Đối phó nạn tấn công nhân viên y tế trong dịch COVID-19

Thứ Tư, 21/07/2021, 06:19
Các nhân viên y tế luôn đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các cuộc tấn công nhân viên y tế liên tục được báo cáo, giờ đây chủ yếu liên quan đến đại dịch này, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Những vụ hành hung kinh hoàng

Tình trạng khẩn cấp chưa từng có về y tế công cộng này đã chứng minh rằng, các cơ sở y tế, phương tiện vận chuyển y tế, bệnh nhân cũng như nhân viên y tế và gia đình của họ có thể trở thành mục tiêu ở mọi nơi. Xu hướng này lại càng đáng báo động hơn bao giờ hết trong đại dịch COVID-19.

Bác sĩ Seuj Kumar Senapati nhớ rất rõ buổi chiều 1-6 và anh đã tưởng rằng mình sẽ chết. Đây là ngày thứ hai anh làm việc tại trung tâm chăm sóc COVID-19 ở quận Hojai, bang Assam, đông bắc Ấn Độ.

Anh được yêu cầu kiểm tra một bệnh nhân nhập viện sáng hôm đó. Khi kiểm tra, anh thấy bệnh nhân không có phản ứng. Gia đình của bệnh nhân nổi giận khi anh nói với họ rằng bệnh nhân đã chết. 

Bác sĩ Senapati kinh hãi khi nhớ lại khoảnh khắc đó. Họ bắt đầu ném ghế xung quanh phòng, đập vỡ cửa sổ và đánh nhân viên y tế. Bác sĩ Senapati phải trốn đi nhưng ngay sau đó, có nhiều người góp sức với gia đình này và đã tìm ra anh.

Một đoạn video kinh hoàng về vụ tấn công cho thấy, một nhóm người hầu hết là đàn ông đá vào bác sĩ Senapati và dùng một chiếc bô dành cho bệnh nhân nện vào đầu anh. 

Sau đó, họ lôi anh ra ngoài và tiếp tục đánh đập. BBC cho hay, có thể thấy mặt mũi bác sĩ Senapati đầy máu me và bị lột cả áo, đang hét lên vì đau đớn và sợ hãi. "Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không qua nổi" - anh nói với BBC hôm 6-7, sau hơn 1 tháng xảy ra vụ tấn công.

Các bác sĩ ở Ấn Độ biểu tình chống lại các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào nhân viên y tế giữa đại dịch COVID-19 hồi giữa tháng 6. Ảnh: AFP.

Khi bác sĩ Senapati bị tấn công trong khoảng 20 phút (sau đó tự thoát ra), không có ai đến cứu vì các nhân viên còn lại cũng đang hứng chịu số phận tương tự hoặc đang phải lẩn trốn. Một người bảo vệ đơn độc đành bất lực trước đám đông.

Anh đã lái xe thẳng đến đồn cảnh sát địa phương và nộp đơn kiện. Đoạn video về vụ tấn công lan truyền trên mạng xã hội gây ra một làn sóng phẫn nộ. Chính quyền bang đã hứa sẽ hành động nhanh chóng và 36 người, bao gồm ba trẻ vị thành niên, đã bị buộc tội vì liên quan vụ hành hung.

Trước đó, cũng trong năm nay, gia đình của một bệnh nhân COVID-19 tử vong trong làn sóng đại dịch thứ hai tàn phá ở Ấn Độ đã phá hoại tài sản và hành hung nhân viên của Bệnh viện Apollo ở thủ đô Delhi. Hành động này không bị buộc tội gì.

Vikas Reddy - một bác sĩ tại Bệnh viện Gandhi ở thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ - đã bị hành hung bằng ghế sắt và nhựa vào tháng 6 năm ngoái bởi thân nhân của một người đàn ông đã chết vì COVID-19. Ông đã nộp đơn khiếu nại đến cảnh sát, nhưng hiện vẫn chưa ai bị bắt.

"Rất khó để quay trở lại làm việc" - bác sĩ Reddy nói. Ông nói rằng, từng dành rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm về điều đã xảy ra.

"Tôi đã ở trong thế tiến thoái lưỡng nan" - ông nói. Ông muốn biết cách thức giải thích thế nào về việc chẩn đoán cũng như báo tin buồn một cách tế nhị hơn để không xảy ra cuộc hành hung nào nữa.

"Tôi nhận ra rằng, chúng tôi phải dành thời gian cho bệnh nhân và gia đình họ để giải thích những điều chúng tôi có thể và không thể làm. Và nếu họ không đồng ý, họ cần phải đưa bệnh nhân đến một bệnh viện khác. Nhưng chúng tôi không có thời gian cho những điều đó. Tôi phải khám cho 20-30 bệnh nhân trong một ngày" - bác sĩ Reddy cho hay.

