Đối mặt với "thầy" thôi miên... tự phong

Thứ Hai, 24/01/2011, 23:20
Như đã đề cập ở bài trước, đúng 16h ngày 10/1/2011 chúng tôi có mặt tại phường Lãm Hà (quận Kiến An, TP Hải Phòng) là nhà riêng của thầy L.H.V. để chính thức xin được thụ giáo lớp thôi miên. Không nằm ngoài dự kiến, cuộc gặp đã diễn ra với hàng loạt những bất ngờ…

I. Có vẻ L.H.V. cũng là một người "nổi tiếng" ở khu vực, bằng chứng là khi chúng tôi hỏi một người xe ôm đứng đón khách cách nhà thầy vài trăm mét thì người này à lên một tiếng, lại kèm chỉ dẫn tận tình rằng: "Cứ rẽ phải, rồi đi thẳng cho tới khi gặp ngôi nhà hai tầng vẫn còn đang xây thô là đến".

Nhà “thầy” V. nằm ngay mặt đường, bởi vậy nên từ đằng xa tôi đã thấy thầy chắp tay đi đi lại lại trong nhà, vẻ bồn chồn lắm. Tôi vừa tiến lại gần thì thầy hỏi ngay: "Anh là Long?". "Vâng, đúng là em".

Quả là "trăm nghe không bằng một thấy". Khi nghe thầy V. giảng bài qua mạng thì tôi ước đoán người này chỉ ngoài 30 tuổi, bởi giọng nói ngọng nghịu, có phần... lấc cấc. Tuy nhiên, ở bên ngoài thầy lại có vẻ đạo mạo khác người. Vóc người tầm thước, có phần phương phi béo tốt, thầy lại diện một chiếc áo da dài chấm gối, quần âu phẳng phiu cộng đôi giày da bóng lộn trông lại càng oách hơn. Thầy cũng không quên chải chuốt cho đầu tóc gọn gàng, vuốt  keo bóng mượt.

Tuy nhiên, nhìn kỹ thì có thể thấy nét dị thường của “nhà thôi miên học” tự phong này. “Thầy” có đôi mắt rất lạ, nó không mở to bình thường được mà lúc nào mí mắt cũng chỉ mở ra được khoảng 1-2mm, trông như người mắt ti hí. Cái gì đang ẩn sau đôi mắt ấy là một điều rất khó đoán. Cộng thêm điệu bộ, dáng dấp vừa đi vừa lắc lư, thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ với vẻ bận rộn  có vẻ như ngầm giới thiệu cho người mới gặp lần đầu rằng, "tớ là... Mr oai đấy, đừng đùa!".

Sau khi "điều tra" về thân thế, lai lịch của tôi, “thầy” bắt đầu "tua" lại băng cũ: "Anh đến học tôi là đúng chỗ rồi đấy. Với quyền năng của mình, tôi có thể giúp cho anh rất nhiều điều". Khi nghe tôi xưng là sinh viên mới ra trường, còn đang thất nghiệp mặt “thầy” thoáng vẻ  hụt hẫng: "Như vậy thì điều kiện kinh tế của anh có vẻ không khá lắm. Tôi rất ngại dạy những người có điều kiện kém, vì họ... dễ sử dụng thôi miên với mục đích xấu (!?). Nhưng thôi, dù sao anh cũng đã cất công lặn lội đến đây...".

Rồi nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, “thầy” V. tiếp: "Trông anh thì cũng không đến nỗi nào. Và tôi cũng có thể đoán được mục đích đi học của anh. Mà hôm nay anh có mang theo học phí đấy chứ?". Nhận đủ tiền tôi nộp, thầy V dẫn tôi lên gác hai: "Ở dưới ồn ào, khó học. Lên trên này cho dễ tập trung".

