“Công nghệ chế tác” con dấu giả

Thứ Ba, 01/12/2009, 16:35
Xung quanh những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân đều có bóng dáng của tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Quả thực, việc làm giả con dấu của cơ quan nhà nước với thiết bị, công nghệ hiện đại được thực hiện một cách dễ dàng và đơn giản. Không những có thể lừa được người dân mà còn qua mặt cả cơ quan chức năng.

Đường đi của văn bằng giả

Thời gian qua, tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng như một số địa phương lân cận xuất hiện một số đối tượng dùng các loại giấy tờ, văn bằng giả. Xác định được tính chất nguy hiểm của vụ việc, Ban lãnh đạo Công an huyện Trảng Bom quyết định thành lập Chuyên án số 2910C với quyết tâm tiến hành triệt phá bằng được nhóm tội phạm chuyên làm giấy tờ giả này.

Sau một thời gian triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã khoanh vùng các đối tượng. Đáng chú ý nhất là đối tượng Trần Ngọc Thủy, 62 tuổi, thường trú tại khu phố 2, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom là đối tượng tình nghi số 1 của vụ án. Thủy từng vào tù, ra khám và tái phạm nhiều lần về tội làm giấy tờ giả.

Trước đó, y đã có 3 tiền án và bị Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hóc Môn, TP HCM xử 7 tháng tù về tội giả mạo giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước. Năm 2001, TAND tỉnh Long An "thưởng" cho hắn thêm 2 năm tù về tội danh trên vì làm con dấu quá giống! Những tưởng hắn sẽ cải tà quy chính, thế nhưng đến năm 2004, hắn tiếp tục trượt dài và bị TAND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xử 4 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Cơ quan CSĐT huyện Trảng Bom thu giữ tang vật tại hiện trường.

Để có thể hoạt động được lâu dài và tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, những kẻ làm dấu giả thuê nhà ở nơi hoang vắng và kín đáo để sản xuất giấy tờ giả. Bọn chúng mò vào tận rừng tràm thuộc ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom dựng trụ sở hoạt động là một ngôi nhà cấp 4. Tại đây các loại máy tính, máy in, máy ép nhựa được bọn chúng đầu tư để thực hiện cho việc sản xuất hàng loạt các loại giấy tờ giả.

Đồ nghề của bọn chúng được trang bị thành một dây chuyền khép kín từ việc tạo phôi, ép nhựa cho đến việc ký tên, đóng dấu đều được thực hiện tại chỗ. Một mặt bọn chúng vừa sản xuất, mặt khác lôi kéo một số đối tượng khác nằm trong đường dây kinh doanh, mua bán các loại giấy tờ giả thành một mạng lưới chuyên nghiệp. Từ đó, nảy sinh ra các đối tượng chuyên "cò" các loại giấy tờ giả xuất hiện. Để việc tiêu thụ giấy tờ giả vươn xa hơn, có những đối tượng "cò" còn đưa ra lời chào mời khá hấp dẫn trên mạng. Nào là bằng đại học "gốc" có hồ sơ hẳn hoi. Bọn "cò" cũng được phân cấp rõ rệt.

Những đối tượng chuyên bán văn bằng, bằng cấp giả,  thường lân la đến các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc một số trung tâm môi giới việc làm để chiêu dụ người lao động mua bằng cấp. Khi biết nhu cầu người lao động cần phải có bằng cấp và các loại văn bằng để đáp ứng nhu cầu xin việc làm, bọn chúng ra giá.

Lúc này,  "cò" bán giấy tờ giả sẽ xuất hiện. Riêng đối với những loại giấy phép lái xe, bọn chúng thường lân la, chào mời những người có nhu cầu thi giấy phép lái xe "xịn" với hình thức thi bao đậu 100%, lại có hồ sơ gốc hẳn hoi.

