Chính phủ Mỹ tìm cách ngăn cản WikiLeaks công bố tài liệu mật

Thứ Bảy, 30/10/2010, 10:25
Washington đang ráo riết chuẩn bị đối đầu với một "cuộc chiến thông tin" mới với trang web WikiLeaks, nơi đang dự định sẽ công bố thêm gần 400 ngàn tài liệu mật nữa về cuộc chiến Iraq.

Lầu Năm Góc cho thành lập một nhóm các chuyên gia nghiên cứu về những hậu quả có thể xảy ra từ số tài liệu sắp được công bố này và kêu gọi các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế "phớt lờ" hoạt động của WikiLeaks.

Theo khẳng định của người đứng đầu trang web trên là Julian Assange, chính quyền Mỹ còn đang tìm cách ngăn chặn những kênh cung cấp tài chính cho trang web trên. Người Mỹ đang thực sự lo ngại những tài liệu được công bố sẽ làm rõ về tội ác chiến tranh của họ tại Iraq cũng như làm lộ mặt nhiều điệp viên người Iraq của họ tại quốc gia này...

Trang web WikiLeaks được Julian Assange (công dân Australia) thành lập từ 4 năm về trước. Với phương châm hoạt động "Chúng tôi sẽ phanh phui các chính phủ", cổng thông tin trên mạng toàn cầu này chuyên tập trung vào việc công bố những thông tin mật.

Tháng 7 vừa qua, WikiLeaks đã khiến cả thế giới phải xôn xao vì đã công bố tới 70 ngàn tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan từ kho lưu trữ điện tử của Lầu Năm Góc. Sự kiện trên được đánh giá là vụ vi phạm nguyên tắc bí mật lớn nhất trong lịch sử quân sự Mỹ.

Giờ đây, giới điều hành trang WikiLeaks từ vài tháng trước đã tuyên bố rằng, họ đang có trong tay nhiều tài liệu mật về cuộc chiến Iraq. Nhiều khả năng trong đó có chứa thông tin chi tiết về các chiến dịch đặc biệt bí mật của quân đội Mỹ, về cơ cấu của lực lượng an ninh Iraq và số lượng những nạn nhân là dân thường trong cuộc chiến.

Theo chính những nguồn tin từ WikiLeaks, sẽ có khoảng 400 ngàn tài liệu được công bố trong vài ngày sắp tới. Tương tự như hồi công bố hồ sơ về cuộc chiến Afghanistan, những tài liệu này cũng sẽ xuất hiện đồng thời trên những tờ báo nổi tiếng như The New York Times (Mỹ), The Guardian (Anh) và tạp chí Der Spiegel (Đức).

Nhiều quan chức tại Washington lo ngại rằng, một số lượng hồ sơ mật quy mô lớn như vậy bị tiết lộ có thể sẽ là một đòn nghiêm trọng hơn giáng vào Lầu Năm Góc so với đợt công bố tài liệu mật về Afghanistan hồi cuối tháng 7. Chính vì vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã vội vàng thành lập một nhóm đặc biệt gồm 120 chuyên gia, có nhiệm vụ phân tích kỹ lưỡng tất cả những tài liệu ngay sau khi vừa được công bố.

Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng kêu gọi các nhà báo nên "phản ứng bình tĩnh hơn" trước hoạt động của WikiLeaks. "Những phương tiện truyền thông đại chúng nghiêm túc không nên coi WikiLeaks như một nguồn thông tin có uy tín" - đại diện chính thức Dave Lapan của Lầu Năm Góc tuyên bố hôm 18/10. Theo giới chức quân sự, báo chí không nên quảng bá những thông tin tương tự như vậy, do chúng có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho chiến dịch quân sự tại Iraq.

Trong khi đó, Julian Assange cũng đang lên án Washington không chỉ triển khai một "chiến dịch bẩn thỉu" nhằm bôi nhọ uy tín của họ, mà còn tìm cách ngăn chặn mọi kênh cung cấp tài chính của trang web, từ trước vẫn hoạt động chủ yếu từ tiền quyên góp của các cá nhân.

Ngày 13/10 vừa qua, Hãng MoneyBookers (một trong những thủ lĩnh hàng đầu về thanh toán điện tử của Anh) đã quyết định phong tỏa tất cả các tài khoản của trang web này. Trong lá thư gửi cho ông Assange, các đại diện của công ty này cho biết, quyết định trên xuất phát từ việc Chính phủ Mỹ bắt đầu mở cuộc điều tra đối với WikiLeaks. "Tôi hy vọng hành động trên sẽ gây tổn hại thực sự tới uy tín của hãng thanh toán đã hành động một cách hèn nhát trong thời điểm quan trọng như vậy" - ông Assange tỏ ra giận dữ phát biểu.

Nhưng rắc rối vẫn chưa phải là hết. Mới hôm 18/10, chính quyền Thụy Điển đã từ chối cấp giấy phép cư trú cho Assange, một hành động theo quan điểm của ông này là chỉ thuần túy xuất phát từ nguyên nhân chính trị. Trước đó, cũng chính Thụy Điển đã từng đưa ra lời cáo buộc về các tội danh  cưỡng bức và xâm hại tình dục đối với người đứng đầu WikiLeaks. Bất chấp việc Viện Kiểm sát Stockholm đã nhanh chóng gỡ bỏ những cáo buộc trên, uy tín của ông Assange đã bị tổn hại nghiêm trọng.

WikiLeaks còn gặp rắc rối vì những rạn nứt ngay trong nội bộ. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, cựu phát ngôn viên của ông Assange là Daniel Domscheit-Berg (còn có bút danh là Smith) trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel đã tuyên bố, ông ta cùng một vài người đã quyết định rời bỏ WikiLeaks. Cũng theo lời Domscheit-Berg, tình trạng chia rẽ trên bắt nguồn từ phong cách điều hành mang tính độc đoán của Julian Assange, người tỏ ra đặc biệt khó chịu trước những lời chỉ trích.

Ngoài ra theo một số nguồn tin, những bất đồng nghiêm trọng trong hàng ngũ WikiLeaks cũng nảy sinh từ dự định của Assange cho công bố những tài liệu mật về Iraq mà không phân tích thấu đáo những hậu quả có thể xảy ra. Theo kế hoạch ban đầu, hồ sơ về cuộc chiến Iraq sẽ xuất hiện trên WikiLeaks hôm 11/10. Tuy nhiên từ thời điểm đó, cổng thông tin trên đã tạm hoãn công bố để "cơ cấu lại". Chi tiết trên, theo ý kiến nhiều nhà quan sát, là do ông Assange đã quyết định có một vài nhượng bộ, rút khỏi loạt hồ sơ  những thông tin trên lý thuyết có thể đe dọa đến mạng sống của nhiều người.

Cũng theo giới quan sát, cho dù cuộc chiến tại Afghanistan đang làm xao nhãng sự chú ý của công luận đối với đề tài Iraq, nhưng Washington không hề muốn vụ rò rỉ thông tin tiếp theo này sẽ khiến cho công luận biết được về những vụ lính Mỹ sát hại dân thường, cũng như những hành vi làm nhục và ngược đãi tù nhân Iraq tương tự như tại nhà tù Abu-Ghraib.

Chưa hết, Washington còn lo ngại những tài liệu trên có thể làm tiết lộ tên tuổi của một số cư dân địa phương là nguồn tin bí mật của quân đội Mỹ tại Iraq. Như Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, còn công khai buộc tội đội ngũ nhân viên của WikiLeaks rằng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của những nguồn tin bị lộ trên

Linh Nga (tổng hợp)
.
.