“Cơn lốc” vỡ nợ ở Tây Nguyên

Thứ Tư, 19/11/2008, 09:30
Cơn “dịch” vỡ nợ đang lan tỏa nhiều địa phương ở Tây Nguyên như một quy luật tất yếu của hoạt động “tín dụng đen” ngoài xã hội. Hàng trăm người lao đao vì vỡ nợ, hàng ngàn người điêu đứng vì sự tác động trực tiếp của “cơn lốc” vỡ nợ đang diễn ra ở Tây Nguyên...

Bà Cúc, một thương nhân ở Gia Lai tâm sự, hơn 10 năm kinh doanh làm ăn của cả gia đình bà như đổ xuống sông, xuống biển. Bởi vì khoản tiền gần chục tỉ đồng của gia đình cho vay bên ngoài bây giờ không thu hồi được. Tài sản cấn nợ lấy lại được với vài mảnh đất không đáng giá là bao, hiện tại không bán được nhưng cũng phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận, nếu không chịu cấn trừ đất thì mất hết không thu được đồng nào.

Một bi kịch đáng thương cho hoàn cảnh của chị C, nhân viên bệnh viện ở Gia Lai đã phải tìm đến cái chết vì phải “trắng tay” khi bị vỡ nợ. Cả gia đình dành dụm lâu nay được vài trăm triệu đồng chưa kịp xây nhà ở, chị đã đem cho vay với lãi suất cao. Vì muốn có thêm tiền để xây nhà khá hơn, chị đem cầm cố mảnh vườn để lấy vài trăm triệu đồng nữa cho vay, không ngờ bị mất hết “cả chì lẫn chài”.

Theo báo cáo sơ bộ của Cơ quan công an, đến nay ở địa bàn Gia Lai đã có 44 vụ vỡ nợ dưới nhiều hình thức khác nhau, tổng số tiền khoảng trên 275 tỉ đồng, liên quan đến hàng trăm người.

Dịch vụ đáo hạn ngân hàng được quảng cáo khắp nơi.

Trong đó một số vụ phát sinh mới như Phạm Thị Thu Hương ở tổ 3, phường Thống Nhất, Pleiku, Gia Lai nợ 210 triệu đồng; Cao Thị Kim Lan ở Yên Đỗ, Pleiku nợ 197 triệu đồng; Lê Trần Thị Nuy Na ở Phù Đổng, Pleiku nợ 500 triệu đồng; Phạm Thị Cách, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ia Mơ Nông (Chưpăh, Gia Lai) vay 175 triệu đồng của 11 cá nhân, lãi suất 4%/tháng...

Đến nay Cơ quan CSĐT Công an TP Pleiku và Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố hình sự 5 vụ với 5 bị can về các hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong số 12 đối tượng vắng mặt khỏi địa phương liên quan đến các vụ vỡ nợ mà Cơ quan công an nắm được, hiện có 2 trường hợp đến trình diện khai báo với Cơ quan công an.

Trong đó, Lê Thị Thùy Trang ở Hội Thương, Pleiku, với số nợ ban đầu là 786,6 triệu đồng. Qua điều tra, Cơ quan công an còn phát hiện Trang nợ Bùi Thị Thùy Linh ở Pleiku trên 8,7 tỉ đồng; Lê Quang Vũ ở làng Choét II, Pleiku nợ 392 triệu đồng của một số người và nợ bà Kiều Thị Lan ở Nguyễn Viết Xuân, Pleiku 1,9 tỉ đồng.

Một số vụ vỡ nợ lớn trước đây Chuyên đề ANTG đã nêu như Phan Thị Hồng ở 40, Lê Hồng Phong, Pleiku, Gia Lai vay của 62 người và một số ngân hàng 165,6 tỉ đồng, rồi cho Mai Quý Thọ ở Đà Nẵng vay gần 80 tỉ đồng và 230 cây vàng cùng 22 người khác vay lại trên 52,7 tỉ đồng.

Số tiền vay còn lại Phan Thị Hồng khai đã trả lãi các cá nhân cho vay và chơi hụi gần 33 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay Hồng vẫn chưa bị xử lý hình sự. Riêng vụ Lê Thị Mỹ Hồng ở Hoa Lư, Pleiku không có khả năng thanh toán khoảng 44 tỉ đồng, đã bị khởi tố bắt tạm giam; hiện Cơ quan công an đã chứng minh Hồng lừa đảo chiếm đoạt hơn 8 tỉ đồng.

