Colombia: Ai đứng sau vụ mưu sát tân Tổng thống Juan Manuel Santos?

Thứ Năm, 08/07/2010, 09:20
Việc ngăn chặn kịp thời vụ ám sát tân Tổng thống Juan Manuel Santos khi ông chuẩn bị làm lễ nhậm chức, thay thế người tiền nhiệm Alvaro Uribe vào hôm 7/8 tới được dư luận Colombia đặc biệt quan tâm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, tuy quan chức của Văn phòng công tố thông báo, lực lượng an ninh đã bắt giữ 2 tay súng thuộc Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) bị cáo buộc thực hiện âm mưu kể trên, nhưng giới chuyên môn vẫn đặt ra nhiều câu hỏi. Quan chức thuộc lực lượng bảo vệ Phủ Tổng thống cho biết, còn quá sớm để khẳng định các tay súng bị bắt thuộc FARC cho dù cơ quan chức năng đã thu được bằng chứng - đạn súng cối, bản đồ và các mô hình của Phủ Tổng thống tại một ngôi nhà cách Phủ Tổng thống không xa.

Dư luận cho rằng, ông Juan Manuel Santos sẽ khó thành công nếu thiếu sự ủng hộ của cựu Tổng thống Alvaro Uribe. Ông Alvaro Uribe là người có công lớn trong việc dẹp yên "vấn nạn FARC" và đây cũng là nhiệm vụ sắp tới của tân Tổng thống Juan Manuel Santos.

Thứ hai, diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm. Ngày 28/6 vừa qua, ngành Tư pháp Ecuador đã ra lệnh mở một cuộc điều tra về vụ tình báo Colombia theo dõi nhiều quan chức cao cấp của Ecuador, nhất là với Tổng thống Rafael Correa, sau khi có phát hiện cho thấy điện thoại và thư điện tử của nhà lãnh đạo này bị nghe lén và xem trộm.

"Tôi đã ra lệnh cho cơ quan hợp tác quốc tế và cơ quan điều tra thụ lý vụ việc nghiêm trọng này" - Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Ecuador, Washington Pesantez, phát biểu với Hãng Thông tấn Ecuador, Andes ngày 28/6. Người này cho biết thêm, một thẩm phán của Ecuador sẽ được cử sang Colombia để điều tra làm rõ những vụ việc xâm phạm tới chủ quyền quốc gia và an ninh nội địa của Ecuador.

Thông báo của Viện Kiểm sát Ecuador được đưa ra sau khi nhật báo El Universo đăng tải một bài báo dẫn nguồn từ Cục Phản gián Colombia cho biết điện thoại của Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, các cộng sự của Tổng thống, giới chức quân sự, quan chức chính trị, doanh nhân và của cả giới nhà báo Ecuador đã bị tình báo Colombia nghe lén trong suốt năm 2008. Tờ báo chỉ rõ những số điện thoại và thư điện tử bị theo dõi trên được một số người trong ngành cảnh sát của Ecuador cung cấp.

Giới chức trách Ecuador tuyên bố kết quả cuối cùng của cuộc điều tra trên sẽ được gửi trực tiếp tới Tổng thống mãn nhiệm của Colombia Alvaro Uribe và cả Tổng thống vừa đắc cử của nước này là Juan-Manuel Santos, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, người sẽ chính thức lên thay ông Uribe vào ngày 7/8 tới đây.

Bogota ngày 29/6 đã ngay lập tức phản đối lời cáo buộc và cuộc điều tra của Ecuador thông qua cơ quan tình báo của nước này là DAS. Trong một thông báo chính thức, DAS phủ nhận hoàn toàn mọi hành động theo dõi nhằm vào Tổng thống Ecuador và cho rằng những thông tin từ phía Ecuador sẽ gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của hai quốc gia.

Việc tiết lộ vụ bê bối tình báo trên được đưa ra đúng vài ngày sau khi ông Juan-Manuel Santos, làm Bộ trưởng Quốc phòng Colombia từ năm 2006 đến 2009, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 20/6. Ông Juan Manuel Santos là người ít được đánh giá cao tại Ecuador kể từ sau khi ông này ra lệnh cho quân đội Colombia tấn công vào một khu trại tình nghi là nơi ẩn nấp của lực lượng cách mạng Colombia FARC ngày 1/3/2008 làm 26 người chết, trong đó có nhân vật số 2 của lực lượng này là Raul Reyes.

Vụ tấn công trên đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Quito và Bogota bị cắt đứt trong vòng 6 tháng liền và đẩy khu vực Mỹ Latinh vào vòng xoáy bạo lực, thậm chí hai quốc gia còn đứng bên bờ vực chiến tranh. Chính vì vụ đánh bom này mà ông Juan Manuel Santos đã bị Tòa án Tối cao Ecuador ra lệnh bắt giữ vì tội sát hại thường dân vô tội của Ecuador.

