Đàm phán chiến tranh mạng thất bại do bất đồng quan điểm Đông-Tây

Thứ Sáu, 08/09/2017, 11:25
Tiến trình đàm phán Nhóm chuyên gia chính phủ (GGE) do Liên Hiệp Quốc (LHQ) chủ trì đã đột ngột chấm dứt hồi tháng 6-2017 mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Lý do được cho là giữa các quốc gia ở hai bên chiến tuyến cũ (Chiến tranh lạnh) không thể có được tiếng nói chung về một số vấn đề mấu chốt của thỏa thuận.

Phía Đông bao gồm Nga, Trung Quốc, Cuba và một số quốc gia cùng chí hướng không chấp nhận các điều kiện do phương Tây đưa ra, trong đó có việc mang các quy định hiện hành trong luật pháp quốc tế áp dụng cho không gian ảo. Một lý do đơn giản là vì các điều kiện đó nếu được chấp nhận sẽ xác lập quyền kiểm soát của phương Tây trên không gian ảo, đồng thời biến nó thành mặt trận mới để phương Tây chạy đua vũ trang.

Sau khi đàm phán thất bại, các quốc gia hai bên “chiến tuyến” đã đổ lỗi cho nhau gây ra bế tắc. Michele Markoff, trưởng đoàn đàm phán Mỹ tham gia GGE đã hằn học chỉ trích nhưng không nêu đích danh Nga, Trung Quốc sau khi các điều kiện, yêu cầu của Mỹ và các đồng minh đặt ra bị từ chối. Phát biểu tại một hội nghị về an ninh mạng tại Israel sau khi đàm phán của LHQ đổ vỡ, quan chức an ninh cao cấp Nga Oleg Khramov cáo buộc các nước phương Tây đã cố tình gây ra bế tắc trong cuộc đàm phán.

Một phiên họp GGE tại trụ sở LHQ ở New York.

“Đàm phán về sự cần thiết áp dụng các quy tắc ứng xử trong không gian ảo vẫn chỉ là nói suông. Vì thế, xem như tất cả chúng ta đều phải quay lại từ đầu” - ông Khramov nói.

Tiến trình đàm phán GGE nhằm mục tiêu thiết lập một khung pháp lý để điều hành, quản lý an ninh mạng, trong đó vấn đề chiến tranh mạng được quan tâm hàng đầu và đặt làm trọng tâm đàm phán. Tiến trình đàm phán GGE bắt đầu diễn ra từ năm 2004, với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao về an ninh và giới chuyên gia an ninh mạng đến từ 25 quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm cả các cường quốc thế giới như Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Cuba,...

Trong tiến trình đàm phán, các chuyên gia đã hầu như đạt được sự đồng thuận đối với một số vấn đề chủ chốt, như các nguyên tắc luật quốc tế, kể cả Hiến chương LHQ nên được áp dụng cho không gian mạng.

Tuy nhiên, khi đụng chạm đến việc áp dụng Hiến chương LHQ, các bên đã không thể thống nhất ý kiến. Các bên lấn cấn bởi Điều 51 của Hiến chương LHQ có nêu rằng “không gì có thể ngăn cản quyền tự vệ của cá nhân hay tập thể” khi bị tấn công vũ trang. Khi mang quy định này áp dụng vào không gian ảo, nhiều vấn đề phức tạp hơn sẽ phát sinh. Rất khó xác định ranh giới giữa hiện thực đời sống và không gian ảo khi xác định của “quyền tự phòng vệ” và sự đồng nhất hóa giữa khái niệm tấn công vũ trang và tấn công mạng.

Các bên cũng không thể thống nhất với nhau trong việc xác định ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công mạng từ nước ngoài. Xác định các tin tặc có sự hậu thuẫn của nhà nước hay không là một việc cực kỳ khó khăn. Ví dụ như trong các cáo buộc cho đến nay đối với các vụ tấn công mạng nhằm vào máy chủ email của đảng Dân chủ và các cá nhân trong ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton cũng chỉ mang tính phỏng đoán và được gắn động cơ chính trị hơn là được chứng minh thực tế. Đó là câu chuyện thường ngày của thời đại công nghệ thông tin và chiến tranh mạng.

Quan chức an ninh Nga Oleg Khramov.

Trước đây, hầu như mọi cuộc tấn công mạng xảy ra ở Anh, Mỹ và một số nước đều được quy cho tình báo mạng Trung Quốc gây ra. Năm 2016, khi xảy ra loạt vụ tấn công mạng trong cuộc bầu cử tổng thống, cáo buộc lại được quy cho người Nga.

Cách đây vài tháng, thế giới từng giật mình khi trang WikiLeaks tung ra loạt hồ sơ mật của cơ quan tình báo CIA trong đó tiết lộ cơ quan này đã xây dựng được nhiều công cụ gián điệp mạng và đã sử dụng chúng để thực hiện nhiều vụ tấn công gián điệp mạng nhắm vào không chỉ các quốc gia đối thủ mà ngay cả trong nội bộ đồng minh.

Rồi tháng 4-2017, các nhóm tin tặc hàng đầu thế giới đã tung lên mạng Internet hàng trăm công cụ gián điệp mạng mà họ lấy cắp được từ kho vũ khí chiến tranh mạng của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) của Mỹ. Đến tháng 5-2017, một trong các công cụ nguy hiểm đó đã bị các tin tặc nghi là của CHDCND Triều Tiên lợi dụng phát triển thành virus tống tiền WannaCry lây lan hệ thống máy tính khắp thế giới.

Nhưng ngay cả vụ WannaCry, giới chức an ninh mạng thế giới cũng chỉ dừng lại ở giới hạn “nghi ngờ” tin tặc phát tán WannaCry là người của Triều Tiên nhằm mục đích giúp quốc gia này “kiếm tiền” nuôi chương trình tên lửa và hạt nhân.

Sự tranh cãi xung quanh việc xác lập khung pháp lý chiến tranh mạng cũng phản ánh mối bận tâm chung của thế giới về vấn đề triển khai thiết bị bay không người lái (máy bay điều khiển từ xa). Trong hàm nghĩa tự phòng vệ (self-defence), đại diện Cuba Miguel Rodriguez phát biểu tại phiên họp GGE cuối cùng hồi tháng 6-2017 rằng, việc công nhận “quyền tự phòng vệ” theo Hiến chương LHQ trên không gian mạng sẽ dẫn đến tình trạng quân sự hóa không gian mạng và “hợp thức hóa những hành động đơn phương nhân danh tự phòng vệ”, trong đó bao gồm việc áp dụng các biện pháp trừng phạt và cả hành động quân sự của các quốc gia tự tuyên bố mình là “nạn nhân” của tấn công mạng.

Công nghệ hiện đại cho phép các quốc triển khai lực lượng tấn công điều khiển từ xa, từ đó càng làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột vũ trang nhân danh “tự phòng vệ” theo Hiến chương LHQ.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.