Cuộc đào tẩu kỳ lạ của Arsen Voskanyan

Thứ Sáu, 05/05/2017, 15:30
Arsen Voskanyan, công dân Nga gốc Armenia nhập cảnh vào Colombia để săn bắt lậu loài ếch Lehmann có nọc độc cực mạnh, được một số các phòng thí nghiệm phương Tây mua bất hợp pháp với giá mỗi con 12.000 Euro để điều chế thuốc giảm đau.

Ngày 21-4-2017, trang web "Tiếng nói Colombia" của tổ chức chống Chính phủ Colombia là “Quân đội Giải phóng quốc gia" (ELN) đăng tải một thông báo, nội dung cho biết ngày 5-11-2016, họ đã bắt giữ Arsen Voskanyan, công dân Nga gốc Armenia nhập cảnh vào Colombia để săn bắt lậu loài ếch Lehmann có nọc độc cực mạnh, được một số các phòng thí nghiệm phương Tây mua bất hợp pháp với giá mỗi con 12.000 Euro để điều chế thuốc giảm đau.

Sau 6 tháng bị giam giữ, ngày 19-4-2017, Voskanyan cướp súng và bắn bị thương nặng 5 du kích ELN rồi bỏ chạy

Trước đó, tháng 1-2017, trải qua nhiều cuộc dàn xếp, Sứ quán Nga ở Bogota, thủ đô Colombia cho biết, thông qua Hội Chữ thập đỏ quốc tế, ELN đã đồng ý phóng thích Voskanyan nhưng việc phóng thích chưa kịp thực hiện thì Voskanyan đã đào tẩu…

Ly hương đi… săn ếch

Là người Nga gốc Armenia, Voskanyan, 42 tuổi làm nghề lái taxi ở thủ đô Moscow, Cộng hòa Liên bang Nga. Một số đồng nghiệp của Voskanyan cho biết anh ta luôn lâm vào cảnh túng thiếu mặc dù không cờ bạc hay phải nặng gánh gia đình. Pachyan, bạn thân của Voskanyan nói: "Một tuần trước khi đi Colombia, anh ấy bảo với tôi rằng đã có một cơ hội kiếm tiền nhưng không vất vả lắm. Tôi hỏi đó là cơ hội gì thì anh ấy chỉ cười: "Bắt ếch". Lúc ấy, tôi nghĩ Voskanyan nói đùa".

Loài ếch Lehmann được bán bất hợp pháp với giá 12.000 Euro.

Loài ếch mà Voskanyan nhắc đến chính là ếch Lehmann, được đặt theo tên của nhà sinh vật học người Colombia là Federico Carlos Lehmann. Nó sống chủ yếu ở miền tây Colombia, con trưởng thành dài trung bình 33cm với lớp da màu đen xen lẫn những mảng sọc màu da cam, đỏ hoặc vàng.

Được đánh giá là một trong những động vật có nọc độc cực mạnh, chỉ cần 0,2mg độc chất tiết ra trên da của nó cũng đủ để giết chết một người trưởng thành khỏe mạnh. Từ hàng trăm năm trước, thổ dân bản xứ đã biết cách tẩm chất độc của ếch Lehmann vào đầu mũi tên mỗi khi đi săn bắn thú rừng hoặc trong các cuộc chiến tranh với những bộ tộc khác.

Năm 1988, một công ty dược phẩm có trụ sở ở Honolulu, bang Hawaii, Mỹ đã chiết suất và bào chế thành công độc chất trên da ếch Lehmann thành một loại thuốc giảm đau, có tác dụng cực kỳ hiệu quả đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, khi mà hầu như tất cả các loại thuốc giảm đau khác không còn tác dụng.

Chính vì thế, giá của một con ếch Lehmann rất đắt. Nhiều phòng thí nghiệm ở một số các quốc gia phương Tây sẵn sàng trả 12.000 Euro (hơn 280 triệu đồng Việt Nam) cho mỗi con Lehmann nhập khẩu bất hợp pháp để nghiên cứu cấu trúc hóa học của độc chất này, nhằm bào chế ra những loại thuốc giảm đau có tính năng tương tự bằng phương pháp tổng hợp vì luật pháp Colombia rất nghiêm ngặt trong việc bảo tồn và xuất khẩu loài ếch Lehmann.

