Đức: Xét xử vụ án “Đồng tiền khổng lồ”

Thứ Hai, 21/01/2019, 20:54
Tại Berlin vừa diễn ra phiên tòa xét xử nhóm tội phạm từng tham gia vào một vụ trộm khá đặc biệt từ nhiều năm nay. Ba thanh niên Arab nhập cư đã đột nhập vào một bảo tàng tại thành phố này, lấy trộm một đồng tiền vàng khổng lồ nặng cả trăm kilogram chỉ nhờ vào những dụng cụ thô sơ như rìu, dây thừng, thang và xe đẩy.

Dù những kẻ tình nghi đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử, nhưng đồng tiền đặc biệt quý giá là tang vật của vụ án vẫn chưa thể được tìm thấy…

Đồng tiền triệu đô

Bảo tàng Bode tại Berlin, trong đó có phòng tiền đồng từ lâu được coi là thiên đường đối với những người sưu tập tiền cổ. Tại đây có trưng bày và lưu giữ hơn nửa triệu các loại đồng tiền và giấy bạc độc đáo, gần 300 ngàn khuôn đúc tiền phần lớn vẫn trong tình trạng được bảo quản rất tốt. Bảo tàng cũng sở hữu những đồng tiền bằng đồng, bạc và vàng từ thời Hy Lạp và Roma cổ đại, đế quốc Byzantine, châu Âu và châu Á thời Trung cổ v.v…

Một trong những hiện vật nổi bật nhất được trưng bày tại đây từ khá lâu nay là đồng tiền khổng lồ có tên “Big maple leaf” (Lá phong lớn), do xưởng đúc tiền hoàng gia Canada đúc bằng vàng ròng từ năm 2007. Dù giá quy định của đồng tiền đặc biệt này được công bố là 1 triệu đôla, nhưng các chuyên gia sưu tập đánh giá nó phải lên tới 4,3 triệu đôla. Mặt trước đồng tiền có mô tả chân dung nghiêng của nữ hoàng Anh Elizabeth II cùng với năm sản xuất; còn mặt sau là biểu tượng của Canada (chiếc lá phong), cùng con số trọng lượng đồng tiền và dòng chữ “vàng nguyên chất”.

Đồng tiền khổng lồ khi còn được trưng bày tại bảo tàng Bode.

Vào thời điểm phát hành, đồng tiền có chiều dày 3cm và đường kính 53cm được đánh giá là đồng tiền lớn nhất thế giới và được đưa vào trong Sách kỷ lục Guinness. Theo nhà sản xuất, đồng tiền kỷ lục trên được sản xuất hoàn toàn bằng vàng nguyên chất có độ tinh khiết 99.999%.

Chỉ có tổng cộng 5 đồng tiền “Big maple leaf” được bán ra, còn đồng nguyên bản vẫn đang trong kho của nhà sản xuất. Cụ thể một đồng tiền đang nằm trong bộ sưu tập riêng của nữ hoàng Anh, 2 đồng được bán sang UAE, còn một đồng được nhà tài phiệt Boris Fuksman của Ukraine mua. Thương gia này vào năm 2010 đã cho bảo tàng Bode thuê thường xuyên để những người ưa thích sưu tầm tiền trên khắp thế giới có thể thường xuyên chiêm ngưỡng.

Vụ trộm đơn giản bất ngờ

Đồng tiền vàng khổng lồ trên không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập. Vào đêm ngày 27-3-2017, hiện vật trưng bày quý giá trên bỗng dưng biến mất không chút dấu vết. Những tên trộm đã hành động khá táo bạo và thậm chí có phần đơn giản: chúng đột nhập vào tầng 3 của bảo tàng qua đường cửa sổ, nhờ vào một chiếc thang gác lên chiếc cầu đường sắt. Hệ thống tín hiệu cảnh báo đã không hề hoạt động.

Nhà tài phiệt Boris Fuksman.

