Đức: Triệt phá băng nhóm Lithuania chuyên trộm xế hộp

Thứ Tư, 18/09/2013, 06:15

Một đội điều tra phối hợp đặc biệt của Cảnh sát Đức và Lithuania - gọi là JIT - đang nỗ lực ngăn chặn hàng loạt những vụ trộm cắp ôtô sang trọng ở thành phố Berlin (Đức). Những chiếc ôtô thường bị đánh cắp tại thủ đô nước Đức rồi sau đó lén lút vận chuyển đến một quốc gia Đông Âu để rao bán. Bọn trộm cắp không muốn phí quá nhiều thời gian để tìm hiểu những ổ khóa cửa xe phức tạp của chiếc Range Rover mà thay vào đó bọn chúng sử dụng phương pháp cổ xưa nhất - đó là đập vỡ kính ôtô. Chỉ riêng khoản tiền sửa chữa kính vỡ và ghế da đã là 20.000 euro (26.000 USD) - theo Horst Berghauser, chủ một cửa hàng trực tuyến ở quận Grunewald, Berlin.

Thế nhưng, Berghauser vẫn còn được coi là may mắn. Một đội cảnh sát tuần tra đã chặn bắt được chiếc Range Rover vào ngày hôm sau trên một xa lộ ở Đức khi đang lăn bánh về hướng đông và giao trả nó cho Berghauser. Đó là vào đầu tháng 6/2013, chiếc ôtô bị đánh cắp lần đầu tiên.

Không bao lâu sau, chiếc Range Rover của Berghauser lại bị đánh cắp một lần nữa. Lần này, cảnh sát phát hiện chiếc xe nằm ở Frankfurt an der Oder, thành phố nằm ở biên giới Đức - Ba Lan. Người dân thành phố Berlin để những chiếc ôtô sang trọng ngoài đường phố vào ban đêm thì chắc chắn rằng sáng ngày hôm sau chúng sẽ biến mất.

Kể từ đầu năm 2013, số lượng những chiếc ôtô đắt tiền bị đánh cắp gia tăng đột biến ở Berlin và theo số liệu do cảnh sát cung cấp có khoảng 240 vụ trộm cắp ôtô như thế xảy ra chỉ riêng trong nửa đầu năm 2013. Nhiều ôtô được bọn tội phạm đưa đến Lithuania, nơi vượt khỏi sự kiểm soát của luật pháp Đức. Để đối phó với làn sóng trộm cắp ôtô không ngừng gia tăng, cảnh sát và văn phòng công tố ở Berlin - với sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU) - đã cho thành lập đội đặc nhiệm phối hợp cảnh sát hai nước Đức và Lithuania. Mục đích của đội đặc nhiệm là buộc tội những tên trộm ôtô như Tomas A. hiện đang ngồi tù ở Berlin.

Tomas A. thừa nhận: "Muốn làm ăn ra trò cần phải tổ chức một băng nhóm. Tôi thường trộm cắp từ những người gốc Nga được hưởng trợ cấp thất nghiệp và đang sống với bạn gái. Những bãi đỗ ôtô ngầm dễ hoạt động nhất vì có thể nghe thấy tiếng người khác đến từ xa".

Tomas A. giải thích, bọn trộm cắp thường phá khóa cửa và sử dụng máy tính để nhanh chóng thao tác phần mềm chiếc xe để lái đi khỏi hiện trường. Các chương trình máy tính có nguồn gốc từ Bulgaria, có giá chừng vài ngàn euro và được sử dụng để dễ dàng vô hiệu hóa các hệ thống an ninh của chiếc ôtô. Sau đó, chiếc xe được giấu vào một nơi kín đáo để tháo gỡ phụ tùng hoặc lái xe thẳng đến Lithuania. "Một nhóm có thể đánh cắp từ 2 đến 3 chiếc trong một tuần", Tomas A. cho biết.

Một tên tội phạm Lithuania bị cảnh sát Đức bắt giữ.