Ligia Kantún đã có tới 40 năm làm y tá ở Mexico và chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa cho đến mùa xuân năm ngoái. Khi cô rời bệnh viện ở Merida vào tháng 4, cô nghe thấy ai đó hét lên từ "Kẻ lây nhiễm bệnh!". Trong khi chưa kịp quay lại để hiểu chuyện gì thì cô đã bị hắt một cốc cà phê nóng vào người. "10 phút sau về đến nhà, con gái đang ngóng tôi về. Tôi đã ôm con khóc. Tất cả đều sợ hãi và nghĩ: Làm sao họ có thể làm điều này với tôi" - Ligia nhớ lại.

Kantún cho hay, nhiều người ở Mexico vào thời điểm đó nghĩ rằng, các nhân viên y tế đã không thay đồng phục mà họ đã mặc khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. "Chính sự thiếu hiểu biết đó đã khiến họ hành động theo cách như vậy" - Kantún nói. "Tôi từng sợ hãi khi ra ngoài và thấy xe của mình bị trầy xước hoặc cửa kính xe bị vỡ".

Cũng như Ấn Độ, ở Pakistan, nhiều khoa điều trị COVID-19 đã bị cướp phá và nhân viên y tế bị hành hung.

Còn hai y tá ở Nigeria bị gia đình bệnh nhân qua đời vì COVID-19 tấn công gây thương tích nặng. Một y tá bị gãy xương, còn người thứ hai bị đánh đến hôn mê. 

Sau vụ hành hung, các y tá tại Trung tâm Y tế Liên bang ở thành phố Owo, miền tây nam nước này đã ngừng điều trị cho bệnh nhân, yêu cầu bệnh viện cải thiện an ninh. Gần hai tuần trôi qua sau vụ việc, họ mới trở lại làm việc khi bệnh viện bố trí các vệ sĩ có vũ trang suốt ngày đêm.

Vụ tấn công nhân viên y tế ở Nigeria vào đầu tháng 2-2021 chỉ là một trong số nhiều vụ tấn công nhân viên y tế trên toàn cầu trong đại dịch COVID-19. 

Một báo cáo mới của Insecurity Insight có trụ sở tại Geneva và Đại học California, Trung tâm Nhân quyền Berkeley đã xác định hơn 1.100 mối đe dọa hoặc hành vi bạo lực đối với nhân viên và cơ sở chăm sóc sức khỏe vào năm ngoái. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khoảng 400 trong số những cuộc tấn công đó có liên quan đến COVID-19.

Rohini Haar - một bác sĩ cấp cứu ở Oakland, California (Mỹ) - cho AP biết: “Công việc của chúng tôi trong khoa cấp cứu nên căng thẳng và sự khó khăn tăng theo cấp số nhân. Làm công việc đó và thực hiện nó với sự cam kết (về y đức-PV) trong khi bị tấn công hoặc với nỗi sợ hãi bị tấn công là điều khiến tôi đau lòng".

Các chuyên gia y tế từ bác sĩ phẫu thuật đến nhân viên y tế từ lâu đã phải đối mặt với chấn thương hoặc đe dọa trong công việc, đặc biệt là trong các khu vực xung đột và biến động chính trị.

Các chuyên gia cho hay, nhiều cuộc tấn công bắt nguồn từ sự sợ hãi hoặc ngờ vực, khi các thành viên trong gia đình bệnh nhân phản ứng trước cái chết của một người thân hoặc cộng đồng phản ứng với sự không chắc chắn xung quanh nguyên nhân tử vong của một căn bệnh. Virus SARS-CoV-2 đã khuếch đại những căng thẳng đó.

Theo AP, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến nhiều vụ tấn công nhất vào mùa xuân và mùa hè năm ngoái khi đại dịch COVID-19 quét qua toàn cầu. Tuy nhiên, các vụ việc gần đây từ Nigeria đến Hà Lan, nơi những kẻ bạo loạn vào tháng 1 đã phóng hỏa một trung tâm thử nghiệm SARS-CoV-2, đã chứng minh mối đe dọa vẫn còn.

Nhân viên y tế khắp nơi trên thế giới đang căng mình chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng thỉnh thoảng lại trở thành mục tiêu tấn công bất ngờ Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế cần được tôn vinh, tôn trọng

Theo Cục Thống kê Lao động, nhân viên bệnh viện ở Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân của một vụ cố ý gây thương tích cao gấp gần 6 lần so với người lao động bình thường.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu ở Ấn Độ năm ngoái, một số bác sĩ đã bị gia đình bệnh nhân COVID-19 tấn công. Lời phàn nàn lặp đi lặp lại: Những người thân của họ không được đối xử đúng cách hoặc không được bố trí giường bệnh kịp thời. Các bác sĩ đã phản đối và đình công để yêu cầu luật lệ nghiêm khắc hơn, cũng như tăng thêm nhân viên và cơ sở hạ tầng tốt hơn giúp giảm bớt áp lực cho họ.

Trong khi các cuộc tấn công nhân viên y tế đã "chiếm sóng" trong dịch COVID-19, nhưng điều này cũng diễn ra thường xuyên tại Ấn Độ ở mức đáng báo động ngay trước cả đại dịch. 

