Điều tra vụ sát hại nữ phóng viên truyền hình Bulgaria

Thứ Sáu, 12/10/2018, 09:37
Hôm 6-10, cảnh sát Bulgaria đã tìm thấy thi thể của nữ phóng viên truyền hình 30 tuổi Viktoria Marinova tại thị trấn phía Bắc Ruse. Trước đó, tung tích của phóng viên Viktoria Marinova đã được báo cáo là biến mất một cách bí ẩn khi đang thực hiện phóng sự điều tra về tham nhũng và tội phạm có tổ chức.


Tàn bạo và man rợ

Đó là những gì mà Bộ trưởng Nội vụ Bulgaria Mladen Mladenov mô tả về vụ án của Viktoria Marinova. Mladen Mladenov xác nhận Viktoria Marinova bị cưỡng hiếp trước khi tử vong và rằng các điều tra viên hàng đầu của nước này đã có mặt tại Ruse để điều tra vụ việc. 

Kết quả khám nghiệm tử thi do cảnh sát nước này công bố ngày 8-10 cho thấy, nữ nhà báo xấu số sau khi bị cưỡng hiếp, đã bị đánh và đạp liên tiếp vào đầu, dẫn tới ngạt thở rồi tử vong. 

Hãng tin CNN đưa tin, thi thể của Viktoria Marinova - nữ phóng viên điều tra của Đài Truyền hình tư nhân TVN đã được phát hiện vào hôm 6-10, gần một con hẻm chạy bộ bên bờ sông Danube, thuộc thị trấn Ruse, phía bắc của Bulgaria. 

Nữ nhà báo xinh đẹp Viktoria Marinova. Ảnh: AP.

Theo ông Georgy Georgiev, công tố viên thị trấn Ruse thì thi thể của nữ nhà báo xấu số được tìm thấy trong trạng thái mất một phần quần áo, điện thoại di động, chìa khóa xe, kính và một số tư trang cũng đều biến mất. Trong khi đó, tờ The Guardian lại viết, Viktoria Marinova là nhà báo thứ 4 bị sát hại trong khu vực Liên minh châu Âu (EU) trong vòng một năm qua và rằng trước khi mất tích một cách bí hiểm rồi bị sát hại, nữ phóng viên này đang thực hiện loạt phóng sự điều tra về tham nhũng, sử dụng sai các khoản tiền tài trợ của EU. 

“Viktoria Mariova đã chết vì bị chảy máu não và đa chấn thương”, The Guardian dẫn lời một nhà điều tra địa phương cho biết. Thủ tướng Boyko Borisov, trong một tuyên bố mới nhất khẳng định, qua khám nghiệm tử thi và hiện trường, phía cảnh sát đã thu thập được số lượng lớn bằng chứng liên quan và việc tìm ra hung thủ chỉ là vấn đề thời gian.

Ngay sau khi thông tin về cái chết bi thảm của Viktoria Marinova được đăng tải, đại diện tự do truyền thông của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Harlem Desir đã lên án vụ sát hại và viết trên Twitter như sau: “Chúng tôi đã bị sốc bởi vụ giết người khủng khiếp nhằm vào nhà báo điều tra Viktoria Marinova ở Bulgaria. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện và kỹ lưỡng. Những kẻ gây ra vụ việc này phải bị lôi ra trừng phạt trước công lý”. 

Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) cũng có phản ứng tương tự và yêu cầu nhà chức trách Bulgaria phải sâu sát hơn nữa trong cuộc điều tra này. Đại diện của CPJ Tom Gibson nói: “CPJ bị sốc bởi vụ giết người dã man. Các nhà chức trách Bulgaria phải sử dụng mọi nỗ lực và nguồn lực để thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ và đưa ra công lý những người chịu trách nhiệm”. 

Một phóng viên của Đài TVN nơi Viktoria Marinova nói với Hãng AFP: “Chúng tôi bỗng lo sợ cho chính bản thân mình. Chưa bao giờ chúng tôi bị bất kỳ một mối đe doạ nào. Cô ấy cũng chưa bao giờ thể hiện sự lo lắng. Nhưng giờ đây tất cả đã thay đổi”.

“Cuộc chiến” vì sự thật

Năm nay 30 tuổi, Viktoria Marinova là một người dẫn chương trình, một biên tập viên duyên dáng của Đài TVN – một trong những kênh truyền hình nổi tiếng nhất ở Đông Bắc Bulgaria. Thời gian gần đây, cô được lãnh đạo đài cho thực hiện một chương trình có tên gọi là “Detector”. 

Trong một phân đoạn được phát sóng vào ngày 30-9, Marinova đã phỏng vấn hai nhà báo Rumani đang điều tra một số chính trị gia và doanh nhân vì cáo buộc tham nhũng tiền quỹ ủng hộ từ EU. Vì vậy, người ta đang nghi ngờ rằng cái chết của Viktoria Marinova có liên quan đến loạt phóng sự điều tra nói trên. Tuy nhiên, cho đến tối 8-10, nhà chức trách Bulgaria vẫn cho rằng cái chết của cô không liên quan đến công việc.

Hãng AP thì viết, cái chết của Viktoria Marinova đã trở thành hồi chuông báo động cho sự an toàn tính mạng của các nhà báo điều tra ở châu Âu.

Nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia bị sát hại hồi tháng 10-2017 trong một vụ đánh bom xe hơi. Ảnh: Skynews.

Trong vòng một năm qua, đã có 3 nhà báo điều tra bị sát hại ở châu Âu. Vụ thứ nhất xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái, một trong những nhà báo điều tra nổi tiếng nhất Malta Daphne Caruana Galizia, người đã tham gia vào “Hồ sơ Panama” tiết lộ danh sách các cá nhân, tổ chức trốn thuế, rửa tiền… đã bị giết trong một vụ nổ bom xe ngay trước cửa nhà. 

Đến tháng 2 - 2018, một nhà báo điều tra tên là Jan Kuciak và bạn gái cũng đã bị bắn chết ở Slovakia khi đang tham gia điều tra về một vụ gian lận thuế. Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là vụ nhà báo tự do người Thụy Điển Kim Wall bị nhà phát minh người Đan Mạch Peter Madsen sát hại sau khi lên tàu ngầm của ông để thực hiện một cuộc phỏng vấn. Peter Madsen sau nhiều lần quanh co cuối cùng thừa nhận đã giết Kim Wall rồi phân xác nạn nhân trước khi vứt xuống biển.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.