Chuyện những người dám sống ở thành phố bạo lực nhất nước Mỹ

Thứ Tư, 27/12/2017, 08:35
Thành phố Detroit, quê hương của ngành công nghiệp ôtô nước Mỹ lại luôn đứng đầu danh sách xếp hạng “Những thành phố tồi tệ nhất nước Mỹ”.

Thành phố Detroit, bang Michigan, quê hương của ngành công nghiệp ôtô Mỹ, một thời từng được ví von là “Paris của vùng Trung Tây”. Tạp chí Forbes đã nghiên cứu 200 khu vực đô thị lớn nhất nước Mỹ và xếp hạng “Những thành phố tồi tệ nhất nước Mỹ” dựa trên các yếu tố gồm tỷ lệ tội phạm, thực trạng tịch thu tài sản để thế nợ, giá nhà ở, thời tiết và dân số suy giảm. Thật đáng buồn, thành phố quê hương của ngành công nghiệp ôtô nước Mỹ lại luôn đứng đầu danh sách này.

Còn đâu “Paris của vùng Trung Tây”?

Khi nói về bạo lực súng, tỷ lệ giết người bằng súng ở Detroit là 35,9/100.000 người, chỉ thấp hơn một chút so với quốc gia Trung Mỹ El Salvador (39,9). Có điều bất ngờ: Detroit lại là một trong các thành phố có các đạo luật kiểm soát súng chặt chẽ nhất ở Mỹ. Theo một báo cáo của Cơ quan điều tra Liên bang (FBI) năm 2016, số vụ giết người ở đây vượt qua cả Los Angeles, dù dân số kém Los Angeles đến 4 lần.

Một con đường dẫn vào thành phố Detroit.

Trong vòng một thập kỷ qua, hơn 200.000 cư dân đã rời bỏ Detroit để tìm đến những vùng khác an toàn hơn và môi trường giáo dục tốt hơn. Tình trạng bạo lực gia tăng, nhưng vào năm 2015, Sở cảnh sát Detroit đã buộc phải sa thải 200 sĩ quan trong một nỗ lực tiết kiệm chi phí do doanh thu từ thuế sụt giảm mạnh khi người dân và các doanh nghiệp rời bỏ thành phố.

Detroit từng được xem là “Paris của vùng Trung Tây nước Mỹ” bởi nhiều con đường rộng thênh thang, các tòa nhà tráng lệ và là quê hương của ngành công nghiệp ô tô Mỹ nhưng cũng là một trong những thành phố của Mỹ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào một ngành công nghiệp. Đây là nơi đặt trụ sở của ba công ty sản xuất xe hơi danh tiếng: Chrysler, General Motor (GM) và Ford. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Detroit có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước Mỹ.

Thế nhưng cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều tập đoàn ô tô trên thế giới, ngành ô tô của Mỹ dần dần thua lỗ phải thu hẹp quy mô sản xuất và vì thế họ đã di dời nhà máy khỏi Detroit tới nhiều nơi khác ở Mỹ và trên thế giới. Nguồn thu của Detroit từ đó bắt đầu cạn kiệt. Trải qua nhiều thập kỷ suy giảm kinh tế, căng thẳng chủng tộc và tham nhũng đã đẩy thành phố này đến bờ vực phá sản.

Quy mô suy giảm của Detroit nhanh đến chóng mặt. Dân số của thành phố giảm từ mức 2 triệu người vào năm 1950, nay chỉ còn không đến 600.000 dân. Giáo sư Harley Shaiken tại Đại học California ở Berkeley phát biểu với hãng tin tài chính Bloomberg rằng: “Trong nửa sau thế kỷ XX, ngành ô tô của Mỹ đồng nghĩa với Detroit. Bạn không cần phải lái xe tới Detroit nhưng vẫn biết được về sự hiện diện của các nhà máy ô tô ở đó”.

Sau khi hãng GM và Chrysler nộp đơn xin phá sản năm 2009 và được Chính phủ Mỹ giải cứu, 2 đại gia này vẫn vất vả phục hồi. Ford mặc dù không phá sản nhưng cũng phải trải qua giai đoạn thu hẹp sản xuất và tái cấu trúc mạnh. Số việc làm trong ngành công nghiệp ô tô tại Detroit lao dốc không phanh, từ mức 296.000 lao động vào năm 1950, đến năm 2011 chỉ còn hơn 27.000 lao động.

Tháng 7-2013, Detroit đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên chính quyền liên bang sau nhiều thập kỷ suy thoái. Thành phố một thời được xem là biểu trưng cho sức mạnh của nền công nghiệp Mỹ đã trở lên trống rỗng khi cư dân và các doanh nghiệp lần lượt chuyển về vùng ngoại ô hay các thành phố khác. Tỷ lệ thất nghiệp Detroit đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2000 và tăng hơn gấp đôi mức trung bình của cả nước Mỹ. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở mức dưới 28.000 USD (mức thu nhập bình quân của các nước Mỹ là 49.000 USD).

