Cướp biển Somalia được bảo kê như thế nào?

Thứ Năm, 22/10/2009, 09:45
Cuộc họp mới đây tại Singapore của Đại hội đồng Cảnh sát quốc tế (Interpol), các quan chức Interpol chính thức khẳng định rằng cướp biển Somalia nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các nhóm tội phạm có tổ chức. Vậy quan hệ giữa chúng như thế nào?

Trong cuộc họp tại Singapore, ông Mick Palmer, Thanh tra An ninh vận tải của Australia, thành viên Interpol, cho biết có bằng chứng rõ ràng cho thấy các hoạt động của cướp biển Somalia ngày càng có tổ chức. Theo ông, bọn chúng sử dụng các vũ khí tinh vi hơn, có khả năng định vị các tàu buôn lớn từ vị trí cách xa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số ngoài khơi bờ biển Somalia.

Ông Palmer cũng cho biết, trung bình mỗi tên cướp biển nhận được khoảng 10.000 USD, còn các nhà thương thuyết được 500.000 USD sau mỗi vụ cướp trót lọt. Số tiền còn lại sẽ được chuyển cho các tổ chức tội phạm. Theo ông, điều này cho thấy các tổ chức tội phạm nắm phần lớn số tiền này. Ông Palmer tin rằng lần theo dòng lưu chuyển của tiền chuộc sẽ là một phần quan trọng trong bất kỳ cuộc điều tra nào về các hoạt động của cướp biển.

Theo ông Jean-Michel Louboutin, Giám đốc điều hành bộ phận cảnh sát của Interpol, những loại vũ khí hiện đại nói trên thuộc các tổ chức tội phạm quốc tế và chắc chắn là có người ở ngoài chứ không thể chỉ có cướp biển Somalia. Vẫn theo ông, chỉ có sự hiện diện của hải quân các nước ở vùng Vịnh Aden thì chưa đủ, mà cần có giải pháp về kinh tế và xã hội cho Somalia.

Những tên cướp biển Somalia từng cướp chiếc tàu Svitzer Korsakov hồi đầu năm 2008 đã điện thoại cho đồng bọn ở Yemen, Djibouti và Dubai để tìm người nhận tiền chuộc và chuyển cho bọn cướp biển phần được chia. Đối với thuyền trưởng chiếc tàu này, hầu như bọn cướp biển chưa đến mức chuyên nghiệp khi trên bờ chưa có mạng lưới rõ ràng. Tuy nhiên, vào cuối năm 2008, mọi việc đã khác khi số vụ cướp biển tại vùng Sừng châu Phi ngày càng tăng. Khi chiếc tàu chở dầu của Thổ Nhĩ Kỳ Karagol bị cướp thì bọn cướp biển đã tỏ ra chuyên nghiệp hơn. Chúng sử dụng một nhà thương thuyết nói tiếng Anh rất giỏi và vận động nhiều cướp biển khác tới đưa chúng đi trong khi chờ tiền chia.

Hải quân Tây Ban Nha tham gia bắt cướp biển Somalia.

Theo ông Haldun Dincel, Tổng giám đốc Công ty Ayder Tankers, đơn vị quản lý tàu Karogol, nhóm cướp biển bắt giữ tàu này do một cựu tướng lĩnh quân đội Somalia điều hành và chúng đã tiếp xúc với các đồng sự ở London, DubaiYemen. "Rõ ràng chúng đã nhận lệnh và lời khuyên như thế nào", ông Dincel nói với tư cách là một người từng thương thuyết với bọn cướp.

Theo các chuyên gia về vận chuyển hàng hải,  bọn cướp biển hiện nay được tổ chức theo mô hình "tập đoàn" trong đó khoản tiền chuộc được chia theo tỉ lệ nhất định giữa những tên tham gia vụ cướp với những tên chủ mưu thuộc các tổ chức tội phạm trên bờ.

Theo các nhà thương thuyết tiền chuộc với bọn bắt cóc, thông thường, cướp biển Somalia sau khi nhận được tiền chuộc sẽ chuyển tiền sang cảng Mombasa thuộc Kenya. Thế nhưng từ khi Kenya mở chiến dịch truy quét đường chuyển tiền này, thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã trở thành điểm tập kết chính của nguồn tiền bẩn này. Một số ít còn lại được chuyển sang Congo.

Khu vực Puntland ở miền Trung Somalia được xem là thánh địa của bọn cướp biển và tổ chức Al-Shabáab, một nhánh của Al-Qaeda được xem là thống lĩnh tại đây. Đây là hang ổ nhận một phần lớn các khoản tiền chuộc để đổi lại, họ sẽ cho phép cướp biển hoạt động trên lãnh hải do họ kiểm soát. Thế nhưng để tấn công bọn này không phải là dễ. Thu nhập của bọn cướp biển đem về cho khu vực này một nguồn lợi kinh tế đáng kể. Để kết thúc sự tồn tại của chúng cần có nhiều nỗ lực xây dựng năng lực về an ninh và chính trị mạnh mẽ tại khu vực này vốn đang nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ Somalia

Tại vùng đất "vô chủ"  Galmoduc nằm ở miền cực bắc Somalia. Một trong những toán cướp biển táo bạo nhất, thủ phạm vụ cướp tàu chở vũ khí của Ukraina và tàu dầu khổng lồ của Arập Xêút. Thủ lĩnh của toán cướp biển này, Abdulla Hassan, 39 tuổi chỉ huy 350 tên. Tất cả đều xuất thân  là dân đánh cá hoặc dân quân đào ngũ. Hiện nay, Abdulla "kiếm được" mỗi năm 350 ngàn USD. Số tiền này giúp gia đình hắn có cuộc sống ổn định lâu dài  hắn "đầu tư" mua vũ khí tối tân và thuyền cao tốc.

Chiến tích lịch sử của Abdulla là cướp được tàu chở xe tăng của Ukraina với tiền chuộc kỷ lục là 5 triệu USD. Tại một nước bị đói nghèo, chiến tranh và bạo lực, thì cướp biển là con đường kiếm ăn thu hút nhiều kẻ tuyệt vọng. Thủ lĩnh Abdulla từ chối tiết lộ chiến thuật của mình. Nhưng cuối cùng hắn cho biết bí quyết thành công là ra tay chớp nhoáng. Trong vòng 15 phút, các thủ hạ tinh nhuệ có đủ thời giờ chiếm gọn mục tiêu mà không đổ một giọt máu. Abdulla cho mình là một tín đồ Hồi giáo "tốt".

Theo một nhà báo địa phương, không có một dấu hiệu nào cho thấy có quan hệ giữa các toán cướp biển và những kẻ kêu gọi thánh chiến. Nhưng nhiều nhà quan sát lo ngại rằng, trước những món tiền chuộc khổng lồ, không sớm thì muộn, hải tặc vùng Vịnh Aden không thoát khỏi bị lợi dụng chính trị. Có người đã tiên đoán rằng, các nhóm vũ trang tranh giành quyền lực tại Somalia sẽ khai thác cướp biển như là Taliban và thuốc phiện tại Afghanistan, là "huyết mạch của chiến tranh"

Trương Minh (tổng hợp)
.
.