Chiến công để ngày mai thêm xanh

Thứ Sáu, 20/07/2012, 12:00

Xanh ở đây, là xanh màu áo, xanh cả về mục đích nữa. Có ai đó từng nói: Vi phạm về môi trường ở ta đầy rẫy, chỉ cần “ra ngoài” là bắt được ngay (!) tức là đã không hiểu được bản chất thực tế. Tội phạm về môi trường cho đến thời điểm này đã thực sự là một loại tội phạm gian ngoan, xảo quyệt và manh động không kém các loại tội phạm hình sự khác.

Và để đấu tranh với chúng, lực lượng chuyên trách cũng phải sử dụng không thiếu các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, thậm chí là cả đối mặt với những hiểm nguy không thể lường trước.

23 giờ đêm. Chiếc xe ôtô du lịch 4 chỗ ngồi loại nhập khẩu lao vun vút trong đêm. Cơn mưa hoàn lưu còn chưa dứt hẳn để lại những vết loang lổ trên mặt đường, gặp ánh đèn xe hắt loáng lên màn sương khiến cho chiếc biển kiểm soát màu xanh gắn vội trước đầu xe đôi lúc nhòe đi sau quầng sáng. Quốc lộ 8A từ cửa khẩu Cầu Treo về ngã ba thị xã Hồng Lĩnh tịnh không một bóng người, xe trong đêm. Thông tin báo về từ đám dò đường tiền trạm: Đường đang... "vắng!". Với chiếc biển màu xanh như tấm "bùa hộ mệnh", gã tài xế càng thêm vững tâm đạp mạnh chân ga. Vừa qua đến ngã ba, chiếc xe ngoặt lái theo đường 1A, tăng tốc vội vã thẳng hướng Bắc về phía cầu Bến Thủy…

Cách đấy không xa, tại trạm thu phí cầu Bến Thủy, thuộc địa bàn phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An, có 5 người đang bình thản ngồi chờ. Họ là những cán bộ, trinh sát thuộc Phòng 5 - Phòng Phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thương mại và lĩnh vực khác thuộc Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Cục Cảnh sát môi trường). Để chuẩn bị cất "mẻ lưới" này, họ đã mất hơn 2 tháng trời, lúc thì theo trong cabin xe khách ngược xuôi qua cửa soát vé, lúc thì đóng vai nhân viên phụ soát vé ngồi lì trong trạm. Con "cá mập" mà họ rình chờ, chính là chiếc xe ôtô 4 chỗ ngồi kia. Và đêm nay, mẻ lưới mang bí số 198N sẽ được cất lên…

Qua công tác nắm tình hình trên tuyến Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện có dấu hiệu các đối tượng nhập trái phép ngà voi vào khu vực biên giới cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - thuộc địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.  Phương thức hoạt động của đối tượng là sau khi nhập lậu trái phép ngà voi vào khu vực biên giới sẽ tổ chức vận chuyển tiêu thụ trong nước.

Khoảng đầu tháng 9/2011, các trinh sát nhận được nguồn tin cho biết: Có đối tượng tên Chiến, khoảng 40 tuổi, HKTT tại xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đang có kế hoạch vận chuyển ngà voi trái phép từ khu vực biên giới cửa khẩu Cầu Treo, thuộc địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đến TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Trong chuyến này, theo tin báo về, số lượng ngà voi không dưới hai tạ đang được tập kết tại nước bạn Lào (khu vực gần biên giới cửa khẩu quốc tế Cầu Treo) chờ thời điểm thích hợp các đối tượng sẽ vận chuyển trái phép vào Việt Nam qua khu vực biên giới. Sau khi qua cửa khẩu, số hàng nói trên sẽ được đưa đến Vinh để tiêu thụ. Việc vận chuyển ngà voi của các đối tượng không có hồ sơ, chứng từ kèm theo là vi phạm Công ước Cites quy định về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp…

Vụ vận chuyển Hơn 200kg ngà voi, một cuộc tàn sát thiên nhiên đã bị lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện.

Khi chiếc xe hạng sang mang biển kiểm soát 29N - 5967 buộc phải giảm tốc trờ tới cửa soát vé cũng vừa lúc các trinh sát áp sát bên cửa xe. Mặc dù hoàn toàn bất ngờ, nhưng ngay khi vừa nhận ra có dấu hiệu khác thường, 1 trong số 4 tên ngồi trong xe đã kịp đạp cửa lao ra ngoài, lợi dụng trời tối và địa hình chạy thoát. Thấy có "động", đám còn lại trong xe nhớn nhác. Tổ công tác lập tức nổ súng thị uy. 3 đối tượng còn lại bị khống chế tức thì. Thanh kiếm sắc lẹm giấu dưới ghế lái xe còn chưa kịp rút ra… Đối tượng điều khiển xe là Lê Anh Chiến, người ở thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hai đối tượng ngồi trên xe là Bùi Văn Tĩnh và Chu Quang Trình, cũng đều là người Hà Tĩnh.

