Cuộc chiến chống khủng bố của Trung Quốc đã vượt ra ngoài biên giới

Thứ Sáu, 07/04/2017, 17:50
Báo cáo từ tình báo Israel cho thấy hiện có khoảng 3.000 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu trong các hàng ngũ của Jabhat Fateh al Sham (tên cũ là Mặt trận al-Nusra), một nhánh al-Qaeda và lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ước tính số lượng phiến quân còn lớn hơn, khoảng 5.000 người, và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các nước, trong đó có Syria để chống lại hoạt động xuyên biên giới của các nhóm cực đoan người Duy Ngô Nhĩ. Cuộc chiến chống khủng bố của Trung Quốc đã ra ngoài biên giới.

Từ Tân Cương... đến chảo lửa Trung Đông

Trang tin Ynet của Israel dẫn nguồn tin một báo cáo từ Bộ Ngoại giao Israel cho biết có hàng nghìn người Hồi giáo Trung Quốc đang chiến đấu trong hàng ngũ các tổ chức thánh chiến ở Syria. Lực lượng  phiến quân Trung Quốc chiến đấu ở Syria thuộc cộng đồng Hồi giáo Sunni Duy Ngô Nhĩ, nói thổ ngữ Thổ Nhĩ Kỳ và cư trú chủ yếu ở tỉnh Tân Cương. Phía Trung Quốc khẳng định thông tin trên và ước tính số lượng phiến quân vào khoảng 5.000 người.

Lực lượng chống khủng bố Trung Quốc được trang bị nhiều phương tiện hiện đại. Ảnh: Asharq- Al-Awsat.

Theo báo cáo của tình báo Israel, Chính phủ Trung Quốc đã hết sức nỗ lực ngăn chặn người Duy Ngô Nhĩ vượt biên trái phép, nhưng hàng chục nghìn người Hồi giáo gốc dân tộc thiểu số này vẫn vượt qua biên giới phía Nam và băng qua những đường mòn quanh co, đầy nguy hiểm để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Để có tiền cho chuyến đi, các gia đình Duy Ngô Nhĩ bán toàn bộ tài sản ở Tân Cương.

Trung Quốc hiện rất quan ngại về sự trở lại và ảnh hưởng của các tổ chức này đối với an ninh và lợi ích của đất nước, cho nên Bắc Kinh đã tăng cường hiện diện ở Syria, và đẩy mạnh quan hệ với Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chính trị (Center for Political Research), một trong số các cơ quan tình báo của Israel,  cùng với Tình báo quân sự và Mossad, hé lộ trước đây Trung Quốc ít xem trọng Syria nhưng hoàn cảnh thực tại đã khiến Bắc Kinh thay đổi quan điểm.

"Sự xuất hiện của hàng nghìn người Trung Quốc đang sống và chiến đấu ở Syria khiến việc theo dõi họ trở nên quan trọng. Trung Quốc muốn thu thập nhiều dữ liệu từ họ, và chúng tôi cho rằng Trung Quốc muốn tiêu diệt nhóm phiến quân đó trên đất Syria để ngăn họ quay về", báo cáo cho hay.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc cần sự hỗ trợ từ các nước đang hoạt động tích cực chống khủng bố như Nga, Iran và chính quyền của Tổng thống Assad. Tổng thống Syria Bashar al-Assad gần đây xác nhận các quan chức tình báo Syria và Trung Quốc đã phối hợp để chống lại nhóm phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ ở Syria.

Báo cáo của tình báo Israel nhận định: "Mối đe dọa chính đối với Trung Quốc không phải là nguy cơ nhóm phiến quân Duy Ngô Nhĩ sẽ quay về đại lục, mà là hoạt động của các phần tử khủng bố Duy Ngô Nhĩ nhắm vào các cư dân Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài". Nhận thức rõ mối nguy hiểm này, Trung Quốc đã và đang làm mọi cách để bảo vệ công dân trên toàn cầu khỏi các vụ tấn công khủng bố. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan, trong đó có Syria để chống lại hoạt động xuyên biên giới của các nhóm cực đoan người Duy Ngô Nhĩ.