Chặt đứt đường dây làm giấy tờ giả        

Chiều ngày 22/10/2009, men theo con đường mòn dẫn vào "tổng hành dinh" tại số 755 thôn Tây Lạc, ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, lực lượng Công an huyện Trảng Bom ém quân gần đó đợi đến giờ xuất kích. Khi trời vừa nhá nhem tối, Ban Chỉ huy Công an huyện Trảng Bom đã ập vào bắt giữ tên Nguyễn Quỳnh Sinh, 45 tuổi, thường trú khu phố 3, huyện Trảng Bom.

Tại hiện trường, toàn bộ máy móc, tang chứng, vật chứng cũng đã được thu giữ. Tiến hành khám xét khẩn cấp nhà ở tên Sinh, cơ quan chức năng thu giữ được toàn bộ công cụ, phương tiện, dụng cụ để làm giấy tờ giả gồm máy vi tính, máy in, các loại con dấu, 10 giấy phép lái xe, 237 giấy tờ các loại văn bằng tốt nghiệp và các loại biểu mẫu khác...

Qua đấu tranh khai thác, Công an Trảng Bom quyết tâm "nhổ cỏ tận gốc" đường dây kinh doanh giấy tờ giả này. Ngay ngày hôm sau 23/11, đúng 11 giờ, Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an huyện Trảng Bom bắt giữ 3 đối tượng còn lại của vụ án là Nguyễn Ngọc Thủy; Phạm Xuân Vinh và Phạm Ngọc.  Đối tượng Phạm Xuân Vinh, hiện đang là giáo viên của Trường tiểu học Tây Thành, xã Minh Thành, TP Vinh.

Trong lần vào thăm em trai đang đóng quân tại Đơn vị K860 phường Long Bình, TP Biên Hòa, Vinh đã tham gia vào đường dây làm giấy tờ và bằng cấp giả thì bị bắt. Nguyễn Quỳnh Sinh, có thời gian dài công tác tại  UBND huyện Thống Nhất cũ. Từ năm 1995 đến năm 2002, Sinh công tác tại Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất. Từ năm 2008 đến khi bị bắt Nguyễn Quỳnh Sinh tham gia vào nhóm làm văn bằng và giấy tờ giả.--PageBreak--

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Ngọc Thủy còn "khoe" mình rất có hoa tay trong việc chế tác ra những con dấu nổi hoặc những con dấu đóng mực như thật. Chỉ với những dụng cụ đơn giản bằng que tăm vót nhọn, Thủy lấy cây thước nhựa được khoét những lỗ tròn và chấm vào hộp mực dấu, nắn nót từng con chữ, vẽ thành con dấu rõ đẹp.

Với những con dấu nổi, Thủy lấy viết bi không mực, khéo léo từng nét cho giống những con dấu như mẫu. Thủy khẳng định mình có thể vẽ những con dấu dập nổi chỉ trong thời gian vài phút!

Giá của mỗi bằng cấp, văn bằng, giấy phép lái xe được “sản xuất” ngay tại "lò" của các đối tượng này có giá dao động từ 200 đến 600 ngàn đồng. Qua trung gian và đến tay người tiêu thụ những loại “giấy tờ” này có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Thủ thuật chế tác

Có tiếp cận với các đối tượng có "khiếu" trong “nghề” chúng tôi mới thấy những chiêu thức có được “con dấu” quả không mấy khó khăn. Ngón nghề dễ thực hiện và dễ làm nhất phải nói đến những công cụ chỉnh sửa hình ảnh được thực hiện thông qua máy tính.

Đối với giới sinh viên chuyên ngành kỹ thuật, việc làm giả con dấu và giấy tờ đôi lúc để lại cho người trong cuộc câu chuyện cười ra nước mắt. Trong câu chuyện phiếm với một vài sinh viên, chúng tôi thật sự giật mình khi chuyện làm giả con dấu, tài liệu của các tổ chức nhà nước không những xảy ra bên ngoài xã hội mà còn lan vào tận học đường.

