Hải quân Nga, Mỹ và NATO tại Biển Đen:

Chuẩn bị một cuộc đối đầu trên biển?

Thứ Hai, 01/09/2008, 16:45
Những diễn biến tại khu vực Biển Đen đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Mỹ USS McFaul tới neo đậu bên ngoài cảng Batumi của Gruzia hôm 24/8. Nguy cơ về một cuộc chiến tại Biển Đen đã khiến Pháp, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu buộc phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp.

Cuộc biểu dương lực lượng?

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn vào ngày 1/9 tại Brussels, Bỉ bởi theo Tổng thống Pháp, cần viện trợ cho Gruzia và xem xét các mối quan hệ với Nga. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Gordon Johndroe cho biết, Mỹ đang làm rõ thông tin nói rằng, Nga thiết lập nhiều cơ sở cùng các trạm kiểm tra lâu dài trong và xung quanh Gruzia.

Là một trong 3 tàu chiến của Mỹ chở hàng cứu trợ nhân đạo tại Biển Đen, nhưng tàu khu trục USS McFaul không thể cập cảng Batumi của Gruzia bởi nó quá lớn, hơn nữa khu vực này nước khá nông. Gruzia, Mỹ và NATO cho rằng, quân đội Nga chưa rút hết khỏi khu vực tranh chấp như đã tuyên bố bởi cảng nước sâu chiến lược Poti của nước này (ở phía bắc) vẫn đang nằm trong vòng kiểm soát của quân đội Nga.

Cảng Poti có thể tiếp nhận 100.000 thùng dầu/ngày từ Azerbaijan và là cửa ngõ để hàng hóa nước ngoài vào Gruzia cũng như các nước Caucasus và là một trung tâm năng lượng quan trọng của nước này. Nhưng Nga cho biết, số quân này là lực lượng gìn giữ hòa bình có nhiệm vụ ngăn chặn bọn cướp và giữ an ninh, tránh tái diễn xung đột tại Nam Ossetia và Abkhazia. 

Tàu USS McFaul được coi là "hung thần" bởi nó dài 154 mét cùng trọng tải 8.300 tấn và được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và Harpoon, ngư lôi MK 46. Được biết, 2 tàu chiến khác là tàu tuần duyên Dallas và tàu USS Mount Whitney thuộc Hạm đội VI cũng đang trên đường đến Biển Đen và tình hình tại khu vực này sẽ thực sự nóng lên sau khi 3 tàu chiến của Mỹ cùng neo đậu xung quanh cảng Batumi của Gruzia.

Ngoài 3 tàu chiến Mỹ, NATO còn điều tới Biển Đen 3 tàu quân sự khác - Ba Lan đưa tàu ORP, còn Đức và Tây Ban Nha phái một tàu chiến của họ hội quân tại khu vực này. NATO khẳng định, việc điều động các tàu chiến Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan đến Biển Đen không liên quan gì tới cuộc xung đột ở Gruzia bởi họ đang diễn tập theo kế hoạch đã định trước.

Nhiều người lo ngại về một cuộc chiến hải quân giữa Nga với Mỹ và NATO tại khu vực Biển Đen. Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia David Kezerashvili thừa nhận, tàu USS McFaul của Mỹ mang theo một lượng hàng cứu trợ trị giá 13 triệu USD đã neo đậu bên ngoài cảng Batumi của nước này. Trước đó (13 và 14/8), nhiều máy bay vận tải quân sự C-17 của Mỹ đã mang "hàng cứu trợ" tới Tbilisi. Còn Liên minh châu Âu cũng đã viện trợ 7,4 triệu USD cho Gruzia.

Phản ứng của Nga

Nga vẫn duy trì mọi hoạt động bình thường tại Biển Đen bất chấp sự xuất hiện của những tàu chiến kể trên, nhưng quyết không để bất cứ bên nào xâm phạm tới việc đảm bảo an ninh hàng hải của Abkhazia, khu vực đang đòi ly khai khỏi Gruzia.

Điều đáng nói là tại sao tàu USS McFaul đang thực hiện một công việc khá "hiền lành" - cứu trợ nhân đạo cho Gruzia, nhưng lại được dư luận, đặc biệt là Nga quan tâm. Giới quân sự Nga đặc biệt quan tâm tới chuyến hàng cứu trợ của tàu USS McFaul cho dù Mỹ tuyên bố "đó chỉ là chăn, thực phẩm và đồ dùng trẻ sơ sinh". Nga quan ngại, bên trong những chuyến hàng viện trợ nhân đạo cho Gruzia là vũ khí cùng trang thiết bị chiến tranh và nếu đó là sự thật thì không thể chấp nhận.

Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Anatoly Nogovitsyn nhấn mạnh, tình hình tại Biển Đen đang leo thang sau khi NATO tăng cường sự có mặt của hải quân trong khu vực này. Tướng Anatoly Nogovitsyn cho biết, Nga sẽ có hành động đáp trả ngay lập tức nếu các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga bị khiêu khích. Tướng Anatoly Nogovitsyn cũng cáo buộc NATO lợi dụng việc phân phát hàng cứu trợ nhân đạo cho Gruzia để làm vỏ bọc cho việc tập trung lực lượng hải quân ở Biển Đen.

Tướng Anatoly Nogovitsyn cho rằng, Tbilisi đang chuẩn bị những hoạt động vũ trang và khiêu khích mới tại khu vực xung đột Gruzia - Nam Ossetia. Ông Nogovitsyn cũng cho biết, ngay từ tháng 4/2008 giới quân sự Gruzia đã lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng chiến dịch "Clean Field" để tiến vào Nam Ossetia. Chính quyền Nam Ossetia cũng đang cáo buộc Gruzia tăng cường quân sự dọc khu vực biên giới ở huyện Leningorsky.

Tướng Anatoly Nogovitsyn cảnh báo, Nga có thể thay thế thành phần lực lượng hòa giải nếu Washington tăng cường tiềm lực quân sự cho Gruzia. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov, việc rút quân đã hoàn thành vào lúc 19h50' ngày 22/8 (theo giờ địa phương).

Tàu USS McFaul cập cảng Batumi của Gruzia đúng thời điểm căng thẳng tại Biển Đen đang leo thang nên đã gây một sự chú ý đặc biệt của dư luận. Theo tướng John Craddock, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ ở châu Âu, Washington đang nghiên cứu việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho nước này để phục hồi lực lượng vũ trang sau cuộc xung đột ở Nam Ossetia. Giới quân sự cho rằng, với sự có mặt của các tàu chiến Mỹ tại Biển Đen, Washington muốn phát đi tín hiệu, họ rất quan tâm tới những diễn biến đang xảy ra tại Gruzia.

"Mượn gió bẻ măng"?

Mặc dù Gruzia thừa nhận, quân đội Nga đã rút khỏi miền Đông và Tây nước này, nhưng họ vẫn cáo buộc Moskva đang chiếm đóng thành phố cảng Poti bên bờ Biển Đen. Theo Bộ trưởng Tư pháp Gruzia Nika Gvaramia, tình trạng khẩn cấp được gia hạn đến ngày 8/9 bởi họ phải chờ Nga thực thi 6 điểm trong thỏa ước ngừng bắn đã ký.

Tổng thống Nicolas Sarkozy trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Medvedev tiếp tục yêu cầu Nga rút nốt số quân khỏi Poti, thực hiện đầy đủ 6 điểm trong kế hoạch hòa bình. Mỹ cho rằng, các trạm kiểm soát tại Poti không phù hợp với thỏa thuận ngừng bắn đã ký.

Nhưng tướng Anatoly Nogovitsyn vẫn tuyên bố, quân đội Nga sẽ tiếp tục tuần tra và thiết lập các trạm kiểm soát tại Poti bởi việc này phù hợp với thỏa thuận ngừng bắn. Được biết, Nga đã xây dựng 18 trạm kiểm soát ở Nam Ossetia và 18 trạm tại Abkhazia, cũng như triển khai 2.600 quân tại Nam Ossetia và Abkhazia.

Tổng thống Dmitry Medvedev vừa khẳng định, Nga sẵn sàng hợp tác với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu để giám sát một vùng đệm gần khu vực ly khai Nam Ossetia của Gruzia. Đương nhiên sự hợp tác này phải tuân theo đúng nguyên tắc thứ 5 của thỏa thuận hòa bình 6 điểm do Pháp đề xuất và đã được Nga và Gruzia cùng ký trước đó. Giới phân tích nhận định, sự cô lập chỉ càng khiến Nga thêm cứng rắn và khi đó mọi việc đều khó lường

Nguyễn Diệu Hương Ly (tổng hợp)
.
.