Động cơ bí ẩn của tên cướp một tay ở Leningrad

Thứ Sáu, 20/09/2019, 21:26
Cho tới giờ, tên cướp một tay Alexander Labutkin vẫn được coi là thủ phạm gieo rắc kinh hoàng cho thành phố Leningrad (ngày nay là Saint Petersburg).

Tên tội phạm luôn có phong cách ăn mặc lịch sư, đội chiếc mũ rộng vành thường lang thang trong các khu rừng ngoại ô Leningrad, dùng một khẩu súng lục được chế tạo thủ công, thẳng tay bắn chết không thương tiếc các nạn nhân của mình. Cuối cùng, kẻ sát nhân cũng phải đền tội trên pháp trường.

Xạ thủ bẩm sinh

Không có nhiều thông tin về tuổi thơ của Labutkin: người này sinh năm 1910 trong gia đình một công nhân bình thường. Người cha Aleksey cả đời làm việc tại nhà máy sản xuất vũ khí “KrasnoZnamenes”.

Labutkin lớn lên như mọi đứa trẻ bình thường khác, không nhận thấy bất cứ xu hướng thích bạo lực hay lệch lạc nào về tâm lý. Do không có thành tích học tập đặc biệt nào, nên đến năm 17 tuổi, anh ta đã vào làm việc tại nhà máy của cha.

Sự nghiệp của Labutkin tại đây được coi là khá suôn sẻ, anh ta nhanh chóng được coi là một chuyên gia bắn thử súng có uy tín.

Alexander Labutkin.

Tay thợ trẻ cũng rất yêu thích nghề nghiệp của mình, có thể bắn tốt bằng cả hai tay, thậm chí được nhiều đồng nghiệp đánh giá có khả năng trở thành một xạ thủ cừ khôi. Cuộc sống của Labutkin có lẽ sẽ bình yên trôi qua, nếu như anh ta không gặp một biến cố lớn vào năm 1930.

Vào ngày định mệnh đó, Labutkin muốn đánh một gốc cây tại khu đất riêng để chuẩn bị ruộng trồng cây. Để nhanh chóng hoàn tất công việc, anh ta đặt vào đó một lượng thuốc nổ lấy cắp từ nhà máy của mình. Quả mìn đã bất ngờ nổ trước khi Labutkin kịp lùi về chỗ ẩn nấp, khiến anh ta bị mất bàn tay phải.

Điều này đồng nghĩa với sự nghiệp của một chuyên gia thử súng cũng kết thúc. Dù sao, Labutkin vẫn được nhà máy cho nghỉ việc theo chế độ với lý do… bị thương trong quá trình tham gia sản xuất.

Khẩu súng lục tự tạo

Bản thân Labutkin hoàn toàn không có dự định nghỉ hưu ở tuổi 20. Sau khi nhận được một khoản tiền trợ cấp, anh ta được giới thiệu sang làm nhân viên bảo trì đường ống tại nhà máy hóa chất Okhtinski. Cuộc sống riêng tư của Labutkin cũng bắt đầu ổn định trong thời gian này, khi cưới cô vợ Maria nhỏ hơn mình 3 tuổi.

Anh ta chuyển sang sống cùng cha mẹ vợ gần khu các nhà máy sản xuất thuốc súng ở ngoại ô Leningrad. Gia đình Labutkin có thể coi là sung túc so với điều kiện thời bấy giờ: nuôi được nhiều gia súc và có thêm nghề làm thêm là khâu giày da.

Cần nói thêm, cô vợ Maria dù trẻ tuổi nhưng đã từng phải ngồi tù vì tội ăn cắp, luôn ao ước một cuộc sống xa hoa nên sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi cách có thể, kể cả bằng những thủ đoạn trái pháp luật. Có lẽ sở thích chung về phong cách ăn mặc sang trọng và xa hoa đã kết nối cả hai vợ chồng nhà Labutkin.

Dù thế nào, Labutkin vẫn luôn khao khát được quay trở lại với sở thích bắn súng của mình. Vào thời điểm đó, khả năng sở hữu được súng đạn (đặc biệt là những loại nòng ngắn) là gần như không thể đối với một công dân bình thường.

