Cuộc chiến giữa các băng đảng tội phạm tại Nga

Thứ Ba, 15/03/2011, 12:20
Vào khoảng 20h ngày 19/9/2010, một tên sát thủ ẩn mình trong căn hộ lầu 2 một tòa nhà ở phố Tvershaya, nằm giữa trung tâm thủ đô Moskva. Một chiếc xe hơi trờ tới đậu bên kia đường đối diện tòa nhà. Hai người trên xe bước xuống. Tên sát thủ xả súng bắn chính xác vào hai người kia, nạn nhân ngã gục ngay lập tức, trên mình mang nhiều vết đạn.

Không một tiếng nổ nào được nghe thấy vì vũ khí mà kẻ ám sát sử dụng là một khẩu kalachnikov loại 7,62x39mm có ống giảm thanh. Đây là loại vũ khí giết người của bọn sát thủ chuyên nghiệp. Kẻ thủ ác sau đó đã lợi dụng đám đông bu lại xác hai nạn nhân để lẩn trốn.

Dấu hiệu của một tay chuyên nghiệp: y bỏ vũ khí lại hiện trường trước khi chạy trốn. Thực tế,  vũ khí được tìm thấy tại hiện trường gây án không thể giúp các nhà điều tra móc nối với những vụ án khác.

Chẳng hạn nếu một kẻ thủ ác sử dụng cùng một loại súng trong nhiều vụ án có thể giúp phía cảnh sát dễ dàng điều tra và khoanh vùng tội phạm hơn là kiểu bỏ vũ khí lại hiện trường. Ngay cả các máy camera quan sát xung quanh tòa nhà cũng không giúp xác định được kẻ ám sát vì y đã kéo cao cổ áo để che bớt khuôn mặt và đi luồn bên dưới ban công tòa nhà. Cảnh sát không hề phát hiện bất cứ dấu vân tay nào trên khẩu súng tại hiện trường cũng như trong căn hộ lầu 2, nơi kẻ thủ ác đã thuê nhưng lại có kẻ khác trả bằng tiền mặt cho chủ nhà.

Các hãng truyền thông đưa tin sự kiện và cho biết, hai nạn nhân đã chết. Tuy nhiên, sau đó từ các cơ quan điều tra, người ta lại biết rằng hai nạn nhân trên đã may mắn sống sót. Những tuyên bố trên của cảnh sát nhằm mục đích giăng mẻ lưới đối với những kẻ thủ ác, buộc chúng phải kết thúc công việc của mình tại Bệnh viện Botkinskaya nơi các nạn nhân được tiếp nhận sau khi bị bắn.

Trên đây có phải là kịch bản của một bộ phim hình sự? Không, đó hoàn toàn là sự thật. Mục tiêu của vụ ám sát trên chính là Aslan Usoyan, biệt danh "Bố già Hassan", một trong những tên trùm khét tiếng của giới tội phạm ở Moskva. Khi biết có âm mưu bị thủ tiêu, hắn thực hiện các biện pháp an ninh nghiêm ngặt cho bản thân, không còn xuất hiện trước công chúng và đi đâu cũng có cả đoàn tùy tùng theo sau bảo vệ (1 trong 2 người bị thương ở trên chính là cận vệ của y). Việc mỗi tuần một lần, Usoyan đến thăm con trai tại một căn hộ nhìn ra phố Tverskaya, là điểm yếu duy nhất trong hệ thống bảo vệ y. Kẻ thù đã lợi dụng điều này để ra tay. Cuộc điều tra từ phía cảnh sát cho thấy kẻ ám sát đã được một kẻ tòng phạm thông báo chính xác thời gian con mồi xuất hiện.

Cuộc chiến giữa các băng đảng

Người gốc Gruzia, Alan Usoyan là một Vory v Zakone nổi tiếng (tên tội phạm biết tuân thủ theo luật của giới giang hồ, giống như một tay trùm trong giới mafia Italia). Y đứng đầu một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia lớn mạnh đóng tại Moskva (OCT), nhưng cũng thường xuyên có mặt ở vùng Bắc Kavkaz. Từ năm 2007, Usoyan công khai mở cuộc chiến với băng đảng của Tariel Oniani, cũng là một tay Vory v Zakone có tiếng. Từ nhà tù Matrosskaya Tishina, nơi hắn đang thụ án 10 năm tù giam, Tariel Oniani điều khiển một OCT có nguồn gốc Gruzia đang muốn thọc chân vào địa bàn thủ đô Moskva sau khi đã hoạt động tích cực và rộng khắp tại Tây Ban Nha.

