Con đường vận chuyển ma túy qua sa mạc Sahara

Thứ Tư, 12/06/2013, 10:25

Năm 2009, Mohamed (không phải tên thật) gia nhập một nhóm vận chuyển cocaine băng qua sa mạc Sahara. Anh ta và ông chủ của mình - người có thời gian buôn lậu thuốc lá - bị hấp dẫn trước sự giàu có của những kẻ buôn lậu ma túy người Morocco và Algeria mà họ chạm trán trong những thị trấn vùng sa mạc.

Mohamed giải thích: “Khi vận chuyển thuốc lá, tôi được trả công 100.000 CFA frăng (đơn vị tiền tệ ở các nước châu Phi nói tiếng Pháp - tương đương 130 bảng Anh) cho mỗi chuyến. Nhưng, với cocaine thì tôi nhận được đến 1 triệu. Chúng tôi lái những xe 4x4 băng qua sa mạc và mỗi chiếc có thể kiếm được 18 triệu CFA - tài xế, bảo vệ và tôi được trả một khoản tiền thù lao còn ông chủ của tôi giữ phần tiền còn lại”.

Mohamed 31 tuổi, sống ở thành phố Timbuktu miền Trung Mali, rìa sa mạc Sahara về phía nam, lần đầu tiên kể câu chuyện buôn lậu của anh ta với báo chí: "Tôi không biết buôn thuốc lá là bất hợp pháp. Tôi và mọi người đều hút thuốc nên tôi cho là chuyện không nghiêm trọng. Khi bắt đầu vận chuyển cocaine, tôi biết mình đã sai vì tôi là người Hồi giáo. Nhưng, cuộc sống khó khăn không có cách nào khác để kiếm tiền. Những con đường của chúng tôi không bao giờ cố định và phải lái xe suốt 24/24 giờ mỗi ngày, không ngừng nghỉ cho tới khi đến nơi nhận hàng. Chúng tôi ăn thực phẩm đóng hộp và chuẩn bị sẵn bình trà trong xe".

Theo đánh giá của LHQ, khoảng 18 tấn cocaine với giá trị ước chừng 800 triệu bảng Anh (1,25 tỉ USD) được vận chuyển ngang qua khu vực Tây Phi vào mỗi năm - chiếm gần 50% tổng số cocaine chảy vào Mỹ. Phần lớn cocaine xuất xứ từ Columbia, Peru và Bolivia rồi vận chuyển đến Tây Phi bằng chiếc máy bay tư nhân, tàu đánh cá và tàu vận tải hàng.

Hiện nay, vai trò của những người Hồi giáo liên kết với Al-Qaeda - những người kiểm soát miền Bắc Mali từ đầu năm 2012 cho đến khi chúng bị quân đội Pháp và châu Phi hất cẳng vào năm nay - đang gây lo ngại về khả năng hoạt động buôn lậu ma túy gây mất ổn định cho khu vực.

Tiến sĩ Kwesi Aning, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Huấn luyện gìn giữ hòa bình Kofi Annan ở Ghana, cho biết: "Rất khó có bằng chứng về mối liên kết giữa Al-Qaeda và buôn lậu cocaine ở Sahara. Lúc đầu, hoạt động buôn lậu ma túy do người Tuerag nắm giữ. Nhưng, sau khi Al-Qaeda dính líu vào cách đây khoảng 10 năm, chúng ta nhìn thấy số lượng ma túy buôn lậu gia tăng khủng khiếp. Bọn chúng có các mạng lưới và hiểu biết sâu rộng về vấn đề hậu cần".

Xác của chiếc Boeing 727 chở 10 tấn cocaine bị rơi ở sa mạc của Mali.

Nhiều người Mali buộc tội các chế độ kế tiếp Tổng thống Amadou Toumani Touré (nay đã bị lật đổ) dính líu sâu vào hoạt động buôn ma túy. Người ta còn nhớ một tai nạn gọi là "Cocaine hàng không", khi đó một chiếc máy bay Boeing 727 chở 10 tấn cocaine được tìm thấy cháy trụi trong vùng sa mạc của Mali.