Nhưng Labutkin đã tìm được lối thoát, qua việc liên hệ với đồng nghiệp cũ, một người thợ nguội cao niên tại nhà máy “KrasnoZnamenes”. Nhân vật này cũng là một người ham mê vũ khí, thậm chí có một xưởng cơ khí riêng tại gia.

Trong nhiều năm, ông này đã lẳng lặng lấy được nhiều nguyên vật liệu chế tạo súng đạn từ nhà máy để mang về giấu tại nhà mình. Ông ta đồng ý chế tạo cho Labutkin một khẩu súng rulô kiểu Nagana cùng với những viên đạn tự chế. Có được súng, Labutkin bỏ ra vài tháng tập bắn tại những nơi hẻo lánh không có người. Đến lúc này, hắn tự nhủ đã đến lúc phải… hành động.

Những phát súng lạnh lùng

Vụ sát nhân đầu tiên của Labutkin được hắn thực hiện vào ngày 29-8-1933 tại khu rừng Pundolovski. Nói chung, tên sát nhân hàng loạt này đều chỉ gây tội ác vào thời điểm ban ngày khi trời còn sáng để sau đó còn kịp đi làm ca chiều. Khi đi dạo trong rừng, hắn bắt gặp những người đi hái nấm – một công nhân nhà máy “Promet” và cô vợ đang trên đường về nhà.

Trụ sở cơ quan điều tra tại Leningrad.

Hắn lạnh lùng nã đạn thẳng vào đầu hai nạn nhân, gỡ chiếc áo vét nữ của người phụ nữ, lấy đôi ủng của ông chồng, tiền lẻ trong túi của họ cũng như không quên lấy luôn chiếc giỏ đựng nấm. Ngay buổi tối hôm đó, những cây nấm đã được chế biến dùng trong bữa ăn của gia đình Labutkin. Thi thể các nạn nhân được hắn kéo xuống một rãnh nước, lấy cành cây phủ lên trước khi bình thản trở về nhà.

Cũng ngay trong ngày hôm sau, Labutkin vẫn tiếp tục đi săn tại khu rừng Pundolovski. Lần này lại có ba kỹ sư xấu số khác – một đàn ông và hai phụ nữ - chạm mặt hắn và cũng bị bắn vào đầu. Labutkin lấy đi của các nạn nhân những chiếc áo khoác, ủng và tiền nhưng không nhận ra một nạn nhân vẫn còn sống.

Cô được những người tình cờ đi ngang qua đó phát hiện và báo cho cảnh sát. Nạn nhân được chuyển gấp tới bệnh viện nhưng đáng tiếc đã qua đời sau một thời gian hôn mê.

Đến lúc này, những tin đồn đáng sợ bắt đầu lan khắp Leningrad. Mọi người cho rằng những vụ tấn công là của những kẻ tôn thờ quỷ satan. Các điều tra viên cũng hết sức rối trí. Giả thuyết ban đầu cho rằng, đây là vụ sát nhân có chủ đích nhằm vào những nạn nhân cụ thể, một số khác bị giết vì vô tình cùng đi theo.

Điều này có vẻ là hoàn toàn đúng khi suốt vài tháng sau đó, không còn bất cứ vụ sát nhân nào tại Leningrad. Trên thực tế, Labutkin đơn giản chỉ nằm im một thời gian, khi thấy tội ác của hắn đã gây ra những chấn động lớn.

Tên cướp một tay – như người dân Leningrad về sau đã gọi hắn – tiếp tục nằm im cho đến ngày 2-12-1933 lại bắt tay vào hành động. Lần tái xuất này, những viên đạn của hắn nhằm vào một cặp vợ chồng nông dân lái chiếc xe tải trên tuyến đường Koltushki. “Chiến lợi phẩm” của Labutkin lần này là 85 rúp, một giỏ cá, bột, kê và một đôi ủng dạ. Đôi ủng này đã được cô vợ Maria giúp hắn bán đi.

