“Con bạch tuộc khủng bố” có co vòi?

Chủ Nhật, 15/05/2011, 22:40

Sau khi Tổng thống Mỹ Obama ra thông báo ngày 5/5 sẽ không công bố bất cứ hình ảnh nào về xác chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, hàng loạt nghi vấn lại rộ lên từ việc liệu có sự bao che của Pakistan hay không đến việc ai sẽ lên thay Osama bin Laden và quan trọng hơn nữa là thế giới có an toàn hơn sau khi Bin Laden thực sự đã chết?

Ông nói gà, bà nói vịt

Có vô số phát biểu từ các quan chức trong quân đội cũng như Chính phủ Mỹ được đưa ra kể về chi tiết cuộc bố ráp nơi ở của Bin Laden. Tuy nhiên, cho đến giờ này, bản thân những phát biểu trên đã tỏ rõ nhiều mâu thuẫn với nhau, chưa nói tới việc so sánh với những thông tin được các hãng truyền thông lớn cử phóng viên xuống tận hiện trường điều tra.

Sau vụ tấn công, các viên chức Mỹ đưa thông tin ngụ ý với các phương tiện truyền thông là Osama bin Laden đã sử dụng phụ nữ làm lá chắn sống để bảo vệ cho mình, và ông ta có vũ khí. John Brennan, cố vấn của Tổng thống phụ trách chống khủng bố, vốn không phải là người hay phát ngôn bừa bãi, đã để cho người ta ngầm hiểu rằng thủ lĩnh Al-Qaeda là một kẻ hèn nhát núp sau lưng đàn bà, và sống trong một biệt thự sang trọng trong khi các chiến hữu của mình phải chiến đấu trong điều kiện gian khổ. Nhưng hôm 4/5, Washington lại đưa ra lời giải thích khác.

Ông Brennan rút lui về phía sau và phát ngôn viên của Nhà Trắng, Jay Carney, khi trình bày báo cáo đầu tiên, đã nói rằng Bin Laden không sử dụng phụ nữ để che chắn cho mình, và cũng không vũ trang. Một trong số các bà vợ của Bin Laden đã lao vào các thành viên của biệt đội đặc nhiệm Mỹ và sau đó bị thương ở chân. Còn Bin Laden thì bị bắn hạ vì đã chống cự lại lính đặc nhiệm. Nếu y giơ tay lên đầu hàng, thì đã không bị giết chết. Chưa thể giải tỏa mọi thắc mắc, một số nhà báo cho là chính quyền Mỹ đã cố gắng bôi đen hình ảnh Osama bin Laden đối với những người ủng hộ ông ta.

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vilson, nơi tiến hành thủy táng thi hài Bin Laden.

Còn báo chí khi cử phóng viên xuống hiện trường điều tra thì thấy có quá nhiều điều không đúng như những gì chính quyền Mỹ thông báo trước đó. Người con trai của Bin Laden bị giết chết không phải là Khalid mà là Hamza. Trong khi đó đài truyền hình Arập Al Arabiya có trụ sở tại Dubai, dẫn nguồn một quan chức cao cấp Pakistan nói con gái 12 tuổi của Bin Laden có mặt tại hiện trường kể rằng Bin Laden đã bị bắt giữ và kéo ra ngoài trực thăng trước khi bị hành quyết. Quan chức này cũng phủ nhận lời kể của Mỹ về "sự kháng cự dữ dội" bên trong tòa nhà, nói rằng không có phát đạn nào được bắn ra.

Hệ thống truyền hình Mỹ, Fox News, còn cho rằng Bin Laden đã chuẩn bị sẵn điện thoại di động và tiền bạc với ý định tẩu thoát. Một phiên bản khác của tờ National Enquirer (cũng của Mỹ) thậm chí còn nói rằng Bin Laden đã năn nỉ xin tha mạng và nói rằng "không phải tôi" khi đối diện với các đặc nhiệm của Mỹ.

Về phần mình, trong một tuyên bố gửi bằng điện thư cho truyền thông vào hôm 3/5, phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid nói: Chính phủ Mỹ không cung cấp bằng chứng có tính chất thuyết phục để hỗ trợ cho lời tuyên bố về vụ tấn công tại thành phố Abbottabad của Pakistan. Tuyên bố của Taliban cũng cho biết, những nguồn tin thân cận Bin Laden không xác nhận mà cũng không phủ nhận tin về cái chết của Bin Laden. Tổ chức chủ chiến này chưa đưa ra lời xác quyết về vấn đề này cho đến khi những phụ tá của Bin Laden loan báo chính thức về tình trạng của lãnh đạo Al-Qaeda.

Nghi vấn về cái chết của Bin Laden càng gia tăng khi Mỹ vội vàng thủy táng xác của trùm khủng bố! Giải thích về điều này, Cố vấn an ninh của Tổng thống Obama, John Brennan, tuyên bố với báo chí là do e ngại mộ phần của Bin Laden có thể tạo ra một nơi "thánh địa hành hương" của những phần tử khủng bố và "không đủ thời giờ tìm một nước thứ ba" nên Mỹ phải chọn giải pháp tuyệt đối an toàn nhất, là ném xác xuống biển cho... cá rỉa.

