Chế biến ma túy – Nhập khẩu công nghệ ngoại

Thứ Sáu, 25/01/2013, 10:20

Theo một thống kê mới thì đến nay đã có ít nhất 4 đường dây sản xuất ma túy tổng hợp (MTTH) ở trong nước bị phát hiện tại nhiều địa bàn: Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa. Đáng chú ý là chủ mưu trong các lò sản xuất ma túy này đều là những người Việt đã từng có thời gian sinh sống ở nước ngoài.
>> Từ trang trại cần sa ở nước ngoài đến lò “làm đá” ở Việt Nam

Bị phát hiện đầu tiên tại Việt Nam, có lẽ là lò sản xuất MTTH của Phan Văn Chung.

48 tuổi, trú tại khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An, năm 1999 Chung đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Séc. Tại đây, do ăn chơi đua đòi nên Chung mắc nghiện ma túy. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, ở Cộng hòa Séc, Chung toàn giao du với đám bạn nghiện, trong đó có những người chuyên làm công cho các lò sản xuất ma túy. Từ những mối quan hệ này, sau gần 10 năm sống ở Cộng hòa Séc, Chung có được trong tay công thức điều chế MTTH từ tiền chất ma túy và các hóa chất khác.

Đầu năm 2009, Chung về nước với hai bàn tay trắng bởi bao nhiêu năm tuy sống ở nước ngoài nhưng là kẻ nghiện ngập nên Chung không có một xu dính túi. Dù đã có vợ con ở quê nhưng trở về nước trong tình cảnh bê bối như thế, Chung không dám quay về gặp vợ con nên đành lang thang ở các ga tàu, bến xe Hà Nội.

Rồi những ngày sống vạ vật tại Bến xe phía Nam, Chung gặp Nguyễn Văn Hòa, quê Bắc Giang. Hòa là đối tượng hình sự, lúc đó đang bị Công an Bắc Giang truy nã nên dạt xuống Hà Nội lẩn trốn. Cùng hội cùng thuyền, cả hai nhanh chóng kết thân. Đang chả có việc gì để kiếm ăn, lại nghe Chung tâm sự rằng những ngày sống ở nước ngoài, Chung đã học mót được công thức điều chế MTTH, Hòa mừng như vớ được vàng. Thế là từ đó, Hòa đầu tư tiền vốn, thuê nhà làm xưởng điều chế MTTH và sử dụng Chung như một "kỹ sư" làm thuê. Ngoài việc được bao ăn ở, Chung đã được chia một phần lợi nhuận thu được.

Thỏa thuận là như vậy, nhưng vốn là một tên lưu manh chuyên nghiệp nên Hòa rất quái. Hòa thu nạp thêm một số đàn em, cũng là những đối tượng hình sự, về lò ma túy này, phần để canh và đề phòng Chung lấy cắp thành phẩm đi bán, phần để làm mạng lưới đi bán lẻ nếu sản xuất thành công.

Ban đầu, Hòa tổ chức cho Chung điều chế ma túy ngay tại căn nhà trọ ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhưng sau, thấy địa điểm này không an toàn nên Hòa chuyển qua thuê hẳn một căn hộ 3 tầng ở phố Lê Thanh Nghị và sử dụng một căn phòng kín đáo ở tầng 2 làm xưởng sản xuất.

Từ khoảng 28.000 viên tân dược, bằng “phương thức bào chế kỳ công” của mình, Chung đã thu được 200 gram ma túy đá. Số ma túy này, Chung và Hòa giữ lại một phần để sử dụng, còn lại giao cho đồng bọn chia nhỏ bán cho dân chơi ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn… Tổng cộng trong thời gian khoảng một tháng (từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4/2010), Hòa, Chung cùng đồng bọn đã sản xuất được hơn 200 gram MTTH, khi được tiêu thụ có giá  hàng tỉ đồng.

Cũng trở về từ Cộng hòa Séc và cùng nghiện ngập như Chung là Tạ Thị Hiền trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Về Hà Nội, Hiền gặp người cùng hội, cùng thuyền là Nguyễn Thanh Đăng ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Đăng là con nghiện và giống như hầu hết các con nghiện khác, tiền làm ra không đủ cho các cơn nghiền nên lúc nào cũng bê bết.

Trong thời gian ở Cộng hòa Séc, Hiền ở cùng với Nguyễn Thị Quỳnh Hương. Hương cũng nghiện "đá" đến nỗi bị "ngáo đá" nên có biệt danh là Hương "đông kinh" (động kinh). Hiền biết, Hương là một chuyên gia điều chế ma túy đá nên bàn với Đăng dụ Hương về nước để 3 người chung nhau sản xuất ma túy đá.

