Chuyện nên biết ở thiên đường mua sắm Singapore: "Google, đừng lười!"

Thứ Hai, 15/12/2014, 14:50
Theo một con số tham khảo từ Tổng cục Du lịch thì mỗi năm trung bình có khoảng 1,1 triệu du khách trong nước tới Trung Quốc, 1 triệu lượt sang Campuchia, 500.000 lượt sang Thái Lan, 300.000 lượt sang Singapore, 200.000 lượt đến Malaysia, 110.000 sang Hàn Quốc… Chưa kể số khách rất khó thống kê đi đến các nước tại châu Âu, châu Mỹ. Riêng năm 2013, số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng hơn so với năm 2012 khoảng 20%.

Và ở một khía cạnh khác như mức độ hài lòng, sự an toàn của du khách Việt thì dường như bị bỏ ngỏ, chưa bao giờ có một con số thống kê cụ thể. Mới đây trên các phương tiện thông tin đại chúng cho biết, ngày 25/10/2014, một nữ khách du lịch Việt Nam đã bị xâm hại thân thể tại Malaysia. Đây là sự việc rất đáng tiếc, đã gây lo ngại về tâm lý, sự an toàn về tài sản và thân thể khi đi du lịch ra nước ngoài. Điều này đặt ra yêu cầu các công ty lữ hành cần quan tâm hướng dẫn, thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách Việt Nam khi ra nước ngoài du lịch.

Câu chuyện đáng buồn kể trên chưa kịp lắng xuống, dư luận lại được một phen ồn ào tranh cãi khi trên mạng Internet lan truyền  đoạn clip quỳ lạy, khóc lóc năn nỉ xin lại tiền bị "lừa" trong quá trình mua điện thoại iPhone của một du khách được cho là người Việt tại Singapore.

Tôi đã từng sống ở Singapore hơn 3 năm, xin nói rõ luôn một cách rất sòng phẳng và chân thành, đó là một đất nước văn minh và người dân vô cùng đàng hoàng, thân thiện. Tất nhiên ở bất kỳ xứ sở văn minh nào trên hành tinh này thì cũng không thể thoát khỏi một "định lý" không thay đổi, ở đâu có sự hiện diện của con người thì nơi đó hiển nhiên tồn tại xen kẽ cái tốt và cái xấu.
Trung tâm mua bán điện tử Sim Lim.

Du lịch là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế Singapore. Du lịch nước họ phát triển nhờ vào yếu tố đa dạng văn hóa do đảo quốc này là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư người Hoa, người Mã Lai, người Ấn Độ và người Arập. Ngành du lịch quốc gia này cũng phát triển dựa vào môi trường xanh và sạch. Ngành du lịch đảo quốc này đã đạt mức doanh thu 11 tỉ USD so với mức doanh thu 9 tỉ USD năm 2005. Theo dự đoán thì đến năm 2015, đảo quốc này sẽ thu hút được 17 triệu lượt khách, thu về khoảng 27 tỉ USD.

Du khách nước ngoài là một "mỏ vàng" lộ thiên trên quốc đảo này. Chính vì lẽ đó, Singapore có một hệ thống luật pháp vô cùng chặt chẽ, đông đảo sự hiện diện nhân viên công quyền, cảnh sát khắp nơi để quản lý, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch. Đất chật người đông, các nhà cung cấp dịch vụ cho du lịch, kinh doanh đồ điện tử, thời trang…để có thể cạnh tranh nhau lại cần đến những thủ thuật không vi phạm pháp luật sở tại để "móc" hầu bao du khách.

Quay trở lại trường hợp "tai nạn" đầy tranh cãi của anh du khách  "nghèo" tên Thoại, được cho là có mức thu nhập trung bình khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng và dạn dĩ bước chân vào Sim Lim Square, một trung tâm mua sắm đồ điện tử để mua iPhone tặng bạn gái. Cứ cho đó là thông tin ban đầu có thể tin được khi anh ta cung cấp cho phía Cảnh sát Singapore, thông tin đó phù hợp phần nào lý giải hành động quỳ khóc năn nỉ ỉ ôi xin lại tiền trước sự lạnh lùng của chủ cửa hàng Mobile Air.

