David Petraeus - Người gánh vác những tham vọng mới của CIA

Thứ Năm, 11/08/2011, 15:45

Thượng viện Mỹ với sự đồng thuận cao đã phê chuẩn vị trí Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đối với tướng David Petraeus, cựu Tư lệnh lực lượng NATO tại Afghanistan.

Với kiến thức sâu rộng về thực tế tại Trung Đông và Afghanistan, tướng Petraeus còn được coi là một chuyên gia không thể thay thế trong cuộc chiến với Al-Qaeda mà CIA hiện đang nhận lãnh vai trò hàng đầu. Vì vậy, viên tướng 4 sao của quân đội sẽ là người phải gánh vác việc thực thi những tham vọng mới của CIA trong giai đoạn quan trọng mới của cuộc chiến chống khủng bố…

Kỳ sát hạch gắt gao

David Petraeus sinh năm 1952 trong gia đình của một thuyền trưởng người Hà Lan di cư tới Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đã quyết định chọn cho mình cuộc đời  binh nghiệp với việc gia nhập Học viện quân sự nổi tiếng West Point vào năm 1970. Tính cho đến trước khi chuyển sang lãnh đạo CIA, Petraeus đã có thâm niên 37 năm phục vụ trong quân đội và ấn tượng hơn là 23 lần thay đổi vị trí công tác.

Vấn  đề được xem là gây “điều tiếng” đối với Petraeus kế hoạch huấn luyện quân đội Iraq do viên tướng này trực tiếp chỉ đạo đã ngốn hết toàn bộ khoản ngân sách dùng để mua sắm trang thiết bị. Còn cuộc chiến tại Afghanistan cũng không diễn ra theo đúng các nguyên tắc mà Petraeus đã vạch ra trong các chiến dịch chống lại lực lượng Taliban.

Có thể nhận thấy rằng, chưa có một ứng cử viên nào cho cương vị lãnh đạo CIA lại bị Quốc hội Mỹ "soi" kỹ như lần này. Nguyên nhân một phần có thể do những hoài nghi về quá khứ "ngoại đạo" với ngành tình báo của Petraeus, một phần khác có thể từ những kỳ vọng của giới chính trị gia Mỹ muốn đặt vào vai ông ta.

Trước khi chính thức tham dự phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo của Thượng viện - một quy định bắt buộc đối với bất kỳ một ứng cử viên giám đốc CIA nào trước khi muốn được thông qua việc bổ nhiệm - Petraeus đã phải nhận tới 2 bản danh sách dài các câu hỏi mà ông ta buộc phải trả lời bằng văn bản cho các thượng nghị sĩ.

Bản danh sách đầu tiên dài tới 26 trang, bao gồm tổng cộng 49 câu hỏi liên quan đến một loạt các lĩnh vực như:  tiểu sử cuộc đời binh nghiệp, khen thưởng, những công bố trên báo chí, các phát biểu công khai, các khoản thu nhập, những rắc rối với tòa án, quan niệm về CIA trong tương lai v.v…

Trong danh sách thứ hai - dày 36 trang với 31 câu hỏi - các thượng nghị sĩ tập trung truy vấn Petraeus về kinh nghiệm trong quân đội, quan điểm trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của CIA (kể cả những nhiệm vụ mà tổng thống đã đặt ra đối với ông ta như áp dụng kinh nghiệm chỉ huy trong quân đội để điều hành CIA như thế nào; khả năng phối hợp với các cơ quan Quốc hội, chính quyền và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia; về việc hợp tác trước đó của Petraeus với CIA v.v…).

Còn trong phiên điều trần trực tiếp, Petraeus đã trả lời miệng một loạt các câu hỏi của các thành viên Ủy ban Tình báo, chủ yếu nhằm vào quan điểm của viên tướng này trong việc giải quyết những vấn đề sắp tới trên cương vị đứng đầu CIA: chuyện thẩm vấn các tù binh khủng bố, tình hình tại Syria, chương trình huấn luyện ngoại ngữ cho nhân viên CIA, quan điểm về tổ chức cuộc chiến chống khủng bố, cũng như việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.

Trước tiên, Petraeus khẳng định sẽ không áp dụng tư duy kiểu "kỷ luật quân đội" trong việc thực thi các nhiệm vụ mới của mình tại Langley. Tự thừa nhận mình không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo, ông cũng cho biết sẽ nỗ lực tận dụng nhiều hơn hoạt động cố vấn của các chuyên gia trước khi đưa ra những quyết định quan trọng.

Về cơ bản, Petraeus không né tránh trả lời tất cả các câu hỏi được đặt ra, khiến các thượng nghị sĩ tỏ ra hoàn toàn hài lòng. Với việc vượt qua kỳ sát hạch gắt gao này, Petraeus đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ có tỉ lệ cao tại thượng viện để chính thức lên lãnh đạo cơ quan tình báo lớn nhất nước Mỹ.

Phác thảo về CIA trong tương lai

Dù thế nào, mối quan tâm hàng đầu của công luận chắc chắn vẫn là câu hỏi: CIA dưới thời giám đốc mới sẽ hoạt động như thế nào? Trong một động thái nhằm giành được thiện cảm của hàng ngũ cấp dưới mới, tướng Petraeus đã khẳng định tài sản lớn nhất của cộng đồng tình báo vẫn là những con người. Ông này cũng tuyên bố sẽ cố gắng tối đa để duy trì đội ngũ nhân sự như hiện nay, đồng thời thu hút thêm những công dân ưu tú khác vào phục vụ tại CIA. Petraeus cũng không quên cam kết sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và xây dựng với Quốc hội trong thời gian sắp tới.

Về những xu hướng hoạt động của CIA, Petraeus cho biết cần phải đẩy mạnh các nỗ lực nhằm phát triển các hệ thống thông tin của Langley, hoàn thiện mạng lưới phân tích thông tin để có thể xử lý các dữ liệu tình báo khai thác được một cách kịp thời và hiệu quả hơn.  Liên quan đến các chiến dịch bí mật của CIA, Petraeus vẫn đánh giá đây là một biện pháp quan trọng để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ.

Những tuyên bố của tân giám đốc CIA cho thấy, ông ta không những là một vị tướng kỳ cựu mà còn có thể là một chính trị gia khôn khéo. Không phải ngẫu nhiên, một số nhà quan sát còn nhận định rằng, Petraeus có thể dễ dàng trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Việc được bổ nhiệm làm tân giám đốc CIA chắc chắn sẽ không làm ảnh hưởng tới những tham vọng chính trị trong tương lai của Petraeus. Vấn đề phụ thuộc vào việc, cựu tướng lĩnh quân đội này sẽ thể hiện mình như thế nào trên vị trí lãnh đạo cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ

Thái Quân (tổng hợp)
.
.