Châu Âu chật vật đối phó với web đen

Thứ Năm, 28/12/2017, 21:42
Báo cáo của Trung tâm Chống buôn người (UKHTC) thuộc Cục Phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho thấy, nhiều trang web tương tự “Black Death” rao bán “nô lệ” gồm cả nam giới và phụ nữ, trẻ vị thành niên và đương nhiên trong đó có cả mua bán mại dâm.

Dễ dàng cho con mồi vào bẫy

Cuối tháng 7-2017, người mẫu Chloe Ayling 20 tuổi từ nước Anh đến Milan (Italy) theo lời mời từ một nhóm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp “rất có uy tín” ở kinh đô thời trang Milan của Italy. Người đại diện của nhóm này ngay khi gặp Chloe đã dùng những lời lẽ “có cánh” tâng bốc vẻ đẹp và thân hình bốc lửa của Chloe lên tận mây xanh, lót tay cô một khoản tiền gọi là “đặt cọc” cho hợp đồng chụp ảnh với khoản cát-sê như mơ.

Theo chân anh chàng đại diện mồm mép dẻo như kẹo về nơi nghỉ tạm, Chloe đã bị hắn chuốc rượu say rồi... ném vào túi vải. Khi tỉnh dậy, Chloe nhận ra cổ tay mình bị còng, miệng bị nhét giẻ, trên người chỉ mặc chiếc áo mỏng màu hồng, và không gian xung quanh bít bùng, nóng như lò rèn vì cô đang cuộn mình trong thùng sau một chiếc xe.

Chiếc xe nơi người mẫu bị nhốt.

Trong 3 giờ di chuyển, cô được đưa đến Lemie gần thành Turin. Cô bị nhốt trong một căn nhà nhỏ vùng nông thôn rồi phải xuất hiện trong một buổi đấu giá bất hợp pháp trên trang web đen. Rao bán cô là những tay “nhiếp ảnh gia” giả mạo đã lừa cô đến Milan.

“Các cô gái đều được cung cấp cho thị trường tại các nước Arab với những người đàn ông ở xứ sở Trung Đông xa xôi giàu có và luôn háu đói thứ của lạ. Những người đàn ông đối xử với các cô gái như nô lệ tình dục, họ làm như muốn nuốt chửng chúng tôi ngay tại nơi đấu giá. Nếu có cô gái nào không được ai mặn mà để mắt thì cô gái ấy sẽ là miếng mồi ngon cho “thú dữ” - những gã đem chúng tôi đến Turin”, Chloe Ayling thuật lại với tờ The Sun.

Trong lần đấu giá này, Chloe được một khách hàng ở Abu Dhabi trả giá đến 350.000 USD. Với cái giá ngất ngưởng như thế, Chloe nghiễm nhiên được xếp vào danh sách “hàng hóa cần bảo tồn” - tức phải nhốt kỹ chờ đến ngày “xuất cảnh”.

Chloe Ayling kể lại: “Tôi đã trải qua những ngày thật khủng khiếp. Lần đầu tiên tôi sợ hãi, sống trong sự lo lắng từng giây từng phút trong suốt 4 tuần”. Rất may cho Chloe là giới chức Italy đã lần ra dấu vết của tổ chức chuyên lừa gạt, bắt cóc các cô gái. Những cảnh sát xông vào đúng chỗ giam các cô. Chloe Ayling ước chừng có 5-6 người người tham gia vào nhóm bắt cóc và cô nhìn thấy mặt 2 người trong số đó.

“Tôi biết ơn các nhà chức trách Italy và Anh. Nhờ họ, tôi được trở về nhà an toàn vào đầu tháng 8”, cô nói thêm. Giới chức Italy nghi vấn nhóm đối tượng bắt cóc người mẫu Anh thuộc tổ chức Black Death. Nhóm này hoạt động tại Đông Âu từ năm 1994, khét tiếng vì các vụ bắt cóc, ma túy, ám sát, đánh bom và buôn vũ khí. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp rao bán người trên “web đen”, từng được cơ quan điều tra Anh ghi nhận.

Căn nhà ở vùng nông thôn mà băng tội phạm được cho là đã sử dụng để giam giữ người mẫu Chloe.

Báo cáo của Trung tâm Chống buôn người (UKHTC) thuộc Cục Phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho thấy, nhiều trang web tương tự “Black Death” rao bán “nô lệ” gồm cả nam giới và phụ nữ, trẻ vị thành niên và đương nhiên trong đó có cả mua bán mại dâm.

2 năm trước đây, vào năm 2015, phóng viên người Mỹ Joseph Cox đã đóng vai khách hàng để thăm dò thông tin về một nữ nạn nhân có tên Nicole. Theo thông tin trên trang web của Black Death, Nicole là người Mỹ, bị bắt cóc ở Pháp và giam giữ bí mật ở một nước châu Âu. Giá khởi điểm chúng đưa cô ra đấu giá trên web đen là khoảng 150.000 USD cùng hình ảnh một cô gái tóc vàng bị treo trên dây thừng.

