Duane Clarridge – Ông chủ của Tổ chức Tình báo tư nhân Eclipse Group

Thứ Ba, 08/02/2011, 09:40
Duane R. Clarridge, 78 tuổi, đã chia tay với Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) cách đây hơn hai thập niên, nhưng ông nay vẫn tiếp tục điều hành một mạng lưới điệp viên trong một tổ chức tình báo tư nhân - Eclipse Group - được coi là một CIA thu nhỏ.

Từ những ngày tiến hành những chiến dịch bí mật cho CIA ở Trung Mỹ cho đến thập niên 90 thế kỷ XX, Clarridge phụ trách công việc cố vấn về kế hoạch cài những binh sĩ đặc nhiệm vào đất Iraq để lật đổ Saddam Hussein, Clarridge luôn là người chủ trương ủng hộ sự can thiệp của Mỹ ở hải ngoại.

Những điệp vụ nổi tiếng nhất của CIA được Clarridge ủng hộ bao gồm vụ phá hoại ngầm chính quyền của Tổng thống Chile Salvador Allende trước khi người này bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1973.

Duane Clarridge chào đời trong một gia đình trung thành với đảng Cộng hòa, học Đại học Brown và sau đó nhanh chóng làm việc cho CIA. Năm 1981, Clarridge trở thành lãnh đạo bộ phận về Mỹ Latinh của CIA và 5 năm sau giúp thành lập Trung tâm Chống khủng bố của CIA. Clarridge từng hoạt động ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Italia, với nhiều bí danh như là Dewey Marone và Dax Preston LeBaron.

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1997, Clarridge cho biết, ông ta từng cố gắng xây dựng chính quyền thân Mỹ ở Italia vào cuối thập niên 70 (Richard N. Gardner, Đại sứ Mỹ ở Rome, gọi ông là người "ranh ma"), và giúp tiến hành những cuộc chiến bí mật của chính quyền Reagan chống quân du kích cánh tả ở Trung Mỹ trong suốt thập niên 80. Năm 1991, Clarridge bị buộc tội nói dối Quốc hội Mỹ về vụ bê bối Iran - contra, nhưng Clarridge nói ông ta không biết gì về những chuyến hàng chở vũ khí đến Iran. Năm 1992, Clarridge được Tổng thống Bush-cha chính thức xin lỗi.

Hiện nay, hơn 2 thập niên sau khi bị buộc phải rời khỏi CIA, Clarridge vẫn đang điều hành một mạng lưới điệp viên của riêng mình và hoạt động như một CIA thu nhỏ. Clarridge làm việc tại nhà riêng ở vùng ngoại ô San Diego, sử dụng e-mail để liên lạc với nhóm điệp viên hoạt động ngầm của mình ở Afghanistan và Pakistan và soạn những bản tóm tắt thông tin tình báo dựa theo những báo cáo của nhóm này.

Trong hai năm qua, Clarridge đã tiến hành những điệp vụ tư nhân tại những vùng núi ở Pakistan và những vùng khô cằn của Afghanistan. Từ khi quân đội Mỹ cắt tài trợ cho tổ chức gián điệp tư nhân Eclipse Group của Clarridge trong tháng 5/2010, ông ta vẫn dựa vào nguồn tài chính đóng góp từ những cá nhân có cùng chí hướng để trả lương cho những điệp viên tư nhân tiếp tục thu thập thông tin về những chiến binh Hồi giáo, những thủ lĩnh Taliban cũng như những bí mật gia đình Tổng thống Karzai ở Kabul.

Tháng 7/2009, theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Clarridge đã chứng minh giá trị tình báo của mình với Bộ Quốc phòng Mỹ bằng việc chỉ đạo nhóm điệp viên thu thập thông tin trong những khu vực bộ tộc ở Pakistan để giúp truy tìm tung tích một binh sĩ Mỹ bị quân Taliban bắt cóc.

