Đức: Tội phạm kỳ thị chủng tộc gia tăng

Chủ Nhật, 10/01/2010, 03:35
Vào ngày 1/7/2009, một vụ án mạng dã man đã xảy ra tại một phiên tòa ở thành phố Dresden, miền Đông nước Đức. Dược sĩ Marwa el-Sherbini, 31 tuổi, người gốc Ai Cập, là nhân chứng trong một vụ án và đang làm chứng trước tòa thì bị tên đầu trọc Alex Wiens nhào tới đâm nhiều nhát bằng dao. El-Sherbini chết ngay tại chỗ trong khi chồng và con trai cô cùng toàn bộ phiên tòa bất lực nhìn tên côn đồ hành động.

Tính chất dã man của vụ án mạng này là ở chỗ nạn nhân el-Sherbini khi đó đang mang thai 3 tháng, và ngay cả khi el-Sherbini đã ngã xuống đất rồi Wiens vẫn tiếp tục đâm nhiều nhát dao lên người cô.

Hành động giết người dã man của Wiens nhắm vào một phụ nữ Hồi giáo ngay trước mặt đông người tại phiên tòa đã gây nên một làn sóng căm phẫn lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng người Hồi giáo, đặc biệt là cộng đồng 4 triệu người Hồi giáo ở Đức.

Biểu tình phản đối nước Đức đã diễn ra ở nhiều quốc gia Hồi giáo như Iran, Ai Cập... Ramzy Ezzeldin Ramzy, Đại sứ Ai Cập tại Đức phát biểu trên Truyền hình Al-Jazeera: Người dân ở Ai Cập đang chờ đợi "công lý được thực thi một cách nhanh chóng". Nhưng mãi gần 4 tháng sau khi gây án, kẻ thủ ác Wiens mới được đưa ra xét xử. Ngày 28/10/2009, Wiens đã bị tòa tuyên án tù chung thân.

Điều đáng nói là các phương tiện truyền thông nước Đức hầu như đưa tin rất ít về vụ án mạng dã man này cho đến khi báo chí quốc tế loan tin và người Hồi giáo trên khắp thế giới phản ứng mạnh thì nước Đức mới chậm chạp nhìn nhận sự việc. Điều này đã khiến cho hình ảnh nước Đức của bà Thủ tướng Angela Merkel bị hoen ố trong con mắt cộng đồng thế giới, nhất là cộng đồng Hồi giáo.

Những gì đọng lại từ vụ án này còn khiến người ta lo ngại về tình trạng tội phạm mang nặng tính kỳ thị chủng tộc và bài ngoại ngày càng tăng mạnh ở nước Đức trong thời gian gần đây.

Theo một báo cáo của Văn phòng Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) công bố trung tuần tháng 12/2009, cho biết các vụ án mang động cơ chính trị và kỳ thị sắc tộc do bọn cực hữu gây ra tại Đức đã tăng lên con số kỷ lục là 20.000 vụ vào năm 2008; năm 2009 chưa có thống kê nhưng BKA cho biết con số chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.

Joerg Ziercke, Giám đốc BKA cho biết, cứ mỗi ngày nước Đức lại xảy ra 2-3 vụ bạo lực cực hữu, và mỗi tháng có ít nhất 4 vụ kỳ thị chống Do Thái. Ông Ziercke cho biết thêm, điều nguy hiểm ở chỗ bọn cực hữu đa số hành động mang tính bột phát, khó lường và rất dã man. Chúng ngày càng táo tợn hơn, ngang nhiên hành động ngay trước đám đông như ga xe lửa, trạm xe buýt, nhà hàng, quán bar...

Phong trào cực hữu ở Đức có mầm mống phát sinh từ thập niên 60 thế kỷ XX, không lâu sau khi phát xít Đức đại bại trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau một thời gian dài lắng dịu do bị kiểm soát chặt chẽ và sự chia cắt nước Đức, bọn cực hữu bắt đầu ngóc dậy sau khi nước Đức thống nhất vào tháng 10/1990.

Gần 20 năm sau đó, miền Đông nước Đức vẫn còn nhiều khó khăn hơn miền Tây, vẫn chống chọi với những vấn đề xã hội thâm căn cố đế. Và miền Đông nước Đức một thời yên bình dưới chế độ XHCN nay đã trở thành "vườn ươm" của bọn cực hữu do nhiều người vì chán nản "cuộc sống mới" nên đã đi theo tư tưởng cực hữu.

Điều này giải thích vì sao đảng cực hữu Dân chủ Quốc gia (NPD) nhận được khá nhiều sự ủng hộ và giành được đến 9,2% phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện bang địa phương năm 2004. NPD thu nạp tất cả thành phần cực hữu bài ngoại để cổ xúy cho phong trào chống người nước ngoài nhập cư vào Đức.

Theo thống kê, nước Đức hiện có khoảng 30.000 người theo tư tưởng cực hữu, và 1/3 trong số này sẵn sàng dùng đến bạo lực. Thành phần cực hữu này đa số còn rất trẻ, tuổi đời chưa quá 24 và xuất thân trong các gia đình khó khăn, do đó chính quyền Đức đã triển khai một chương trình gọi là "giải thoát" nhằm lôi kéo thanh niên ra khỏi các nhóm cực hữu.

Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của chương trình này vẫn chưa cao, trong khi sự phát triển mạnh của các phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao đã góp phần tạo nên một "xã hội ảo" để bọn cực hữu tự do tuyên truyền, quảng bá tư tưởng bài ngoại, kỳ thị chủng tộc của mình.

Các chuyên gia tội phạm Đức cho rằng, nếu không ngăn chặn một cách hiệu quả sự phát triển của tư tưởng cực hữu, nước Đức sẽ khó lòng xóa tan vết nhơ của quá khứ (Quốc xã), đồng thời sẽ khó tránh khỏi sự bất ổn xã hội do thành phần cực hữu gây ra

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.