Chương trình Sàng lọc An ninh chống tội phạm trong ngành vận tải

Thứ Hai, 19/09/2016, 18:25
Chương trình Sàng lọc An ninh (SSP) của Bộ Giao thông Vận tải Canada (TC) bắt đầu triển khai năm 1986 nhằm phản ứng lại vụ đánh bom máy bay hãng hàng không Ấn Độ Air India.

Năm 1985, một quả bom giấu trong hành lý trên một chuyến bay từ Montreal đã làm nổ tung chiếc máy bay trên Đại Tây Dương, giết chết toàn bộ 329 người.

Guy Morgan, Giám đốc SSP của TC giải thích: "Mục đích của chương trình là cố gắng phòng chống những hành vi phạm pháp trong lĩnh vực hàng không. Và, cũng có chương trình sàng lọc an ninh tương tự trong ngành hàng hải. Chúng tôi cố gắng bảo vệ sơ sở hạ tầng giao thông, đội ngũ nhân viên, hành khách và những cộng đồng xung quanh chống lại mối đe dọa từ bên trong".

Từ lâu, sân bay và hải cảng được bọn tội phạm sử dụng để buôn lậu hàng hóa và là mục tiêu lựa chọn hàng đầu của bọn khủng bố quốc tế. Do đó, chương trình kiểm soát nhân viên được triển khai nhằm mục đích phòng chống hiệu quả "mối đe dọa từ bên trong", theo cách gọi của Guy Morgan. Toàn bộ nhân viên làm việc trong những khu vực nhạy cảm trong sân bay - bao gồm nhân viên xử lý hành lý, chuyên viên cơ khí, nhân viên làm vệ sinh v.v... - đều bắt buộc phải có thẻ thông minh kiểm soát sự ra vào khu vực hạn chế, gọi là RAIC.

Tuy nhiên, chương trình kiểm soát an ninh này cũng gây lo ngại về quyền riêng tư công dân. Mỗi ngày, toàn bộ 193.000 nhân viên được phép ra vào những khu vực hạn chế trong sân bay cũng như hải cảng Canada đều được kiểm tra thông qua cơ sở dữ liệu cảnh sát nhằm ngăn ngừa "mối đe dọa từ bên trong" và phát hiện sớm những đối tượng liên quan đến khủng bố hay tổ chức tội phạm - mafia, Hells Angels, cartel ma túy.

Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) bắt đầu chia sẻ thông tin tình báo về tội phạm với TC từ năm 2009. Vào cùng năm, 16 nhân viên sân bay bị tước giấy phép an ninh - tăng gấp đôi so với năm 2008 - và con số không ngừng tăng lên. Nửa đầu năm 2016 đã có thêm 98 nhân viên bị tước loại giấy phép này trong lĩnh vực hàng không.

TC cũng được phép sử dụng dữ liệu của Trung tâm Thông tin Cảnh sát Canada (CPIC). CPIC là cơ sở dữ liệu khổng lồ được cập nhật thường xuyên từ mọi lực lượng cảnh sát khắp Canada - bao gồm thông tin do thám, tình báo, tòa án v.v... Một hệ thống tự động kiểm tra mỗi nhân viên có giấy chứng nhận an ninh vào mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 26-11-2004. Tuy nhiên, sự gia tăng những trường hợp tước giấy phép an ninh cũng đã dẫn đến việc ngày càng có thêm nhiều cuộc chiến pháp lý rắc rối.

Guy Morgan, Giám đốc Chương trình Sàng lọc An ninh của TC (trái) và Ayaan Farah.

Thời gian gần đây, Tòa án Liên bang Canada đã thụ lý ít nhất một chục vụ kháng cáo liên quan đến giấy phép an ninh của các cựu nhân viên sân bay ở một số thành phố bao gồm: Vancouver, Calgary, Toronto và Montreal. Tuy nhiên, phần nhiều những đơn kháng cáo với mong muốn khôi phục giấy phép an ninh đều bị tòa án bác bỏ. Ví dụ như trường hợp Joseph Rossi, quản lý một công ty dịch vụ thực phẩm hàng không tại sân bay quốc tế Pierre Elliott Trudeau ở Montreal. Giấy phép an ninh đầu tiên của Rossi được cấp năm 1998 và phải đổi mới vào mỗi 5 năm.

