Cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi ở Bangladesh

Thứ Ba, 05/06/2018, 10:10
Chiến dịch chống ma túy trên cả nước Bangladesh do nữ thủ tướng Sheikh Hasina phát động đã tiêu diệt hơn 50 kẻ buôn ma túy và từ đó dẫn đến làn sóng lên án những vụ giết người ngoài pháp luật.

Mặc dù không có tuyên bố chính thức về “cuộc chiến tranh chống ma túy” giống như Philippines, song chiến dịch trấn áp bọn tội phạm bán lẻ ma túy trên phạm vi cả nước Bangladesh bắt đầu vào ngày 3-5-2018 sau khi nữ thủ tướng Sheikh Hasina yêu cầu lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ  - gọi là Biệt đội Hành động Nhanh (RAB) – ra tay ngăn chặn nạn dịch sử dụng ma túy tại nước này.

Theo dữ liệu từ Cục Kiểm soát Chất gây nghiện Bangladesh (DNC), ít nhất 7 triệu người Bangladesh nghiện ma túy, trong đó bao gồm khoảng 5 triệu người sử dụng “yaba” hay mathamphetamine (còn gọi là ma túy đá). Lượng “yaba” khổng lồ được cho là buôn lậu vào Bangladesh từ khu vực Tam Giác Vàng ở miền đông Myanmar.

Năm 2017, giới chức chính quyền Bangladesh báo cáo đã bắt giữ được khoảng 40 triệu viên “yaba” nhưng thực tế con số có lẽ lớn hơn nhiều theo ước tính của các nhà hoạt động nhân quyền.

RAB trong chiến dịch bài trừ ma túy.

Nữ thủ tướng Sheikh Hasina tuyên bố hôm 3-5-2018: “Chúng ta có được thành công lớn trong cuộc chiến chống phiến quân. Do đó, tôi muốn yêu cầu lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Bangladesh tiếp tục chiến dịch chống bọn buôn lậu ma túy giống như thế”.

Nữ thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng những người chế tạo, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ ma túy đều có tội như nhau. Và, chỉ 1 hôm sau tuyên bố của nữ thủ tướng, RAB bắt đầu triển khai chiến dịch chống ma túy trên toàn quốc.

Tại cuộc họp  báo ngày 14-5, lãnh đạo RAB Benazir Ahmed cảnh báo về “lập trường hết sức cứng rắn” của lực lượng nhằm ngăn chặn sự lạm dụng ma túy. Ahmed khẳng định Rab sẽ trừng phạt bọn buôn lậu ma túy thông qua những “phiên tòa di động” lập ngay tại chỗ và nếu cần thiết sẽ tổ chức thường xuyên những vụ xét xử tại các đồn cảnh sát. Từ sau cuộc họp báo của Benazir Ahmed, ít nhất 61 đối tượng buôn ma túy bị giết chết trong những cuộc “đấu súng” với RAB.

Số lượng lớn “yaba” bị bắt giữ ở Bangladesh.

Trong khi đó, tòa án di động của RAB cũng tuyên án đối với 2.471 người – phần đông trong số đó là con nghiện ma túy – và 347 con buôn ma túy. Những phần tử bị RAB buộc tội phải đóng tiền phạt tương đương khoảng 36.000 USD. RAB tuyên bố hơn 500 người bị giam giữ trong cùng thời gian. Phần đông “những kẻ buôn ma túy” bị giết chết trong 19 khu vực khác nhau trên cả nước Bangladesh trong những vụ nổ súng – theo báo cáo từ RAB và giới truyền thông trong nước.

Trong hầu hết những vụ nổ súng, cảnh sát địa phương và RAB hành động theo sự phát giác để tiến hành đột kích những căn nhà nghi ngờ có kẻ buôn ma túy ẩn náu. Nhưng, thành viên trong gia đình những người bị giết chết tuyên bố  RAB giết người bừa bãi mà không có chứng cứ rõ ràng.

Trước làn sóng phản đối RAB tăng cao tại Bangladesh, các nhà hoạt động nhân quyền nước này cho rằng lực lượng đặc nhiệm giết người một cách tùy tiện mà không hề đưa nghi phạm ra tòa án để xét xử một cách công khai và minh bạch.

Lực lượng RAB trong cuộc đột kích căn nhà của một nghi phạm ma túy tại thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Theo Nur Khan Liton, cựu lãnh đạo Ain o Salish Kendra (ASK) – một trong những nhóm nhân quyền hàng đầu Bangladesh, những vụ giết người ngoài luật pháp đang diễn ra ở Bangladesh chẳng thể nào ngăn chặn được tội phạm ma túy. Ngoài ra, Liton cũng thúc giục chính quyền Bangladesh tiến hành điều tra công khai từng vụ giết người mà nạn nhân bị RAB cho là nghi phạm buôn ma túy.

Tuy nhiên, Asaduzzaman Khan – lãnh đạo đảng cầm quyền Awami Leagur (Liên đoàn Nhân dân - AL) đồng thời là Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh – vẫn kiên quyết bảo vệ chiến dịch bài trừ ma túy của RAB và thậm chí cam kết cơ quan của ông không có “bất cứ sự khoan dung” nào cho bọn tội phạm ma túy đồng thời quyết tâm bài trừ ma túy “bằng bất cứ giá nào”.

An An (tổng hợp)
.
.