Chống thuốc Tây giả bằng giải pháp công nghệ

Thứ Hai, 17/10/2016, 15:15
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 120.000 người chết ở châu Phi do chỉ riêng loại thuốc chữa sốt rét làm giả, không đủ tiêu chuẩn hay đơn giản là hoàn toàn không chứa đủ liều các thành phần hoạt tính.

Thuốc giả ở châu Phi xâm nhập vào những hiệu thuốc tây, bệnh viện, quầy hàng hóa lưu động trên đường phố, hoặc được bán trực tuyến tràn lan qua hàng ngàn trang web không được kiểm soát.

Hiện nay, một số nhỏ các công ty khởi nghiệp đang nghiên cứu sử dụng công nghệ để giải quyết vấn nạn thuốc tây giả trên toàn cầu. Tổ chức phi lợi nhuận Sproxil - đặt trụ sở tại thành phố Cambridge bang Massachusetts miền bắc nước Mỹ - đề nghị một giải pháp đơn giản song khá thú vị. Người tiêu dùng chỉ cần cào lớp phủ bạc trên tấm nhãn dán ngoài vỏ bao thuốc tây để nhìn thấy mã số và sau đó gửi nó qua tin nhắn đến Sproxil.

Thuốc Tây giả được bày bán công khai trên đường phố ở châu Phi.

Sau khi nhận được tin nhắn, Sproxil sẽ kiểm tra mã số thông qua cơ sở dữ liệu về thuốc tây thật để gửi tin nhắn xác minh trở lại cho người tiêu dùng. Người mua thuốc tây cũng có thể scan mã vạch hay đơn giản là gọi điện thoại đến một tổng đài điện thoại để xác minh thuốc tây là thật hay giả.

Hơn 70 công ty dược phẩm đăng ký sử dụng dịch vụ của Sproxil, bao gồm tập đoàn đa quốc gia như là GlaxoSmitKline (GSK) và Novartis - theo báo cáo từ Tolulope Gbamolayun, người phát ngôn cho Sproxil.

Kể từ khi dịch vụ được triển khai năm 2009, Sproxil đã nhận được khoảng 28 triệu yêu cầu kiểm tra thuốc tây trên toàn cầu. Gbamolayun đánh giá: “Đây là biện pháp an ninh đơn giản và rẻ tiền”.

Giải pháp mã số cào của Sproxil.

Hiện nay, Sproxil cung cấp dịch vụ kiểm tra thuốc tây ở một số quốc gia châu Phi như Kenya, Ghana, Nigeria, Nam Phi, Tanzania và mới đây nhất là Mali. Trong tương lai, Sproxil cam kết sẽ mở rộng hoạt động chống thuốc tây giả ở khắp châu Phi. Cách đây gần 10 năm, doanh nhân Bright Simons cũng thành lập một hệ thống kiểm tra tương tự gọi là mPedigree Network cùng đối tác hùng mạnh là tập đoàn công nghệ Mỹ Hewlett-Packard (HP).

Ngoài ra, mPedigree Network còn cung cấp sản phẩm gọi là Goldkeys giúp các công ty dược phẩm cũng như cơ quan điều phối “giám sát toàn bộ dây chuyền cung cấp”. Ở Nigeria, công nghệ của Simons giúp các cơ quan điều phối phát hiện sớm thuốc tây giả để bắt giữ kẻ lừa đảo.

Hiện nay, hơn 2.000 sản phẩm đăng ký vào cơ sở dữ liệu của mPedigree Network. Bright Simons đánh giá có đến 75 triệu người ở châu Phi được hưởng lợi nhờ thuốc tây giả được ngăn chặn kịp thời và mPedigree hiện đang hoạt động tại 12 quốc gia khắp châu Á và châu Phi.

Ngành công nghiệp dược phẩm cũng ứng dụng nhiều công nghệ khác để chống thuốc tây giả, bao gồm thẻ sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng radio (RFID) - theo Mario Ottiglio, Giám đốc Quan hệ công chúng tại Liên đoàn Quốc tế Các hiệp hội và Nhà sản xuất dược phẩm (IFPMA).

Mã số cào trên vỏ bao thuốc của mPedigree.

Dược điển Mỹ (USP), một tổ chức đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng cho dược phẩm, thành lập Trung tâm Huấn luyện và Cải tiến dược phẩm (CePAT) ở thủ đô Accra của Ghana giúp huấn luyện chuyên gia ngành y tế nước này kiểm tra, sàng lọc thuốc tây giả và kém chất lượng. Từ năm 2013, CePAT đã giúp huấn luyện 190 chuyên gia y tế tại 32 quốc gia châu Phi - theo Ronald Piervincenzi, Giám đốc Điều hành USP.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.