Hay vụ Lê Thị Bích Hạnh, trú ở tổ 14, phường Thống Nhất, Pleiku, bị khởi tố bắt giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền vay 17,760 tỉ đồng không có khả năng thanh toán. Bên cạnh đó còn có các vụ vỡ nợ khác như bà Phạm Thị Châu (45 Nguyễn Du, Pleiku) bị tố cáo nợ hơn 9,7 tỉ đồng.

Qua cấn trừ một số cá nhân, hiện bà Châu còn nợ trên 6,5 tỉ đồng. Tương tự, bà Nguyễn Thị Thảo ở Quyết Tiến, Pleiku nợ số tiền trên 7,4 tỉ đồng của 11 cá nhân; Nguyễn Thị Gấm ở Nguyễn Đình Chiểu, Pleiku nợ 6 cá nhân trên 1 tỉ đồng; Trần Thị Mỹ Hằng ở Tây Sơn, Pleiku nợ trên 2,5 tỉ đồng; Trần Thị Kim Tuyết ở Lê Duẩn, Pleiku nợ hơn 900 triệu đồng...

Đáng chú ý nữa là Nguyễn Duy Vinh ở thôn 10, xã Ia Hrung, Ia Grai, Gia Lai chiếm đoạt số tiền trên 1,6 tỉ đồng của 12 cá nhân. Vinh là đối tượng có lệnh truy nã của Công an Đắc Lắk nhưng đã bỏ trốn sang Gia Lai lừa đảo và hiện tiếp tục bỏ trốn.

Tại Đắc Lắk, ngoài các vụ vỡ nợ trước đây như Nguyễn Thị Hiếu ở xã Ea Bông, Krông Ana, từ năm 2005 đến 2007 cùng Lê Trung Kiên đã lợi dụng lòng tin, lừa đảo chiếm đoạt của 54 người với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng; Nguyễn Thị Lang trú ở 112/14, Nguyễn Tri Phương, TP Buôn Ma Thuột, cùng chồng tên Khương lừa đảo chiếm đoạt trên 9,9 tỉ đồng; Tạ Thị Liễu ở xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, đã chiếm đoạt trên 6,6 tỉ đồng...

Hiện tại, một vụ vỡ nợ lớn khác tại Công ty TNHH Vận tải Hoàng Mỹ ở 437 Phan Châu Trinh, TP Buôn Ma Thuột. Theo điều tra ban đầu, Giám đốc Hoàng Văn Mỹ (42 tuổi) đã lập công ty vận tải rồi thuê xe ôtô cá nhân của nhiều người với giá cao, trả tiền thuê hàng ngày, hoặc cả tháng.

Sau khi thuê và lấy giấy đăng ký xe ôtô của một số cá nhân, Hoàng Mỹ đem thế chấp vay ngân hàng và cầm cố chiếm đoạt tổng số tiền xác định ban đầu trên 13 tỉ đồng rồi bỏ trốn. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Hoàng Văn Mỹ  về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại Lâm Đồng, Cơ quan CSĐT tội phạm về TTXH đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức cho vay lãi suất cao do Cao Thị Kim Loan (36 tuổi) trú ở 58B, Thi Sách, TP Đà Lạt với số tiền khoảng 30 tỉ đồng.

Từ nay đến cuối năm khả năng sẽ còn tiếp tục xảy ra nhiều vụ vỡ nợ mới. Bởi thực tại, nhiều doanh nghiệp lập nên những dự án lớn để vay vốn ngân hàng nhưng không kinh doanh mà lấy vốn chơi “tín dụng đen”, (chúng tôi sẽ đề cập về vấn đề này ở một bài viết khác).

Một thực tế khác hiện nay đang tác động lớn đến cuộc sống nhiều người dân ở Tây Nguyên do chịu ảnh hưởng của cơn vỡ nợ là giá bất động sản xuống thấp và rất ít người mua. Nhiều nạn nhân trong “cơn” vỡ nợ cho biết, nếu không bán được nhà để trả nợ ngân hàng thì cuối năm sẽ bị xiết mất nhà cửa vì lãi mẹ đẻ lãi con. Cùng với cảnh bán nhà chạy nợ, tình trạng xiết nợ, cấn nợ cũng diễn ra không ít.

Bên cạnh đó, nhiều vụ cấn nợ ngấm ngầm thỏa thuận hết sức tự nhiên, các dịch vụ cho vay vốn đáo hạn ngân hàng cũng đang diễn ra công khai hàng ngày dưới nhiều hình thức quảng bá khắp nơi

Ngọc Như
.
.