Do ở vị trí đắc địa và có nhiều gian hàng bán đồ điện tử giá "cỏ" nên trung tâm Sim Lim đặc biệt thu hút khách du lịch. Thủ thuật "lừa" tiền của Mobile Air đối với anh Thoại không hề mới. Đã từ nhiều năm qua, không riêng gì các mặt hàng làm nóng thị trường như iPhone thì các loại máy tính xách tay, máy ảnh… luôn được nhiều cửa hàng tại Sim Lim treo biển báo giá cực rẻ in ấn trên hộp đèn quảng cáo vô vùng lòe loẹt bắt mắt. "Cái bẫy" rẻ đến giật mình này tất nhiên thu hút được khách hàng kể cả người am hiểu công nghệ, nó hấp dẫn hơn bất kỳ lời chào mời bằng ngôn ngữ ngọt ngào chả mấy ai hiểu. Khách sẽ phải bước chân vào đó như bị thôi miên.

Trường hợp anh Thoại mau nước mắt ắt không nằm ngoài "kịch bản" đó khi nhìn thấy giá chiếc iPhone 6 thời thượng trước shop Mobile Air chỉ có 950 đôla Singapore. Tôi tin rằng anh ta là một người ngây thơ nhất trên trái đất này bởi ngay tại hệ thống phân phối chính của Hãng Apple tại đây thì giá chiếc iPhone 6 rẻ nhất đã là 988 đôla Singapore chưa bao gồm thuế và đang ở trong tình trạng cháy hàng. Không lẽ họ đi xếp hàng mua một chiếc iPhone đắt hơn vậy, về thuê cửa hàng để bán giá rẻ giật mình như đi công đức cho khách hàng? Thôi, cũng không nỡ nói thêm gì về chuyện giá cả nữa vì anh Thoại thực sự là người cả tin. Nhìn ảnh anh khóc tôi càng củng cố thêm niềm tin đó. Rất nhiều khách du lịch có niềm tin đồ điện tử ở Singapore cái gì cũng rẻ là không chính xác.
Rất nhiều khách du lịch có niềm tin đồ điện tử ở Singapore cái gì cũng rẻ là không chính xác.

Chủ cửa hàng đã lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ và thiếu hiểu biết đó để "lừa" anh ký vào một hợp đồng mua bán hợp pháp. Đơn giản vậy thôi nhưng họ hơi tham khi tính thêm khoản phụ thu hợp đồng bảo hành 1 năm hiển nhiên phải đi kèm cho chiếc điện thoại lên tới 1.500 đôla Singapore thì mới "vỡ trận". Về luật pháp dân sự ký kết hợp đồng mà nói thì cửa hàng trên đúng, về đạo đức kinh doanh thì sai trắng trợn, thậm chí khi chấp nhận trả lại một phần tiền thì cũng toàn bằng toàn tiền xu mệnh giá nhỏ. vì điều đó cửa hàng điện thoại trên đã bị chính cộng đồng người dân Singapore gây sức ép, tẩy chay đến mức phải đóng cửa.

Các mặt hàng điện tử khác cũng vậy, không ít cửa hàng thường nằm tại khu vực đắc địa tầng 1 và 2 Sim Lim nếu xác định đã  "chăn" khách khi bước chân vào hỏi mặt hàng cần mua. Họ sẽ vẫn bán cho khách du lịch mặt hàng như giá niêm yết, vô cùng hấp dẫn, thậm chí còn rẻ hơn một chút so với thế giới.

