Chống lạm dụng ma tuý trong lực lượng cảnh sát Afghanistan

Thứ Sáu, 18/01/2013, 14:20

Chịu trách nhiệm duy trì an ninh đất nước sau khi quân đội nước ngoài bắt đầu rút đi, song Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Afghanistan (ANP) vẫn còn mang tiếng tham nhũng đồng thời bị chỉ trích lạm dụng ma túy và quyền lực. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Anh (FCO), giới chức nước này lo ngại cho số phận của Afghanistan và cơ hội trấn áp Taliban của đất nước nếu như chính quyền Kabul không trừ tiệt được nạn tham nhũng lan tràn như dịch bệnh trong cơ cấu ANP.

Một báo cáo mật tháng 10/2012 của FCO về năng lực của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Afghanistan (AUP) - lực lượng thực thi pháp luật chính của nước này cùng với ANP - cho biết: "Nếu không có một sự thay đổi triệt để xảy ra nhằm xây dựng tính liêm chính của các sĩ quan AUP, lúc đó cơ cấu an ninh vẫn tiếp tục hoạt động không hiệu quả và làm bại hoại đất nước trong một thập niên sắp tới". Một loạt các tài liệu đánh giá của FCO cho thấy mối lo ngại đáng kể về khả năng giữ gìn an ninh trật tự của một đất nước bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan sau khi các lực lượng quốc tế bắt đầu rút quân.

Theo kế hoạch, một lượng lớn binh sĩ nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Các chi tiết báo cáo của FCO được biết đến chỉ một ngày sau khi Thủ tướng David Cameron có cuộc nói chuyện với binh sĩ Anh trong chuyến viếng thăm của ông đến Afghanistan, tuyên bố quân đội Anh có thể sẽ rút đi nhanh hơn dự kiến do các lực lượng an ninh địa phương "hoạt động tốt hơn mong đợi". Thủ tướng thông báo nước Anh sẽ giảm một nửa quân số ở Afghanistan vào năm 2013 theo kế hoạch rút quân.

Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan mới đây cũng thừa nhận trên Đài Truyền hình quốc gia rằng nạn tham nhũng là "thực tế cay đắng" rất phổ biến trong ANP. Các báo cáo của FCO đưa ra một loạt nhiều vấn đề liên quan đến Cảnh sát Afghanistan có thể gây cản trở cho sự phát triển của đất nước trong những năm sắp tới. Báo cáo của FCO cũng kêu gọi có hành động cụ thể chống lại nạn lạm quyền và thói gia đình trị trong bổ nhiệm các sĩ quan cảnh sát cao cấp trong lực lượng AUP và ANP.

Một tài liệu báo cáo khác của FCO - tựa đề "Vai trò của luật pháp ở Afghanistan sau năm 2014" - nhận định hệ thống tư pháp của Afghanistan có sự cải thiện, song các nỗ lực chống tham nhũng không có được hiệu quả do có sự can thiệp của giới chính khách vào những vụ truy tố các sĩ quan cấp cao. Các sĩ quan ANP - những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống tội phạm - phải cam chịu đồng lương còm cõi và tỷ lệ thương vong khi thi hành nhiệm vụ lại cao hơn gấp đôi so với các đối tác trong quân đội Afghanistan.

Nhưng một tài liệu của FCO - tựa đề "Những thay đổi trong ANP" - quan sát thấy: "Lực lượng cảnh sát Afghanistan vướng phải nhiều vấn đề. Trong số 82.000 người trên danh nghĩa phục vụ lực lượng, chỉ có khoảng 60.000 người được tin là có năng lực. Chúng tôi đánh giá có trên 70% số cảnh sát mù chữ và lạm dụng ma túy là một vấn đề nghiêm trọng". Còn tỷ lệ sĩ quan AUP lạm dụng ma túy ước khoảng 9%, so với bình quân trong nước là 8%.

Tân binh ANP.

Một báo cáo khác đánh giá đạo đức của ANP, cho thấy lực lượng "mắc nhiều khuyết điểm trong nhiều khu vực", bao gồm ăn hối lộ và trộm cắp. Theo báo cáo, người dân coi ANP là tổ chức tiêu cực, với nhiều ghi nhận về gian lận thuế, tống tiền và một số tội phạm nghiêm trọng khác cũng như nghiện ma túy.

Sandra Osborne, nghị sĩ Công đảng Anh và thành viên của Ủy ban Chọn lọc quốc phòng Anh (DSC), cho biết, người dân Afghanistan rất căm ghét lực lượng cảnh sát. Còn Roland Paris, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế (CIPS) thuộc Đại học Ottawa, nhận định: "Thủ tướng David Cameron tuyên bố sự thành công là vội vã. Bởi vì có không mấy cơ sở để tin rằng ANP sẽ hoạt động hiệu quả hơn và tham nhũng ít hơn vào năm 2014".

Theo điều tra của Liên Hiệp Quốc, chưa đến 25% số dân Afghanistan tuyên bố lực lượng cảnh sát nước này đủ mạnh để giữ gìn an ninh trật tự mà không cần đến sự hỗ trợ của nước ngoài, nhưng 3/4 tin tưởng họ sẽ sẵn sàng giữ trọng trách vào năm 2014 khi NATO chuyển giao trách nhiệm. Trong khi đó, 68% những người được điều tra cho biết, quân đội nước ngoài nên tiếp tục ở lại Afghanistan, so với khoảng 1/4 nói họ phải rời đi ngay lập tức.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu có nhiều nỗ lực để tăng cường nhân lực từ khoảng 100.000 người cách đây 2 năm lên 157.000 người vào năm 2012. Việc huấn luyện quá nhiều cảnh sát trong thời gian quá ngắn cũng đối mặt nhiều vấn đề. Khoảng 29 triệu USD chi viện cho lực lượng cảnh sát Afghanistan kể từ khi Taliban bị lật đổ vào cuối năm 2001. Năm 2011, gần 200 sĩ quan cảnh sát Afghanistan bị buộc tội giết người và hơn 4.600 người dính líu đến các tội như trộm cắp, tham nhũng và giúp tù nhân vượt ngục.

ANP cũng bị nghi ngờ thực hiện những vụ cưỡng bức phụ nữ hàng loạt. Một cuộc nghiên cứu bí mật của NATO từ nguồn tình báo của Afghanistan tiết lộ nạn tham nhũng, đặc biệt trong lực lượng cảnh sát, là một trong những lý do hàng đầu giải thích tại sao người dân không tin tưởng vào chính quyền và năng lực chiến đấu chống Taliban

Duy Ân (tổng hợp)
.
.