Đến cuối năm 2009, Công ty An ninh quốc tế Mỹ (AISC) - một công ty mà Clarridge liên kết hoạt động - giành được một hợp đồng với Lầu Năm Góc trị giá khoảng 6 triệu USD. Hợp đồng được thu xếp bởi một quan chức trong Bộ Quốc phòng là Michael D. Furlong. Để né lệnh cấm sử dụng các tổ chức tư nhân làm gián điệp của Lầu Năm Góc, nhóm của Furlong không sử dụng từ "tình báo".

Hiện nay Furlong là đối tượng của một cuộc điều tra hình sự do tổng thanh tra Lầu Năm Góc tiến hành. Trong báo cáo nội bộ của Lầu Năm Góc, Furlong bị buộc tội đã tiến hành thu thập thông tin tình báo "không được phép" và đánh lừa các quan chức quân sự cao cấp về điều này.

Về phần Duane Clarridge, luật Mỹ cấm tư nhân tiến hành phá hoại ngầm chính quyền nước ngoài. Nhưng các chuyên gia về luật nói, chiến dịch chống Tổng thống Afghanistan của Clarridge có thể không vi phạm luật của Mỹ! Tháng 8/2009, Clarridge cung cấp cho quân đội Mỹ một báo cáo chi tiết về một nhóm chiến binh gọi là Haqqani Network - một tài liệu được đánh giá là giúp cho quân đội Mỹ lùng bắt những chiến binh của mạng Haqqani.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, trong tháng 6/2010 Clarridge nói với bộ phận lãnh đạo quân sự ở Afghanistan rằng, nhóm điệp viên của ông ta đã thu thập được 500 báo cáo tình báo trước khi hợp đồng với Lầu Năm Góc kết thúc. Clarridge luôn cố gắng thuyết phục các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ rằng những báo cáo tình báo của ông là chắc chắn.

Trong tháng 4 và tháng 5/2010, nhóm điệp viên tư nhân của Clarridge báo cáo về trường hợp Mulah Muhammad Omar, lãnh đạo ẩn dật của Taliban ở Afghanistan, đã bị điệp viên Pakistan bắt và quản thúc tại gia. Clarridge tin người Pakistan mặc dù đã làm điều này nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ ngầm Taliban ở Afghanistan.

Trong khi các quan chức tình báo và quân sự Mỹ nhận định thông tin này chưa được chứng thực, Clarridge vẫn tìm cách chuyển thông tin đến những quan chức cao cấp khác trong chính quyền Obama, bao gồm Giám đốc tình báo quốc gia lúc đó là Dennis C. Blair.  Clarridge và mạng lưới gián điệp tư nhân của ông ta cũng thu thập thông tin về Ahmed Wali Karzai, lãnh đạo Hội đồng tỉnh Kandahar ở Afghanistan, người bị nghi ngờ có dính líu đến bọn buôn lậu ma túy Afghanistan mặc dù ông ta nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.

Trong nhiều năm, quân đội Mỹ tin rằng, chính quyền tham nhũng của Afghanistan đã giúp làm phình to thêm hàng ngũ của Taliban và Ahmed Wali Karzai đóng vai trò chủ chốt trong chế độ tham nhũng này. Trong tháng 4/2009, tướng David D. McKiernan (lúc đó là chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan) nói với những sĩ quan cấp dưới rằng, ông ta muốn thu thập bằng chứng về mối quan hệ của Ahmed Wali Karzai với bọn buôn lậu ma túy.

Cuốn "Đời tôi trong CIA: Điệp viên mọi thời đại" của Duane Clarridge.

Vào đầu năm 2010, sau khi tướng McKiernan rời khỏi Afghansitan, Clarridge giúp soạn thảo một hồ sơ cho quân đội Mỹ về những hoạt động bí mật liên quan đến ma túy của Wali Karzai, cũng như sự dính líu của người này đến những vụ bắt bớ và thậm chí giết người ở miền Nam Afghanistan. Theo hồ sơ, mối quan hệ đặc biệt giữa Wali Karzai và CIA (cơ quan đã chi trả cho Karzai một số tiền nào đó từ năm 2001) là lý do khiến cho CIA không hào hứng trong việc chống lại Wali Karzai. Cuối cùng, dù hết sức cố gắng nhưng quân đội Mỹ vẫn không có đủ những bằng chứng mạnh mẽ để thuyết phục Washington tin về những tội phạm của Wali Karzai để từ đó có thể tước bỏ quyền lực của người này.