Các cuộc đụng độ giữa hai nhóm đã làm nhiều người chết, trong đó có một Vory v Zakone khét tiếng: Vyacheslav Kirillovich Ivankov, biệt danh "Tiểu tử Phù tang". Ivankov bị một tay bắn tỉa siêu hạng hạ sát ngày 28/7/2009, và đến ngày 12/12 năm đó, Ivankov qua đời vì vết thương ở bụng dưới. Cách thức tiến hành vụ ám sát này rất giống với vụ bắn Usoyan. Cảnh sát Moskva gọi đó là một "dấu vết". Ivankov thường xuyên thay đổi các thói quen đi lại, sinh hoạt bên trong tổ chức của Aslan Usoyan. Ivankov đã thử làm trung gian hòa giải cho hai tổ chức tội phạm trên vào năm 2008 nhưng bất thành vì sự can thiệp bất ngờ của cảnh sát.

Aslan Usoyan - biệt danh "Bố già Hassan", bị bắn tại Moskva ngày 19/9/2010 và khẩu súng tên sát thủ bỏ lại hiện trường.

Tariel Oniani đã biết đến nhà tù từ năm 17 tuổi. Trong lần bóc lịch thứ nhất, y đã trở thành một Vory v Zakone. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, y là thủ lĩnh của một trong những băng đảng tội phạm nguy hiểm nhất Moskva. Tariel Oniani bắt đầu "quốc tế hóa" các hoạt động tội phạm của y vào thập niên 90 đầu tiên tại Paris, sau đó là Madrid, nơi y tiến hành các phi vụ làm ăn bất hợp pháp trong lĩnh vực xây dựng và vận chuyển hàng không. Năm 2005, một chiến dịch truy quét lớn của Cảnh sát Tây Ban Nha đã chấm dứt những ngày tháng "oai hùng" của y ở đây. Trở về Moskva và muốn lấy lại danh tiếng, Oniani tuyên chiến với băng đảng của "Bố già Hassan".

Cũng giống như cách thức hoạt động của các băng đảng mafia, đây là một phi vụ tranh giành lãnh thổ, địa bàn hoạt động. Bố già Hassan cho rằng Oniani đã xâm phạm địa bàn. Hậu quả là nhiều thuộc cấp của Oniani bị sát hại, những vụ gần đây nhất là Vladimir Janashia, bị giết tại Pháp, Malhas Kitai bị bắn tại Hy Lạp. Năm 2009, Oniani bị Cảnh sát Nga bắt và năm 2010 bị kết án 10 tù giam vì tội bắt cóc tống tiền một doanh nhân. Sau vụ này, “Bố già Hassan” triệu tập một "hội nghị" Vory v Zakone để trục xuất Oniani khỏi nhóm các Vory v Zakone. Hành động này chẳng khác nào sự đánh cược vào chiếc đầu của mình vì từ trong tù Oniani vẫn điều hành mọi việc.

Không nghi ngờ gì nữa, vụ việc không chỉ dừng ở đó. “Bố già Hassan” hiện đang sống cố thủ trong một biệt thự sang trọng ở ngoại ô Moskva và được 12 cận vệ luôn túc trực bên mình. Hassan cũng đã đào tạo hai đứa cháu của y thành các Vory v Zakone nhằm sau này cân nhắc lựa chọn thay thế y nắm quyền. Đó là Youri Usoyan, biệt danh “Jura Lazarovsky” và Dimitri Chanturia, biệt danh “Miron”. Yuri Usoyan được giao phụ trách việc quản lý địa bàn vùng Krasnovodsk, còn Chanturia đại diện cho Hassan trong tất cả các cuộc thương thuyết mà Hassan không thể tới tham dự vì lý do an ninh.

Những lý do của cuộc chiến này không chỉ liên quan tới địa bàn hoạt động mà còn tới các thị trường cá độ đang được khởi động nhân dịp Thế vận hội Mùa Đông sẽ diễn ra tại Sochi năm 2014. Thực tế, các OCT ở những nước Đông Âu thường xuyên hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, khách sạn nhà hàng, giải trí (cờ bạc, mại dâm, thuốc phiện...). Những khoản tiền được các OCT thu về hàng năm là vô cùng lớn. Do vậy đây là miếng bánh thơm mà tất cả các OCT đều muốn giành lấy.

Shabtai Kalmanovitch, một tay cự phú trong lĩnh vực thể thao và truyền thông Nga bị ám sát ngày 21/11/2009 vì lý do đã quá thân thiết với băng đảng của “Bố già Hassan”, điều mà Tariel Oniani không thể chịu được. Hay Alek Minalyan, một trong những cộng sự thân cận của “Bố già Hassan”, kẻ tham gia nhiều phi vụ rửa tiền bẩn thông qua các công ty xây dựng ở Sochi, cũng bị ám sát tại Moskva cùng trong năm 2009. Theo Cảnh sát Nga, những kẻ ám sát là người của Oniani.

