Chuyến bay 111 của Hãng Hàng không Thụy sĩ gặp tai nạn là do phá hoại?

Thứ Năm, 09/10/2008, 16:00
20h18 ngày 2/9/1998, chiếc máy bay loại MD-11 của Hãng Hàng không Swissair mang số hiệu 111 cất cánh từ sân bay quốc tế John Kennedy ở thành phố New York đến sân bay quốc tế Cointrin ở thành phố Genève của Thụy Sĩ.

Có mặt trên chuyến bay là 215 hành khách và 14 nhân viên phi hành đoàn. Trong số hành khách, ngoài một số quan chức của Liên Hiệp Quốc như Jonathan Mann, người đứng đầu Chương trình phòng chống AIDS của Tổ chức Y tế thế giới, Pierce Gerety, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách giải quyết các cuộc xung đột vũ trang tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Congo... còn có 5 nhân vật đặc biệt. Những người này theo lối ưu tiên dành cho những hành khách đặc biệt quan trọng (VIP) để lên máy bay mà không qua kiểm soát của hải quan.

Thực ra những người này đều là điệp viên CIA thuộc Đơn vị Hành động được lệnh đến Tanzania và Kenya để săn lùng và tiêu diệt những tên khủng bố thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã đánh bom gây thiệt hại nặng cho tòa đại sứ Mỹ tại hai quốc gia Đông Phi này một tháng trước đó.

Đến 22h10 khi đang bay ở độ cao 10.058m trên vùng biển Đại Tây Dương ngoài khơi bang Nova Scotia của Canada, Cơ trưởng Urs Zimmermann được thông báo có khói bốc lên từ khoang hành khách hạng bình thường.

Chỉ 4 phút sau đó, lửa bắt đầu bốc cháy và đến 22h23 khi cố quay lại sân bay quốc tế Halifax của Canada để đáp khẩn cấp, chiếc máy bay chúi mũi đâm sầm xuống vịnh Margarets của bang Nova Scotia rồi nổ tung làm thiệt mạng toàn bộ hành khách và phi hành đoàn.

Ngay trong đêm, Chính phủ Mỹ và Canada quyết định triển khai gấp chiến dịch đặc biệt có tên gọi Persistence để tổ chức cứu hộ và điều tra về vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng này. Hải quân Canada  cho điều tàu ngầm hạt nhân Okanagan và tàu trục vớt Shearwater đến địa điểm máy bay gặp nạn để thu hồi hộp đen, mảnh vỡ của máy bay, thu lượm xác các nạn nhân để phục vụ công tác điều tra.

Đến tháng 8/2000 đã có 2 triệu mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn được thu lượm đưa đến quân cảng Sheet của Canada để được lắp ghép thành nguyên mẫu của một chiếc máy bay MD-11 để tìm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn.

Đến tháng 3/2003, 5 năm sau khi xảy ra vụ tai nạn của chuyến bay Swissair 111, Cơ quan An toàn hàng không Canada (TSB) mới chính thức công bố nguyên nhân của vụ tai nạn. Theo đó, hệ thống đường dây dẫn điện nằm ở thân máy bay dưới cánh phải do không được bảo trì đúng mức đã chập điện và gây cháy.

Kết luận này đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, chiếc máy bay gặp nạn mới xuất xưởng vào năm 1992 để giao cho Hãng Hàng không Swissair đưa vào sử dụng và chỉ mới bay được có 36.041 giờ là khoảng thời gian rất khó xảy ra sự cố hỏng hóc ở phần dây dẫn điện gây nên tình trạng cháy nổ do chập điện.

Vì vậy giả thuyết chiếc máy bay đã bị phá hoại được nhiều người quan tâm đặc biệt, nhất là trong số 215 hành khách có mặt trên máy bay có đến 26 quan chức của Liên Hiệp Quốc và đặc biệt là toán điệp viên hành động của CIA.

Chuyến bay Swissair 111 còn mang theo 6 bức tranh nghệ thuật có giá trị gần 100 triệu USD của các danh họa Picasso, Monet, Van Gogh được một tỉ phú giấu mặt ở Thụy Sĩ mua của một nhà sưu tầm tranh nghệ thuật ở thành phố New York.

Nhiều người cho rằng, nhà sưu tầm tranh nghệ thuật người Mỹ này chẳng qua là đại diện của một băng nhóm buôn lậu tranh nghệ thuật quốc tế, bọn chúng đã tráo những bức tranh giả để gửi đến Thụy Sĩ rồi tổ chức phá hoại chuyến bay để phi tang chứng cứ.

Tuy nhiên, tạp chí Global Security nghiêng về giả thuyết đây là một vụ phá hoại mà tác giả không ai khác hơn là mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Sau khi Al-Qaeda gây ra hai vụ đánh bom liên tiếp vào tòa đại sứ Mỹå tại hai quốc gia Đông Phi Tanzania và Kenya, Chính phủ Mỹ đã phái đến hai quốc gia này một lực lượng điều tra hùng hậu bao gồm các đặc vụ  của Cục Điều tra liên bang (FBI), CIA và Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA).

Trong quá trình điều tra, CIA đã phát hiện và nêu danh tính những tên khủng bố tham gia hai vụ đánh bom, vì vậy CIA quyết định cử một đội điệp viên của Đơn vị Hành động đến Tanzania và Kenya để truy tìm và tiêu diệt.

Có thể điệp viên nội gián của Al-Qaeda đã phát hiện điều này và tìm cách trừ khử toán điệp viên hành động của CIA bằng cách tổ chức phá hoại chuyến bay Swissair 111. Nghi vấn tập trung vào một công dân Arập Xêút duy nhất có mặt trên chuyến bay tên là  Mohammed Malik là thành viên của Al-Qaeda. Malik có thể đã mang theo chất nổ dạng lỏng, rất khó được phát hiện.

Và khi máy bay đang bay ở cao độ 10.058m, Malik đã cho khai hỏa khối chất nổ lỏng gây cháy trong khoang máy bay. Chứng cứ cho thấy khói và lửa đã bốc lên từ hàng ghế số 112 trong khoang thông thường và đó chính là chỗ ngồi của Malik. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì TSB lại giấu nhẹm các chi tiết này trong kết luận điều tra của mình.

Cũng như mọi khi, CIA giấu biệt thiệt hại của mình và Chính phủ Mỹ cũng không phản bác lại kết luận điều tra tại nạn của TSB. Tuy nhiên, danh tính 5 điệp viên CIA là Justin Fox, Peter Ruthford, Arthur Watson, William MacLeod và Bruce Miller lại được ghi công trên bảng tưởng niệm những điệp viên CIA đã hy sinh được đặt ngay lối vào trụ sở CIA ở Langley với ngày hy sinh là 2/9/1988! Đây chính là lý do khiến tạp chí Global Security cho rằng vụ tai nạn của chuyến bay Swissair là một vụ phá hoại

Văn Hòa (theo Global Security)
.
.