Cuộc chiến bí mật của Clarridge còn nhắm đến một nhân vật hàng đầu của Afghanistan - đó là Tổng thống Hamid Karzai. Sau khi bị Lầu Năm Góc hủy hợp đồng, Clarridge quyết định nước Mỹ cần phải tác động mạnh đến Tổng thống Afghanistan.

Từ lâu đã có những tin đồn rằng, ông Hamid Karzai sử dụng ma túy, một phần do cách cư xử thất thường của ông ta, nhưng Washington tuyên bố không có bằng chứng thuyết phục về cáo buộc này. Do đó Clarridge đã cho tiến hành điệp vụ bí mật để chứng minh Hamid Karzai là người nghiện hêrôin!

Clarridge sử dụng nhiều kế hoạch khác nhau, từ sử dụng điệp viên để đánh cắp thông tin liên lạc giữa dinh tổng thống ở Kabul và nhà riêng của Ahmed Wali Karzai ở Kandahar, cho đến việc tìm cách lấy mẫu râu của ông Hamid Karzai để xét nghiệm ADN! Nhưng cuối cùng mọi kế hoạch của Clarridge gặp thất bại sau khi Washington cam kết ủng hộ chính quyền Hamid Karzai.

Tuy nhiên, Clarridge vẫn tiếp tục chống lại chính quyền Hamid Karzai bằng việc giúp đỡ quảng bá những video - công bố trên YouTube trong mùa hè 2010 - cho thấy hình ảnh một tổng thống "Vua Kabul" đều đặn nhận tiền từ người Iran; và Ahmed Wali Karzai còn được mệnh danh là "Ông hoàng Kandahar" hàng tháng đều nhận vàng từ tay những ông chủ tình báo Mỹ rồi biến người Mỹ thành "những con rối của ông ta". Những video này đã thu hút mạnh sự chú ý của mọi người khi chúng được tung lên Internet. Ngoài hành động này, Clarridge còn mơ ước đến những chiến dịch khác chống lại Tổng thống Afghanistan và những người thân thích của ông ta.

Trong cuốn hồi ký của mình, Clarridge cho biết khi còn là điệp viên chính thức, ông ta đã phê phán mạnh bộ máy quan liêu của CIA cản trở những kế hoạch của ông nhằm gây tổn hại tối đa cho những kẻ thù của nước Mỹ. Clarridge viết trong hồi ký: "Không giống như khi tôi đang điều hành tổ chức CIA riêng của mình, tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn".

Đại tá David Lapan, người phát  ngôn của Lầu Năm Góc, từ chối bình luận về mạng lưới gián điệp của Clarridge, nhưng nói Bộ Quốc phòng Mỹ "tin rằng sự tin tưởng vào thông tin không được chứng thực của các nguồn tư nhân có thể sẽ gây nguy hại cho thông tin được thu thập từ những điệp vụ hợp pháp". Mặc dù vậy hiện nay người ta vẫn chưa biết rõ liệu Washington có chịu lắng nghe Clarridge hay ủng hộ những nỗ lực của ông ta để điều tra sâu hơn về gia đình Karzai.

Theo một báo cáo phân loại mật của Lầu Năm Góc về hoạt động gián điệp tư nhân, ngày 15/5/2010, Clarridge gửi một e-mail mã hóa cho các sĩ quan quân đội Mỹ ở Kabul thông báo mạng lưới điệp viên của ông sẽ chấm dứt hoạt động do Lầu Năm Góc đã chấm dứt hợp đồng với ông. Clarridge viết ông đã "chuẩn bị cho khoảng 200 điệp viên địa phương ngưng hoạt động". Nhưng trên thực tế Clarridge không hề có ý định từ bỏ những điệp vụ tư nhân của mình

T.M. (tổng hợp)
.
.