Chuỗi “vận đen” của HSBC vẫn chưa dứt?

Thứ Sáu, 29/07/2016, 16:10
Chưa giải quyết xong bê bối trốn thuế với số tiền lên tới 150 tỷ USD, Ngân hàng HSBC tiếp tục làm rung chuyển nền tài chính thế giới bởi vụ bắt giữ mới đây do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thực hiện nhằm vào hai cựu giám đốc điều hành với cáo buộc gian lận trong giao dịch ngoại hối.

Kiếm lời phi đạo đức

Hãng tin BBC cho biết, vụ bắt giữ Mark Johnson - Giám đốc phụ trách giao dịch ngoại hối toàn cầu của Ngân hàng HSBC được thực hiện tại Mỹ hôm 21-7 ngay sau khi ông này vừa tới sân bay JFK ở thành phố New York để thực hiện chuyến bay tới London. Vài tiếng sau đó, cựu đồng nghiệp của Mark Johnson là Stuart Scott, người từng giữ chức Giám đốc phụ trách giao dịch ngoại hối của Ngân hàng HSBC tại châu Âu cũng bị bắt giữ tại nhà riêng ở Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội cả hai người này vi phạm lỗi “chạy trước” khi sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi từ một hợp đồng ngoại tệ trị giá 3,5 tỷ USD. (Lỗi “chạy trước” là thuật ngữ của giới tài chính ngân hàng thường dùng chỉ hành vi kiếm lời phi đạo đức của một nhân viên môi giới trong khi tiến hành giao dịch cho khách hàng).

HSBC liên tục dính vào các bê bối. Ảnh: Getty Imagine.

Cụ thể, vào cuối năm 2011, hai người này đã sử dụng thông tin tuyệt mật về vụ thoái vốn khỏi chi nhánh Ấn Độ của một công ty để thực hiện các giao dịch làm lợi cho bản thân và cho HSBC. Trong vài ngày, trước khi có một khách hàng đi đổi 3,5 tỷ USD thu được từ thương vụ trên sang bảng Anh, Mark Johnson và Stuart Scott đã biết thông tin này và mua tích trữ hàng triệu bảng trong các tài khoản của họ ở HSBC. Vì họ thừa hiểu rằng, một giao dịch lớn như vậy sẽ đẩy giá trị đồng bảng Anh lên, theo đó họ và Ngân hàng HSBC sẽ kiếm bộn tiền từ độ chênh lệch tỉ giá phát sinh sau giao dịch đó.

Khi khách hàng thực hiện giao dịch vào tháng 12-2011, họ thực hiện giao dịch theo cách làm giá đồng bảng tăng lên. Điều này cho phép họ bán đồng tiền mà họ đã mua với giá cao hơn. Ngược lại khách hàng bị thiệt hại. Khi khách hàng nhận thấy giá của đồng bảng Anh tăng vọt trong ngày giao dịch, Johnson và Scott đã đổ lỗi cho người mua của một ngân hàng ở Nga. Cả hai đã thu về 8 triệu USD từ giao dịch này.

Hiện Ngân hàng HSBC chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về sai phạm của hai cá nhân nói trên cũng như vụ việc này. Tuy nhiên, người phát ngôn của HSBC cho biết ngân hàng sẵn sàng hợp tác với Bộ Tư pháp Mỹ trong quá trình điều tra. Được biết, cuộc điều tra của FBI được thực hiện sau khi khách hàng nói trên gửi đơn kiện hồi giữa năm ngoái. Từ đó, Bộ Tư pháp Mỹ, FBI bắt đầu mở cuộc điều tra sâu rộng hơn về việc gian lận ngoại hối tại các ngân hàng toàn cầu. Cuối năm 2015, ít nhất 4 ngân hàng đã nhận tội âm mưu thao túng giá tiền tệ.

Che giấu các khoản thu nhập bất minh

Trở lại với vụ việc ở Ngân hàng HSBC, tờ The New York Times cho biết, Mark Johnson và Stuart Scott đã đồng ý nộp 1 triệu USD để được tại ngoại. Hiện cả hai đang chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng Mỹ. Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, với lịch sử “đen” về các vụ gian lận tài chính của HSBC tại Mỹ, lần này, Bộ Tư pháp Mỹ và FBI sẽ điều tra cặn kẽ từng chi tiết và sẽ sớm công bố trước công chúng về những khuất tất được tìm thấy trong HSBC.

Đáng chú ý, HSBC từng là 1 trong 6 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu bị phạt tổng cộng 4,2 tỷ USD hồi tháng 11-2014 vì thao túng tỷ giá thị trường ngoại hối. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, ngân hàng này liên tục bị các cơ quan chức năng của Mỹ điều tra. Hồi tháng 2, Ủy ban Chứng khoán - Hối đoái Mỹ (SEC) đã điều tra vụ Ngân hàng HSBC tuyển dụng “con ông cháu cha” Trung Quốc nhằm đạt được lợi ích từ các quan chức Trung Quốc.

Trước đó, Mỹ đã điều tra việc HSBC rửa tiền cho các băng đảng ma túy Mexico, chuyển tiền cho các nước bị Mỹ trừng phạt và giúp các khách hàng giàu có trốn thuế, che giấu các khoản thu nhập bất minh. Thậm chí, kết quả điều tra của một nhóm phóng viên tại Paris (Pháp), Washington (Mỹ) và Geneva (Thụy Sĩ) cùng 46 quốc gia khác đã tìm ra cơ chế trốn thuế quy mô khổng lồ của ngân hàng này thông qua chi nhánh Thụy Sĩ - HSBC Private Bank.

Giám đốc phụ trách giao dịch ngoại hối toàn cầu của HSBC Mark Johnson bị FBI bắt giữ. Ảnh: Reuters.

Các kết quả điều tra cho thấy, từ ngày 9-11-2006 đến 31-12-2007, hơn 100 tỷ USD đã được giao dịch thông qua tài khoản của hơn 100.000 khách hàng và 20.000 công ty nước ngoài. 3.000 công dân Pháp bị nghi giấu tài sản tại HSBC Private Bank với sự đồng lõa của ngân hàng này. Trong những năm gần đây, hàng ngàn khách hàng khác ở Anh cũng được cất giấu số tiền lên tới 119 tỷ USD...

Trước những phát giác này, HSBC đã phải đồng ý nộp phạt số tiền cao kỷ lục 1,9 tỷ USD cho Mỹ. Nhưng đến nay, ngân hàng này vẫn đang tiếp tục trở thành đối tượng điều tra về trốn thuế, rửa tiền và gian lận tài chính của nhiều nước trên thế giới.

Châu Anh
.
.