Đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran: Kiến bò cành cụt

Thứ Hai, 11/03/2013, 19:00

Đã 11 năm qua, cộng đồng quốc tế luôn cố gắng buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng vô vọng. Những cuộc gặp mặt theo nghĩa "cơ may cuối cùng" giữa Iran và cộng đồng quốc tế cứ tiếp tục và giống nhau nhưng cả 2 phía đều không tìm được một lối thoát cho vấn đề hóc búa là chương trình hạt nhân của Iran.

Thật ra những sự thất bại liên tiếp đó chỉ khẳng định cho cảm nghĩ về một cuộc khủng hoảng phức tạp từ lúc nó hình thành cách đây 11 năm sau khi phe đối lập Iran tiết lộ một địa điểm bí mật làm giàu uranium tại Natanz. Và những cố gắng đàm phán tiếp theo cũng chẳng hề tháo gỡ được mớ bòng bong. Để mở lối cho một cuộc đối thoại đang rơi vào ngõ cụt, hôm 26/2 các cường quốc đã đưa ra mời chào rất hấp dẫn. Đó là sẽ giảm bớt một số biện pháp chế tài nhắm vào xuất khẩu vàng, hóa dầu và một số định chế tài ngân hàng đối với Iran.

Chính sách ngoại giao của Washington

Trong khi Iran và nhóm p5+1 (Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Đức) gặp nhau tại Almaty (Kazakhstan) ngày 26/2 để tiếp tục tiến trình hòa đàm đã bị ngưng vào tháng 6/2012, Cơ quan Năng  lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) báo cáo rằng, từ đầu tháng 2 vừa qua Iran lại lắp đặt thêm nhiều lò ly tâm mới tại Natanz. Thế nhưng chỉ trước đó vài ngày Iran đã trấn an cộng đồng quốc tế rằng, nước này đã chuyển một phần uranium làm giàu để dùng làm chất đốt trong lò phản ứng nghiên cứu tại Téhéran.

Đây là một tin quan trọng vì điều này sẽ làm giảm lượng uranium cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân mà phương Tây đang lo ngại. "Đây không phải là một hành động có hảo ý mà là một sự thận trọng. Iran làm tất cả để tránh xa "đường ranh đỏ" do Israel đề ra. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên Iran có một động thái tính đến môi trường bên ngoài" - một nhà ngoại giao phương Tây nhận định.

Theo IAEA, hiện nay Iran có một kho uranium làm giàu 20% khoảng 167kg. Là quốc gia đầu tiên phản đối chương trình hạt nhân của Iran vì cho rằng đe dọa đến sự tồn vong của đất nước, Israel đã ấn định "đường ranh đỏ" ở mức 240kg. Cho rằng Iran có dự trữ lượng uranium cần thiết trong kho ngầm tại Fordo, Israel đã nhiều lần răn đe rằng sẽ tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran nếu vượt quá "đường ranh đỏ". 

Nhưng đấy không phải là quan điểm của Washington. Bất chấp sức ép của đồng minh Israel, Tổng thống Obama tuy từng lặp lại nhiều lần là Mỹ sẽ không cho phép Iran có được quả bom hạt nhân nhưng vẫn không muốn ấn định “đường ranh đỏ”. Ông chấp nhận một đất nước Iran ở ngưỡng sức mạnh hạt nhân (với khả năng hạt nhân nhưng không chế tạo bom). Khi công du tại Berlin, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố rằng, ông hy vọng một giải pháp ngoại giao sẽ được tìm ra giữa Iran và các cường quốc.

Còn Iran luôn tuyên bố là nước này rất cần có một loại năng lượng thay thế cho dầu hỏa vốn sắp cạn kiệt. Tổng thống Ahmadinejad khẳng định: Iran làm giàu uranium chỉ với mục đích dân sự, 5% để sản sinh điện và  20% để cung cấp cho phòng thí nghiệm y khoa chẩn đoán ung thư. Ông nhấn mạnh, Iran có quyền làm giàu uranium đúng theo thỏa ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà thỏa ước này lại không có chữ ký của 3 cường quốc hạt nhân là Israel, Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên phương Tây phản bác: thỏa ước không quy định quyền làm giàu uranium mà chỉ là quyền sử dụng hạt nhân với mục đích dân sự.

