Cuộc chiến chống tội phạm cực hữu và gián điệp ở Canada

Thứ Ba, 08/01/2019, 15:56
Theo kết quả từ cuộc điều tra gần đây của tờ National Observer, giới chức tình báo và an ninh Canada hợp tác với mạng lưới công ty năng lượng trong nước để giám sát chặt chẽ các nhóm dân bản địa và nhà hoạt động môi trường được cho là chống đối kế hoạch phát triển nguồn tài nguyên không bền vững. Phản


Đối đầu phần tử cực đoan cánh hữu và danh sách cấm bay

“La Meute” là nhóm cực hữu chủ trương chống nhập cư bất hợp pháp cũng như chống Hồi giáo cực đoan xuất hiện tại Canada năm 2015 và hiện nay có đến 43.000 thành viên đăng ký chính thức nhưng Cơ quan tình báo và an ninh Canada (CSIS) không coi nhóm này là vấn đề lớn trong nước. Cựu Nghị sĩ Claude Patry nằm trong ban lãnh đạo nhóm La Meute. Thủ tướng Canada Justin Trudeau mô tả La Meute là “nhóm phân biệt chủng tộc hung hăng”.

Hội đồng Quốc gia người Hồi giáo Canada (NCCM) - một tổ chức độc lập và phi lợi nhuận đại diện cho cộng đồng người Hồi giáo sống ở Canada cho biết họ không tin chính quyền nước này có thể trấn áp được nhóm cực đoan cánh hữu. Tổ chức cũng nghi ngờ lực lượng an ninh và cảnh sát Canada đang âm thầm dò xét người Hồi giáo ở nước này.

Ông Michel Juneau-Katsuya, cựu Giám đốc CSIS (lãnh đạo cơ quan từ năm 1984 đến 2000).

Nữ giám đốc phụ trách truyền thông của NCCM Amira Elghawaby tiếp xúc với tờ National Observer cho rằng: “Những người Hồi giáo hoàn toàn không có tư tưởng cực đoan vẫn luôn bị đe dọa đưa vào danh sách giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, những đối tượng mang tư tưởng cực đoan mà không phải là người Hồi giáo thì họ không hề bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia và không bị giám sát thường xuyên. Còn nếu một người Hồi giáo ở Canada đi ra nước ngoài để tham gia những cuộc biểu tình cực đoan và bị quay phim thì ngay lập tức sẽ bi lực lượng an ninh và tình báo nước này đưa vào danh sách theo dõi thường xuyên”.

Theo kết quả từ cuộc điều tra gần đây của tờ National Observer, giới chức tình báo và an ninh Canada hợp tác với mạng lưới công ty năng lượng trong nước để giám sát chặt chẽ các nhóm dân bản địa và nhà hoạt động môi trường được cho là chống đối kế hoạch phát triển nguồn tài nguyên không bền vững.

Phản ứng trước ám chỉ buộc tội phân biệt người Hồi giáo và đồng tính bên trong hàng ngũ CSIS, giới chức cơ quan tuyên bố không hề dung thứ cho nạn quấy rối, nhục mạ hay phân biệt. Hồi tháng 2-2017, cựu thanh tra Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) Bob Paulson khẳng định trước một ủy ban Thượng viện nước này rằng mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan luôn là mối quan ngại hàng đầu của lực lượng cảnh sát.

Scott Bardsley, thư ký báo chí và người phát ngôn cho Bộ trưởng An ninh Công cộng Ralph Goodale, tuyên bố với tờ National Observer: “Phát ngôn thù địch và loại tội phạm mang tính thù địch hoàn toàn không hề được dung thứ ở Canada. Cộng đồng hành pháp và tình báo quốc gia của Canada luôn coi các mối đe dọa an ninh là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả mối đe dọa từ phe phái cực đoan cánh hữu và sẵn sàng sử dụng biện pháp mạnh đối với các đối tượng này”.

Cũng theo Scott Bardsley, chính quyền Canada chiến đấu với tội phạm cực đoan thông qua nhiều sáng kiến khác nhau. Ví dụ như việc thành lập cơ quan mới gọi là Trung tâm Canada Cam kết Cộng đồng và Ngăn ngừa bạo lực có chức năng xử lý tội phạm cực đoan hóa và khủng bố. Ngân sách năm 2016 dành cho Trung tâm là 35 triệu USD (kéo dài trong vòng 5 năm) và sau đó sẽ tăng thêm 10 triệu USD vào mỗi năm. Sáng kiến khác gọi là Chương trình Hạ tầng An ninh với ngân sách gấp đôi so với Trung tâm nói trên. Bộ An ninh Công cộng Canada có thể đưa thêm tên một người vào danh sách cấm bay khi có đầy đủ bằng chứng thuyết phục chứng minh đối tượng có khả năng sẽ “du lịch bằng đường hàng không với mục đích phạm tội ví dụ như là tham gia vào hoạt động của một nhóm khủng bố hay trợ giúp khủng bố”.