Sau đó, những hình ảnh của Nicole đã được xác định là giả và xuất hiện trên nhiều trang web khiêu dâm khác. Tuy nhiên, Joseph Cox cho biết, sự phản hồi của Black Death cho thấy chúng đã rất thận trọng và từ chối cho người lạ tham gia cuộc đấu giá vì lo ngại bị Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), điều tra.

“Thế giới ngầm” trên Internet mang lại lợi nhuận to lớn cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Một dự án của Trung tâm Nghiên cứu về xung đột, tội phạm và an ninh Anh (PaCCS), do Tổ chức nghiên cứu chính sách RAND Europe tiến hành năm 2016 cho thấy, sự phát triển của mạng xã hội và các trang web trực tuyến càng tạo điều kiện cho tội phạm phát triển trong những năm gần đây.

Nhưng đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Web đen là khu vực bí mật, nơi người sử dụng Internet không thể truy cập bằng các trình duyệt thông thường và cũng không thể tìm kiếm qua thanh công cụ Google. Những năm gần đây, web đen đã trở thành nơi ẩn náu trực tuyến, là “thiên đường” của tội phạm mua bán ma túy, vũ khí hoặc các loại hàng hóa bất hợp pháp khác.

Đại diện văn phòng người mẫu của Chloe Ayling cho biết, trước khi về nước, cô gái trẻ đã hỗ trợ cảnh sát xác minh hiện trường vụ bắt cóc, buôn người. Cô là nạn nhân mới nhất của đường dây buôn bán phụ nữ trên web đen “Black Death” này.

Đối đầu trong ma trận

Một trong những địa chỉ nổi tiếng trên web đen đã được đưa ra ánh sáng gần đây là “Con đường tơ lụa” (Silk Road) - một trang web thương mại điện tử tương tự eBay của Mỹ. Thay vì bán các mặt hàng gia dụng hay điện tử, người dùng truy cập vào Silk Road để mua bán ma túy và các chất gây nghiện thông qua giao dịch trực tuyến.

Theo nghiên cứu của Viện Thông tin mạng tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), doanh thu của Silk Road đạt khoảng 1,2 triệu USD/tháng vào năm 2012, thời điểm trước khi trang web này bị đánh sập. Giới chức an ninh nhiều nước đã tham gia vụ điều tra Silk Road và bắt được kẻ đứng đằng sau chợ ma túy trực tuyến này vào năm 2013. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, các đối thủ cạnh tranh của Silk Road đã “mớm tin” cho lực lượng an ninh để đánh sập trang web đen này. Trên thực tế, trang này đóng cửa lại có nhiều trang mua bán ma túy trực tuyến khác mọc lên.

Người mẫu 20 tuổi bị rao bán trên web đen.

Các chuyên gia của NCA cho biết, việc kinh doanh trái phép trên các web đen ngày càng nở rộ. Một số trang thậm chí cố tình dàn dựng hình ảnh để đăng tải lên Internet nhằm thu hút thêm khách hàng tiềm năng. Không loại trừ vụ bắt cóc người mẫu Chloe Ayling nêu trên cũng là bước đi của chúng để “quảng bá” tên tuổi.

Đáng lo ngại hơn, những web đen như Black Death lại ẩn nấp sau những tài khoản, địa chỉ mạng đã được mã hóa hoặc ẩn danh, gây trở ngại lớn cho quá trình điều tra ngay cả đối với giới an ninh mạng.

Bắt giữ Lukasz Herba, cảnh sát Milan nhanh chóng thu thập các bằng chứng xác nhận việc gã là thành viên thuộc nhóm “Black Death” như tấm hộ chiếu dùng tên giả của Herba và một tờ bướm giới thiệu về tổ chức “Black Death”. Sử dụng hộ chiếu giả, Herba đi về giữa Italy và Anh dưới danh nghĩa kẻ “dắt mối” cho băng nhóm.

Đáng nói là trình độ chuyên nghiệp của “Black Death”. Nhóm này có hẳn tài liệu chi tiết về việc trao đổi - mua bán các cô gái. Nhóm định giá giao dịch với khách hàng dưới dạng bitcoin (một hình thức tiền ảo, thông dụng trên mạng lưới web đen).