Trong những năm gần đây, thanh tra cảnh sát hình sự Peter, 47 tuổi, ở Berlin (không muốn tiết lộ toàn bộ tên họ vì lý do an toàn cá nhân) gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bắt giữ bọn trộm cắp ôtô và các băng nhóm buôn lậu. Thậm chí, đội của Peter theo dõi suốt nhiều đêm nhưng cuối cùng cũng chỉ tóm được những tên cò con mà thôi. Peter làm việc trong văn phòng nằm trên tầng thứ 7 của tòa nhà trụ sở Cơ quan Điều tra tội phạm liên bang Berlin. Một tấm bản đồ thành phố Berlin cỡ lớn treo trên tường với nhiều mẩu giấy đánh dấu mạng lưới quan hệ của bọn trộm cắp ôtô người Lithuania.

Hiện nay, việc kiểm tra hộ chiếu đã hủy bỏ trong EU giúp cho bọn tội phạm được tự do đi lại giữa các quốc gia trong khối. Và, vấn đề là thẩm quyền của cảnh sát Berlin chấm dứt tại các ranh giới của thành phố! Những cuộc điều tra và bắt giữ ở các quốc gia thành viên EU chỉ có thể thực hiện với sự hợp tác song phương mà điều đó rất mất thời gian. Do đó, Peter phải cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ trực tiếp từ các đối tác ở Lithuania và như thế ông phải tìm đến Cơ quan Hợp tác Tư pháp EU (Eurojust) đặt trụ sở tại thành phố The Hague, Hà Lan. Peter đã phải mất một năm để thu thập các chữ ký cần thiết cho một hiệp định. Cuối cùng, JIT bắt đầu chính thức hoạt động vào tháng 4/2010.

"Đầu tiên, chúng tôi muốn xác định nhân thân bọn trộm cắp ôtô rồi tiếp đến là thông qua chúng để tìm hiểu cơ cấu đằng sau các hoạt động tội phạm của bọn chúng", Peter giải thích. JIT gặt hái thành công đầu tiên sau khi triệt phá được một băng nhóm trộm ôtô và từ đó cái tên của ông trùm được cảnh sát biết đến - Saulius V., cũng được gọi là Agurkas hay Pickle. Băng nhóm Pickle được coi là tổ chức tội phạm quyền lực nhất ở Lithuania. Băng nhóm được tổ chức như một tập đoàn kinh doanh - với nhiều "phòng ban" khác nhau có nhiệm vụ trộm cắp ôtô, buôn lậu ma túy, vũ khí, phụ nữ và rửa tiền.

Peter đứng trước tấm bản đồ thành phố Berlin.

Vào giữa tháng 8 vừa qua, cuộc điều tra đã dẫn Peter và đội của ông mang theo các lệnh bắt giữ đi đến Kaunas, thành phố lớn thứ 2 của Lithuania để tóm cổ 2 tên được cho là thủ lĩnh và 3 thành viên khác của băng nhóm Pickle. Một đội đặc nhiệm được triển khai quanh căn biệt thự nằm ở vùng ngoại ô Kaunas. Vào hôm đó, bầu không khí ngợp hơi cay cùng với âm thanh kính vỡ và tiếng súng nổ. Mọi thứ diễn ra thật nhanh chóng, bọn tội phạm không kịp sử dụng súng để chống trả.

Căn biệt thự của bọn tội phạm ở ngoại ô thành phố.

Cảnh sát tịch thu ngay tại hiện trường nhiều tang vật như: chìa khóa vạn năng để phá khóa cửa ôtô, các biển số xe cùng với nhiều giấy tờ và thiết bị gây nhiễu để vô hiệu hóa các tín hiệu GPS. Ngoài ra, cảnh sát cũng tịch thu được 2 khẩu súng ngắn và 1 khẩu súng trường. Tuy nhiên, vẫn còn 2 tên kịp tháo chạy.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục dẫn độ, bọn tội phạm sẽ bị xét xử tại nước Đức vào một ngày gần đây

Duy Ân (tổng hợp)
.
.