Các cơ quan như RCMP, CBSA (Cơ quan Hải quan Canada) và CSIS đều được phép truy cập vào “danh sách cấm bay” (được chính quyền gọi là Chương trình Bảo vệ Hành khách). Scott Bardsley nhấn mạnh thêm rằng danh sách cấm bay chỉ bao gồm những cá nhân đặt ra mối đe dọa an ninh cho quốc gia mà không hề căn cứ vào ý thức hệ hay tín ngưỡng của họ.

Caroline Cournoyer, nữ chỉ huy đơn vị chống tội phạm mang tính thù địch của Sở cảnh sát Montreal, khẳng định với tờ Nartional Observer rằng cơ quan thường xuyên giám sát những phần tử cực đoan cánh hữu đưa thông điệp lên các diễn đàn trực tuyến.

Cournoyer giải thích: “Vào mỗi ngày hay hàng tuần, những đối tượng này đưa lên mạng xã hội hàng loạt bình luận và chúng tôi theo dõi xem họ có kế hoạch tham gia biểu tình hay không. Mặc dù chúng tôi biết rằng không phải bất cứ điều gì cũng được họ đưa lên mạng xã hội”.

Michel JuneauKatsuya, cựu sĩ quan CSIS lãnh đạo đơn vị giám sát các thành viên cực hữu vào giữa thập niên 1990, nhận định chủ nghĩa cực đoan cánh hữu có thể đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia hơn cả nhóm cực đoan Hồi giáo. Juneau-Katsuya lập luận rằng hiện thời nhóm cực đoan cánh hữu không tấn công khủng bố nhằm vào dân thường song “đó chỉ là vấn đề thời gian” mà thôi.

Một nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ở Canada công bố trên tạp chí Conflict & Terror tiết lộ thông tin khủng khiếp: có ít nhất 100 nhóm tương tự như La Meute đang hoạt động trong nước này, đặc biệt ở các tỉnh như Alberta, British Columbia và Quebec. Nghiên cứu cũng nêu chi tiết về hàng trăm vụ việc liên quan đến nhóm cực hữu vào giữa những năm 1980 và 2015.

Trong khi đó, Juneau-Katsuya nhấn mạnh rằng chính quyền Canada đang tập trung rất lớn vào chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo mà có vẻ lơ là trước những mối đe dọa cực đoan khác.

Đồng sáng lập La Meute Patrick Beaudry (hàng đầu) dẫn đầu cuộc tuần hành của nhóm ngày 20-8-2017.

Ví dụ như báo cáo năm 2016 tựa đề “Mối đe dọa khủng bố” của Bộ An ninh Công cộng Canada tập trung rất nhiều vào các nhóm khủng bố Hồi giáo như là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); còn trang web của CSIS nhận định chủ nghĩa cực đoan cánh hữu không là vấn đề đáng lo ngại ở Canada trong những năm gần đây.

Do đó, Juneau-Katsuya cho rằng chính quyền Canada cần đánh giá lại vấn đề nếu không muốn những vụ việc tương tự như ở Charlottesville lặp lại tại đất nước này.

Trong vụ bạo động ở Charlottesville ngày 12-8-2017, một phụ nữ 32 tuổi tên là Heather Heyer bị giết chết sau khi một chiếc ô tô lao thẳng vào nhóm chống phân biệt chủng tộc. Hung thủ 20 tuổi James Alex Fields Jr., được cho là thành viên phe Tân quốc xã - bị buộc tội giết người cấp độ 2 liên quan đến cái chết của Heyer.

Đáng nói là vào ngày 20-8-2017, nhóm La Meute đã tổ chức cuộc tuần hành được cảnh sát mô tả là “bất hợp pháp” ở Quebec nhằm phản đối những người nhập cư trái phép. Cuộc tuần hành ngắn ngủi của Le Meute kết thúc với khẩu hiệu hô vang “Chúng tôi là La Meute” và “La Meute muôn năm”. Trước đây, CSIS không thừa nhận về mối đe dọa của cộng đồng cực hữu trong nước và thậm chí đánh giá “không là vấn đề đáng quan tâm ở Canada”. Nhưng, tình hình bây giờ đã khác.

Canada trở thành mảnh đất khai thác thông tin cho gián điệp

Sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, tuyệt đại đa số nguồn lực của CSIS đều tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố cho nên có phần lơ là trước hoạt động gián điệp của nước ngoài. CSIS là cơ quan tình báo dân sự với nhân lực vào khoảng 2.449 người và ngân sách hàng năm là trên 500 triệu USD. CSIS cũng có nhiệm vụ kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp vào Canada tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Tòa nhà trụ sở CSIS ở phía đông thủ đô Ottawa.

Một số vụ án gián điệp được chính quyền Canada phát hiện trong những năm qua bao gồm một người Nga mang tên giả là Paul William Hampel bị bắt giữ tháng 11-2006. Hay vụ cựu sĩ quan hải quân Canada Jeffrey Paul Delisle bị tuyên án 20 năm tù giam vì tội làm gián điệp cho người Nga. Chính quyền Canada cũng từng trục xuất một người Mỹ tên là Matt de Hart (được cho là hacker của nhóm Anonymous) về Mỹ, nơi người này bị truy nã vì tội rò rỉ thông tin nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia.