Hiện trường vụ ám sát Aslan Usoyan.

Tội phạm có tổ chức tại Nga

Ông Vladimir Putin khi còn làm Tổng thống đã khẳng định vào tháng 4/2001 rằng, một làn sóng tội phạm đang nổi lên tại Tây Âu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những nạn nhân đầu tiên. Năm 2002, Trưởng biện lý Nga, Vladimir Ustinov, đã chỉ trích Bộ Nội vụ nước này khi chỉ xử lý được 1% những vụ việc công chức trong ngành này tham ô. Mùa xuân năm 2005, 30 quan chức cảnh sát đã bị lực lượng FSB bắt giữ vì tội tham gia vào các đường dây buôn lậu xe hơi đánh cắp, tống tiền...

Tháng 3/2005, Rachid Nourgaliev, Bộ trưởng Nội vụ Nga tuyên bố: Tội phạm có tổ chức đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga và kiểm soát khoảng 500 công ty. Theo ông, hiện tại Nga có khoảng 116 nhóm tội phạm với khoảng 4.000 thành viên đang hoạt động và có quan hệ chặt chẽ với các băng đảng tội phạm xuyên vùng và quốc tế.

Nếu giới mafia Italia được cấu trúc trong những "gia đình" thì giới tội phạm Nga tổ chức thành các "tập đoàn" (chính trị, quân sự, kinh tế, ma túy, vũ khí, mại dâm...) tùy theo các tiêu chuẩn lãnh thổ và sắc tộc. Nếu nói mafia Nga, thì đó chỉ là để phân biệt với các băng đảng tội phạm ở vùng Kavkaz hay châu Á. Tuy nhiên, cần biết rằng các băng đảng mafia nguồn gốc Đông Âu hiện nay ít chú trọng tới gốc gác các thành viên như là mafia Italia.

Được tổ chức theo mô hình kim tự tháp, tất cả các tổ chức tội phạm đều biết tự bảo vệ chúng bằng một mạng lưới những kẻ tòng phạm bị mua chuộc nằm trong nhiều cơ quan công quyền. Một trong những nét đặc trưng của mafia Nga là chúng tuyển dụng số lượng lớn những cựu chiến binh Afghanistan và Chechnya, những người từng phục vụ trong các cơ quan an ninh Nga như KGB (SVR và FSB) hay GRU. Giới mafia Nga tồn tại trước năm 1989, nhưng chúng bắt đầu tái cơ cấu và mở rộng tầm ảnh hưởng từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

FBI thống kê hiện nay có khoảng 300 nhóm tội phạm Nga hoạt động xuyên quốc gia. Chúng hoạt động trong tất cả các lĩnh vực phi pháp từng được biết đến từ trước đến nay.

Theo giới chức Nga, các băng đảng tội phạm ở đây hiện nắm đến 40% GDP của nước này, hoạt động trong 40.000 doanh nghiệp, trong đó có 1.500 thuộc quyền quản lý nhà nước, 4.000 công ty tư nhân, 500 công ty liên doanh và 550 ngân hàng. Khoảng 70-80% các doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Nga đều phải chung chi tiền bảo kê cho bọn chúng, khoản tiền chiếm khoảng 15 đến 30% doanh thu của các doanh nghiệp. Khi từ chối hợp tác, các công ty nước ngoài sẽ nhận hình phạt nặng nề nhất từ các băng đảng tội phạm là đánh bom văn phòng đại diện.

Không chỉ có mặt tại Nga, mafia Nga còn hoạt động mạnh mẽ ở châu Mỹ. Tại đây có khoảng 25 đến 30 tổ chức tội phạm Nga quy tụ khoảng 4.000 thành viên, được gọi là các mafiosniki, đóng trụ sở chủ yếu tại Mỹ. Các nhóm này duy trì quan hệ mật thiết với các tập đoàn ma túy Nam Mỹ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mafia Nga là một trong những thế lực tội phạm hùng mạnh nhất hành tinh. Giới chính trị và kinh doanh không có lựa chọn khác là phải hợp tác với chúng. Ảnh hưởng của mafia Nga ở nước ngoài cũng quan trọng nhưng theo đánh giá là không bằng “đồng nghiệp” Italia hay Trung Quốc.

Thực tế thì tội phạm có tổ chức ở Nga có truyền thống hoạt động tại những quốc gia Đông Âu. Sự thâm nhập vào các nước khác ngoài khu vực trên gần như chỉ nhằm mục đích rửa tiền bẩn khi đầu tư vào lĩnh vực đá quý và du lịch. Tuy nhiên, ngay khi đặt chân vào lãnh thổ của kẻ khác, mafia Nga ít khi bị các băng đảng tội phạm địa phương hất cẳng

Văn Bôl (tổng hợp)
.
.