Theo “thầy” leo lên căn gác nhỏ, tối om om tôi đến một căn phòng chiều dài chừng 7-8m, rộng khoảng 2,5m. Nó chả có cửa giả gì mà cứ thông thống từ đầu phòng tới cuối phòng. Phía ngoài là một chiếc giường cá nhân, còn nguyên cả chăn màn chưa gấp. Góc trong là một bộ máy tính cá nhân, cộng dăm ba cuốn sách. Dưới sàn là một chiếc hòm tôn, loại dành cho sinh viên đi học xa nhà và một chiếc vali đã bám bụi. “Thầy” V. chỉ vào một chiếc chiếu, bảo tôi rải ra nền xi măng ở giữa căn phòng: "Các trò khác đều được thụ giáo như thế cả, anh cũng không phải là ngoại lệ". Rồi “thầy” ngồi lên một chiếc ghế nhựa, bắt đầu thuyết giảng.

Vẫn với cái giọng ồm ồm, lẫn lộn giữa "l" và "n" song lần này vì được nghe trực tiếp nên tôi lại càng thấy buồn cười hơn. Suốt khoảng 30 phút đầu, “thầy” giảng về lịch sử hình thành, các trường phái thôi miên... “thầy” không quên đả kích các trường phái thôi miên dùng lời nói, hình ảnh để dẫn dụ người khác làm theo mình. “Thầy” V. cũng cao giọng phê phán các chương trình quảng cáo trên truyền hình là "thô thiển học", là sử dụng thôi miên một cách... ấu trĩ.

Đặc biệt, khi “thầy” lấy ví dụ về một kỹ thuật ám thị, giọng “thầy” V. bỗng dưng lên bổng xuống trầm: "Chúng ta có một chàng thủ môn, môn bóng đá ấy. Thủ môn này rất tài giỏi, anh ta khéo léo nhanh nhẹn, hầu hết các cú sút anh ta đều đỡ được. Nhưng anh ta lại có một nhược điểm về tâm lý. Tâm lý của anh ta rất không ổn định. Đôi lúc anh ta thường tự ti mặc cảm. Thế nên có lúc anh ta làm những việc rất ngớ ngẩn. Có trận anh ta chơi rất hay, nhưng trận khác thì lại quá dở. Anh ta đến gặp một bác sĩ, vị bác sĩ này có thuật thôi miên. Sau khi được bác sĩ cho mượn một đồng xu may mắn, thì từ đó cậu thủ môn này trở thành vận động viên xuất sắc".

Tiếp theo, “thầy” V. cho tôi tiến hành một bài tập thực hành, nội dung cũng không khác buổi trước là bao, song cách thức tiến hành có phần khác. "Em hãy nhắm mắt lại, và tưởng tượng đứng giữa căn phòng của mình. Hãy nhận rõ từng vị trí đồ vật giường, tủ, bàn ghế... bất cứ thứ gì có trong phòng, thật rõ ràng, rõ ràng (lặp đi lặp lại). Rồi em bước từng bước một ra cửa, mở cửa, bước xuống cầu thang xoắn. Em đã thấy cầu thang xoắn bao giờ chưa? Bước xuống, hãy bước xuống, thật chậm, thật chậm thôi...".

Phòng học tại gia của "thầy" V.

Tôi khẽ hé mắt lên nhìn, thì thấy “thầy” V. đang từ tư thế ngồi thẳng trên ghế bỗng ngả rạp hẳn xuống, hai mắt lim dim lờ đờ, đầu lắc lư, miệng thì thào hệt như người bị... "thôi miên". Vẫn cái giọng lên bổng xuống trầm, cuối câu thì kéo dài: "Bước chưa nàooooo...? Giờ thì bước nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơơơơơơn... Cầu thang rất tối, không nhìn thấy gì cả, nhưng ta vẫn cứ bước, bước xuống, bước xuống...”. Sau chừng 15 phút chỉ có bước xuống và bước xuống, thầy tiếp tục thì thầm: "Giờ thì mở cửa... mở cửa ra... aaaaaa, trước mặt em là biển, sóng biển xanh, cát vàng trải dài, hàng dừa lắc lư. Những mệt mỏi những lo buồn, âu lo, stress... đã bị gió biển cuốn đi thật xa... aaaa. Bây giờ sự vui tươi đã trở lại... Em hãy hét lên "A... A" sảng khoái chưa nào? Sảng khoái quá... ááááá...".