Bọn tội phạm đã dùng rìu đập vỡ lớp kính chống đạn của thùng trưng bày, lăn đồng tiền tới cửa sổ và ném xuống dưới, dùng xe cút kít đẩy dọc theo chiếc cầu qua con sông Spree, tới khu công viên nằm gần đó để đưa lên xe hơi. Điều kỳ lạ là bọn trộm không hề động đến một vật trưng bày nào khác trong bảo tàng, cho dù có những vật có giá trị còn hơn cả đồng tiền vàng khổng lồ.

Đến sáng hôm sau, các nhân viên bảo tàng khi phát hiện ra đều cho rằng, những tên trộm rất có thể vẫn còn trong bảo tàng, khi các cửa ra vào và cửa sổ vẫn còn đóng kín. Đội điều tra gồm hàng trăm cảnh sát có mặt sau đó đã không thể phát hiện bất cứ ai trong tòa nhà. Trên những con đường gần đó, các nhà điều tra phát hiện chiếc thang gấp bằng sắt, cùng những dấu vết di chuyển của đồng tiền.

Xa hơn chút tại khu công viên là chiếc xe đẩy và sợi dây thừng. Cũng trong buổi sáng hôm đó, cảnh sát phát hiện một chiếc xe bị đốt cháy tại một hầm ngầm đậu xe tại Berlin, nhiều khả năng là của bọn trộm bảo tàng. Những tên trộm đeo mặt nạ cũng được ghi nhận từ camera quan sát bên ngoài của một cửa hàng nằm không xa bảo tàng.

Giám đốc bảo tàng Bernhard Weisser đã không thể tin vào những gì đã xảy ra. Ban đầu ông cho rằng, có ai đó đã bày ra trò đùa này nhân dịp “cá tháng tư”. Tiếp đó, ông lại cho đây đơn giản chỉ là một vụ diễn tập về an ninh ngoài kế hoạch. Weisser đã run cả người khi hiểu được đây là một vụ trộm táo bạo trên thực tế.

“Tôi lập tức phải đặt câu hỏi: Làm sao chuyện này có thể xảy ra? Làm sao chúng có thể vượt qua hệ thống an ninh của chúng tôi, vốn chưa hề gặp trục trặc gì từ hàng chục năm qua? Tôi còn nghĩ ngay tới các nhân viên của mình, nhưng thật may mắn không có ai bị sao” – ông Weisser thừa nhận. Giám đốc bảo tàng còn khẳng định, nếu như có thể tìm lại được đồng tiền, ông sẽ tiếp tục trưng bày, bất kể tình trạng của nó có ra làm sao.

Cảnh sát Berlin bắt giữ một kẻ tình nghi trong vụ trộm đồng tiền khổng lồ vào ngày 12-7-2017.

Sau một thời gian điều tra, cảnh sát đi đến kết luận, sự việc này có sự dính líu của các thành viên mafia từ Liban. Trong các cuộc đua xe trái phép ngoài đường của các thành viên tội phạm gốc Arab, cảnh sát đã may mắn phát hiện ra một chiếc xe đáng ngờ nữa. Ngày 5-7-2017, chiếc xe bị tịch thu sau một cuộc đua trái phép.

Tuy nhiên vào tháng 11 năm đó, một số kẻ đã âm mưu tiêu hủy chứng cớ, khi đột nhập vào bãi giữ xe tịch thu của cảnh sát, xịt đầy bọt cứu hỏa vào trong chiếc xe. Nhưng cảnh sát dù sao đã tìm ra được một số dấu vết làm bằng chứng trước đó – trên lớp vải bọc của ghế ngồi đã phát hiện ra các dấu vết của vàng.

Mafia gốc Arab

Mùa hè năm 2017, gần 300 cảnh sát Đức đã tham gia một chiến dịch truy quét quy mô lớn chống lại các nhóm mafia gốc Liban, trong đó đã bắt giữ được 3 kẻ tình nghi. Những tên này về phần mình đã khai ra kẻ đồng phạm làm bảo vệ tại bảo tàng. Quá trình khám nhà những kẻ này đã phát hiện ra vũ khí, tiền bạc cùng 5 chiếc xe hơi. Tất cả đều bị tịch thu để tìm kiếm dấu vết của vàng trên những đồ vật này. Tính ra chỉ trong vòng một năm, cảnh sát đã tịch thu một lượng tài sản lớn của băng nhóm Remmo tổng trị giá lên tới 9,3 triệu euro, là kết quả của việc lục soát 77 căn hộ khắp Berlin.

