Vụ một bệnh nhân tử vong tại Phòng khám đa khoa Maria (Hà Nội):

Đừng để “con voi chui lọt lỗ kim”!

Thứ Sáu, 20/07/2012, 17:00

4 “bác sĩ” người Trung Quốc đã “tháo chạy” khỏi Phòng khám đa khoa Maria sau khi một bệnh nhân nữ đột ngột tử vong tại phòng khám vào tối 14/7 vừa qua. Vụ việc này chỉ là giọt nước tràn ly sau một loạt những “lùm xùm” xảy ra tại phòng khám này khiến người dân hết sức bức xúc. Những sai phạm tại Phòng khám đa khoa Maria là hệ quả tất yếu từ sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, đã đến lúc phải được xử lý nghiêm.

Bệnh nhân tử vong, “bác sĩ” Trung Quốc biến mất

Theo điều tra của Công an quận Đống Đa, khoảng 17h ngày 14/7, chị Nguyễn Thị Thu Phong (35 tuổi), ở khu phố 7 phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, nhân viên Ngân hàng Ngoại thương, Chi nhánh Giang Văn Minh (Hà Nội) đến Phòng khám đa khoa Maria (65-67 phố Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) để khám bệnh. Tại đây, Zhou Ji Anjao (41 tuổi), quốc tịch Trung Quốc là người trực tiếp khám, ghi sổ bệnh nhân cho chị Phong đã xác định chị bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, cần điều trị đốt lộ tuyến cổ tử cung.

Khoảng 19h25, sau khi ghi hồ sơ khám bệnh, kê đơn thuốc cần sử dụng, ông Zhou chuyển chị Phong lên tầng 6. Tại đây y tá Bùi Thị Thắm (23 tuổi) trực tiếp truyền đường 0,5% cho chị Phong theo sự chỉ định của bà Deng Qin Zhi (35 tuổi,  người trực tiếp làm thủ thuật cho bệnh nhân Phong). Zhang Ling Gong (27 tuổi) thực hiện gây mê, còn bà Deng tiến hành đốt lộ tuyến tử cung cho chị Phong. Sau đó chị Phong được nằm nghỉ tại đây và có hiện tượng ngạt mũi, Zhang đã cho chị thở oxy và chỉ định y tá Thắm tiêm 2 ống Dexame thasame.

Khoảng 30 phút sau, chị Phong tỉnh táo, y tá Thắm đã tháo máy thở oxy và đưa chị Phong xuống tầng 5 tiếp tục truyền kháng sinh. Tại đây có 3 y tá gồm Nguyễn Thị Thúy (23 tuổi), Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi), Hồ Thị Lương (22 tuổi) có trách nhiệm trông coi chị Phong.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/20_phong1180-450.jpg
Phòng khám đa khoa Maria tại 65-67 Thái Thịnh.

Đến khoảng 20h47 chị Phong gọi điện thoại cho em chồng là chị Nguyễn Thị Đức ở phường Vạn Phúc, Hà Đông, nói ra phòng khám đón vì thấy chóng mặt. Khi gia đình chị Phong ra Phòng khám Maria phải ngồi chờ, không được gặp chị Phong. Gần 1 tiếng sau có xe cấp cứu 115 đến. Gia đình chị Phong lúc này mới nhận được thông báo chị Phong đã tử vong.

Ông Nguyễn Văn Nhất, bố chồng chị Phong cho biết: "Gia đình chúng tôi ngồi chờ gần tiếng đồng hồ, một nữ y tá làm hướng dẫn ở tầng 1 mới cho tôi lên tầng 5 để vào phòng con dâu tôi đang điều trị. Tại đây, một bác sĩ từ trong phòng đi ra hỏi người nhà bệnh nhân, tôi xưng tên thì ông bác sĩ này ghi luôn tên tôi vào tờ biên bản mà ông ta đã cầm sẵn trên tay. Tôi ngoái nhìn thấy đó là tờ biên bản tử vong có ghi tên con dâu tôi thì dựng hết tóc gáy, liền hỏi bác sĩ tại sao như vậy. Khi đó, ông bác sĩ mới cho biết con dâu tôi đã chết. Tôi như người mất hồn, vội vàng chạy vào phòng bệnh, thấy thi thể con dâu đã lạnh buốt, cứng đờ, chắc chắn đã mất trước đó khá lâu…". Cách hành xử của phòng khám đã gây bức xúc cho gia đình nạn nhân Phong. Rất đông người nhà nạn nhân và người dân đã tụ tập, quây kín Phòng khám Maria. 

Sau khi nhận được thông tin, Công an quận Đống Đa đã trưng cầu Viện Pháp y quân đội, Viện KSND TP Hà Nội, Viện KSND quận Đống Đa để tiến hành pháp y tử thi, xác định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Phong. Bước đầu qua khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Công an đã thu giữ một số giấy tờ và lọ dịch truyền, chuyển Cơ quan Pháp y quân đội để phục vụ công tác điều tra.

