Cuộc chiến trên mạng giữa hai “đại gia” Internet

Thứ Hai, 01/02/2010, 15:30
Căng thẳng về vấn đề tin tặc đang khiến hai "đại gia" hoạt động trên lĩnh vực Internet của Mỹ và Trung Quốc là Google và Baidu có mâu thuẫn. Cuộc chiến giành thị phần của hai công ty này tại Trung Quốc đang đến hồi quyết định.

Năm 1998, kỹ sư khoa học điện toán Li Yanghong đã thành lập trang Rankdex, một công cụ tìm kiếm có nhiệm vụ xếp hạng các trang web theo số người xem. Cùng lúc đó, Larry Page và Sergey Brin của Tập đoàn Google (Mỹ) có kế hoạch đưa Google thành trang web tìm kiếm lớn nhất thế giới.

Từ một văn phòng đóng tại một khách sạn 3 sao ở Bắc Kinh, giờ đây tập đoàn của ông Li, 41 tuổi đã mang tầm vóc thế giới với doanh thu chiếm 60% thị trường các dịch vụ Internet. Baidu trở thành trang web tìm kiếm lớn thứ ba thế giới.

Doanh thu của Baidu đạt 468 triệu USD trong năm 2008 và ông chủ của nó có tài sản lên đến 2,1 tỉ USD, theo danh sách thống kê năm 2009 của tạp chí Forbes. Đó là thành quả những năm học tập miệt mài của Li tại Trường đại học Bắc Kinh danh tiếng và lấy bằng thạc sĩ tại Đại học bang New York, Mỹ.  

Baidu đang có cơ hội thống trị thị trường Internet Trung Quốc sau khi Google công bố khả năng họ rút khỏi thị trường nước này vì bị các hacker tấn công. Google đang điều tra khả năng một hay nhiều nhân viên của họ đã tạo điều kiện cho cuộc tấn công trên mạng xuất phát từ Trung Quốc nhằm vào công ty này giữa tháng 12 vừa qua. Google cũng đồng thời tuyên bố hoãn kế hoạch khai trương mạng điện thoại di động ở Trung Quốc dùng hệ điều hành Android của hãng này mà đối tác là hai hãng điện thoại Motorola và Samsung.

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu Internet quốc tế Analysys, quý 4 năm 2009, Baidu chiếm 58,4% thị trường trang web tìm kiếm của Trung Quốc, tiếp sau là Google với 35,6%. Trung Quốc có lượng người dùng Internet nhiều hơn bất kỳ nước nào, khoảng 350 triệu người, và đem đến một thị trường béo bở cho dịch vụ tìm kiếm với trị giá khoảng 1 tỉ USD trong năm 2009.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Jon Huntsman cho biết chính phủ nước này sẽ đứng ngoài các cuộc đàm phán giữa Công ty Google với Chính phủ Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Huntsman tuyên bố Chính phủ Mỹ coi các cuộc thương lượng giữa Google với Trung Quốc là một vấn đề kinh doanh và vì vậy sẽ không can dự vào. Tuy không nói rõ tình trạng các cuộc đàm phán, song ông Huntsman cho rằng, đó là "một vấn đề rất quan trọng giữa Mỹ với Trung Quốc" và đang được giải quyết ở cấp tương xứng.

Ngoại trưởng Hillary Clinton mới đây cũng đã ra thông cáo cho biết Washington rất quan tâm đến các diễn biến liên quan tới vụ việc này. Thông báo rút lui của Google khỏi Trung Quốc đã khiến Washington phải yêu cầu Bắc Kinh giải thích.

Câu trả lời của Trung Quốc  thật ngắn gọn rằng: Trung Quốc có quyền sử dụng bộ lọc thông tin và mọi công ty nước ngoài, kể cả Google, làm ăn tại Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật nước này. Khi Google ra mắt trang google.cn hồi năm 2006, hãng này cũng đã đồng ý chịu kiểm duyệt một số kết quả tìm kiếm không phù hợp với luật pháp Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói: "Chính phủ Trung Quốc khuyến khích sự phát triển của Internet. Các công ty nước ngoài tại Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp và các quy định, cũng như truyền thống và tập quán Trung Quốc, và gánh vác những trách nhiệm xã hội tương ứng và dĩ nhiên Google không phải là ngoại lệ".

Ông Mã Triều Húc còn nói ông không biết liệu giới chức Trung Quốc có hội đàm với các nhà lãnh đạo Google hay không. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định rằng luật pháp của họ cấm các cuộc tấn công của tin tặc.

Các nhà phân tích tin rằng cho dù Google có thực sự rút khỏi Trung Quốc hay không, Baidu vẫn là người chiến thắng khi họ đang có ưu thế về doanh thu quảng cáo trước một Google phần nào đã bị sụt giảm uy tín khi tuyên bố rút lui. Ngay sau khi Google tuyên bố sẽ rút khỏi Trung Quốc, giá cổ phiếu của Baidu trên thị trường chứng khoán Nasdaq của Mỹ tăng 20%, đạt kỷ lục 470,25 USD vào ngày 15/1.

Năm 2005, tỉ phú Bill Gates từng cảnh báo, rằng Google ngày càng có ảnh hưởng mạnh trên thế giới, vượt qua Công ty Microsoft của ông. Lúc đó, Li cũng cảnh báo rằng nếu ông Gates lo lắng về ảnh hưởng của Google thì ông cũng sẽ lo lắng hơn với Baidu. 

Baidu cũng đã phản đòn trước tuyên bố bị hacker Trung Quốc tấn công bằng cách nộp đơn kiện một công ty quản lý tên miền của Mỹ. Công ty bị kiện là Register.com đã làm cho trang web Baidu ngừng hoạt động hồi tuần trước. Register.com là công ty quản lý tên miền hàng đầu thế giới với hơn 2,5 triệu tên miền.

Baidu có kế hoạch chuyển sang thuê công ty quản lý tên miền khác. Baidu cho biết trang web của họ đã tê liệt trong vài giờ sau vụ tấn công ngày 12/1 của nhóm tự xưng là "Đội quân không gian ảo Iran" (Iranian Cyber Army), cùng tên với nhóm tấn công trang web Twitter hồi tháng trước. Baidu cho biết nhiều người trên khắp thế giới đã không thể truy cập trang web của họ do sự cố này.

Sau vụ tấn công, trang web này chỉ có vỏn vẹn dòng chữ "Trang web này đã bị tấn công bởi Cyber Army". Đại sứ quán Iran tại Bắc Kinh bác bỏ mọi liên quan giữa các hacker trong vụ này với Chính phủ Iran đồng thời lên án vụ tấn công. Sau vụ tấn công, Giám đốc kỹ thuật của Baidu, ông Li Yinan đã nộp đơn từ chức "vì lý do cá nhân" nhưng không rõ có liên quan đến sự cố này hay không.

Một khi Google rút đi, các đối thủ khác của họ đến từ nước Mỹ cũng sẽ chộp lấy cơ hội này. Được biết Yahoo cũng bị tin tặc tấn công tại Trung Quốc, nhưng đã giữ im lặng. Yahoo đã đóng cửa các văn phòng tại Trung Quốc vài năm trước, khi hãng bán phần lớn các hoạt động của mình trên thị trường này cho Tập đoàn Alibaba Group, là hãng mà Yahoo hiện nắm giữ 39% cổ phần

Trường Minh (tổng hợp)
.
.