Đối với Venezuela, ông Juan Manual Santos cũng có thách thức. Cách đây mấy hôm (25/6), Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã yêu cầu Tổng thống mới đắc cử Colombia Juan Manuel Santos đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ. Tổng thống Hugo Chavez còn yêu cầu Tổng thống Juan Manuel Santos phải thừa nhận "cuộc tấn công của quân đội Colombia vào lãnh thổ Ecuador là một sai lầm man rợ"! Tổng thống Hugo Chavez từng nhận định, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Juan Manuel Santos, người sinh ra (10/8/1951) trong một gia đình giàu có và quyền lực nhất Colombia sẽ là mối nguy đối với nước này ngay sau khi tên của ông xuất hiện trong danh sách tranh cử tổng thống.

Dư luận cho rằng, việc bổ nhiệm bà Maria Angela Holguin, cựu Đại sứ Colombia tại Liên Hiệp Quốc và Venezuela thay thế người tiền nhiệm Jaime Bermudez, giữ chức tân Ngoại trưởng cho thấy, tân Tổng thống Juan Manuel Santos đang tìm mọi cách để cải thiện quan hệ với 2 nước láng giềng Ecuador và Venezuela. Và đây được coi là thách thức không nhỏ của tân Tổng thống Colombia sau khi chính thức nhậm chức.

Lực lượng tình báo DAS của Colombia bị tình nghi theo dõi Tổng thống Ecuador.

Thứ ba, đã có tiền lệ. Sở dĩ dư luận đặt câu hỏi kể trên bởi cách đây gần 8 năm (7/8/2002), các tay súng FARC từng nã đạn súng cối vào Phủ Tổng thống khi ông Alvaro Uribe tuyên thệ nhậm chức, khiến 19 người chết và hơn 50 người khác bị thương. Nhưng điều này không thể khẳng định, kịch bản cách đây gần 8 năm được tái diễn bởi "1 đạo diễn".

Giới truyền thông cho biết, các cơ quan chức năng Colombia hiện đang khẩn trương làm rõ những nghi vấn kể trên. Giới truyền thông cho biết, ngay sau khi tuyên bố đắc cử tại cuộc bầu cử vòng 2 hôm 20/6, ông Juan Manuel Santos, ứng cử viên của đảng Xã hội Thống nhất Quốc gia (đảng Dân tộc Thống nhất bảo thủ) đã nhấn mạnh, sẽ tiếp tục thực thi chính sách mà người tiền nhiệm Alvaro Uribe đã theo đuổi - FARC đã hết thời và sẽ không có bất kỳ một cơ hội nào để đàm phán với chính phủ ngoài việc phải thả vô điều kiện các con tin đang cầm giữ.

Thứ tư, các băng đảng ma túy. Từng là Bộ trưởng Quốc phòng nên ông Juan Manuel Santos là một trong những người thực thi chiến dịch chống ma túy mà người tiền nhiệm Alvaro Uribe tuyên bố cách đây 8 năm. Bộ Nội vụ Colombia từng phải áp dụng biện pháp mạnh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vòng hai diễn ra hôm 20/6: đóng cửa toàn bộ các cửa khẩu biên giới với Brazil, Ecuador, Panama, PeruVenezuela. Cách đây hơn 3 năm (25/3/2007), Colombia từng bác bỏ cáo buộc của CIA nhằm vào cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mario Montoya, người tiền nhiệm của ông Juan Manuel Santos - đã hợp tác với lực lượng bán quân sự cực hữu, có liên quan tới băng đảng ma túy nhằm loại bỏ các tay súng nổi loạn.

Thứ năm, yếu tố kinh tế. Ngoài những nghi can kể trên, nhân tố kinh tế cũng bị liệt vào diện nghi vấn. Tuy ông Juan Manuel Santos chưa chính thức nhậm chức, nhưng người sẽ đứng đầu Bộ Tài chính đã được tân Tổng thống chấm định. Theo đó, tân Bộ trưởng Tài chính Juan Carlos Echeverry sẽ không bán các cổ phần, hay cổ phần hóa những công ty của nhà nước để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách, có thể tạo thêm 2,5 triệu việc làm mới và chính thức hóa thêm nửa triệu việc làm nữa, cho dù không có ý định bán các công ty quan trọng của nhà nước như Ecopetrol và Isagen.

Được biết, trước khi đắc cử Tổng thống, ông Juan Manuel Santos từng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại thương, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Quốc phòng sau khi lấy bằng Tiến sĩ Luật quốc tế và Thạc sĩ Kinh tế của Trường đại học Harvard, Mỹ

Phương Anh - Giang Khuê (tổng hợp)
.
.