Chuyện Hoa hậu Thế giới từng bị bắt cóc, cưỡng bức được đưa lên màn ảnh

Thứ Tư, 11/06/2014, 21:30

Năm 1998, Linor Abargil người Israel giành được vương miện Hoa hậu Thế giới. Tuy nhiên, không ai biết rằng, chỉ trước đó 7 tuần, cô đã bị bắt cóc và cưỡng hiếp... Câu chuyện của cựu hoa hậu sẽ được kể lại trong bộ phim tài liệu “Brave Miss World”.

Xem lại những hình ảnh lễ đăng quang của cô, người ta cho rằng, những giọt nước mắt trên gương mặt cô khi đó không hẳn là niềm vui mà là sự hoảng loạn và đau buồn sâu thẳm. Sau này, trong một buổi phỏng vấn, cô cho biết: "Tôi hoàn toàn bị sốc. Nó quá thực để có thể suy nghĩ lúc đó".

"Hoa hậu thế giới dũng cảm" là tên bộ phim tài liệu mới do nữ đạo diễn Mỹ Cecilia Peck thực hiện. Bộ phim dựa theo hành trình của cựu Hoa hậu Thế giới 1998 để kết nối và tiếp thêm sức mạnh cho các nạn nhân bị cưỡng bức trên toàn thế giới.

"Khi Linor sẵn sàng nói về vấn đề cưỡng hiếp và kể câu chuyện của mình, cô muốn nó có sự ảnh hưởng trên diện rộng" - đạo diễn Cecilia nói. "Khi cô 18 tuổi và phát biểu về vấn đề trên sau phiên tòa ở Israel, cô đã nói với tất cả phụ nữ ở Israel: Nếu tôi có thể làm được thì bạn cũng có thể, và nếu có chuyện gì xảy ra thì đừng ngại trình báo về nó. Kết quả là, số vụ tố cáo bị cưỡng bức tăng chóng mặt trong năm đó và nhiều điều luật đã được thay đổi sau những gì hoa hậu đấu tranh”.

Thực tế, việc một cô gái bị cưỡng hiếp tại Israel lại chẳng có gì hệ trọng và thậm chí nó thường bị ỉm đi để nạn nhân khỏi chịu thêm lời đàm tiếu. Bộ phim đã theo bước của Linor trong hành trình chống lại nạn cưỡng hiếp, để cổ vũ những người khác mạnh dạn tố cáo và xóa bỏ sự xấu hổ khi phải kể về những vụ cưỡng bức.

Trong một bài phát biểu của mình tại trung tâm Cleveland, Mỹ, Linor đã vừa khóc vừa nói: "Cưỡng bức làm người ta bị cô lập. Vì ngay cả khi bạn kể cho mọi người nghe thì họ cũng rất ngại nhắc đến nó. Vì thế bạn bị bao trùm bởi sự đau khổ". Có vẻ Linor đã thấy một sợi dây liên kết rõ ràng giữa việc được nói, được lắng nghe, được tin tưởng và sự phục hồi. Cô nói: "Tôi cần tìm cách để giúp phụ nữ dám nói ra chuyện này, để tâm hồn họ có thể được chữa lành".

Một phần nhiệm vụ thúc đẩy phụ nữ nói ra được hoàn thành nhờ chính bộ phim tài liệu, trong đó bao gồm nhiều lời phát biểu của các nạn nhân kéo dài suốt bộ phim. Hầu hết mọi người đều gặp phải những khó khăn nhất định khi tìm kiếm sự cảm thông cũng như sự trợ giúp từ cơ quan chức năng và xã hội.

Linor (thứ 2 từ trái sang) ở Mỹ.

Là người đi đầu, Linor có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh trong việc cất lên tiếng nói và sự cần thiết phải có công lý. Tuy vậy, khi nhận được tin Uri Shlomo, người đã cưỡng hiếp cô sắp được tha tù trước hạn, niềm tin của cô đã bị chấn động. Sau khi tham gia một phiên tái thẩm xét xử một kẻ cưỡng bức hàng loạt ở Los Angles tựa như  Shlomo, cô hoàn toàn suy sụp. Trong các tuần sau đó, cô có các triệu chứng căng thẳng thần kinh. Tuy vậy, cô đã vượt qua các chấn động tâm lý.

Khi được hỏi về nỗi sợ lớn nhất của mình, Linor đã trả lời: "Tôi sợ khi hét lên và không ai còn nghe thấy tiếng tôi nữa". Một thông điệp rất rõ mà bộ phim muốn gửi gắm tới tất cả mọi người: Khi nhiều người đồng thanh hô vang lên thì người ta không thể giả vờ điếc được nữa

Văn Nguyễn - T.P. (tổng hợp)
.
.