Không chỉ có vậy, báo điện tử "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong) bản tiếng Anh dẫn lời ông Ngô Tư Khoa - Đặc phái viên của Trung Quốc về vấn đề Trung Đông, cho biết, tình hình an ninh xấu đi ở Syria và Iraq đã gây ra một nguy cơ nghiêm trọng cho Trung Quốc, bởi hai quốc gia này đang trở thành cơ sở huấn luyện "những phần tử khủng bố" đến từ Khu Tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Ông Ngô Tư Khoa cho biết hàng trăm phiến quân người Trung Quốc hiện đang có mặt tại khu vực Trung Đông. Hầu hết những phiến quân này đều thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), một nhóm ly khai người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương. Theo ông Ngô Tư Khoa, không phải toàn bộ số phiến quân trên đều sẽ trở lại Trung Quốc sau khi trải qua một quá trình huấn luyện bởi thực tế đã có một số phần tử ở lại khu vực này để chiến đấu.

Nhà ngoại giao này nêu rõ: "Một vài điểm nóng xuất phát từ Trung Đông đã tạo ra không gian sống cho các nhóm khủng bố. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng Syria đã biến đất nước này thành một cơ sở huấn luyện cho các phần tử khủng bố đến từ nhiều quốc gia. Sau khi bị đắm chìm vào những tư tưởng cực đoan, khi trở về quê hương họ sẽ gây ra một thách thức nghiêm trọng và nguy cơ an ninh đối với những quốc gia này".

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin một số phiến quân người Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu chống lại các lực lượng của Chính phủ Syria mặc dù trước đó chưa có báo cáo chính thức nào. Nhận định về vấn đề này, ông Rohan Gunaratna, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực Chính trị và Chủ nghĩa Khủng bố Quốc tế có trụ sở ở Singapore cho rằng, ETIM đã tạo lập được các đơn vị riêng ở Syria, hiện đang được các thủ lĩnh phiến quân ở Waziristan (Pakistan) kiểm soát.

Chuyên gia Gunaratna nhấn mạnh: "Hiện có khoảng 20 tay súng. Họ bao gồm những người Trung Quốc đã đến Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ". Theo ông Gunaratna, nhóm này đang cố gắng tìm cách mở rộng các hoạt động của họ ra ngoài khu vực Tân Cương bằng cách "chiến đấu ở những vùng đất thánh chiến Hồi giáo khác, những nơi mà họ nhận thấy rằng người Hồi giáo đang bị đe dọa".

Kêu gọi quốc tế chung tay

Trong một diễn biến mới nhất nhằm ngăn chặn các vụ khủng bố, các quy định mới về chống khủng bố tại khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-4-2017. Đây là một phần trong các nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Cảnh sát ở Tân Cương luyện tập tình huống chống bạo động. Ảnh: The Telegraph.

Quy định mới đưa ra định nghĩa rõ ràng về các hành động khủng bố và đề xuất biện pháp cụ thể để ngăn chặn. Theo quy định, 15 hành động được coi là cực đoan bao gồm can thiệp vào tự do tôn giáo của người khác, buộc người khác phải tham gia các hoạt động tôn giáo.

Đáng chú ý, luật mới cũng cấm để râu dài bất thường, đeo mạng che mặt tại nơi công cộng. Việc từ chối xem các kênh truyền hình hoặc phát thanh của nhà nước cũng bị coi là bất hợp pháp.

Trước đó, ngày 10/3/2017, ông Trình Quốc Bình, Ủy viên Cơ quan an ninh và chống khủng bố Trung Quốc đã nói rằng phong trào ly khai ở Tân Cương là thách thức lớn nhất cho sự ổn định, phát triển kinh tế và an ninh của nước này.

"Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) là thách thức lớn nhất với ổn định xã hội, phát triển kinh tế và an ninh quốc gia của Trung Quốc". Tuyên bố của ông Trình được đưa ra một tuần sau khi video được cho là của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tung lên mạng cho thấy các chiến binh Duy Ngô Nhĩ, tộc người bản địa Tân Cương, đang được IS đào tạo ở Iraq, thề sẽ cắm cờ ở Trung Quốc và khiến "máu chảy thành sông".

Cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố ở Tân Cương luyện tập.  Ảnh: Tân Hoa Xã.

Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ cũng khẳng định nước này tuy đã có nhiều tiến bộ trong đấu tranh chống khủng bố những năm gần đây, song, trong bối cảnh hiện nay, việc Trung Quốc đối mặt với những mối đe dọa khủng bố có thật. Hàng trăm thành viên thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Thổ, tổ chức bị Liên Hợp Quốc coi là khủng bố năm 2002, đã sang Syria và Afghanistan... huấn luyện và có thể quay trở về và tiến hành tấn công.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã khẳng định, hàng trăm người đã thiệt mạng vì tình hình bất ổn ở Tân Cương, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo, và các khu vực khác tại Trung Quốc trong ba năm qua. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc và Mỹ cũng xếp ETIM vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Cho đến nay, bằng nhiều con đường khác nhau, vẫn còn những phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bí mật rời bỏ quê hương, tìm đường xuyên qua vùng Đông Nam Á và cuối cùng là đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia thánh chiến ở Syria, Iraq. Chính phủ Trung Quốc đang tìm mọi cách để ngăn chặn tư tưởng cực đoan và trấn áp ETIM. Trung Quốc đã kêu gọi hợp tác chống khủng bố ở Tân Cương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/3/2017 thông báo muốn phối hợp với cộng đồng quốc tế chiến đấu chống lại các phần tử khủng bố.

Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác của quân đội Trung Quốc khi tham gia chống khủng bố ở nước ngoài, ngày 27/12/2015, luật chống khủng bố mới đã được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc thông qua.

Theo đó, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ được phép tham gia các chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài. Như vậy, PLA và các lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc có thể thực hiện các sứ mệnh chống khủng bố ở nước ngoài nếu được Quân ủy Trung ương Trung Quốc chấp thuận. Ngoài ra, giới chức công an và an ninh quốc gia cũng có thể cử người ra nước ngoài tham gia các sứ mệnh chống khủng bố, song cần phải được Quốc vụ viện cho phép cùng với các thỏa thuận được ký kết với những nước hữu quan.

Ông Lý Thọ Vĩ, quan chức thuộc bộ phận lập pháp của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, khẳng định luật chống khủng bố mới không nhắm vào bất kỳ khu vực, sắc tộc hay tôn giáo cụ thể nào, thậm chí sẽ bảo vệ tất cả những người bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa.

Sau khi có luật trên, quân đội Trung Quốc đã có nhiều cuộc tập trận chống khủng bố với quân đội các nước. Truyền thông Trung Quốc cho hay, lực lượng đặc biệt của nước này đã tổ chức tập trận chống khủng bố chung với một số nước Trung Đông, vùng Vịnh, khu vực Nam Á. Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm mở rộng kết nối quan hệ an ninh với các nước ở Trung Đông và các nước láng giềng Hồi giáo.

Trong nước, Trung Quốc cũng đã ban hành Sách Trắng Tân Cương khẳng định: việc trấn áp cực đoan tôn giáo, cụ thể là xử lý mạnh tay những kẻ khủng bố Hồi giáo, là "hành động cần thiết" nhằm bảo vệ người dân, cả cộng đồng người theo đạo Hồi. Theo Sách Trắng, tư tưởng thánh chiến Hồi giáo đang len lỏi trong thế hệ trẻ Tân Cương, có nguy cơ biến những người này thành các kẻ khủng bố sẵn sàng thực hiện các vụ giết người hàng loạt.

Sách Trắng nhấn mạnh: Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Tân Cương, song chính quyền trung ương sẽ hạn chế chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và có các biện pháp trấn áp phù hợp theo luật hiện hành...Đồng thời trấn áp những kẻ cực đoan tôn giáo ủng hộ các tư tưởng cực đoan, không ngừng tìm cách truyền bá sự thù ghét và oán hận chống lại các tôn giáo khác và hủy hoại môi trường phát triển hài hòa giữa các nền tôn giáo và sự thống nhất giữa các dân tộc.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thông báo kêu gọi thực hiện "hòa hợp tôn giáo và loại trừ chủ nghĩa cực đoan". Phấn đấu đạt mục tiêu ở Tân Cương là hòa bình lâu dài và đoàn kết dân tộc thông qua việc truy quét những kẻ khủng bố và những phần tử tôn giáo cực đoan. Để quét sạch những phần tử tôn giáo cực đoan, đây là cuộc chiến lâu dài, phức tạp và cấp bách.

Thông báo nêu rõ: "Cần phải coi việc thẳng tay trấn áp chủ nghĩa khủng bố là trọng tâm của cuộc chiến hiện nay, đồng thời phải ngăn chặn sự lây lan các vụ tấn công khủng bố và sàng lọc các thế lực tôn giáo cực đoan. Cần phải tin tưởng vào chiến thắng và phải chuẩn bị cho một trận chiến lâu dài, cũng như thực hiện công việc một cách chắc chắn nhằm duy trì sự ổn định lâu dài của Tân Cương". Thông báo còn khẳng định sự trấn áp nhằm vào các phần tử cực đoan sẽ được duy trì nhằm ngăn chặn sự lan tràn các vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra.

Hoa Huyền
.
.