 Đầu tháng 11-2016, Voskanyan nhập cảnh Colombia bằng hộ chiếu Nga nhưng không vào Sứ quán Nga đăng ký để được hưởng quyền bảo hộ công dân. Ở Bogota hai ngày, anh ta đến thành phố Choco nằm ở  độ cao 1.200 mét so với mực nước biển. Từ đây đi về phía tây khoảng 13km là lãnh địa của ếch Lehmann.

Thông tin trên trang web "Tiếng nói Colombia" của tổ chức nổi dậy chống Chính phủ Colombia là "Quân đội Giải phóng quốc gia" (ELN) cho thấy ngày 5-11-2017, khi đi vào khu vực ếch Lehmann cư trú, Voskayan đã bị du kích ELN bắt vì nghi là… gián điệp! Cùng bị bắt với Voskanyan còn có một du khách nước ngoài nhưng người này thuần túy chỉ là một kẻ thích phiêu lưu.

Ra đời vào đầu thập niên 1960, "Quân đội giải phóng quốc gia" (ELN), được coi là tổ chức chống đối mạnh thứ hai ở Colombia, chỉ đứng sau "Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia" (FARC). Dưới sự lãnh đạo của những nhân vật thiên về đấu tranh vũ trang, để kiếm tiền nuôi dưỡng đạo quân du kích mà có lúc lên đến gần 5.000 người. Trong suốt những năm từ 1960 đến 2015, ELN là tác giả của những vụ ám sát, bắt cóc, tống tiền, đánh bom khủng bố, "bảo kê" cho các công ty khai thác dầu mỏ và buôn ma túy.

Đầu năm 2000, thực lực của ELN bắt đầu suy giảm vì những cuộc đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lợi, và nhất là sự ra đời của các tổ chức bán quân sự nhằm chống lại ELN, chẳng hạn như Liên hiệp Lực lượng Phòng vệ Colombia (AUC) do Chính phủ Colombia lập ra, và MAS (Muerte a Secuestradores - Cái chết cho những kẻ bắt cóc), dẫn đến việc ELN mất quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ đã chiếm được, kể cả tỉnh Bolivar, cái nôi của "Quân đội giải phóng quốc gia".

Năm 2001, qua nhiều trung gian, ELN bắt đầu các cuộc đàm phán với Chính phủ Colombia nhưng nó nhanh chóng tan vỡ vì Colombia yêu cầu ELN phải hạ vũ khí, đầu hàng ngay lập tức. Trong suốt những năm 2002, 2004 và 2005, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Colombia và ELN, diễn ra ở cả Mexico lẫn Cuba cũng thất bại. Bên cạnh đó, ELN còn bị Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

Tháng 10-2016 giữa ELN và Chính phủ Colombia bắt đầu có những cuộc tiếp xúc chính thức nhưng đến nay, cả hai bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận hòa bình nào.

Con tin manh động

Trở lại chuyện Voskanyan, theo thông tin trên trang web "Tiếng nói Colombia" và trang facebook cá nhân của một số du kích ELN thì sau khi bị bắt, trong suốt nhiều ngày anh ta liên tục bị các thành viên của ELN hỏi cung. Khoảng 2 tháng sau, những nhà lãnh đạo ELN tin rằng Voskanyan là một anh chàng vô hại, chỉ đi bắt ếch mang nọc độc về bán kiếm tiền nên họ thả lỏng anh ta nhưng không phóng thích.

Người nhà của một du kích quân giấu tên nói với phóng viên báo El Tiempo, xuất bản tại Bogota, Colombia rằng Voskayan hoàn toàn khỏe mạnh. Anh ta được đối đãi tử tế, ăn uống đầy đủ, không bị trói hay bị đánh đập, ngoại trừ việc anh ta phải liên tục di chuyển cùng với những du kích ELN nhằm tránh những cuộc tấn công của quân đội Chính phủ Colombia. Khi được hỏi về tương lai của Voskanyan sẽ như thế nào thì người này chỉ trả lời mập mờ, đại ý nhiều khả năng Voskanyan sẽ tự do sau khi có một khoản tiền chuộc.

Mặc dù lúc nhập cảnh Colombia, Voskanyan không hề đến sứ quán đăng ký để được hưởng quyền bảo hộ công dân trong trường hợp xảy ra những bất trắc, nhưng bộ phận lãnh sự thuộc Sứ quán Nga vẫn lên tiếng yêu cầu ELN phải trả tự do cho Voskanyan. Bên cạnh đó, họ cũng nhờ Hội Chữ thập đỏ quốc tế đứng ra làm trung gian, dàn xếp để ELN phóng thích Voskanyan.