Điều này giúp người kinh doanh kém đạo đức có thể "chài" được ngay cả những người hiểu biết về công nghệ. Vậy thì lợi nhuận ở đâu? Người kinh doanh không bao giờ dại dột, một gương mặt tươi cười vui vẻ ấm áp nồng hậu mồm năm miệng mười yêu cầu khách thanh toán ngay. Nhưng khi bàn giao máy móc, thiết bị họ cố tình giữ lại vài phụ kiện như sạc pin, pin, ống kính…. Nếu khách tinh ý phát hiện ra và hỏi thì đây, chàng thu ngân chỉ rõ trên cái hóa đơn đã thanh toán liệt kê đầy đủ chính xác thứ khách  trả tiền, không có những thứ "con gà" đang đòi hỏi nhé! Muốn đủ thì trả thêm tiền và tất nhiên hết rẻ mất rồi. Nếu "gà" đi mất thì sớm hay muộn cũng quay lại, trong trường hợp "bay mất" thì họ sẽ bán phụ kiện đó để thu hồi đủ cả vốn lẫn lãi. Thủ pháp này vô cùng phổ biến ở "chợ giời" Sim Lim Square.

Một trường hợp du khách Việt khác bị lừa, lần này phải dùng chính xác là lừa không trong ngoặc kép, thuộc về chính người nhà của tôi. Cháu sang học đại học và mẹ dẫn qua tận nơi, tiếng Anh thông thạo nên hai mẹ con rất tự tin đi Sim Lim mua máy tính. Sau một hồi khảo giá thì nếu để mua đủ cả phụ kiện thì hơi đắt một chút nên quyết định đi về. Xuống sảnh bỗng đâu xuất hiện một cậu thư sinh giới thiệu chào hàng đúng chiếc laptop như mong muốn giá cực tốt. Anh ta cho biết thêm có giá đó vì bán ở ngoài shop nên không phải chịu một khoản thuế nào chưa kể máy vẫn còn ở kho và nguyên hộp. Còn chần chừ gì nữa mà không chớp lấy thời cơ này, hai mẹ con líu ríu theo sau anh chàng điển trai đi vòng ra bãi xe đằng sau. Máy tính nguyên hộp được để trong cốp sau một chiếc xe hơi, hai bên mở hộp kiểm tra đầy đủ đúng cấu hình như thỏa thuận và cuối cùng thanh toán bằng tiền mặt quy đổi lên tới hơn 1.300 USD.

Về đến nhà hí hửng khoe tôi món hời, chú cháu cùng nhau khui thùng máy tính, bên trong có 2 chai CocaCola giá xấp xỉ 2,3 USD. Sau khi nghe thuật lại câu chuyện, tôi có thể hình dung thời điểm hai mẹ con loay hoay đếm tiền và rời mắt khỏi hộp máy tính thì gã kia đã tráo đổi mặt hàng CocaCola. Cháu tôi khóc nhiều lắm, tôi đành an ủi rằng lòng tham đôi khi làm ta mất đi cảnh giác, nếu ta không ham rẻ thì không ai lừa được cả. Cháu không khóc nữa và đón nhận một bài học đầu đời về thế giới buôn bán văn minh.

Trên đại lộ Orchard trung tâm Singapore, vô số cửa hàng thời trang cấp thấp họ lại dùng thủ thuật kinh doanh khác đánh vào lòng tham khách du lịch. Khuyến mại giảm giá, mua hai tặng một nhưng thực ra về mặt bằng tiêu chuẩn cũng không rẻ hơn. Một số khác thì treo biển siêu giảm giá do phải trả cửa hàng trong tuần tới luôn đông nghịt du khách, thế nhưng trong 3 năm tôi ở đó thì chiếc biển "Siêu giảm giá để chuyển cửa hàng trong tuần tới" vẫn được treo lên mỗi ngày cho đến khi tôi về nước. Có lẽ giờ nó vẫn ở đó.

Xê dịch nay đây mai đó kết hợp mua sắm luôn là một niềm đam mê khó từ chối của nhiều người Việt có điều kiện. Thế nhưng nên hãy là một người mua hàng thông thái tránh những điều bực bội không đáng có, thế giới "phẳng" với Internet, nên chịu khó tìm hiểu trên mạng. Một câu nói vui của người du lịch ở các xứ sở thiên đường mua sắm "Google đi, đừng lười".

Trí Minh
.
.