Thống đốc bang Michigan, Rick Snyder khi ấy cho rằng, buộc thành phố Detroit phá sản là một bước cần thiết để ngăn chặn cơn suy thoái, giải quyết nhanh cuộc khủng hoảng nợ leo thang và nhằm cải thiện các loại hình dịch vụ bị xếp hạng thấp nhất ở Mỹ. Khi ấy, Detroit có 9.700 công chức chính quyền và tất cả những người này phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương, tồi tệ hơn khi gần 20.000 người về hưu bị cắt giảm lương hưu và trợ cấp chăm sóc y tế.

Gần một nửa dân số hiện nay của Detroit mù chữ, dịch vụ cảnh sát và cứu hỏa rất hạn chế (chỉ 1/3 xe cứu thương hoạt động), gần một nửa đèn đường bị hỏng, công viên đóng cửa, tỷ lệ giết người tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Trong các tình huống khẩn cấp, người dân ở đây sẽ phải chờ cảnh sát khoảng 58 phút, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc là 11 phút và chỉ có 8,7% các trường hợp được giải quyết, so với mức trung bình cả nước là 30,5%.

Theo thống kê của chính quyền tiểu bang Michigan, toàn thành phố hiện có khoảng 40.000 ngôi nhà bỏ hoang, gồm phần lớn là nhà tư nhân và một số ít nhà của các cơ quan công sở, trong đó có không ít ngôi nhà được chủ nhà sau khi bỏ đi đã thuê người đốt cháy để được hưởng tiền bảo hiểm. Hàng chục ngàn ngôi nhà bỏ hoang hiện là nơi ẩn náu, lui tới thường xuyên của các băng đảng, gái mại dâm và chích, hít ma túy.

Cảnh sát Detroit quá quen với việc xử lý tội phạm.

Nhà cửa càng lúc càng xuống cấp, dơ bẩn. Tình hình an ninh trật tự bị buông lỏng gây nên nỗi bất an dường như thường trực cho người dân. Trên tường các ngôi nhà đóng cửa có nhiều hình vẽ nhăng nhít, quảng cáo một số điểm thoát y vũ và sòng bạc dành cho cho đủ mọi lứa tuổi. Thành phố gần như lặng câm, chỉ những dòng xe hơi đủ loại lầm lũi nối đuôi nhau.

Detroit còn có lịch sử kéo dài về tình trạng căng thẳng và bạo lực liên quan đến chủng tộc với 85% cư dân là người da màu. Khoảng 5.000 cảnh sát hàng ngày làm việc đến tận 2-3 giờ sáng nhưng tình hình tội phạm các loại không hề thuyên giảm, đặc biệt là trộm cắp xe và giết người.

“Hằng ngày, chúng tôi nhận hàng trăm cuộc điện thoại báo chỗ này chỗ kia có bạo động, phần lớn đều bắt nguồn từ các khu vực có những ngôi nhà bỏ hoang”, các nhân viên cảnh sát cho biết. Đêm Detroit rất ít người ra phố. Trong các ngôi nhà có người ở, cửa bằng sắt đóng im ỉm, hệ thống báo động bằng điện tử ở trước sân nhà. Phần lớn các vụ giết nhau đều liên quan đến ma túy. Sau biến cố 11-9, cảnh sát Detroit có thêm trọng trách luôn luôn sẵn sàng để đương đầu với những phần tử khủng bố. 

Những con người dũng cảm

T.J Cooper ngồi trong chiếc xe tải nhỏ màu đỏ với camera kỹ thuật số. Anh theo dõi lại những hình ảnh anh mới thu hình được cách đây vài tuần trước về một tài xế xe tải chở đầy những bộ tản nhiệt của xe hơi mà gã đã lấy cắp được từ một ngôi nhà bỏ không ở vùng này, Indian Village, một trong những khu lân cận trung lưu của Detroit. Cooper giải thích: “Chúng cố gắng giấu mặt, hoặc phá vỡ camera, hoặc đập vỡ mặt bạn”.

Cooper, một thám tử tư, là một trong số nhiều nhân viên đi tuần tra qua những khu vực được xem là có chút “máu mặt” ở Detroit như Palmer Woods, Boston-Edison và Indian Village. Do lực lượng cảnh sát bị giảm bớt hơn 25%, nên dịch vụ an ninh tư nhân đã xuất hiện và trở thành một trong vài ngành kinh doanh mới phát triển ở Detroit. 

Một con phố có những ngôi nhà bị bỏ hoang.