Năm 2013, chính quyền Ottawa cũng bắt giữ kỹ sư hải quân người Canada gốc Trung Quốc Qing Quentin Huang vì tội thu thập thông tin về công nghệ đóng tàu cho Bắc Kinh, vi phạm Luật Bảo mật Thông tin của Canada. Từ năm 2004 đến 2014, chính quyền Ottawa đã trục xuất 5 gián điệp Mỹ trong tổng số 21 người bị phát hiện ở Canada vì “hành động gián điệp chống Canada hay đi ngược lại các lợi ích của Canada” – theo tài liệu do Cơ quan Kiểm soát Biên giới Canada (CBSA) công bố.

Đứng đầu bản danh sách các điệp viên hoạt động tại Canada là Mỹ và sau đó đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thụy Điển với 2 vụ trục xuất trong hơn 10 năm qua. Năm 2014, chỉ có 2 vụ trục xuất điệp viên Trung Quốc.

Các điệp viên bị trục xuất về Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush cũng như chính quyền tổng thống Barack Obama. Lệnh trục xuất được ký bởi cựu thủ tướng Paul Martin và thủ tướng kế nhiệm Stephen Harper.

Giám đốc CSIS Michel Coulombe phát biểu trước một ủy ban Thượng viện ngày 3-2-2014: “Từ lâu, chúng ta đã nhận thức được tình trạng gián điệp tràn lan một cách đáng lo ngại. Các khả năng công nghiệp, nguồn tài nguyên phong phú cũng như sự kết nối chặt chẽ với các đồng minh thân thiết của Canada đã khiến đất nước chúng ta trở thành mục tiêu béo bở cho các thế lực thù địch. Trong những trường hợp như thế, CSIS sẽ cung cấp sự tư vấn cho chính quyền theo đúng luật pháp quy định”.

Michel Juneau-Katsuya, cựu Giám đốc CSIS và hiện là lãnh đạo công ty tư vấn bảo mật Northgate Group, cho biết đối với nhiều người Canada thì “con số những gián điệp nước ngoài bị trục xuất trong những năm qua thật đáng báo động. Và, người Canada cũng không muốn các quốc gia láng giềng gián điệp chúng ta. Họ là bạn bè nên không thể hành động như thế”.

Tuy nhiên, Juneau-Katsuya cũng nhắc lại giai đoạn ông còn lãnh đạo CSIS (từ năm 1984 đến 2000), cơ quan đã xác định được 3 hay 4 gián điệp Mỹ hoạt động trên đất Canada. Cựu giám đốc CSIS phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từng âm thầm tiến hành những chiến dịch tình báo ngay trong lãnh thổ Canada mà không hề có sự chấp thuận từ chính quyền sở tại. Vấn đề nằm ở chỗ người Mỹ cũng là đồng minh thân thiết của Canada”.

Juneau-Katsuya nhấn mạnh, khi tiếp xúc với người Mỹ, giới doanh nhân cũng như chính khách Canada không hề cảnh giác đề phòng cao độ như khi làm việc với những người mang quốc tịch Nga hay Trung Quốc. Canada là mục tiêu gián điệp bởi vì đất nước này có nền kinh tế dựa trên tri thức. Trên hết, Canada cũng là nơi tổ chức những sự kiện lớn của các tổ chức quốc tế quan trọng như G20, G8, NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), NORAD (Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ) và Liên Hiệp Quốc. Chúng ta không chỉ có những bí mật riêng mà còn nắm giữ bí mật của các quốc gia bạn bè cần được bảo vệ”. Juneau-Katsuya cũng khẳng định danh sách số gián điệp được phát hiện và trục xuất thật ra mới chỉ là “bề nổi của tảng băng”.

Theo Paul Frazer, cựu quan chức ngoại giao Canada, Ottawa thường chọn cách giữ im lặng về những vụ án gián điệp mà chỉ lên tiếng về những vụ “tội phạm” nhằm tránh tình trạng “ăn miếng trả miếng” leo thang theo những vụ trục xuất.

Theo các tài liệu do CBSA cung cấp, Mỹ là quốc gia có số lượng người bị chính quyền Canada trục xuất nhiều nhất. Từ năm 2004 đến 2014, mỗi năm Ottawa đều trục xuất về Mỹ hàng ngàn “tội phạm” mang quốc tịch nước này – cao nhất là 3.602 người năm 2007 và thấp nhất là 2.332 người năm 2014. Sau đó đến Mexico từ 19 đến 145 người bị trục xuất trong hơn một thập niên. Anh, Ấn Độ, Jamaica, Philippines, Ba Lan và Hàn Quốc có số người bị trục xuất khỏi Canada mỗi năm chỉ chiếm 2 chữ số.

Diên San (tổng hợp)
.
.