Năm 2010, một thanh tra cảnh sát Mali bị buộc tội dính líu vào âm mưu xây dựng một đường băng trong sa mạc dành để vận chuyển ma túy qua đường hàng không. Sau đó, Cơ quan Chống tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA) cho biết có một chiếc máy bay từ Venezuela hạ cánh xuống Mali, hàng hóa được chuyển sang những chiếc 4x4 chạy về hướng thành phố Timbuktu và mất hút.

Pierre Lapaque - đại diện Văn phòng khu vực phụ trách phía tây và trung châu Phi của UNODC (Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm LHQ) - nhận định: "Đó là dải cát khổng lồ giúp người ta dễ dàng vượt qua các đường biên giới mà không hề bị phát hiện. Một thách thức nghiêm trọng cho các cơ quan thực thi pháp luật, bởi các quốc gia mà ở đó nhân viên công lực chỉ được huấn luyện sơ sài, trang bị nghèo nàn và nạn tham nhũng. Kết hợp mọi yếu tố lại với nhau sẽ thấy rõ đó là cơ hội vàng cho bọn tội phạm".

Olusegun Obasanjo, cựu Tổng thống Nigeria và hiện là ủy viên Ủy ban Tây Phi về tác động của ma túy đến chính quyền, an ninh và phát triển (WACD) mới được thành lập trong năm nay, nói: "Các nhóm tội phạm có tiền để mua sự ảnh hưởng gây khó khăn cho các chiến dịch bắt giữ bọn chúng. Chúng tác động đến các hoạt động  của giới chức dân sự, quân đội và lực lượng bán quân sự. Bọn tội phạm thậm chí còn tung tiền trong các chiến dịch bầu cử".

Mohamed nói rằng bọn buôn  lậu ma túy có tổ chức chặt chẽ khiến nỗ lực phát hiện chúng rất khó khăn: "Chúng tôi nhận hàng ma túy trong vùng núi của sa mạc gọi là al-Hanq. Sau đó chuyển đến tụ điểm bằng lạc đà băng qua sa mạc mà không có người dẫn đường. Những con lạc đà được huấn luyện bằng cách bỏ đói, buộc phải đi qua một lộ trình duy nhất nhiều lần và sẽ được cho ăn no nê khi đến điểm tập kết ở al-Hanq.

Chúng tôi tiếp tục chở hàng trên những chiếc xe 4x4 nhưng chúng tôi vẫn có những chỗ kín đáo để ẩn nấp khi gặp rắc rối. Một chiếc xe có nhiệm vụ đi trước để do thám và ra hiệu cho chúng tôi nếu phát hiện có chướng ngại. Chúng tôi sẽ bôi mỡ lên những chiếc xe rồi phủ cát lên để ngụy trang và đó là cách khiến cho không ai có thể nhìn thấy được từ xa giữa sa mạc mênh mông".

Mohamed hiểu rõ những nguy cơ của việc vận chuyển ma túy và nay anh đã từ bỏ công việc chết người này sau khi đoàn xe của anh bị bọn cướp vũ trang hạng nặng tấn công. Mohamed thoát chết nhưng 3 người đi cùng thì không may mắn. Hai chiếc xe bị cháy rụi. Ông chủ của Mohamed hiện nay trở thành ông trùm buôn lậu ma túy và sở hữu căn biệt thự cực kỳ sang trọng ở thủ đô Niamey của Nigeria. Ở thành phố Timbuktu, sự hiện diện của những ông trùm buôn lậu ma túy là bí mật mà ai cũng biết. Theo Mohamed, mọi người ở Timbuktu đều buôn ma túy và chính quyền cũng dính dáng vào, thậm chí họ còn cung cấp những chiếc 4x4 mới toanh cho bọn tội phạm ma túy!

Duy Ân (tổng hợp)
.
.