Chống buôn lậu ngà voi ở Hồng Kông

Thứ Hai, 05/11/2012, 23:55

Ngà voi vẫn luôn được coi là biểu tượng của sự giàu sang của người Trung Quốc và nhu cầu ngày một tăng cao về mặt hàng này đã biến thành phố cảng Hồng Kông thành điểm trung chuyển chính cho những kẻ kinh doanh bất hợp pháp.

Hơn 20 năm sau khi quốc tế có lệnh cấm buôn bán ngà voi, ngành kinh doanh béo bở này vẫn phát triển mạnh. Tom Milliken, quan chức thuộc Tổ chức Giám sát kinh doanh động vật hoang dã (WTMN), cho biết, ngà voi được coi là sản phẩm xa xỉ giúp khẳng định vị trí xã hội của tầng lớp nhà giàu đang tăng ở Trung Quốc và "chúng tôi đang chứng kiến tình trạng săn giết voi và buôn bán ngà voi bất hợp pháp diễn biến hết sức tồi tệ trong 23 năm qua".

Và, Hồng Kông được cho là điểm trung chuyển chính cho những chuyến hàng ngà voi trong hành trình từ châu Phi đến tỉnh Quảng Châu - trung tâm kinh doanh ngà voi của Trung Quốc đại lục, bất chấp mọi biện pháp ngăn chặn của chính quyền địa phương. Sau khi đến được Quảng Châu, số ngà voi buôn lậu được gia công thành các tác phẩm nghệ thuật đủ mọi kiểu dáng và kích cỡ trong các nhà xưởng.

Bất chấp chính sách giám sát hết sức chặt chẽ của Cơ quan Thuế và hải quan Hồng Kông - tổ chức từng nhận được giấy khen về thành tích chống buôn lậu động vật hoang dã của CITES (Công ước quốc tế cấm khai thác và kinh doanh động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng), việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu ngà voi là vô cùng khó khăn. Theo quan chức Hải quan Hồng Kông, lượng hàng buôn lậu đi qua thành phố cảng lớn đến mức khó thể giám sát hết.

Từ năm 2010 đến 2011, Hải quan Hồng Kông đã bắt giữ được 20 lô hàng ngà voi bất hợp pháp tổng cộng gần 6.000kg, nhưng do khó truy nguyên những chuyến hàng này thuộc tổ chức buôn lậu nào nên chỉ có vài vụ bị truy tố vì vậy hiệu quả răn đe không cao. Tháng 11/2011, Hải quan Hồng Kông phát hiện 60kg đũa và vòng đeo tay gia công từ ngà voi cũng như một số chiếc sừng tê giác giấu bên trong một container chứa đầy phế liệu nhựa. Mặc dù xác định được đơn vị nhập khẩu lô hàng là một công ty có trụ sở tại Hồng Kông song chính quyền thành phố vẫn không có đủ bằng chứng để đưa vụ việc ra tòa án.

Khi hoạt động kinh doanh ngà voi bị cấm trên toàn thế giới vào năm 1989, nhiều tư thương và thợ khắc chuyển sang dùng ngà voi mammoth (hóa thạch) nhập từ Nga để thỏa mãn nhu cầu của người Trung Quốc, song dường như loại ngà này không được ưa chuộng và khó bán. Michael Lau, chủ cửa hàng Cho's Arts and Crafts trên đại lộ Hollywood ở Mỹ, cho biết người châu Á vẫn thích ngà voi hoang dã  hơn sản phẩm hóa thạch. Theo báo cáo tháng 7/2012 của CITES, người Trung Quốc chi mạnh tiền bạc cho ngà voi dẫn đến tỷ lệ voi rừng bị sát hại bất hợp pháp tăng cao.

Cũng theo báo cáo của CITES, từ năm 2002 đến 2004 giá ngà voi thô bất hợp pháp tăng gấp đôi, từ 150 USD đến 300 USD/kg; và con số này tăng đến 700 USD/kg từ năm 2004 đến 2010. Còn theo dữ liệu của ETIS (Hệ thống Giám sát toàn cầu ngành kinh doanh ngà voi bất hợp pháp), từ năm 2009 đến 2011 số ngà voi buôn lậu bắt giữ được ở Trung Quốc là 29.000kg.

Tại một cuộc họp báo, Giới chức hải quan Hồng Kông trưng bày số ngà voi buôn lậu bắt giữ được.

Món lợi thu về cho bọn buôn lậu là rất lớn - năm 2011, giá ngà voi thô trên thị trường đen ở Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần, từ 279 USD đến 900USD/500g. Trong khi chiếc ngà voi được chạm khắc cầu kỳ có giá đến hơn 1 triệu USD. Đại lộ Hollywood là điểm đến của những người giàu có muốn mua ngà voi. Đến với những cửa hàng đồ cổ và các showroom hiện đại trên đại lộ Hollywood, người mua có thể tìm thấy những món đồ trang sức bằng ngà voi được chế tác từ trước khi có lệnh cấm quốc tế vào năm 1989.

Theo  Alice Chan, bà chủ của Prestige Craft, một trong những cửa hàng kinh doanh ngà voi có tiếng ở Hồng Kông, người Trung Quốc không hề tiếc tiền với mặt hàng ngà voi. Koon Yee-wan, nữ giáo sư khoa Nghệ thuật Đại học Hồng Kông, lập luận rằng nhu cầu về các sản phẩm ngà voi hiện nay phản ánh sự mê chuộng ngà voi từ ngàn xưa của người Trung Quốc. Dưới triều đại nhà Minh ở Trung Quốc, ngà voi được coi là thứ hàng hóa xa xỉ chỉ dành cho bậc thượng lưu trong xã hội. Trong xã hội hiện đại, ngà voi tiếp tục là biểu tượng cho sự thành đạt và thứ hàng hóa được giới văn nhân ưa chuộng.

Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên cho rằng chính quyền Trung Quốc có đủ sức mạnh để kiềm chế nhu cầu sở hữu ngà voi, nhưng có lẽ họ thiếu ý chí để thực hiện điều đó. Theo dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu môi trường (EIA), Trung Quốc đã trấn áp thành công hoạt động kinh doanh trái phép sừng tê giác vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước và đó là bằng chứng cho thấy chính quyền nước này đủ sức để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã nếu muốn.

Hiện nay, phần lớn các chiến dịch nhằm làm giảm bớt nhu cầu về ngà voi ở Trung Quốc do các tổ chức phi lợi nhuận tiến hành với sự giúp đỡ của các nhân vật nổi tiếng như là ngôi sao bóng rổ Yao Ming của nước này. Trong khi chính quyền Trung Quốc đại lục chưa phát động chiến dịch triệt phá những đường dây buôn lậu ngà voi thì Hồng Kông đang cố gắng làm điều này để bảo vệ thanh danh của thành phố cảng. Và, cùng nỗ lực với nhà chức trách Hồng Kông trên mặt trận này là nhóm bảo vệ môi trường thiên nhiên gọi là WildAid

Thục Miên (tổng hợp)
.
.