Báo chí Đức cũng không thiếu thông tin về các băng nhóm Arab đang hoành hành tại khu vực Neukolln của Berlin. Người ta được biết hiện có tới 10 gia đình tội phạm khác nhau, nhưng không nắm rõ cụ thể có bao nhiều thành viên. Một số nguồn tin cho rằng đang có vài trăm người, nhưng một số khác lại cho rằng con số này là từ 8 đến 10 ngàn người, sống và hoạt động khắp nơi tại nước Đức. Phần lớn những người lưu vong từ Liban đã đặt chân tới Berlin cuối những năm 1970 – đầu những năm 1980 để tránh nội chiến.

Cho dù những băng nhóm tội phạm này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực buôn bán ma túy và mại dâm, nhưng dần dần cũng không bỏ qua những hành vi cướp bóc. Như hồi năm 2009, những tên tội phạm đã lẻn vào cửa hàng KaDeWe nổi tiếng tại nước Đức, lấy đi một số kim hoàn trị giá tới 7 triệu euro. Cảnh sát đã không thể tìm ra được những món đồ quý giá này. Về sau, các thành viên băng nhóm trên còn dính líu vào nhiều vụ sát nhân khá tàn bạo.

Xét xử không vật chứng

Theo luật pháp Đức, tên tuổi các bị cáo sẽ không được tiết lộ đầy đủ. Tuy nhiên theo tìm hiểu của các phóng viên, những kẻ phải ra tòa lần này là anh em Ahmed R cùng Vaysi R, chỉ mới 24 và 22 tuổi và người anh họ Viisam R. Báo chí Đức cũng cho rằng, đây là những thành viên gốc Liban của băng nhóm Remmo.

Một trong 4 bị cáo dùng báo che mặt trong phiên tòa xử án tại Berlin.

Kẻ tòng phạm với chúng là nhân viên bảo vệ 20 tuổi của Bảo tàng Denis B, kẻ đã cung cấp thông tin cho nhóm trộm về các hệ thống an ninh tại đây. Tên này là bạn học phổ thông cùng Ahmed và hiện đang học nghề y sĩ. Trước thời điểm diễn ra phiên tòa, tất cả các bị cáo được tại ngoại với lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, cùng với việc phải nộp khoản tiền thế chân.

Phiên tòa chính thức đã diễn ra vào ngày 10-1-2019. Tất cả 4 bị cáo đều phủ nhận tội danh của mình. Một luật sư bào chữa cho nhóm này tuyên bố, quá trình điều tra đã không cung cấp đầy đủ bằng chứng rõ ràng để có thể buộc tội thân chủ của mình. Ông này cũng chỉ trích các phóng viên cố tình liên kết các bị cáo với phe nhóm Remmo, dù không chính thức phủ nhận chuyện này. Công tố viên trưởng Martina Lamb trong phiên tòa đã yêu cầu các bị cáo phải đền bù khoản thiệt hại lên tới 4,3 triệu đôla. Chưa kể nếu phán quyết có tội, những tên tội phạm này có nguy cơ phải nhận bản án nghiêm khắc tới 10 năm tù.

Nhà tài phiệt Boris Fuksman ngay trước phiên tòa đã cho biết, ông đã rất đau lòng khi vụ án này xảy ra. “Tôi cảm thấy rất đau lòng. Vấn đề không phải ở chỗ đã đánh mất 4 triệu đôla. Đồng tiền đặc biệt trên đã được bảo hiểm. Tôi chỉ đau buồn là do một đồ vật tôi yêu thích và tự hào đã bị lấy mất”. Phía cảnh sát hiện giờ vẫn chưa thể tìm ra đồng tiền. Họ cho rằng, vật chứng quý giá này hoặc đã được chuyển ra nước ngoài, hoặc đã bị nấu chảy để chia thành nhiều mảnh nhỏ.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.