Thầy nói đến đây, bỗng có người gọi cửa: "Bà L. ơi", họ gọi mấy lần liên tiếp. “Thầy” V. có vẻ khó chịu, gầm lên khiến tôi giật nảy cả mình: "Có... óóóóóó". Rồi “thầy” quay lại giải thích: "Chắc họ đi thu tiền điện, nước".

Xong việc, “thầy” quay lên: "Thế nào, em đã thấy quyền năng của tôi chưa?". Tôi gật gù: "Vâng, em thấy rồi". "Kiến thức của buổi hôm nay chỉ là móng chân của con voi thôi, cái quan trọng thực sự, quyền năng thực sự là nội dung của những buổi sau" - “thầy” V. cao giọng.

II. Tôi xin phép hỏi: "Thưa thầy, không biết ngày xưa thầy đã học được phép thuật này ở đâu ạ". Được lời như cởi tấm lòng, thầy V. bắt đầu ba hoa chích chòe về quá trình "tầm sư  học đạo" đầy gian khổ của mình.

"Đó là một cơ duyên, cơ duyên em ạ" - “thầy” nhấn mạnh. Rồi “thầy” kể: "Tôi thuộc một môn phái có từ rất lâu đời. Trong môn phái này có những bí thuật, thôi miên là một trong những bí thuật đó, một bí thuật thượng thừa. Ngày đó, tôi mới là sinh viên năm thứ nhất đại học.

Do một cơ duyên mà tôi được gặp sư phụ của tôi, khiến cho cả cuộc đời tôi thay đổi. Thầy tôi nhận tôi làm đệ tử để tiếp nối hương hỏa. Tôi là đệ tử út, trên tôi còn có sư huynh, sư tỷ. Sư phụ tôi nhận học trò không phải để dạy học kiếm tiền. Bản thân thầy là một đại gia nhà đất trên Hà Nội. Thầy không phải đi làm, chỉ chuyên tâm vào việc tu luyện thôi.

Tôi đã học được những kiến thức của môn phái, tới một trình độ nhất định, thì được sư phụ truyền cho các bí thuật khác trong đó có thôi miên. Anh nên nhớ một điều cái gì cũng phải trải qua thử thách. Để được sư phụ truyền giáo cho, tôi đã phải trải qua vô vàn khó khăn. Sau rất nhiều lần tôi đến nhà thầy xin xỏ, van xin, thuyết phục rất nhiều lần, thấy được lòng thành của tôi, thầy bảo sẽ tiếp nhận tôi làm đệ tử nếu như tôi vượt qua được tất cả các thử thách.

Thử thách đầu tiên là tôi phải đến nhà thầy vào lúc 23h đêm và tọa thiền trước sân nhà thầy cho đến 1 giờ sáng. Bảy bảy bốn chín ngày liên tục trong ngày đông tháng giá như thế này tôi cứ phải ngồi yên không động cựa trước sân nhà thầy. Khi mà thử thách thứ nhất chưa xong, thử thách thứ hai đã đến. Vừa phải tọa thiền, thầy bắt tôi nhịn ăn 18 ngày liên tục, để thanh lọc cơ thể. Sư phụ tôi bảo: "Cơ thể anh nhiều tạp chất quá, nhiều thịt quá nên cần phải thanh lọc. Chỉ được uống nước chanh muối để cầm cự thôi".

Bài rao vặt dạy thôi miên của thầy V.