Với kinh nghiệm 3 năm làm giả "biên lai thu tiền" của mình, N.L.M.T., sinh viên Trường đại học Kinh tế TP HCM "tự hào" khoe thành tích làm giấy tờ giả để về nhà "thụt tiền" gia đình. Cái đầu tiên mà T làm giả "biên lai thu tiền" xuất phát từ việc thua độ mùa World Cup 2006. Đang lúc cần tiền, nghe "đàn anh" lớp trên từng "sa lầy" như T. mách nước là làm giả "biên lai thu tiền" để moi tiền từ gia đình.

Không những làm cho riêng mình, thi thoảng có những sinh viên "lầm đường lạc lối", T. vẫn tranh thủ nhận làm và lấy "thù lao" chầu cà phê hoặc chầu nhậu. Khi đặt vấn đề nhờ T. làm giúp một "biên lai thu học phí", T. gật đầu đồng ý ngay. T. nhanh chóng đi mượn một biên lai thu tiền.

Sau đó đem ra cửa hàng dịch vụ scan biên lai thành những tấm hình, chép qua USB rồi đem về phòng trọ xử lý lại. Một vài thao tác nhỏ, họ tên của người bạn trên tấm biên lai biến mất và chỉ để lại một khoảng trắng. Do sợ không khớp màu sau khi in ra do scan lại từ máy, T. canh màu để chữ thật sắc nét.

Thế là một "biên lai thu học phí" được "ra lò" với đầy đủ con dấu, mộc, cả logo của trường Anh ngữ mình "đăng ký học" hiển hiện rõ trong biên lai mới này. Chỉ trong một loáng, cái mộc đỏ chót từ tấm biên lai được scan từ trước tách rời và ghép sít sao với một tấm biên lai khác được thiết kế lại trên máy, T. chỉnh sửa cẩn thận từ màu sắc, khoảng cách, co chữ, cỡ chữ không khác gì biên lai gốc...

T. rút một tấm "biên lai thu học phí" ra và khoe: "Thấy chưa, nhìn giống như thật chứ, thế này thì đố ông bà già ở quê nhận ra được". Đến lúc này, tôi cũng thật kinh ngạc khi thấy sự giống nhau quá đỗi như "hai giọt nước" của tấm biên lai.

T. còn kể cho tôi nghe về khả năng làm giả giấy tờ các loại của cơ quan nhà nước bằng công nghệ chụp, scan từ máy tính, sau đó dùng đồ họa chỉnh sửa lại cho giống như đúc không có gì khó. Vì biết đó là hành động vi phạm pháp luật và phải chịu cảnh tù tội khi bị phát hiện, T. nhất quyết không nhận lời làm cho bất cứ ai.

Tình cờ trong một lần gặp lại Linh trong một quán cà phê ở khu cư xá Bắc Hải, quận 10. Bởi trước đây tôi đã gặp anh ta đôi lần, gạ chuyện một hồi, mới biết hiện nay Linh chuyên nghề làm con dấu giả và hành tung thì thoắt ẩn thoắt hiện.

Con đường để Linh hành nghề này khá đơn giản. Trong một lần được sếp giao cho con dấu để đại diện công ty đi ký kết hợp đồng, Linh chớp cơ hội copy nguyên bản của con dấu để phòng thân cho những phi vụ bất chính của mình. Sau đó y khéo léo chế tác  ra con dấu giả với việc gọt giũa cho thật giống với con dấu của công ty mà bằng mắt thường không thể nhận biết được. Từ đó Linh nghiên cứu cách thức làm con dấu và những thủ thuật khắc đẽo con dấu giả chi tiết hơn.

Quả thật, với tài khéo léo ít ai bằng của các đối tượng trên, cái cách làm giả con dấu từ củ khoai, từ đục đẽo bằng cây gỗ là "xưa như trái đất"

Đỗ Hưng
.
.