Theo hồ sơ RCMP, Rossi có mối quan hệ gần gũi với 2 đồng nghiệp dính líu vụ nhập khẩu ma túy qua đường hàng không và "nghi ngờ" làm việc cho 2 nhóm mafia Giuseppe Torre và Rizzuto. Rossi tuyên bố không hề biết gì về vụ buôn lậu ma túy tại sân bay song đơn kháng cáo của ông đã bị tòa án bác bỏ.

Trong một vụ khác liên quan đến Zahid Sattar, nhân viên công ty an ninh tư nhân Securiguard Services làm việc tại sân bay Vancouver và được cấp giấy phép ra vào những khu vực giới hạn từ năm 2004 nhưng bị tước năm 2015. Kiểm tra lai lịch cho thấy Sattar có mối quan hệ với 10 người dính líu đến các tổ chức tội phạm và phạm một số tội nặng như: buôn lậu ma túy, giết người, tấn công gây thương tích và sở hữu vũ khí cấm.

Năm 2005, Sattar trở thành chủ sở hữu mới của một quán bar thành phố Surrey thuộc tỉnh British Columbia và là địa điểm thường xuyên lui tới của các thành viên Hells Angels. Sattar luôn tuyên bố mình hoàn toàn không dính líu đến bất kỳ hoạt động tội phạm nào, song Tòa án Liên bang đã bác bỏ đơn kháng cáo của anh.

Mặc dù vậy, vẫn có một số vụ kháng cáo thành công hiếm hoi đáng chú ý. Năm 2015, Juliet Meyler - làm việc tại sân bay Pearson ở Toronto - thắng kiện vụ giấy phép an ninh bị cảnh sát thu hồi. Trước đó, Meyler bị buộc tội dính líu đến một mạng lưới buôn lậu ma túy tại sân bay song chị luôn bác bỏ điều này. Do chính quyền không thể tiết lộ bí mật về chiến dịch chống ma túy nhằm bảo vệ người cung cấp thông tin cho nên Meyler may mắn thắng kiện và được phục hồi giấy phép an ninh.

Tháng 8 vừa qua, Ayaan Farah - nữ nhân viên phục vụ hành khách tại sân bay Toronto - thắng kiện trong một vụ tương tự. Giấy phép an  ninh của Farah bị giới chức RCMP thu hồi với lý do chiếc ô tô của chị được nhìn thấy rời khỏi nghĩa trang đang làm lễ tang cho một thành viên băng nhóm tội phạm có tổ chức vào năm 2012. Nhưng, Farah khẳng định lúc đó chị không có mặt trên chiếc ô tô. Giới chức RCMP cũng buộc tội Farah có sự tiếp xúc với một thành viên của Dixon Crew - băng nhóm tội phạm đường phố ở Toronto - vào năm 2011.

Trong khi đó, Farah luôn bác bỏ mọi buộc tội từ RCMP đồng thời tuyên bố với giới chức TC: "Cảnh sát Toronto đã nhầm lẫn khi buộc tội tôi dính líu đến bọn ganster đường phố. Tôi là công dân luôn tôn trọng luật pháp và không hề phạm tội. Tôi yêu cầu cảnh sát trả lại sự trong sạch cho tôi". Cuối cùng, tòa án xử Farah được phục hồi giấy phép an ninh.

Mitchell Worsoff, luật sư bảo vệ Ayaan Farah, cho biết vụ việc của thân chủ bà làm nổi cộm một số vấn đề trong chương trình sàng lọc an ninh của TC. Mitchell Worsoff nhận định: "Một số người đáng bị tước giấy phép an ninh và điều đó là công bằng bởi vì hoạt động giao thông vận tải phải được bảo đảm an toàn. Một số người đã làm những việc mà lẽ ra họ không nên làm. Tuy nhiên, cũng có một số người vô tội bị vướng vào lưới của chương trình sàng lọc an ninh bởi vì họ từng có tiền án hay vô tình có mặt không đúng lúc đúng chỗ".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.