Thông tin loạn xạ về cái chết của Bin Laden.

Chưa hết, Tổng thống Obama tuyên bố ông sẽ không cho phép phổ biến hình ảnh Bin Laden bị giết. Tuyên bố được đưa ra trong buổi phỏng vấn trên Đài Truyền hình CBS phát hôm 4/5. Lý do của việc không phổ biến "bằng chứng" về cái chết của Bin Laden là bức ảnh Bin Laden chết (bị bắn 2 phát đạn vào mặt, không còn nhận ra dung nhan) trông rất khủng khiếp, và nếu công bố có thể gây sốc cho một số người "yếu tim", đồng thời dẫn đến một rủi ro an ninh quốc gia và xúi giục gây bạo động.

Trước sự không rõ ràng trên của Mỹ, nhiều tờ báo bắt đầu đặt dấu hỏi: Liệu rằng Bin Laden có chết thực sự hay không, hay chỉ là màn dàn dựng của Mỹ. Theo tờ Washington Post, giả thuyết âm mưu về cái chết của Bin Laden xuất hiện rất nhiều ở Ai Cập.

Tờ Le Monde của Pháp số ra ngày 4/5 dẫn lời Robert Alan Goldberg, Giáo sư Sử học tại Đại học Utah, Mỹ, nói: "Cũng giống như cái chết của Hitler, có rất nhiều người không tin Bin Laden đã chết thực sự. Bin Laden vốn được coi là một quân bài trong trò chơi của CIA. Tại Iran, cả phía chính quyền lẫn giới truyền thông đều nói họ chấp nhận một cái chết "truyền thông" của Bin Laden hơn là một cái chết thực sự. Còn tại Abbottabad, Pakistan, nhiều người địa phương tin rằng cuộc đột kích vào chỗ ở của Bin Laden là một trò dàn dựng của Mỹ nhằm làm mất mặt Pakistan và củng cố cơ hội tái đắc cử của ông Obama?

Khủng hoảng trong hàng ngũ Al-Qaeda sau cái chết của Bin Laden?

Theo quan điểm của hầu hết các chuyên gia về khủng bố, mạng lưới Al-Qaeda sẽ ở trong tình trạng rắn mất đầu sau cái chết của Osama bin Laden. Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ là lên thay Bin Laden để đứng đầu tổ chức tội phạm này. Theo ông Mohammad Abou Roummane, một chuyên gia người Jordani về các hoạt động khủng bố, nhân vật số hai Al-Qaeda là Ayman Al Zawhiri, 60 tuổi, gốc Ai Cập không có uy tín như Bin Laden.

Thêm vào đó, theo lời Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Cận Đông, trụ sở tại Arập Xêút, Ayman Al Zawhiri, sẽ không dễ dàng chinh phục được những phần tử trong hàng ngũ Al-Qaeda xuất xứ từ Riyad. Ayman từng là cánh tay phải của Bin Laden và là một trong những sáng lập viên của tổ chức Al Qaeda. Trước khi gặp Bin Laden tại Afghanistan, Ayman Al Zawhiri là người lãnh đạo phong trào Hồi giáo jihad Ai Cập. Mỹ treo giải thưởng 25 triệu USD cho những ai bắt được Ayman.

Nhìn rộng ra hơn, theo giới phân tích Arập, trong tương lai, các hoạt động khủng bố có khả năng giảm bớt cường độ. Lý do là vì Al-Qaeda không còn sức thuyết phục như một thập niên trước đây. Ngoài ra, sau cái chết của Bin Laden, nhiều đường dây khủng bố và cơ sở nằm vùng cũng sẽ mất đi nguồn tài trợ.

Thế nhưng lại cũng có những ý kiến cho rằng vai trò của Bin Laden chỉ là "tương đối": kể từ sau loạt tấn công nhắm vào Mỹ năm 2001, Bin Laden không còn thực sự kiểm soát được tất cả các hoạt động khủng bố trên thế giới. Nhân vật này đã trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần chứ không còn là một thủ lĩnh về phương diện chính trị hay quân sự. Do vậy một số chuyên gia lo ngại, mạng lưới khủng bố trên thế giới vẫn tiếp tục hoạt động như trước khi Bin Laden bị triệt hạ.

Ngay sau khi trùm khủng bố Bin Laden bị hạ sát, câu hỏi đặt ra là sự kiện này tác động thế nào đến các nhóm khủng bố tại Đông Nam Á. Trong vòng một thập niên qua, tổ chức Jemaah Islamiyah ở Indonesia hay Abu Sayyaf ở Philippines, tác giả nhiều vụ tấn công đẫm máu, đều ít nhiều gắn bó với mạng lưới Al-Qaeda của Bin Laden. Chính quyền các nước lo ngại nguy cơ các nhóm này có hành động trả đũa.

Theo nhận định của các chuyên gia khủng bố, do đặc trưng tổ chức của Al-Qaeda, vốn để cho các nhóm khủng bố địa phương quyền tùy cơ ứng biến, tự do hành động, cho nên sẽ không xảy ra tình trạng "rắn mất đầu" sau cái chết của Bin Laden. Việc lãnh đạo Al-Qaeda bị hạ sát sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của các nhóm khủng bố tại Đông Nam Á

Văn Bôl - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.