Cuộc chiến chống tội phạm trên không gian mạng: Đừng tự biến mình thành con mồi

Thứ Hai, 20/04/2020, 22:35
Có thể nói, các loại tội phạm trên không gian mạng đang trở thành những thách thức đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng như với từng người dân.

Chủ động phòng ngừa

Trở lại những vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng xảy ra trong thời gian qua, theo Công an Hà Nội, có những nguyên nhân sau đây. Trước hết là do nạn nhân đa số là những cháu nhỏ, ít tuổi nên thiếu hiểu biết, nhận thức còn hạn chế; thích tò mò tìm hiểu, không có khả năng tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của các đối tượng. Cá biệt có những nạn nhân có lối sống ăn chơi đua đòi, thích hưởng thụ.

Thứ hai, đối tượng hầu hết có mối quen biết với nạn nhân (hoặc gia đình nạn nhân), do vậy nên thiếu sự cảnh giác, đề phòng. Chỉ khi xảy ra chuyện thì gia đình bị hại mới biết. Thứ ba, một số gia đình kinh tế khó khăn, cha mẹ không có điều kiện chăm sóc dạy dỗ quản lý con cái. Những đứa trẻ trở nên bơ vơ, trở nên hư hỏng. Thứ tư, khi xảy ra hành vi xâm hại thì cha mẹ và những người có trách nhiệm lại thường mang tâm lý muốn giấu, sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và tương lai của các cháu; thường muốn thỏa hiệp hoặc bồi thường để đối tượng không bị xử lý trước pháp luật.

Công an Hà Nội sử dụng thiết bị chuyên dụng đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng.

Để hạn chế những điều kiện dẫn đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, Cơ quan Công an khuyến cáo cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hình sự, hôn nhân gia đình, pháp luật về chăm sóc giáo dục bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. Vận động nhân dân tham gia tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, trong đó khuyến khích trẻ em là nạn nhân và gia đình tố giác tội phạm. Trẻ em cần được gia đình, nhà trường hướng dẫn bảo vệ trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội; chủ động xác minh nắm tình hình diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, có kế hoạch phòng ngừa ngăn chặn những đối tượng có nguy cơ phạm tội; đối tượng người nước ngoài có quá khứ xâm hại tình dục trẻ em nhập cảnh vào Việt Nam; Tăng cường công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em kết hợp với công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung.

Nâng cao ý thức cảnh giác

Đối với các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời gian qua Bộ Công an cũng như Công an các tỉnh, TP trên cả nước đã liên tục ra khuyến cáo đến người dân, các tổ chức cá nhân nâng cao ý thức, cảnh giác.

Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an, thời gian qua đơn vị đã khám phá nhiều vụ án liên quan đến lừa đảo qua mạng. Ví dụ như việc nhắn tin, gọi điện thoại giả danh các cơ quan chức năng như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Quân đội... "Từ 1-2 năm trước đã Cơ quan Công an đã tổ chức điều tra khám phá các vụ liên quan đến nhiều đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc). Công an đã bắt và đang giam giữ số đối tượng này", Thiếu tướng Hà khẳng định.

Một nhóm đối tượng trong đường dây giả danh Công an, Viện kiểm sát lừa đảo bị bắt giữ.

Cục trưởng Cục CSHS cho biết thêm, khi hình thức lừa đảo trên mạng xảy ra nhiều, đơn vị đã phối hợp, tuyên truyền rất nhiều. "Cơ quan truyền thông cũng phải vào cuộc cùng để nâng cao nhận thức của người dân, cảnh giác trước loại tội phạm này", ông Hà cho biết.

Khoảng tháng 11/2019, Cục CSHS đã thông báo một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm dùng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cảnh giác trước những hành vi sau: giả nhà mạng thông báo nợ cước rồi mạo danh Công an, Viện Kiểm sát "dọa" nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy; thông qua mạng xã hội Facebook... làm quen, chuyển quà; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo bạn bè, người thân của nạn nhân.