Kiểm tra chiếc xe, tổ công tác phát hiện chiếc xe Camry chở 8 bao tải dứa, bên trong có 75 đoạn, khúc có tổng trọng lượng 209kg. Qua giám định cho biết toàn bộ là ngà voi. Chiến khai nhận vận chuyển số ngà voi nói trên từ Sơn Tiến - Hương Sơn, Hà Tĩnh về TP Vinh, Nghệ An với giá 6 triệu đồng. Thanh kiếm dài 70cm sắc lẹm dưới gầm ghế tài xế được Chiến khai nhận là mang theo để… đề phòng bị cướp hàng!? Ước tính với số lượng ngà voi nói trên được vận chuyển trót lọt sẽ có giá trị khoảng 3,1 tỉ đồng. Việc mang theo thanh kiếm với mục đích như vậy thêm khẳng định Chiến và những kẻ trên xe biết rõ hàng hóa chúng vận chuyển là loại hàng gì, nhưng vì lợi nhuận những đối tượng này đã bất chấp tất cả.

Thiếu tá Lê Văn Tuân, trẻ măng, Đội trưởng Đội 1 - Đội Phòng chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu - đơn vị mũi nhọn chủ công của Phòng 5 là 1 trong số 2 người tiếp cận bên thành chiếc xe Camry đêm hôm ấy. Mọi phương án đã được chuẩn bị sẵn, kể cả phương án đề phòng chúng "rứt dậu" giữa đêm vắng. Thực tế về sự liều lĩnh của những kẻ vận chuyển hàng quốc cấm đã từng xảy ra, nhưng nó không ngăn được quyết tâm trấn áp tội phạm của những người lính bảo vệ môi trường. Phương án đè phương án, hung khí của kẻ thủ ác còn chưa kịp rút ra…

Chắc hẳn nhiều người còn chưa quên vụ bắt giữ vận chuyển trái phép 500kg tê tê từ miền Trung đi Quảng Ninh. Với giá thị trường khoảng 6 triệu đồng/cân thì đủ hiểu sự liều lĩnh và sẵn sàng manh động của những đối tượng vận chuyển đến mức độ nào. Một trong những phương thức thủ đoạn mà các đối tượng vận chuyển hàng quý hiếm trong danh mục cấm, động vật hoang dã thường sử dụng là dùng những chiếc xe đắt tiền nhưng có nguồn gốc nhập lậu để dễ che giấu tung tích nếu bị phát hiện. Ngoài ra, chúng không từ các thủ đoạn như đi đêm hôm hay liên tục thay biển số giả qua từng địa phương, thậm chí làm giả cả các loại biển xanh, biển đỏ dành cho xe chuyên dụng.

5 tạ tê tê cùng những chiếc biển giả và một túi đinh các đối tượng dùng để chống trả sự truy bắt của lực lượng chức năng.

Trong vụ bắt giữ 500kg tê tê nói trên, sau khi tạm giữ phương tiện, các trinh sát đã phát hiện ra có tới gần chục bộ biển giả giấu đằng sau cốp xe, theo lời khai của các đối tượng là "được lắp ra lắp vào suốt dọc hành trình". Với lợi nhuận lớn, những đối tượng vận chuyển hàng cấm, động vật hoang dã còn thường xuyên sử dụng "mạng lưới thám báo" theo từng địa bàn cả phía trước và sau xe vận chuyển để dò la những "bất thường" trên đường cũng như chủ động phát hiện sớm nếu bị truy đuổi. Và đến khi không còn "cửa" nào nữa thì bọn tội phạm sẵn sàng lao thẳng chiếc xe - như một chiêu thức cuối cùng - vào lực lượng chức năng hòng tẩu thoát.

Chắc không nhiều người biết đến vụ bắt hụt cũng một số lượng lớn động vật hoang dã trên cung đường 18 đi Quảng Ninh trước đó ít lâu. Lần ấy, sau khi tổ công tác của Phòng 5 đã bố trí khóa đuôi và chặn đầu, đối tượng đã liều lĩnh lao cả xe với tốc độ cao vào lực lượng chốt chặn. Chiếc Coaster 30 chỗ chắn ngang đường bung toàn bộ phần quây phía đuôi xe, tạo thành một lỗ thủng vừa khít cho chiếc xe gian đào tẩu. Rất may là không có thiệt hại về người trong pha liều mạng ấy. Nói như thế để thấy, cuộc đấu tranh với tội phạm về môi trường không hề đơn giản!

