Đằng sau vụ tấn công bất ngờ của đặc nhiệm Mỹ vào Syria

Thứ Hai, 10/11/2008, 15:00
Syria đã lập tức triệu tập đại diện lâm thời Mỹ và Iraq để phản đối vụ lính đặc nhiệm Mỹ mở cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ nước này khiến 8 người chết, trong đó có 4 trẻ em. Vụ khiếu nại của Syria diễn ra đúng thời điểm máy bay Mỹ lại tiếp tục không kích vào lãnh thổ Pakistan khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và Chính phủ Iraq quyết định hoãn cuộc họp bàn về hiệp định an ninh với Mỹ.

Bộ Ngoại giao Syria lên án sự hiếu chiến và buộc quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm cho hành động kể trên cùng những hậu quả của nó. Syria cũng kêu gọi Chính phủ Iraq phải mở một cuộc điều tra tức thì để ngăn chặn việc sử dụng lãnh thổ Iraq xâm lược Syria.

Syria coi đây là hành động gây hấn nghiêm trọng và nếu thông tin kể trên là chính xác thì đây là cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ nhằm vào bên trong lãnh thổ Syria. Syria khẳng định, máy bay Mỹ đã tấn công trang trại Sukkariyeh, vị trí nằm sâu trong lãnh thổ Syria tới 8 km.

Cũng giống như những lần trước đây, Mỹ lại tuyên bố: cuộc tấn công của lính đặc nhiệm vào sâu trong lãnh thổ Syria tới 8 km là vì mục đích chống khủng bố. Mỹ cho rằng, vì không thể tiêu diệt được những tay súng ngoại quốc liên quan tới tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đang thâm nhập Iraq từ Syria nên họ buộc phải "phạm quy".

Theo những người dân ở làng Hwijeh liền kề với làng Sukkiraya (trang trại Sukkariyeh) gần thị trấn Abu Kamal, địa điểm vừa bị đặc nhiệm Mỹ tấn công tối 26/10, máy bay đã tiến vào dọc theo sông Euphrates. Được biết, có 4 máy bay đã oanh kích một khu nhà dân sự đang xây dở. Sau đó những trực thăng này đã bay về phía Iraq.

Đây là cuộc tấn công hiếm hoi vào vùng lãnh thổ Syria và nó diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở miền Tây Iraq tuyên bố, lính Mỹ đang tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh ở biên giới Syria bởi đây là một trong những cửa ngõ chính của các tay súng nước ngoài, cũng như vũ khí và tiền của xâm nhập vào Iraq.

Theo tin tức của các cơ quan tình báo Mỹ, có tới 90% tay súng nước ngoài xâm nhập vào Iraq qua ngả biên giới Syria. Chính vì thế nên Mỹ rất muốn triệt phá hoặc ngăn chặn những tuyến xâm nhập kể trên. Cách đây không lâu, tại khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Bush tiếp tục cáo buộc Syria đỡ đầu cho khủng bố. Trước đó (28-4), Mỹ cũng đã cáo buộc Syria trong việc cố tình làm bất ổn tình hình Iraq.

Trong con mắt của Mỹ, Syria là quốc gia gây bất ổn ở khu vực Trung Đông. Ngoài những nguyên nhân kể trên, Mỹ còn quan ngại Syria hợp sức cùng Iran tạo ảnh hưởng ở Iraq, cũng như làm suy giảm "uy tín" của Washington tại khu vực này.

Có một nghịch lý khá nhạy cảm, đó là Mỹ không muốn trang bị những thiết bị cần thiết để Syria ngăn chặn có hiệu quả những tay súng nước ngoài vượt biên vào Iraq bởi họ sợ nước này sẽ sử dụng số trang thiết bị kể trên chống lại Israel. Điều này từng được Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem "tố khổ" từ đầu năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

"Vấn nạn" thâm nhập của các tay súng nước ngoài từ Syria vào Iraq đã diễn ra từ lâu và luôn là tâm điểm của mối bất hòa giữa DamascusWashington. Nhưng nó chưa bao giờ bùng phát như cuộc tấn công tối 26/10 vừa qua.

Trong khi Mỹ luôn nhấn mạnh, Syria không hành động đủ mạnh để kiểm soát biên giới, thì Syria lại cho rằng, những bất ổn trong Iraq là do "yếu tố nội tại". Tuy Mỹ vẫn đã và đang tiếp tục "đối xử lạnh nhạt" với Syria, nhưng Damascus vẫn bày tỏ thiện chí - phóng thích 2 nhà báo Mỹ Holli Chmela và Taylor Luck (tối 9/10) vì tội xâm nhập trái phép lãnh thổ Syria.

Có người nói rằng, Mỹ vẫn còn "hậm hực" sau khi Syria được chứng minh: không có bằng chứng nào khẳng định đang sở hữu lò phản ứng hạt nhân bí mật. Mỹ từng khẳng định, khu vực Al Kibar của Syria từng bị máy bay Israel phá hủy năm 2007 là địa điểm xây dựng lò phản ứng sản xuất plutonium. Đại sứ Syria ở Mỹ Imad Moustapha đã nhấn mạnh, CIA đã lồng ghép những bức ảnh để cáo buộc nước này bí mật xây dựng lò phản ứng hạt nhân dưới sự trợ giúp của CHDCND Triều Tiên.

Mỹ cũng rất không "hài lòng" về mối quan hệ Nga - Syria đang được phát triển mạnh như hiện nay, đặc biệt là khi Damascus ngỏ ý muốn Moskva triển khai hệ thống phòng không S-300 PMU-2 cùng tên lửa Iskander-E quanh các hải cảng của Syria ở khu vực Địa Trung Hải, nơi Nga đang xây dựng các căn cứ hải quân. Ngoài ra, Nga cũng đã và sẽ trang bị, nâng cấp kho vũ khí của Syria với máy bay chiến đấu Mig-29M2, Mig-31, máy bay ném bom Su-30 Flanker, hệ thống phòng không Tor-M1, Pantsir-C, xe tăng T-62, T-72 và T-80, tên lửa SA-5 Gammon, S-125 và Pechora-2A cùng tên lửa chống tăng hiện đại ATM...

Trước và sau khi tấn công Syria, Mỹ cũng từng nhiều lần không kích vào Pakistan khiến hàng chục người chết và bị thương. Cách đây 2 tháng (tháng 8/2008), Mỹ từng phê chuẩn để binh sĩ của họ thực hiện những cuộc truy quét lực lượng Al-Qaeda và Taliban bên trong lãnh thổ Pakistan, nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nước này

Hương Ly (Tổng hợp)
.
.