Ngày 21-1-2017, thông qua Hội Chữ thập đỏ quốc tế, ELN trả tự do cho một du khách nước ngoài, cùng bị bắt chung với Voskanyan hồi tháng 11-2016 ở tỉnh Choco, và đây cũng là người nước ngoài duy nhất được ELN thả kể từ khi tổ chức này ra đời. Đến ngày 23-1, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế chính thức xác nhận tuyên bố của ông Cimarron, lãnh đạo ELN là sẽ phóng thích Arsen Voskanyan.

Theo lời người du khách được tha trước, mặc dù có thời gian bị giam chung với Voskanyan nhưng ông ta không rõ vì sao Voskanyan lại bỏ nghề lái xe để đến miền tây Colombia, nơi thường xuyên xảy ra những cuộc chạm súng giữa quân đội chính phủ và các nhóm quân nổi dậy.

Ông nói: "Voskanyan cho tôi biết là anh ta đi tìm bắt loài ếch Lehmann về bán cho một phòng thí nghiệm, và đã nhận tiền ứng trước. Đây là việc làm rất nguy hiểm vì luật pháp Colombia cấm săn bắt ếch Lehmann ở những khu bảo tồn sinh thái, chẳng may bị bắt sẽ bị phạt tù rất nặng. Còn nếu mua bán hợp pháp thì sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều tiền vì phải cần đến nhiều loại giấy tờ, chưa kể trước khi giao cho người mua, ếch Lehmann còn được cơ quan chức năng Colombia cách ly 2 tháng để kiểm dịch…".

Một thông tin trên trang web World Poison, chuyên về độc chất học cho biết nếu bị cách ly 2 tháng và nuôi ăn nhân tạo, độc lực tiết ra từ ếch Lehmann sẽ không còn giữ nguyên tính chất ban đầu.

Giữa tháng 4-2017, ELN thông báo cho Hội Chữ thập đỏ quốc tế biết là họ quyết định thả Voskanyan mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Ngày 18-4-2017, nhóm du kích ELN đưa Voskanyan lên một chiếc xe tải. Do đã sống với Voskanyan 6 tháng nên hầu như nhóm du kích áp giải anh ta chẳng hề có sự đề phòng. Hơn nữa, có thể họ tin rằng Voskanyan biết mình sắp được tha nên anh ta sẽ không manh động.

Thế nhưng, lúc xe đến giữa vùng Pizarro và Nuqui, là nơi hoang vu không có dân cư, chiếc xe tải chạy chậm lại vì đường quá xấu thì đột ngột Voskayan chụp lấy khẩu AK của một du kích, bắn thẳng vào nhóm áp giải làm 5 du kích bị thương nặng. Thông tin trên trang web "Tiếng nói Colombia" cho biết du kích cũng đã bắn trả lại, và đã khiến anh ta bị thương: "Bộ Chỉ huy ELN rất tiếc không thể hoàn thành cuộc trao trả con tin vì con tin đã cướp vũ khí, tấn công chúng tôi rồi đào tẩu", trang web này viết.

Khu vực giữa Pizarro và Nuqui là nơi sinh sống của bộ tộc thiểu số Embera, địa hình rất khắc nghiệt, phần lớn là những khu rừng nguyên sinh, nơi hàng trăm năm mặt đất không hề có ánh nắng rọi đến,  người lạ rất khó sống sót nếu phải đi qua vùng này mà không có người dẫn đường hoặc không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Một sĩ quan quân đội Colombia nhận định có thể Voskanyan đào tẩu vì không muốn bị Chính phủ Colombia truy cứu hình sự về tội săn bắt lậu ếch Ehmann thay vì chỉ bị trục xuất về Nga. Lại có giả thuyết cho rằng ELN không hề báo cho Voskanyan biết là anh ta được phóng thích nên khi bị giải đi, Voskanyan nghĩ mình sẽ bị xử bắn. Vì vậy anh ta "ra tay trước" để hy vọng có cơ may sống sót.

Hiện quân đội Colombia đang tiếp tục tìm kiếm anh ta với sự giúp đỡ của bộ tộc thiểu số Embera. Tuy nhiên, một số "lão làng" người Embera nói rằng nếu quả thật Voskanyan đã bị thương, và đang tìm đường thoát thân khỏi vùng Pizarro, Nuqui thì cơ may sống sót là không thể nếu những nhóm tìm kiếm không gặp được anh ta kịp thời…

Cao Trí (theo Nhân chứng Toàn cầu)
.
.