Những khu vực trong địa phương bị tràn ngập các vụ bắn nhau và bạo lực khác, các công ty được phép cung cấp dịch vụ bảo vệ an ninh cho các ngôi nhà, với những danh sách khách hàng đăng ký nối dài. Ám ảnh tội phạm đè nặng lên tâm trí giới trung lưu ở Detroit. Trong một số khu lân cận có các nhân viên bảo vệ vũ trang đứng gác bên ngoài những tòa nhà kinh doanh.

Trước đây Cooper đã làm bảo vệ an ninh trong một cửa hàng, rồi tham gia Công ty bảo vệ an ninh Dusing Security & Surveillance của ông Larry Dusing cách đây 8 năm.

Hiện nay anh phụ trách điều hành các cuộc tuần tra của Dusing Security. Cộng đồng Indian Village đã thuê Dusing Security từ năm 2003, sau khi tình hình tội phạm trong khu vực phát triển mạnh. Khoảng 15% các ngôi nhà ở vùng lân cận đều bị tịch thu tài sản để thế chấp, do kết quả của vụ biến động bất động sản ở Mỹ.

Những ngôi nhà bỏ không trở thành nơi mời mọc bọn trộm đạo và bọn phá hoại. Các thành viên của Hiệp hội Historic Indian Village Association, một đoàn thể của dân địa phương, cùng nhau chia sẻ trả tiền thuê cho dịch vụ an ninh tư nhân, khoảng 30USD/hộ/tháng.

Trong gần 10 năm qua, Kym Worthy làm việc với tư cách là công tố viên của hạt Wayne - hạt lớn nhất ở Detroit. Cô cũng là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành công tố viên của Detroit. Mạnh mẽ, cứng rắn, dám đương đầu với những vụ án phức tạp nhất… những tính cách đó Kym Worthy có được một phần do thừa hưởng tính cách từ cha mình - một sĩ quan quân đội, người Mỹ gốc Phi đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point trong những năm 50 thế kỷ trước. Từ tháng 8-2009, Đội thi hành án do cô đứng đầu đã tiến hành lật lại hồ sơ hơn 11.000 vụ hiếp dâm bị luật pháp bỏ quên.

Họ đã mất từ 6 đến 9 tháng để xây dựng cơ sở dữ liệu, phải xem xét từng cái một trong 11.304 bộ dụng cụ có tên gọi là “rape kit” dùng trong công tác điều tra các vụ án hiếp dâm để lấy mẫu và lưu giữ chứng cứ thông qua bệnh phẩm ADN. Vì không nắm mấu chốt của vấn đề từ đầu, họ phải bắt đầu bằng những chi tiết nhỏ nhất.

Công việc khó khăn của Worthy và các tình nguyện viên của cô đã thu hút sự chú ý của chính quyền, cô đã được trao một khoản trợ cấp liên bang lên đến 1 triệu USD để tiếp tục công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và trí óc phân tích siêu hạng. Thời gian và tiền bạc là những lý do được đưa ra để lý giải vì sao có rất nhiều bộ dụng cụ thường bị bỏ qua.

Được biết, chi phí để kiểm tra mỗi bộ dụng cụ lên đến 1.500 USD và khoảng thời gian trung bình để chờ kết quả là từ 2 - 3 tuần, có những trường hợp kéo dài đến 1 tháng. Theo Kym Worthy, thái độ của lực lượng cảnh sát cũng dẫn đến rất nhiều trường hợp bị bỏ qua.

Vào năm 1997, một người đàn ông lạ mặt đột nhập vào nhà cô Audrey Polk rồi cưỡng hiếp cô trước mặt hai đứa con. Đây là một trong những trường hợp đã lấy mẫu trong những bộ dụng cụ “rape kit” chưa được kiểm tra và nhóm của Kym Worthy phát hiện. Mãi 12 năm sau, các công tố viên mới chú ý đến vụ án này. Kẻ tấn công Audrey Polk đã được tìm thấy sau khi trải qua một cuộc kiểm tra đầy phức tạp, cuối cùng hung thủ bị kết tội và phải chịu mức án đến 60 năm tù giam.

Một trường hợp đáng ghê tởm khác liên quan đến Shelly Andre Brooks, người hiện thụ án tù không được ân xá vì bị buộc tội đã thực hiện các cuộc tấn công tình dục, giết chết ít nhất 7 phụ nữ.

Thông qua một mẫu xét nghiệm ADN được tìm thấy trong những mẫu lưu của bộ “rape kit”, nhóm của Kim Worthy đã điều tra ra rằng, Brooks có liên quan đến vụ hãm hiếp một phụ nữ vào năm 2006 - nhưng theo những nhân viên điều tra thì mẫu lưu này đã không được kiểm tra. Chính vì điều đó mà Brooks tiếp tục giết chết ít nhất một người phụ nữ khác vào năm 2007 và cảnh sát tin rằng hắn có thể là thủ phạm của nhiều vụ giết người khác…

H.T. (tổng hợp)
.
.