Nhưng khi Hiền gọi điện cho Hương thì Hương nói ở bên đó rất bết, Hương không có tiền để mua vé máy bay về nước. Vậy là Hiền và Đăng gom tiền lại, gửi cho Hương mua vé máy bay và 1.700USD làm lộ phí để Hương về.

Về nước, Hương được Hiền, Đăng đón tới một nhà nghỉ ở phố Huỳnh Thúc Kháng. Hiền đầu tư tiền vốn để Hương mua toàn bộ dụng cụ, nguyên liệu, hóa chất về để điều chế ma túy ngay tại nhà nghỉ này. Nhưng, không hiểu sao, dù là một "kỹ sư" từng nổi tiếng tại Séc về điều chế ma túy nhưng về đây, Hương không làm được. Hương đã điều chế mấy lần nhưng khi ra thành phẩm thì đều bị hỏng.

Sau này, Hiền còn tiếp tục đầu tư tiền vốn cho Hương về Hải Phòng, sản xuất ở nhà bạn trai nhưng làm nhiều mẻ mà không mẻ nào thành công.

Ổ nhóm sản xuất ma túy đá của Tạ Thị Hiền trước vành móng ngựa.

Thất bại với Hương, Hiền, Đăng tiếp tục tìm mời một “kỹ sư” khác. Đó là Trương Ngọc Dương, người cũng từng lao động ở Séc và đã học được ở đây công thức điều chế MTTH. Bọn chúng đã thuê nhà ở Hà Cầu, Hà Đông và đầu tư vốn cho Dương sản xuất MTTH tại đây.

Ngoài đầu tư vốn cho Dương và Hương "động kinh" làm đá, nhóm của Đăng, Hiền còn đầu tư cho một số đối tượng khác, sản xuất ở một số địa điểm khác tại Hà Nội.

Khôn ngoan hơn ổ nhóm của Chung và Hiền, Nguyễn Đức Chơm, Việt kiều Ba Lan không mở lò điều chế ma túy ở Hà Nội vì ở giữa thủ đô đông đúc, nhà cửa san sát nhau, mùi hóa chất lan tỏa rất khó giấu. Chơm chọn quê y, một ngôi làng nhỏ ven sông Luộc, để mở lò "làm đá" và còn cẩn trọng hơn, Chơm dựng lều ở giữa cánh đồng mênh mông để điều chế.

Xuất khẩu lao động sang Cộng hòa Séc từ năm 1979, sau một thời gian sinh sống ở đây, Nguyễn Đức Chơm lấy vợ người Ba Lan, nhập quốc tịch và định cư ở Ba Lan. Đầu năm 2011, thực hiện kế hoạch mở xưởng điều chế ma túy tại quê nhà, Chơm nhập cảnh về Việt Nam, mang theo hai "chuyên gia kỹ thuật" người Cộng hòa Séc là VaVra Vladimir và Eder Stanislav.

Theo tài liệu xác minh của Văn phòng Interpol Việt Nam thì VaVra Vladimir đã có 7 tiền án, tiền sự ; còn Eder Stanislav thì đã có tới 11 tiền án tiền sự đều về tội trộm cắp và ma túy. Chơm đã dựng lên một lán trại ở khu vực bãi ngô thuộc thôn Hòa Thanh, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, Thái Bình để cho hai "ông Tây" kia "làm đá". Người dân trong làng  thấy sự lạ, hỏi thăm thì Chơm bảo họ đang chế xuất cao su thử nghiệm để sau này sẽ  mở nhà  máy chế biến cao su ở địa phương.

Sau khi bị Lực lượng Công an phát hiện, Nguyễn Đức Chơm đã bỏ trốn. Văn phòng Interpol Việt Nam đã có công điện đề nghị Interpol các quốc gia thành viên tổ chức truy bắt đối tượng. Gần một năm sau, Nguyễn Đức Chơm bị bắt giữ tại Hà Nội.

So với ổ nhóm của Hiền, Chung thì Nguyễn Đức Chơm tỏ ra quái hơn với những thủ đoạn nhằm đối phó với Cơ quan Công an. Song, nếu so với Lê Sỹ Thiệu, Việt kiều Séc, kẻ vừa bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên án tù chung thân thì Chơm cũng mới chỉ là đàn em. Quê ở Thanh Hóa nhưng đầu năm 1996, sau khi được mời sang Cộng hòa Séc du lịch, Lê Sỹ Thiệu đã tìm cách ở lại để rồi cuối cùng được nhập cư vào đây.