Thời điểm sau khi bệnh nhân Phong tử vong, 3 bác sĩ người Trung Quốc trực tiếp khám và điều trị là Zhou Ji Anjao, Deng Qin Zhi và Zhang Ling Gong đã bỏ đi khỏi bệnh viện, đồng thời không có mặt tại nơi tạm trú nên Công an quận Đống Đa chỉ triệu tập được 4 y tá trực ở phòng khám.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/21_hoa1180-450.jpg
Hóa đơn bệnh nhân Phong đã trả tiền.

Cũng theo kết quả điều tra của Công an quận Đống Đa, Phòng khám Maria thuộc Công ty Cổ phần và Đầu tư An Thịnh được thành lập ngày 30/10/2010 do ông Nguyễn Doãn Hà (33 tuổi) ở tổ 52 phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa là giám đốc. Công ty đã giao cho bà Nguyễn Thanh Vân (43 tuổi) ở phố Cao Bá Quát, quận Ba Đình làm Phó giám đốc trực tiếp quản lý. Phòng khám do bà Đỗ Thị Na (Đỗ Y Na – 64 tuổi), là thạc sĩ - bác sĩ đứng tên và chịu trách nhiệm về chuyên môn.

Phòng khám Maria có các chức năng: khám chuyên khoa nội, khám chuyên khoa ngoại, khám chuyên khoa nhi, khám phụ khoa - kế hoạch hóa gia đình (gồm khám chữa bệnh phụ khoa thông thường như nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường sinh sản; đặt thuốc âm đạo; đốt điều trị lộ tuyến tử cung; soi cổ tử cung; đặt vòng, hút thai đối với thai nhỏ hơn hoặc bằng 6 tuần tuổi). Trong đó phụ trách phòng khám phụ khoa là ông Dong Chang Rui (39 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú tại số 4/206 ngõ Thịnh Quang, phường Thịnh Quang). Khi bệnh nhân Phong tử vong, ông Dong không có mặt tại phòng khám và cũng không có ở nơi tạm trú.

Để phục vụ công tác điều tra, Công an quận Đống Đa đã phối hợp với PC45 Công an Hà Nội làm thủ tục cấm xuất cảnh, đồng thời tổ chức truy tìm 4 đối tượng người Trung Quốc gồm Dong Chang Rui, Zhou Ji Anjao, Deng Qin Zhi và Zhang Ling Gong. Chỉ huy Công an quận Đống Đa cho biết, do vụ việc có liên quan đến người nước ngoài nên sau khi khởi tố vụ án hình sự, Công an quận Đống Đa sẽ chuyển hồ sơ tới PC45 tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

"Đá bóng" trách nhiệm?

Vụ việc bệnh nhân tử vong trên dường như chỉ là "giọt nước tràn ly" nối tiếp một loạt các sai phạm đã xảy ra tại Phòng khám đa khoa Maria. Riêng trong năm 2011, phòng khám này đã từng bị xử phạt hành chính với các lỗi quảng cáo quá mức cho phép, quảng cáo không đúng với nội dung hành nghề, sử dụng bác sĩ nước ngoài hành nghề không phép…

Mới đây nhất, ngày 27/6, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã lập biên bản xử phạt phòng khám số tiền 11.500.000 đồng, sau khi kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm, như: thu phí một số dịch vụ kỹ thuật khi chưa niêm yết giá; không thực hiện đầy đủ việc ghi chép hồ sơ, sổ sách bệnh án của bệnh nhân; quảng cáo không đúng nội dung quảng cáo đã được cơ quan chức năng cấp phép... Việc xử phạt này xuất phát từ đơn tố cáo của chị Đ.T.K.Q, 35 tuổi, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Giữa tháng 4/2012, chị Q. đến kiểm tra vòng tránh thai tại Phòng khám đa khoa Maria, được bác sĩ chẩn đoán bị sùi mào gà và có dấu hiệu ung thư. Sau 4 ngày điều trị, chị Q. đã phải chi trả gần 24,4 triệu đồng, nhưng bác sĩ yêu cầu chị phải điều trị 15 ngày mới đỡ. Do không đủ điều kiện kinh tế nên chị Q. đã đến một bệnh viện Nhà nước kiểm tra. Bệnh viện kết luận sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội, việc các phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin từ báo chí đến truyền hình trong thời gian gần đây, nội dung quảng cáo ấn tượng chữa trị được rất nhiều bệnh đã gây cho người dân có niềm tin cao được cứu chữa khi đến những địa chỉ này điều trị bệnh.

Thực tế bệnh nhân đã phải chi trả một khoản chi phí rất cao trong khi hiệu quả chữa bệnh cũng như chất lượng các loại thuốc, trình độ chuyên môn của các bác sĩ Trung Quốc tại đây lại chưa có cơ quan nào kiểm nghiệm. Vai trò quản lý Nhà nước đối với loại hình khám chữa bệnh này đang bị buông lỏng, tâm lý sính bác sĩ ngoại của một bộ phận người dân đã dẫn tới hậu quả “tiền mất, tật mang”.

Liên quan đến việc bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong tử vong, sáng 16/7, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tạm  đình chỉ hoạt động của Phòng khám đa khoa Maria, đồng thời lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội  có buổi làm việc với bác sĩ Đỗ Y Na.