Hay như trong một chuyên án mới đây, tại ga Giáp Bát, Hà Nội, tổ công tác Phòng 5 đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển 34 tấn mì chính không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Thực ra thì tính từ năm 2007 đến nay, các tổ công tác của Phòng 5 đã bắt gần 60 tấn mì chính nhập lậu kiểu này. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã bắt được 45 tấn. Và lần kể đây là lần bắt giữ với số lượng lớn nhất. Tất cả số mì chính này được đóng trong các bao bì viết chữ Trung Quốc, và đều không có giấy tờ. Thực tế cho thấy với hộ gia đình sẽ không bao giờ sử dụng những loại mì chính này. Theo phán đoán, số mì chính này sẽ chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ rải rác trên địa bàn. Và tuy là hàng nhập lậu phân tán với giá rẻ, nhưng hậu quả cho khách hàng sử dụng thì thật khôn lường…

Gần 60 tấn mì chính không rõ nguồn gốc đã được ngăn chặn đưa ra thị trường bởi lực lượng Cảnh sát Môi trường.

Cho đến thời điểm nay, lực lượng Cảnh sát Môi trường vẫn đang thuộc diện "cơ quan điều tra khác", chưa được đầy đủ thẩm quyền tố tụng như một cơ quan điều tra theo luật định. Chính điều này đã khiến cho công tác phòng, chống tội phạm về môi trường gặp nhiều khó khăn. Thực tế qua các vụ án cho thấy, để đi đến được kết quả cuối cùng, lực lượng chức năng vẫn phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ rất cụ thể, cương quyết và cũng không thiếu những nguy hiểm. Với những vụ vận chuyển động vật hoang dã như trên, đối tượng luôn thay hình đổi dạng, nếu không phải có sự bài bản và tinh thần quyết tâm chống tội phạm đến cùng thì khó mà thành công được.

Hay như một loạt vụ vi phạm xả thải độc hại ra môi trường do các đơn vị chức năng khác của Cục Cảnh sát môi trường phanh phui gần đây cũng cho thấy, không thể thành công nếu không áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cương quyết. Việc xả thải của các nhà máy, cơ sở ấy, có thể nói người dân quanh vùng có ai là không biết? Nhưng tại sao để lấy mẫu theo đường chính thống, lập các đoàn kiểm tra công khai, áp dụng các biện pháp hành chính thì gần như đều thất bại? Ấy là vì những đối tượng vi phạm, và là vi phạm có chủ đích. Vậy thì một khi họ đã chủ định vi phạm, thì cũng sẽ chủ định đối phó. Nếu không phải là áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, buộc những cơ sở đó phải đối mặt với những chứng cứ không thể chối cãi, thì họ lại tìm cách cãi bay, chối biến đi ngay. Cái khó của "cơ quan điều tra khác" chính là ở chỗ đấy.

Phá án vận chuyển động vật hoang dã.

Nhưng, nói như thế không phải là thấy khó mà thôi! Những năm qua, kể từ khi thành lập, chiến công của lực lượng Cảnh sát Môi trường nói chung, và Phòng 5 nói riêng vẫn cứ "đều như vắt chanh". Thượng tá Nguyễn Quốc Trung, Trưởng Phòng 5 ngồi bấm ngón tay, liệt kê "cơ bản" một vài chiến tích của đơn vị anh phụ trách: Vụ phát hiện Công ty Cổ phần Công nghiệp Thiên Quang ở Phố Nối A - Hưng Yên nhập khẩu 57 container rác thải; Vụ Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long - Vinashin Hải Phòng nhập 21 máy biến thế sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước, có những máy chứa cả dầu thải PCB cực kỳ độc hại; Vụ Công ty Anh Trang ở Hải Phòng và Công ty Sợi hóa học Thế kỷ mới ở Cái Lân, Quảng Ninh nhập 2.500 tấn thép phế liệu bẩn; Vụ Công ty TNHH SX-TM Đại Đông và Công ty TNHH XD-TM Cao Thắng tại Bình Dương cấu kết với doanh nghiệp Đài Loan nhập khẩu hàng trăm tấn chất thải nguy hại núp dưới danh nghĩa hóa chất Methanol, là nguyên liệu sản xuất hay vụ Công ty INDECO nhập khẩu trái phép gần 200 tấn vi mạch điện tử, Phòng 5 đã xác minh làm rõ và đề xuất lãnh đạo Cục ra quyết định xử phạt 400 triệu và buộc tái xuất toàn bộ lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…

Chiến công nhiều không kể hết, và danh hiệu cũng liên tục: Danh hiệu Đơn vị Quyết thắng trong phong trào thi đua vì An ninh Tổ quốc các năm 2007 - 2008 và 2010. Cờ thi đua của Bộ Công an năm 2009. Tập thể CBCS Phòng 5 được Bộ Công an tặng bằng khen (4 lần) cho các đợt cao điểm tập trung trấn áp tội phạm và thành tích điều tra chuyên án… Chiến công càng nhiều, thành tích càng cao càng phản ánh rõ nét tính phức tạp trong cuộc chiến đấu của những người lính đang ngày đêm dốc sức vì một hành tinh xanh cho nhân loại

Việt Ba
.
.