Còn theo đại diện Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, thời gian vừa qua lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hám lợi của một số công nhân, người lao động tự do, sinh viên, người dân ở các vùng nông thôn… đối tượng tội phạm người nước ngoài đã thuê người Việt Nam làm đầu mối đứng ra thuê các lao động tự do, công nhân, sinh viên… đến ngân hàng mở tài khoản chính chủ, đăng ký làm thẻ ATM, sim liên kết tài khoản ngân hàng, thiết bị Token (là thiết bị do ngân hàng cung cấp để lấy mã khi chuyển khoản qua Internet banking).

Sau đó, những tài khoản, thẻ ATM này được thu gom bán lại cho các đối tượng lừa đảo để thu lợi, mà không cần biết các đối tượng sử dụng tài khoản của mình để làm gì. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng tiền chiếm đoạt được của bị hại để mua, bán tiền kỹ thuật số (bitcoin) trên các sàn mua, bán tiền kỹ thuật số khác nhau, hoặc lợi dụng các cá nhân cung cấp dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế không thông qua ngân hàng, thay cho hình thức rút tiền mặt trực tiếp tại cây ATM, chi nhánh ngân hàng như trước đây.

Khi đã có trong tay các tài khoản ngân hàng, nhóm đối tượng sẽ giở các màn kịch khác nhau nhằm khiến bị hại mất cảnh giác, sa vào bẫy của chúng. Điển hình như đối tượng gọi điện thoại trực tiếp cho bị hại giả làm người quen lâu ngày không gặp, sau khi hỏi thăm về tình hình sức khỏe, công việc, cuộc sống, các đối tượng thông báo với người bị hại là có người quen ở công ty xổ số cho số để đánh "lô, đề" chắc chắn sẽ trúng thưởng. Mục đích cuối cùng là đề nghị người bị hại chuyển tiền cho các đối tượng để đánh "lô, đề" hộ, sau đó chiếm đoạt.

Thứ nữa, đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục… gọi điện thoại đến máy điện thoại bàn, di động, thông báo cho người bị hại là họ đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng… Khi bị hại trả lời là không có những việc trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy cho bị hại nói chuyện với cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để trình báo…

Tiếp theo, đối tượng tiếp tục thông báo cho bị hại là họ đang liên quan đến các vụ án, chuyên án của cơ quan Công an đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… và đã có lệnh bắt của Tòa án, Viện Kiểm sát, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. Các đối tượng yêu cầu người bị hại phải luôn nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và không được kể cho người khác việc đang làm với cơ quan pháp luật.

Để người bị hại tin tưởng, các đối tượng sử dụng các phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng Internet có thể hiển thị số gọi đến là số điện thoại của cơ quan Công an (chỉ khác đầu số gọi đến) nên khi người bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080, qua mạng Internet… thì cũng không phát hiện được.

Nhóm lừa đảo vừa dùng những lời lẽ đe dọa về việc người bị hại sẽ bị bắt tạm giam để điều tra, vừa nói sẽ xem xét tạo điều kiện nếu như người bị hại thành khẩn khai báo rồi yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra khiến người bị hại sợ bị bắt giam, mất danh dự, uy tín nên phải chuyển tiền theo yêu cầu.

"Với thủ đoạn này, đối tượng phạm tội mới đây đã chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng của một cá nhân trên địa bàn thành phố. Số tiền bị chiếm đoạt có thể còn nhiều hơn nữa, nếu người bị hại không đi vay thêm 5 tỷ đồng, và được bạn bè hỏi lý do vay tiền, thì mới kịp bừng tỉnh", đại diện Phòng CSHS cho biết.

Ngoài các thủ đoạn phổ biến nêu trên, hiện tượng đối tượng chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội, chủ yếu là tài khoản facebook, tập trung vào những người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại nước ngoài để nhắn tin nhờ bạn bè người quen nhận tiền hộ từ nước ngoài, xin người bị hại số tài khoản, điện thoại… cũng rộ lên trong thời gian gần đây.

