thần, dụ dỗ nhiều người mê tín, cuồng tín dâng cho hắn từng bữa ăn, điếu thuốc, đem tiền bạc, tài sản để nuôi gia đình hắn… Tên Thu cũng đã lừa gạt tình cảm nhiều phụ nữ, ép buộc họ phải ăn ngủ chung…".

Trong lúc "Thiên tử" Phan Văn Thu đang thời hưng thịnh, thì Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đại thắng năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, chính quyền cách mạng lúc bấy giờ phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc phân loại binh lính, sĩ quan, đảng phái chính trị, ngụy quyền chế độ cũ học tập và bài trừ mê tín dị đoan. Thừa biết phận mình là kẻ chiêu hồi, từng khoác áo lính Bảo An và đang là chủ sự "Ân đàn đại đạo", lẽ ra Thu phải sớm trình diện nhưng tố chất chống Cộng khiến cho hắn tìm đường trốn vào rừng Trúc ở núi Đá Bia bên đường đèo Cả thuộc địa phận thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa - nay là huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nuôi dưỡng "Ân đàn đại đạo" thành tổ chức phản động.

Để thuyết phục đồng bọn, Thu huy động những người nhẹ dạ đóng góp lương thực, máy ảnh, máy đánh chữ, tivi, radio, máy may, ống nhòm, xe máy… và soạn thảo cương lĩnh chính trị, xây dựng kế hoạch hoạt động vũ trang để thực hiện âm mưu chống phá, lật đổ chính quyền cách mạng với ảo vọng thành lập đất nước "Quốc Độ Kinh Châu" (?!)

Xoá sổ "Ân đàn đại đạo"

Phát hiện tổ chức phản động "Ân đàn đại đạo" vừa mới nhen nhóm, tháng 7/1975, Ban an ninh Khu 5 quyết định phân công đồng chí Lê Văn Đại - Phó trưởng Ban cùng đồng chí Mạnh Hùng Thiên - Trưởng ty An ninh Phú Yên chỉ đạo triệt phá, bắt giữ 137 đối tượng, trong đó có Phan Văn Thu. Vào thời điểm này, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh theo Nghị quyết 248/NQ-TW ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị.

Với những tội lỗi do Thu gây ra từ khi đi chiêu hồi, khai báo tên tuổi du kích, cán bộ cách mạng, trốn tránh cải tạo và thành lập tổ chức phản động cũng đủ để loại trừ hắn ra khỏi đời sống xã hội. Thế nhưng với chính sách khoan hồng, xóa bỏ hận thù của Nhà nước Xã hội chủ nghĩ, vì vậy ngày 18/2/1976, Viện KSND tỉnh Phú Khánh có quyết định số 24/KSĐT miễn tố Phan Văn Thu, thay vào đó là Quyết định số 843/QĐ-UB ngày 15/4/1976 của UBND tỉnh Phú Khánh đưa hắn đi cải tạo. Thế nhưng mới vào Trại cải tạo A30 một thời gian ngắn, Thu đã lẩn trốn.

Ngày 7/5/1976, Ty Công an tỉnh Phú Khánh ra lệnh truy nã số 87 đối với Phan Văn Thu, trong đó ghi rõ: "can tội hoạt động trong tổ chức phản cách mạng đang bị giam giữ ở Trại A30, nhận dạng: cao 1m68, da bánh mật, có một bướu thịt lớn ở đuôi mắt trái, mặt lấm tấm rỗ huê".

Hơn hai năm sống chui lủi ở nhiều nơi, ngày 26/8/1978, Thu bị các trinh sát bắt giữ ở Đồng Nai. Gần 5 năm sau đó, hắn ra tù vào tháng 5/1983, nhưng vẫn bị quản thúc trong khu kinh tế mới Mai Liên ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, Phú Yên. Với bản chất một kẻ phản động ngông cuồng, một năm sau đó Thu "chuồn" khỏi nơi quản thúc, lang bạt vào các tỉnh phía Nam, bỏ lại người vợ thứ nhất là Hà Thị Chanh. Nơi hắn dừng chân và lưu trú 6 năm là xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Để che giấu tội lỗi,Thu đã "vẽ" cho mình bản lý lịch "hiền lành" và cái tên mới: Trần Công. Dù phải lao động cật lực, nhưng ảo vọng làm "quan" vẫn bùng phát trong tâm tưởng của Thu, nên hắn tìm kiếm, kết nối quan hệ những phần tử xấu và đối tượng của "Ân đàn đại đạo" để dựng lên "Hồng ân đại đạo". Tuy nhiên, tổ chức này chẳng hoạt động được gì khi miếng cơm, manh áo của chính Phan Văn Thu vẫn còn thiếu trước, hụt sau.

Thấy không có cơ hội phát triển "Hồng ân đại đạo", năm 1989  Phan Văn Thu xuống miệt vườn Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp sinh sống, nhưng 2 năm sau hắn mò về tạm trú ở phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Lần này, hắn dẻo mồm ngọt giọng tán tỉnh nhiều phụ nữ và đã cặp bồ với cô gái trẻ Võ Thị Thanh Thúy (45 tuổi) quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Sau 3 năm bám theo người vợ thứ hai về quê sinh sống bằng nghề nông và mua bán tạp hóa, năm 1995 vợ chồng Thu vào cư ngụ ở tổ dân phố 10, khóm Liêm Trực, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn - nay là phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

* Ảnh: Hữu Toàn chụp lại từ tư liệu hồ sơ

(Còn nữa)

Phan Thế Hữu Toàn
.
.