Đạo luật phạt giam người nghiện mang thai gây tranh cãi

Thứ Sáu, 26/09/2014, 20:30

Ngày 8/7 vừa qua, sản phụ Mallory Loyola, 26 tuổi, khi mới sinh hạ đứa con gái đầu lòng tại bệnh viện của Trường đại học Y khoa, thành phố Knoxville (tiểu bang Tennessee) liền được giới hữu trách yêu cầu phải thử máu với chất gây nghiện. Kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể sản phụ phản ứng dương tính với chất methamphetamine, một dạng ma túy tổng hợp đang "thịnh hành" trong giới trẻ.

Chiểu theo một đạo luật của tiểu bang Tennessee có hiệu lực từ đầu tháng 3/2014, thì bất cứ phụ nữ nào đang mang thai mà sử dụng ma túy sẽ bị khép vào tội danh "hành hung ngược đãi con trẻ", bị truy tố hình sự cùng mức án tối đa là 15 năm tù giam. Do vậy M. Loyola cùng đứa bé mới sinh được dẫn giải ngay về trại giam.

Trong lần thẩm vấn đầu tiên, cô đã thừa nhận với cảnh sát điều tra rằng, thường xuyên hít ma túy đá, thậm chí còn tham gia "đập đá" với bạn bè trước thời điểm lên xe taxi đến bệnh viện sinh con.

Vụ M. Loyola là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Tennessee, trong khi ở những tiểu bang khác cũng từng diễn ra các vụ việc tương tự. Như trong năm 2013 vừa qua, Tòa án tiểu bang Alabama đã kết án 2 phụ nữ mang thai về tội gây nguy hiểm cho trẻ em, sau khi các đứa bé sinh ra được xét nghiệm cho thấy có chất gây nghiện trong máu.

Thuật ngữ "trẻ em" ở đây ám chỉ thai nhi nằm trong tử cung của người mẹ. Còn trước đó năm 2012, Tòa án Tối cao tiểu bang Mississippi đã ra phán quyết về tội giết người, áp dụng cho một bà mẹ có đứa con chết yểu ngay khi sinh do sử dụng ma túy quá nhiều.

Phản ứng trước các vụ việc nêu trên, đại diện Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) có trụ sở tại Chicago (tiểu bang Illinois) cho rằng: "Việc hình sự hóa các hành vi gây nguy hiểm đối với thai nhi, có thể đưa tới tác hại tiêu cực thêm cho người mẹ".

Đồng thời AMA cũng bảo lưu quan điểm nghiện ma túy là một dạng bệnh tâm thần, do tác dụng của thuốc lên não bộ đã làm thay đổi các hành vi vốn có. Quá trình phát triển bệnh lý cần phải được kiểm soát chặt chẽ bởi các nhân viên y tế, để phòng tránh những hệ lụy khôn lường.

Sản phụ M. Loyola chụp ảnh làm hồ sơ tù nhân.

Còn ông Thomas Castelli, Giám đốc Pháp lý của Hiệp hội Công dân tự do toàn Hoa Kỳ (ACLU) cho biết, rằng ALCU đã gửi thỉnh nguyện thư phản đối lên Thống đốc tiểu bang Tennessee Bill Haslam, với hàng trăm nghìn chữ ký ủng hộ nhưng bất chấp điều đó đạo luật phạt tù người nghiện mang thai vẫn được thông qua, có hiệu lực chí ít cho đến thời điểm đầu tháng 6/2016.

"Trong khi chỉ tập trung vào sự trừng phạt hơn là giúp thúc đẩy thai kỳ khỏe mạnh, vô hình trung chính quyền đã bỏ mặc sự trợ giúp đối với những phụ nữ đang phải vật lộn với chứng nghiện ngập, hòng tìm kiếm sự chăm sóc cần thiết trước khi sinh hạ một công dân mới", Giám đốc T. Castelli nhấn mạnh.

Theo số liệu điều tra của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), với trụ sở đặt tại thành phố Bethesda (tiểu bang Maryland) về việc sử dụng ma túy trong giới trẻ, cho thấy tỷ lệ thiếu nữ mang thai nghiện ma túy trong độ tuổi từ 15-17 là 15,8%, so với 13% số người nghiện cùng trang lứa nhưng không mang thai. Còn số phụ nữ mang thai nghiện ngập trong độ tuổi từ 18-25 là 7,4%, từ 26-44 tuổi là 1,9% .

Đồng thời NIH cũng cảnh báo rằng nếu người mang thai đã lỡ nghiện heroin hay các loại chất gây nghiện khác, tốt nhất không nên buộc họ từ bỏ ngay thói quen chết người mà không có sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa, bởi việc ngưng sử dụng đột ngột sau quá trình nghiện ngập kéo dài có thể gây ra những di hại nghiêm trọng, kể cả việc khiến thai nhi chết yểu.

Cuối cùng, dưới áp lực của công luận, Thống đốc B. Haslam đã chấp thuận để người mẹ trẻ M. Loyola được tại ngoại chờ ngày mở phiên tòa xét xử; đổi lại sản phụ M. Loyola phải đóng số tiền thế chân là 2000 USD, cùng lời cam kết tham gia khóa học bắt buộc tại Trung tâm cai nghiện ma túy ở Knoxville

Trần Hồng (theo The Guardian)
.
.