Chợ đen đĩa lậu phát triển mạnh ở Trung Quốc

Thứ Hai, 13/09/2010, 11:25
Mỗi ngày, Shen Bing, 36 tuổi, lái xe từ nhà ở quận Daxing đến một hiệu đại lý sách của một nhà xuất bản ngoại văn lớn nhất Trung Quốc để bán đĩa sao chép lậu. Ông đậu xe ở sân sau hiệu sách và lôi hàng trăm đĩa lậu, phân ra một bên là đĩa và một bên chỉ là bao bì đĩa. Dĩ nhiên chỉ những bao bì không có đĩa bên trong được Shen bày ra trước hiệu sách.

Ông nói: "Nếu nhân viên trật tự đến tôi sẽ bỏ chạy và để lại đống bao bì đĩa, còn những chiếc đĩa đắt tiền vẫn an toàn". Những chiếc đĩa "đắt tiền" được Shen giấu trong những cái hộp và được khóa cẩn thận ở yên sau của hai chiếc xe đạp cũ kỹ dựng ở sân sau hiệu sách. Khi khách đến mua, vợ của ông là Zhang Mei sẽ đến chỗ giấu này để lấy đĩa. Một buổi chiều hai vợ chồng có thể bán được 50 đĩa.

Vợ chồng Shen là một trong 3 gia đình bán đĩa lậu đã 10 năm nay trước hiệu sách. Khách hàng của họ gồm sinh viên, giáo sư, công chức về hưu...

Một giáo sư người Australia giảng dạy ở Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh thường dẫn cô con gái đi mua đĩa phim hoạt hình của Nhật Bản sao chép lậu. Hai cha con là khách quen của ông Shen. Ông nói: "Khách nước  ngoài ít khi trả giá nên bán đĩa cho họ rất lời". Shen bán cho khách nước ngoài với giá 5 NDT một đĩa, còn người địa phương là 4 NDT, trong khi giá mua vào chưa đến 1 NDT! Còn những đĩa DVD thuộc loại HD Shen bán với giá 8 NDT và đĩa DVD nén giá 10 NDT.

Sinh viên người Italia tên là Giuseppe Malagisi nói trung bình giá một đĩa DVD sản xuất hợp pháp ở châu Âu là 15 euro (khoảng 20,2USD), nhưng với đĩa lậu giá chỉ 1,5 euro. Anh nói: "Tôi có thể tìm mua đĩa lậu hoặc tải miễn phí từ Internet". Theo Malagisi, những trang web cho tải phim miễn phí như thế không bị coi là bất hợp pháp ở Italia.

Những đĩa phim đoạt giải Oscar trong năm bán rất chạy ngoài chợ đen đĩa lậu của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê được Hiệp hội Video và Audio Trung Quốc tiết lộ, thị trường chợ đen đĩa sao chép lậu ở Trung Quốc có doanh thu khoảng 24 tỉ NDT (khoảng 3,52 tỉ USD) mỗi năm. Thị trường đĩa lậu có hệ thống sản xuất và phân phối rất chặt chẽ. Để tránh gây chú ý cho chính quyền Trung Quốc, một số cơ sở sao chép đĩa lậu có nguồn tài chính dồi dào tổ chức sản xuất đĩa trên những con tàu neo ngoài biển, theo báo cáo của International Financial News.

Chính quyền Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, tiêu hủy những sản phẩm bất hợp pháp.

Những "nhà sản xuất" bất hợp pháp này thường giấu mặt và không bao giờ tiếp xúc với những người bán lẻ. Do đó, cho dù người bán lẻ đĩa lậu có bị bắt và bị phạt thì mạng lưới sản xuất đĩa lậu  vẫn không bị động đến. Đĩa sao chép lậu được đưa vào Trung Quốc đại lục từ Hongkong, Macau và từ nước ngoài và  trong những năm gần đây, những vụ bắt giữ đĩa lậu của chính quyền Trung Quốc đã giảm bớt sau khi mạng lưới sản xuất lậu di chuyển đến những nơi xa xôi hơn.

Woo Yu-Sen, đạo diễn phim hành động Hongkong, nói: "Quyền sở hữu trí tuệ phải được tôn trọng. Nếu  không những nhà làm phim lao động cực nhọc sẽ chịu đựng sự thiệt thòi rất lớn". Theo Woo Yu-Sen, nếu như mọi người coi việc sản xuất và bán đĩa lậu là một tội phạm thì thị trường đen này sẽ không còn đất sống.

Theo luật của Trung Quốc, nếu bán trên 100 đĩa CD lậu thì người bán dạo sẽ bị phạt tiền. Với doanh thu dưới 10.000NDT, người bán đĩa lậu bị phạt tiền từ 10.000 đến 50.000NDT. Nếu số CD có giá trị hơn 10.000NDT, người bán đĩa lậu sẽ bị phạt gấp 5 - 10 lần doanh thu.

Đĩa CD lậu chủ yếu được sản xuất ở các tỉnh phía nam Trung Quốc và sau đó chúng được vận chuyển bí mật đến Bắc Kinh để phân phát rộng khắp tới những người bán dạo. Trong khi đó nguồn nhân lực của chính quyền rất mỏng: có trên 4.000 cơ sở bán đĩa ở Bắc Kinh trong khi chỉ có 390 nhân viên kiểm soát thị trường cho nên việc sao chép địa lậu ở Trung Quốc khó lòng kiểm soát

T.P. (tổng hợp)
.
.