Cho đến lúc này, chính Maria cũng đã biết rõ những tội ác của chồng nhưng không hề phản đối. Dần dần ả ta còn biến thành một kẻ tòng phạm của Labutkin – giả dạng làm gái điếm để nhử những người đàn ông háo sắc tới chỗ của chồng đang chờ sẵn.

Thông tin về vụ sát hại hai người nông dân đã nhanh chóng được báo cho cơ quan hành pháp của tỉnh Leningrad. Các nhà chức trách quyết định dồn toàn lực truy lùng tại khu vực này, thậm chí còn nhờ tới sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội gần đó.

Quyết tâm của họ là phải bắt sống tên cuồng sát này. Các thám tử giả dạng những người hái nấm và khách vãng lai đi lại suốt ngày quanh các khu rừng ở ngoại ô. Có thể nói, để truy lùng Labutkin, chính quyền Lenigrad đã triển khai một chiến dịch quy mô chưa từng có, vời đến cả những thám tử của chế độ cũ đang ở trại cải tạo.

Tuy nhiên, tên cướp một tay thấy động bắt đầu lại nằm im, dù những nỗ lực truy lùng hắn vẫn tiếp tục đến tháng 4-1934. Chính quyền Leningrad đã phải quyết định tạm dừng chiến dịch vì những chi phí quá tốn kém. Khi phía nhà chức trách bắt đầu mất cảnh giác, Labutkin lại ngóc đầu dậy.

Bẫy tình

Ngày 11-4-1934, Labutkin tấn công một công nhân tại khu rừng Pundolovski, khi người này trên đường trở về nhà với khoản tiền lương mới nhận được. Trước đó, một phụ nữ lạ mặt đã gặp nạn nhân để gạ gẫm chuyện tìm một chỗ thuận tiện để vui vẻ. Người công nhân đã rất nhanh chóng đồng ý đi với cô ta, mà không hề biết rằng đó là vợ của tên giết người.

Maria đã dẫn nạn nhân tới thẳng vị trí chồng mình đang chờ sẵn, khiến anh ta nhận thẳng một phát đạn vào đầu mà không kịp hiểu điều gì đã xảy ra. Sau tội ác trên, nhà Labutkin có thêm một bộ công cụ thợ nguội, một số phụ tùng dùng cho khóa cửa, 150 rúp và hai chiếc bịt răng bằng vàng mà chúng đã không quên lấy từ miệng nạn nhân.

Labutkin lại nằm im sau một loạt các nỗ lực điều tra tăng cường từ vụ án mới. Dù không thể tìm ra được thủ phạm, nhưng phía cảnh sát cũng có được một đầu mối đáng chú ý mới: những dấu vết được Maria để lại tại hiện trường khiến họ kết luận tên sát nhân có một nữ tòng phạm. Labutkin tạm dừng các hành động tội ác của mình cho đến tháng 11-1934, rồi lại tiếp tục đi “săn mồi”, lần này là tại khu rừng Utkinski.

Lần này, nạn nhân tiếp theo của hắn là một người đi đặt bẫy bắt chim. Tên sát nhân bắn một viên đạn vào gáy nạn nhân, lấy đi đôi ủng, tiền và những con chim đã bắt được. Đến lúc này, bà mẹ vợ của Labutkin cũng biết được “sở thích kiếm thêm” của con rể mình, nhưng vẫn bình thản chấp nhận chuyện này.

Động cơ bí ẩn

Các thám tử tham gia truy lùng tên sát nhân gần như lâm vào ngõ cụt: hắn không để lại chút dấu vết nào, trong khi các nhân chứng cũng không có. Ngoài ra, họ còn sai lầm khi cho rằng, mình đang truy lùng một tên cướp hành động đơn giản chỉ vì tiền để sinh sống. Trong khi Labutkin lại là một tên cuồng sát, đồng thời lại có suy nghĩ và hành động rất đặc biệt.

Cho tới giờ, nguyên nhân thực sự khiến hắn giết chóc hàng loạt vẫn còn là một bí ẩn. Theo một trong các giả thuyết, hắn đã hóa điên sau khi trở thành một kẻ tàn tật, căm ghét những người xung quanh vì sự thiếu sót về cơ thể của mình.