Ông Steven Wilson, Giám đốc Trung tâm tội phạm mạng của Europol nói: “Nạn rao bán nô lệ đời mới - nô lệ tình dục - trực tuyến là một vấn đề rất lớn đối với chúng tôi. Hầu hết các hoạt động bất hợp pháp diễn ra trong cái gọi là mạng tối tăm hoặc các mạng peer-to-peer được mã hóa, cung cấp mức độ ẩn danh cao hơn cho người dùng. Nạn nhân mà chúng nhắm tới là các cô gái trẻ, các em còn ở tuổi vị thành niên châu Á, châu Phi hoặc các quốc gia Đông Âu”.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (dẫn nguồn từ Tổ chức Interpol) cho biết doanh số từ mại dâm trên thế giới là 7 tỉ USD/năm. Phần lớn các nạn nhân đến từ Trung và Đông Âu (Moldavia, Ukraine, Bulgaria, Ba Lan, Romania, Nga) và châu Phi (phân nửa trong số các nạn nhân là người Nigeria).

Ông Steven Wilson cũng nói thêm rằng, các nhà điều tra về tội phạm mạng đã nhận thấy sự nổi lên của cái gọi là “báo thù khiêu dâm”, nơi những hình ảnh khiêu dâm được đăng mà không có sự đồng ý của người khác để làm hại người đó hoặc gây ra phiền toái, ảnh hưởng đến thanh danh khiến một số người bị hại phải tìm cách liên hệ với những kẻ điều hành web đen để trả tiền chuộc.

Để chống lại các mối đe dọa này, Europol đang làm việc trên một loạt video thông tin về nguy cơ lạm dụng tình dục trực tuyến, sẽ sớm được phân phối trong các trường học và các cơ quan truyền thông ở các nước châu Âu khác nhau.

Gần đây, Chính phủ Anh đã tiến hành trưng cầu dân ý để hiện thực hóa kế hoạch giới hạn độ tuổi mới trên các trang web người lớn. Lần trưng cầu này chủ yếu hướng tới các nhóm đối tượng bao gồm phụ huynh, giáo viên và các nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Trên thực tế, các trang web đen phần lớn đều giới hạn tuổi người dùng. Tuy nhiên, Chính phủ Anh vẫn luôn nỗ lực tìm cách để nâng cao trách nhiệm của những trang web đó đối với người dùng bởi họ cho rằng, việc chỉ cần người dùng điền ngày tháng năm sinh để chứng minh trên 18 tuổi là không thực sự hiệu quả. Chính phủ đảo quốc sương mù tuyên bố sẽ siết chặt quy định độ tuổi bằng việc gia tăng quyền lực cho các nhà quản lý Internet khi chính thức đi vào đời sống. Đồng thời, người dùng sẽ phải chịu những biện pháp trừng phạt dân sự theo quy định nếu vi phạm.

Đối tượng bị bắt Herba.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết, mục tiêu của quy định mới là buộc những trang web cung cấp các sản phẩm đồi trụy phải kiểm soát người dùng chặt chẽ hơn. Đồng thời, quy định mới này cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào các hãng phim khiêu dâm có quyền kiện hoặc rút vốn nếu như những hãng đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Mặc dù những hãng sản xuất phim khiêu dâm hiện đều có trụ sở ngoài nước Anh, tuy nhiên, nếu tất cả những công ty này muốn tiếp tục hoạt động tại Anh sẽ buộc phải tuân theo quy định mới của chính phủ.

Vào năm 2015, Tổ chức Interpol đã chính thức giới thiệu Công cụ điện tử nhằm ngăn chặn truy cập vào các trang thông tin điện tử có nội dung khiêu dâm trẻ em. Chương trình này do tổ chức Interpol chủ trì với sự trợ giúp kỹ thuật của cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và dự án ngăn chặn phát tán hình ảnh khiêu dâm trẻ em trên mạng Internet (CIRCAMP).

Ban chống mua bán người của INTERPOL phối hợp với Interpol 190 quốc gia thành viên tập hợp danh sách những trang thông tin điện tử có chứa hình ảnh, video clip khiêu dâm trẻ em, sau đó thông qua Văn phòng Interpol quốc gia thành viên để gửi danh sách những trang web đen đó đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở từng quốc gia (ASPs) để triển khai những biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn truy cập vào các trang web đen đó.

Danh sách các trang web có nội dung lạm dụng tình dục và khiêu dâm trẻ em này sẽ được các Văn phòng Interpol quốc gia, các tổ chức quốc tế về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia thường xuyên cập nhật tới Tổ chức Interpol. Trong trường hợp người sử dụng Internet cố tình truy cập vào những trang thông tin có nội dung khiêu dâm trẻ em thì phần mềm chặn truy nhập sẽ tự động chuyển hướng sang một “trang thông tin cảnh báo” của tổ chức Interpol hoặc một “trang báo lỗi”.

Ở các quốc gia thành viên, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được cài đặt trang thông tin cảnh báo trên hệ thống máy chủ. Theo nhận định của Văn phòng Interpol, đây là công cụ rất hữu ích cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng Internet đang ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.