"Tôi vô cùng cố gắng để chịu đựng gần 50 ngày tọa thiền và nhịn ăn. Gần đến những ngày cuối, thầy gọi tôi đến nhà giới thiệu một cô gái rất xinh đẹp. Cô gái này sau đó đã gọi điện, rủ tôi đi chơi đúng vào ngày thứ bốn mươi chín, ngày cuối cùng của đợt tọa thiền và nhịn ăn. Rất may là tôi đã không nhận lời, vì đó chính là thử thách thứ ba của thầy. Khi đã vượt qua được ba thử thách trên, tôi mới chính thức được sư phụ thu nhận.

“Thầy” V. kết luận: "Anh thấy chưa, để gặp được một người thầy và nắm bắt được cơ duyên thực sự là vô cùng khó khăn và đầy rủi ro. Khi tôi đã học thành công, thầy cho phép tôi thu nhận đệ tử. Số đệ tử này cũng cần phải trải qua một số thử thách, đương nhiên là không phải khắc nghiệt như tôi, vì tôi là chân truyền đệ tử. “Thầy” V. nhắc đi nhắc lại: "Tôi là đệ tử chân truyền. Còn các anh chỉ là ngoại môn đệ tử, tức là đệ tử ở ngoài ngưỡng cửa thôi".

Cuối cùng, “thầy” V. chốt lại: "Bây giờ anh có thể nói quyết định của mình, có học tiếp hay không?". Tôi đánh bài nước đôi: "Dạ em mới tốt nghiệp, còn chưa tìm được việc làm nên thầy cho thư thư một vài ngày được không ạ?". "Anh có khó khăn trong vấn đề kinh tế à, 1 triệu 800 ngàn đồng đối với anh là nhiều không?". "Em sẽ cố gắng tìm cách để khắc phục ạ". "Thôi được, để tôi nói cho anh biết mức học phí như vậy là không hề cao. Anh có biết rằng, một cơ duyên quan trọng đến rồi đi cũng chỉ là trong tích tắc mà thôi. Anh có thời gian suy nghĩ bởi vì tôi biết hôm nay anh không mang tiền đi, trong người anh không có. Nhưng mà cơ duyên của anh chỉ đến rồi đi rất nhanh thôi. Tôi đệ tử nhiều lắm. “Thầy” nhìn đồng hồ: "6 giờ tôi lại có ca dạy tiếp theo".

Rồi “thầy” tiếp: "Vì vậy nếu như quyết tâm không đủ thì khó thành lắm. Anh có hiểu không. Cơ duyên của anh sẽ chỉ có trong vài ngày tới thôi. Anh có thể suy nghĩ trong vòng 2 ngày. Sau đó gọi điện thoại, nộp tiền chính thức đăng ký. Còn nếu không, thì cơ duyên của anh sẽ trôi qua. Bởi vì tôi không cần những đệ tử, học viên không đủ quyết tâm. Vì tiền với tôi không quan trọng, tôi kiếm đủ tiền xây được nhà, huống gì tôi còn là công chức nhà nước. Cái tôi cần là người có tâm, vì vậy anh chỉ có 2 ngày, hôm nay và ngày mai, đến ngày kia mà không đăng ký thì thôi".

Sau khi rời nhà “thầy” V., chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhiều nhà khoa học, để một phần nào có các lý giải về thôi miên và những trò nhảm nhí của “thầy” V...

Một người hàng xóm cho biết, L.H.V. hiện là giảng viên của một trường cao đẳng trên địa bàn TP Hải Phòng. Năm nay gần 40 tuổi rồi song chưa lập gia đình mà vẫn ở với mẹ đẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “thầy” V. có một thời gian luyện tập khí công. Chưa biết trình độ tới đâu, song trên các diễn đàn như ttvn... com, yeu... com đều có lời "chiêu sinh" của “thầy” V. cho cả hai bộ môn thôi miên và khí công. Có lẽ do "sợ" bị người quản lý các diễn đàn này xóa mất lời rao, “thầy” V. lúc nào cũng phải "chêm" thêm một câu: "Bài rao vặt này phổ biến một cái mới nhằm đem lại sức khỏe cho cộng đồng mong mod (quản trị viên) đừng trách phạt"

Gia Du
.
.