Khi đã chiếm được lòng tin của bị hại, đối tượng sẽ gửi các tin nhắn giả mạo thông báo nhận tiền chứa các đường link website giả mạo các dịch vụ nhận tiền từ nước ngoài như: MoneyGram, Western Union… hoặc trang web của các ngân hàng tại Việt Nam. Các website giả mạo này yêu cầu người bị hại phải nhập các thông tin tài khoản ngân hàng như: ID, mật khẩu tài khoản InternetBanking, tên, số thẻ…

Sau khi có thông tin InternetBanking, các đối tượng đăng nhập và chuyển tiền trong tài khoản của người bị hại đến các tài khoản của đối tượng. Lúc này, đối tượng yêu cầu người bị hại cung cấp mã OTP ngân hàng cung cấp để nhận tiền nhưng thực chất là để các đối tượng chuyển tiền ra khỏi tài khoản của người bị hại.

5 thủ đoạn phổ biến của tội phạm trên không gian mạng

Mới đây Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an thông báo một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm dùng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đồng thời, khuyến cáo người dân cảnh giác trước những hành vi sau:

1. Thông qua kết nối mạng Internet (VoIP), các đối tượng gọi điện đến số điện thoại cố định thông báo chủ thuê bao đang nợ tiền cước, đang bị nhà mạng khởi kiện. Sau đó, chúng nối máy với các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát để giải quyết.

Các đối tượng này thông báo với người bị hại đang liên quan đến vụ án rửa tiền, mua bán ma túy xuyên quốc gia, tiền trong tài khoản của bị hại liên quan đến các vụ án này, đã có lệnh bắt giam; để chứng minh sự trong sạch phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng chỉ định hoặc tài khoản của bị hại nhưng lấy số điện thoại chúng cho trước để đăng ký Internetbanking. Khi người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng nhanh chóng rút tiền hoặc chuyển sang tài khoản khác rồi rút tiền và chiếm đoạt.

2. Thông qua các trang mạng xã hội facebook, Zalo, Viber để làm quen, hứa gửi hàng, tiền, đô la có giá trị lớn, yêu cầu người bị hại cung cấp địa chỉ, số điện thoại để chúng gửi. Vài ngày sau, chúng đóng vai nhân viên Bưu điện hoặc Hải quan, kiểm tra phát hiện hàng có vi phạm, nếu muốn nhận phải đóng phí, thuế, tiền phạt… yêu cầu chuyển tiền, thuế hoặc tiền phạt vào tài khoản do chúng chỉ định và bị chiếm đoạt.

3. Đối tượng gọi điện thoại cho người bị hại thông báo là người của các Công ty xổ số đang thực hiện việc triệt phá các tụ điểm ghi số lô đề trái phép, đề nghị người bị hại phối hợp.

Công ty xổ số sẽ bỏ tiền, còn người bị hại chỉ đi ghi hộ và sẽ trích thưởng thỏa đáng nhưng sau đó chúng tạo cớ không đến được đề nghị người bị hại bỏ tiền ghi hộ; nếu kết quả đúng số lô đề mà chúng cho thì sẽ đề nghị người bị hại bỏ tiền thỏa thuận và xem xét cho người bị hại ghi số tiếp tục nếu trúng thì đối tượng vẫn liên lạc, nếu không sẽ bỏ sim và chiếm đoạt số tiền người bị hại đã chuyển đến.

4. Thông qua các trang mạng xã hội đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản cá nhân của bị hại. Sau đó, sử dụng tài khoản đó để nhắn tin đề nghị người thân bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại theo hướng dẫn của chúng và bị chiếm đoạt.

5. Nhắn tin thông báo người bị hại đã trúng một giải thưởng có giá trị lớn, yêu cầu đóng góp ủng hộ Quỹ người nghèo, tàn tật bằng cách chuyển tiền vào tài khoản chúng cho trước hoặc mua thẻ điện thoại chuyển thông tin cho các đối tượng, sau đó bị các đối tượng chiếm đoạt.

Cục CSHS khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, đặc biệt là trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.


M. Tiến - M. Trí
.
.