Năm năm sau, đầu năm 2011, Lê Sỹ Thiệu trở về nước với bảo bối làm giàu trong tay là công thức điều chế MTTH. Để che mắt thiên hạ Thiệu mở một thẩm mỹ viện hoành tráng ở TP Ninh Bình. Nhưng thực chất đây là địa điểm để Thiệu giao dịch mua bán các hóa chất cần thiết cho việc chế tạo ma túy. Sau đó, Thiệu không "làm đá" ở đây mà chuyển về quê  ở Triệu Sơn, Thanh Hóa để "điều chế". Ngày 9/7/2012, khám xét hai địa điểm này, Cơ quan Công an đã thu được MTTH thành phẩm, nhiều loại dụng cụ, phụ gia và cả bản quy trình cần chú ý trong quá trình sản xuất MTTH do Thiệu chép tay từ Cộng hòa Séc mang về Việt Nam.

Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam:  "Xu hướng du nhập công nghệ  sản xuất ma túy ngoại về Việt Nam đang gia tăng"

PV: Qua kênh hợp tác, trao đổi thông tin giữa các nước thành viên trong tổ chức Interpol, Văn phòng Interpol Việt Nam đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm ma túy trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Tình hình tội phạm ma túy trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài đang diễn biến phức tạp. Càng ngày Văn phòng Interpol Việt Nam càng nhận được nhiều thông tin của cảnh sát các nước thành viên về những vụ việc ma túy có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

PV: Nhiều nhất, có lẽ là chuyện người Việt trồng cần sa?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Trồng cần sa ở nước ngoài, người Việt bên đó gọi là "trồng cỏ". Đầu tiên là những người Việt ở Canada. Sau đó, khi tích lũy được kinh nghiệm trồng cỏ thì họ bắt đầu thông tin về cách thức, về dụng cụ, quy trình… “trồng cỏ” cho những nhóm người Việt ở Anh, ở Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungari, gần đây còn lan sang cả các nước Bắc Âu.

PV: Ở Việt Nam, cũng đã bắt đầu phát hiện được những vườn cần sa, tuy nhiên, mới ở quy mô rất nhỏ chứ không phải là những trang trại với công nghệ chế biến hiện đại, khép kín như ở nước ngoài. Liệu đó có phải là xu hướng theo kiểu nước ngoài có tội phạm gì rồi Việt Nam cũng sẽ có? Ngay MTTH cũng vậy. Trong hầu hết các vụ điều chế MTTH tại Việt Nam đã bị bắt giữ, "chủ trò" toàn Việt kiều hoặc những người đã từng có thời gian sinh sống ở nước ngoài.

Đại tá Đặng Xuân Khang: Đó là xu hướng chung. MTTH đã xuất hiện ở châu Âu từ mấy chục năm trước, kinh nghiệm điều chế do đó cũng đã tích lũy từ rất lâu. Trên thực tế thì cảnh sát các nước qua công tác đấu tranh đã phát hiện, triệt phá nhiều phòng thí nghiệm bí mật sản xuất MTTH. Qua kênh hợp tác quốc tế, những thông tin này đã được cảnh sát các nước trao đổi, cảnh báo về việc khi bị đánh mạnh,  tội phạm sản xuất MTTH  có thể "dạt" sang Việt Nam.

Thêm nữa, các đối tượng người Việt từng phạm tội ma túy ở nước ngoài, sau khi thi hành án xong tùy từng loại hoặc sẽ bị trục xuất về Việt Nam hoặc nếu được ở lại thì sẽ bị cảnh sát nước sở tại kiểm soát rất chặt. Cho nên, những đối tượng này sẽ di chuyển địa bàn hoạt động và Việt Nam sẽ là nơi họ trở về, mang theo những công nghệ chế tạo ma túy đã du nhập từ nước ngoài để sản xuất ở trong nước.

PV: Xin cảm ơn Đại tá.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng  Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy:

Thông qua các vụ án liên quan đến MTTH đã được khám phá cho thấy nguồn MTTH chủ yếu được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam. Ở các vụ án manh nha sản xuất MTTH có thu được công thức sản xuất ma túy, Cơ quan điều tra cần phải làm rõ công thức này có thể sản xuất được MTTH hay không? Qua trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, kết quả cho thấy những công thức thu được này có thể sản xuất ra MTTH nhưng trong điều kiện ở những địa điểm đã phát hiện thì không thể sản xuất ra MTTH thành phẩm mà mới chỉ ở dạng sơ chế thủ công.

Quan điểm của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy là tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đập tan ngay từ khi tội phạm sản xuất ma túy trong nước mới manh nha, không để các đối tượng phát triển thành các labo bí mật sản xuất MTTH với số lượng lớn.

Đ.H.
.
.