Cuộc chiến tình báo mới giữa Nga và Rumani

Thứ Bảy, 28/08/2010, 05:45
Chính quyền Rumani vừa chính thức tuyên bố về quyết định trục xuất một quan chức ngoại giao Nga tại Bucharest. Đây được coi là một đòn trả đũa cho vụ Nga bắt giữ công dân Gabriel Greku làm việc tại đại sứ quán của Rumani vào ngày 16/8 vừa qua vì tội hoạt động gián điệp.

Sau khi Cơ quan điều tra Liên bang Nga (FSB) đưa ra nhiều bằng chứng về hoạt động tiếp cận nguồn tin của Greku, nhân vật này đã bị bắt buộc rời bỏ nước Nga trong vòng 48 giờ. Vụ rắc rối gián điệp mới này đang đe dọa gây tổn hại không nhỏ đến quan hệ song phương Moskva - Bucharest.

Vụ bắt giữ Greku - được các phương tiện truyền thông đại chúng Nga đã gọi thẳng là "gián điệp" - diễn ra tại một trung tâm thương mại ở phía tây Moskva.

Theo các nguồn tin nghiệp vụ, Greku có kế hoạch gặp gỡ một công dân Nga là nguồn tin của mình tại đây để nhận một số thông tin mật nào đó. Sau khi vừa lấy chiếc túi xách được nguồn tin để lại từ trước đó trong một ngăn tủ chứa đồ, Greku đã bị các nhân viên phản gián Nga ập tới bắt quả tang. Kết quả khám xét người Greku cũng phát hiện một số thiết bị được cho là để dùng trong hoạt động tình báo.

Kênh truyền hình Vesti của Nga sau đó đã cho công bố đoạn băng do Cơ quan mật vụ cung cấp, trong đó ghi lại tường tận cảnh một người đã bỏ chiếc túi đen vào ngăn để đồ, trước khi Greku tới lấy và bị bắt vài phút sau đó.

Hình ảnh Gabriel Greku trên một kênh truyền hình của Nga.

Thông báo của FSB cho biết, Greku là nhân viên của Cơ quan Thông tin đối ngoại Rumani, còn công việc tại Đại sứ quán Rumani của anh ta chỉ là một vỏ bọc. Còn theo báo chí Rumani, Greku chỉ là một nhân viên bình thường, không có bất cứ tài sản đáng giá nào. Chỉ có một điểm duy nhất phía Rumani thừa nhận giống với thông tin từ Nga - Greku là một tay có võ nghệ cao cường. Cũng chính vì đặc điểm này, FSB đã phải cử thêm hai sĩ quan đặc nhiệm tham gia vụ bắt giữ.

Các nhà chức trách Nga sau đó cũng đưa ra những thông tin đầu tiên về nguồn tin của Greku - một quân nhân Nga được tuyển mộ từ thời người tiền nhiệm Dinu Pistoley của Greku. Các nguồn tin từ phản gián Nga cho biết, quân nhân trên đã từng tiếp xúc với Pistoley trong một thời gian dài, nhưng chỉ chính thức chuyển giao các thông tin bí mật quân sự kể từ khi Greku tới nước Nga. Nói tóm lại, Pistoley chính là người đã gây dựng một mạng lưới của tình báo Rumani tại Nga, và Greku là người thay thế anh ta trong mạng lưới này.

Theo sơ đồ hoạt động trên, các nguồn tin sẽ nhận nhiệm vụ được mã hóa từ những điệp viên điều hành mình qua hộp thư điện tử, sau đó ghi lại tất cả những thông tin thu thập được vào một ổ đĩa flash, rồi đặt vào một ngăn chứa đồ đã thỏa thuận trước tại một trong các siêu thị ở Moskva. Quân nhân Nga là nguồn tin của Greku hiện cũng đã bị bắt giữ và điều tra. Nhưng theo một số nguồn tin, nhân vật này trước những đòi hỏi quá mức của Greku về các thông tin bí mật quốc gia đã lo ngại, quyết định liên hệ và khai hết mọi chuyện với Cơ quan Phản gián Nga.

Dù FSB từ chối tiết lộ về những loại thông tin mà Greku đã tìm cách khai thác, nhưng theo tờ Thanh niên Moskva, tay này đã tìm kiếm thông tin về sự hiện diện quân sự của Nga tại Moldavia, cụ thể là tại vùng Pridnestrov. Những thông tin kiểu trên thực ra không có nhiều liên quan mật thiết đến Rumani, nhưng chúng lại được coi là rất quan trọng đối với các đồng minh của quốc gia này trong NATO, tổ chức đang tồn tại một thỏa thuận nội bộ về việc trao đổi thông tin tình báo. Không loại trừ khả năng, Greku hoạt động gián điệp vì quyền lợi của một nước thứ ba.

Cũng không nên quên rằng, Rumani tiếp theo Ba Lan hồi tháng 2/2010 đã đồng ý cho bố trí trên lãnh thổ mình một số bộ phận thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ, một quyết định tất nhiên đã nhận được sự phản ứng quyết liệt của Nga. Trong bối cảnh đó, chính quyền khu vực Pridnestrov (đang đòi ly khai khỏi Moldavia) đã tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận thêm một số đơn vị quân đội của Nga, kể cả một số khẩu đội tên lửa chiến thuật "Iskander". 

FSB tuyên bố qua phân tích những tài liệu đang được tình báo Rumani quan tâm, họ có thể kết luận rằng, việc chuyển giao những thông tin kiểu này cho các cơ quan tình báo nước ngoài "có thể dẫn tới những thiệt hại đáng kể về quyền lợi an ninh của nước Nga". Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ quan điểm rất kiên quyết về vụ án gián điệp này. Sau khi chính thức trao công hàm phản đối cho phía Rumani, Greku bị tước quyền miễn trừ ngoại giao và phải trở về nước trong vòng 48 giờ.

Về phần mình Bucharest cũng có phản ứng rất nhanh. Bộ Ngoại giao nước này hôm 17/8 đã lên tiếng buộc tội Nga "vi phạm nghiêm trọng" các thỏa ước về quan hệ ngoại giao. Một ngày sau, Rumani tiếp tục có hành động trục xuất trả đũa một nhà ngoại giao khác của Nga. "Nạn nhân" lần này là Anatoli Akopov, người cũng đang công tác ở vị trí tương tự như của Greku tại Đại sứ quán Nga ở Bucharest.

Các chuyên gia cho rằng, việc bắt giữ Gabriel Greku tại Moskva có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến quan hệ giữa Nga - Rumani. Bản thân Moskva đang dính dáng tới nhiều vụ rắc rối tình báo khác nhau trong thời gian qua. Điển hình nhất là vụ 11 điệp viên của họ bị phát hiện tại Mỹ, tiếp đó là vụ điệp viên Robert Rachardzo tại Czech đã khai thác cho Moskva nhiều thông tin quân sự giá trị, và theo nhiều nguồn tin đã đào thoát an toàn về Nga

Thái Quân (tổng hợp)
.
.