Tại buổi làm việc bà Na cho biết, bà hoàn toàn không biết thông tin về các hoạt động của phòng khám trong suốt thời gian qua bởi ngày 3/2/2011 bà đã có đơn gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị xin thôi giữ chức Trưởng Phòng khám Maria với lý do sau khi đi vào hoạt động, Ban Giám đốc Công ty cổ phần và đầu tư An Thịnh đã có ý định hướng phát triển chuyên khoa sản phụ trong khi bà Na lại là bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch nên không đủ khả năng chuyên môn để phụ trách phòng khám.

Bà Na cho rằng, việc bà vẫn đứng tên phòng khám là bất khả kháng và đã ủy quyền cho bác sĩ Phạm Thị Minh Trang (61 tuổi) - chuyên khoa ngoại sản, đứng tên và có trách nhiệm giải quyết mọi công việc khi bà Na vắng mặt. Bà Na cho biết từ lâu không nhận lương của phòng khám và hoàn toàn không có thông tin về nhân sự của phòng khám do bà đứng tên phụ trách cũng như không rõ về những trường hợp bác sĩ người Trung Quốc đang hành nghề khám chữa bệnh tại phòng khám này (?!)

Chớ để "con voi chui lọt lỗ kim"!

Trong khi người chịu trách nhiệm quản lý phòng khám "không biết gì" thì  chiều 16/7, khi tới khu vực Phòng khám  đa khoa Maria, chúng tôi  được  những người dân sinh sống xung quanh phòng khám thông tin khá chi tiết về hoạt động của các "bác sĩ" người Trung Quốc tại đây. Họ cho biết đầu năm 2011, khi phòng khám khai trương và đi vào hoạt động đã thuê 2 ngôi nhà 5 tầng ở ngõ đối diện phòng khám làm nơi ở cho "bác sĩ" Trung Quốc và chuyển cả bệnh nhân điều trị sang đó.

Ngoài ra, Phòng khám Maria còn  thuê  một ngôi nhà 4 tầng trong ngõ 67 Thái Thịnh, chuyên phục vụ ăn uống cho những "bác sĩ" người Trung Quốc làm việc tại đây. Cũng theo người dân thì không chỉ có 4 bác sĩ Trung Quốc làm việc ở phòng khám này. Số người Trung Quốc làm việc tại phòng khám còn có thể đông hơn bởi có thời gian, họ thấy khoảng gần 20 người Trung Quốc cả nam và nữ từ phòng khám vào ngôi nhà trên ăn trưa.

Khi được hỏi đã bao giờ vào phòng khám này chữa bệnh chưa, hầu hết những người dân sống xung quanh phòng khám đều lắc đầu với lý do mức phí quá đắt trong khi không biết hiệu quả chữa bệnh thật sự đến đâu. "Chúng tôi được biết phòng khám này thuê địa điểm có giá 500 triệu đồng/tháng, chi phí quảng cáo nhìn cũng biết là rất lớn. Nào quảng cáo trên báo, truyền hình, biển quảng cáo tấm lớn trên các tuyến đường. Thậm chí, cửa hàng mặt phố cũng được họ phát miễn phí ô che nắng cỡ lớn, bút bi… để quảng cáo cho phòng khám. Những chi phí ấy, không lấy từ tiền của người bệnh thì lấy ở đâu? Bảo làm sao người nào vào khám cũng có bệnh. Người nào vào khám, điều trị cũng mất đến mấy chục triệu" - một người bán hàng nước phân tích rồi cho biết thêm: "Nhiều người vào khám xong ra than thấy quảng cáo hay quá vào khám thử xem sao, không ngờ bác sĩ phán toàn bệnh nặng, không chữa thì lo mà chữa thì tốn kém quá. Tôi cũng chẳng hiểu quảng cáo thế nào mà nhiều bệnh nhân tận Điện Biên, Lai Châu cũng mò xuống phòng khám này. Rõ khổ, vừa tốn tiền điều trị, lại mất tiền ăn ở nữa chứ".

"Suy cho cùng vẫn là công tác quản lý của cơ quan chuyên môn quá lỏng lẻo, để các "thầy" Trung Quốc tự tung tự tác. Mà trình độ chuyên môn của các bác sĩ này thế nào, ai mà biết được. Nếu là bác sĩ giỏi chắc chắn chẳng sang đây làm gì, họ phải làm việc ở các bệnh viện lớn kia. Còn bác sĩ này, biết đâu lại chỉ là mấy tay lang băm?" - Một bác hành nghề xe ôm bày tỏ bức xúc - "Phòng khám hoạt động mới hơn một năm mà liên tục vi phạm như vậy, mức xử phạt hành chính thì quá nhẹ không đủ sức răn đe. Bác sĩ Trung Quốc vẫn hành nghề. Phòng khám vẫn quảng cáo rầm rộ. Nếu không xử lý nghiêm thì chúng tôi e rằng chuyện "con voi chui lọt lỗ kim" là có thật"

Hương Vũ
.
.