Tuy nhiên, hầu hết sự việc không dẫn đến việc khiếu nại hoặc cuộc điều tra nào của cảnh sát. Khi có thì các bị cáo thường nhanh chóng được tại ngoại và vụ án được giải quyết bên ngoài tòa án. Các bác sĩ cho rằng, một vấn đề là không có luật cụ thể nào bảo vệ họ cả.

Với hơn 330.000 bác sĩ là thành viên Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA) đã vận động mạnh mẽ để có một đạo luật nghiêm khắc nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nhưng liệu một đạo luật có cải thiện được vấn đề?

Shreya Shrivastava - người đã theo dõi các vụ bạo hành các bác sĩ - cho hay: "Bạo lực như vậy không phải là sự tính toán trước mà đúng hơn là kết quả của cảm xúc bị kích động từ cái chết (của người thân). Vì vậy, luật pháp không có tác dụng răn đe gì".

Shreya Shrivastavacho hay, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra án phạt tù lên đến 7 năm đối với các vụ tấn công nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhưng điều đó không giúp ích được gì. 

Nghiên cứu của bà Shrivastava tiết lộ rằng, các cuộc tấn công nhân viên y tế thường xảy ra khi bệnh nhân đang ở khu cấp cứu hoặc ICU (khu chăm sóc đặc biệt), phải chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác hoặc khi họ tử vong. Và tất cả điều này đã trở nên thường xuyên hơn trong đại dịch.

Và còn là về vấn đề niềm tin. Khu vực tư nhân phần lớn không được kiểm soát và đắt đỏ chiếm 2/3 tổng số dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ. Bà Shrivastava nói rằng, việc bệnh nhân COVID-19 tử vong dù đã đổ tiền bạc vào việc chăm sóc đắt đỏ, làm rạn vỡ lòng tin vào hệ thống y tế. Rồi báo chí đưa tin về những sơ suất y tế nhiều hơn những câu chuyện về cuộc đấu tranh của các bác sĩ, khiến người dân ôm mối nghi ngờ nhiều hơn.

"Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là cố gắng hết sức cứu bệnh nhân. Chúng tôi không thể mong đợi mọi bệnh nhân (hoặc gia đình họ) đối xử tốt với chúng tôi. Chỉ là cần họ tôn trọng chúng tôi như những người có chuyên môn và tôn trọng việc chúng tôi đã chọn nghề này để cứu sống sinh mạng con người" - bác sĩ Vikas Reddy chia sẻ.

Còn bác sĩ Rohini Haar bày tỏ mong muốn các nhân viên chăm sóc sức khỏe sẽ được tôn vinh rộng rãi vì công việc cứu người trong thời kỳ đại dịch, giống như người Ý đã hát tưởng nhớ các bác sĩ trong thời gian giãn cách xã hội.

Các y, bác sĩ luôn cố gắng hết sức cứu bệnh nhân và họ mong muốn được tôn trọng Ảnh: Ravemobilesafety.

Các quốc gia hành động

Bác sĩ laleng Mofokeng - báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền y tế - nói với Guardian rằng, các cuộc tấn công liên quan đến COVID-19 nhằm vào nhân viên y tế dự kiến sẽ gia tăng trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn hoành hành ở nhiều quốc gia.

''Với sự gia tăng căng thẳng do dịch bệnh COVID-19, các cuộc tấn công sẽ càng tăng lên. Điều này thật đáng buồn vì hiện rất thiếu nhân viên y tế và nhiều người đã chết vì COVID-19'' - bà Mofokeng dự đoán.

Tác động của bạo lực có thể khiến các nhân viên y tế đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần và trong một số trường hợp dẫn đến tự tử, bác sĩ Mofokeng cho hay.

Trước thực trạng gia tăng các cuộc tấn công liên quan đến COVID-19, không chỉ Ấn Độ mà một số quốc gia khác cũng đã hành động. Ấn Độ sửa đổi luật chống dịch khẩn cấp để thực thi hình phạt tới 7 năm tù đối với các vụ tấn công vào nhân viên y tế. Các nhà chức trách ở Sudan thông báo thành lập một lực lượng cảnh sát chuyên trách để bảo vệ các nhân viên y tế trong thời kỳ đại dịch.

Tại Algeria, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi để tăng cường bảo vệ nhân viên y tế trước các cuộc tấn công và có hình phạt những cá nhân gây tổn thất cho các cơ sở y tế.

Ở Anh, dự luật tòa án, cảnh sát, tội phạm và xét xử đề xuất tăng hình phạt tối đa từ 12 tháng lên 2 năm tù cho bất kỳ ai hành hung nhân viên cấp cứu. Nhân viên y tế ở Anh sẽ được trang bị camera giám sát gắn trên người sau khi các cuộc tấn công gia tăng mạnh.

Huyền Anh
.
.