Tổng thống Ahmadinejad tham quan nhà máy Natanz.

Vẫn còn đó mối ngờ vực!

Theo 6 cường quốc đàm phán với Iran, mục đích của chương trình hạt nhân chỉ có thể là quân sự. "Báo cáo mới nhất của IAEA cho thấy là Iran vẫn tiếp tục chương trình làm giàu uranium" - một quan chức ngoại giao phương Tây cho biết và tỏ mối quan ngại về việc Iran cho lắp đặt những lò ly tâm mới tại Natanz. "Các lò ly tâm đó có khả năng sản xuất cao hơn những máy trước đó nhiều. Tuy số lượng vẫn còn hạn chế nhưng đó có thể là mở đầu cho một loạt máy  mới".

Với mong muốn dẹp tan các ngờ vực nhưng 3 lần kiểm tra mới đây của các chuyên gia IAEA lại chỉ là thất vọng. "Chúng tôi không nhận thấy có một nỗ lực cởi mở nào về phía Chính phủ Iran" - một nhà ngoại giao phương Tây cho biết. Do không tuân thủ khuyến cáo của cộng đồng quốc tế, Iran đã nhận 6 nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó 4 nghị quyết có kèm theo chế tài. Cộng với những biện pháp chế tài của Mỹ và EU, các nghị quyết đó đánh vào nền kinh tế Iran. Vào tháng 1/2013, Iran thừa nhận rằng việc xuất khẩu dầu hỏa đã giảm 40% từ tháng 3/2012.

Theo IAEA, trong năm 2012 Iran đã mất hơn 40 tỉ đôla từ xuất khẩu dầu. Ngoài ra nạn lạm phát hiện nay đã tăng vọt đến 40%. "Mục tiêu của các biện pháp chế tài không nhắm vào dân chúng, nhưng thực tế nạn nhân vẫn là thường dân. Và gần đến cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 6 càng khiến cho sự bất đồng trong chính phủ trầm trọng thêm. Iran không thể tỏ ra yếu ớt, vì thế sẽ khó có điều gì mới trong các cuộc đàm phán" - một nhà ngoại giao phương Tây nhận định.

"Đây không phải là một cuộc cách mạng mà là một sự tiến triển. Tức là tăng tiến dần dần và tương hỗ bằng cách chia nhỏ những biện pháp chế tài theo kiểu: chúng tôi cho cái này, anh cho cái kia" - một nhà ngoại giao giấu tên cho biết. Bù lại, Iran phải ngưng làm giàu uranium 20%, đóng cửa kho ngầm Fordo và gửi lượng uranium đã làm giàu ra nước ngoài, nếu không phương Tây sẽ gia tăng những sự chế tài.

"Không có chuyện đóng cửa địa điểm Fordo hay gửi uranium ra nước ngoài. Chúng tôi có thể tính đến việc ngưng làm giàu uranium 20% để đổi lấy việc bãi bỏ tất cả các chế tài, đặc biệt là của Hội đồng Bảo an" - một chuyên gia trong đoàn đàm phán của Iran đáp lời.

Một nguồn tin từ giới ngoại giao Iran nhấn mạnh rằng, mọi nỗ lực của phương Tây nhằm buộc Iran dừng chương trình hạt nhân sẽ là vô ích với những biện pháp chế tài hiện nay. Nhưng phía phương Tây lại cho rằng bãi bỏ chế tài trước khi đàm phán tức là giải quyết vấn đề theo chiều ngược. Điều này là minh chứng rõ nét cho thấy vấn đề hạt nhân của Iran tiếp tục đi vào ngõ cụt

Minh Luân (tổng hợp)
.
.