Một giả thuyết khác cho rằng chính cô vợ Maria đã thúc đẩy Labutkin vào con đường phạm tội, khi thường xuyên trách móc hắn không kiếm đủ tiền cho những sở thích tiêu xài của cô ta. C

òn một yếu tố quan trọng khác, khi thông thường những tên cướp luôn cố gắng không giết các nạn nhân của mình nếu không thực sự cần thiết, vì điều này chỉ khiến cảnh sát truy lùng gắt gao hơn. 

Với những khoản thu thập nhỏ nhoi từ những vụ sát nhân, động cơ của tên sát nhân hàng loạt này chắc chắn không thể là chuyện vật chất.  Chính vì vậy, cho tới giờ hắn vẫn được coi là một kẻ giết người hàng loạt không rõ động cơ.

Đền tội

Trước khi Labutkin sa lưới pháp luật, hắn còn kịp sát hại thêm 4 nạn nhân nữa. Ngày 11-1-1935, tại khu rừng Koloneski ở ngoại ô Leningrad, hắn bắn chết một cặp vợ chồng – chồng là kỹ sư còn vợ là nhân viên điều phối. Sau khi lấy ủng, tiền và biên lai cầm cố của họ, hắn giấu các thi thể dưới rãnh nước. Do ngay sau đó đã xảy ra một trận bão tuyết mạnh, thi thể của các nạn nhân phải đến mùa xuân mới được tìm thấy. Một tháng sau, Labutkin bắn chết một người đàn ông tại khu rừng Pundolovski.

Ngày 18-3, tên cướp một tay bước vào chuyến săn mới mà không thể ngờ rằng đó là cuối cùng của hắn. Lần này, hắn nhằm vào một cặp tình nhân: nhân viên bồi bàn tại một khách sạn ở Leningrad cùng dạo chơi với bạn gái của mình. Labutkin áp sát họ trước khi rút súng bắn.

Hậu quả là chàng thanh niên chết ngay, còn viên đạn chỉ sượt qua cô gái. Sai lầm khác thường đầu tiên và cũng là cuối cùng của Labutkin chính là hắn lại cưỡng hiếp cô gái, sau đó thả ra và hứa hẹn sẽ gặp lại vào hôm sau. Tất nhiên, thông tin nhanh chóng từ nạn nhân đã tới được cảnh sát.

Cảnh sát tất nhiên không gặp nhiều khó khăn trong việc lần ra tay súng bị mất bàn tay phải. Trong thời gian khám xét nhà Labutkin, các thám tử tìm được khá nhiều đồ vật của các nạn nhân: quần áo, ủng, áo bành tô v.v…, tất cả đều được xếp trong tủ quần áo của hai vợ chồng hắn. Maria còn cắt phần cổ áo bằng lông của một nạn nhân để may áo cho đứa con mình.

Các thám tử đã tìm được 3 khẩu súng săn, nhưng dù lục tung cả nhà vẫn không thể phát hiện ra vật chứng quan trọng nhất – đó là khẩu súng rulô thủ công mà hắn đã dùng để sát hại các nạn nhân. Bản thân Labutkin hiểu rõ việc mình sẽ phải đối mặt với án tử nên im như thóc. Một cảnh sát viên qua trực giác lại chú ý tới một chiếc máy thu thanh đặt giữa phòng và cuối cùng phát hiện ra khẩu súng cùng nhiều viên đạn được cất giấu trong đó.

Trong phiên tòa xét xử đặc biệt sau đó, đứng trước vành móng ngựa không chỉ có Labutkin mà còn có cô vợ Maria, bà mẹ vợ, người thợ nguội đồng nghiệp đã giúp hắn chế tạo khẩu súng và cả một người hàng xóm (kẻ theo kết quả điều tra đã biết rõ những tội ác của Labutkin nhưng lại không tố giác).

Các đồng phạm của Labutkin phải nhận các bản án nghiêm khắc từ 5 cho tới 20 năm. Còn Maria bị tước quyền làm mẹ đối với con mình. Còn bản thân tên cướp một tay đã phải trả giá cho sinh mạng của 12 nạn nhân bằng bản án tử hình được thực thi vào năm 1935.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.