Đường lối quốc phòng của Thụy Sĩ

Thứ Sáu, 11/12/2009, 20:40
Liên bang Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập, khiến nhiều người nghĩ nước này không cần thiết phải có lực lượng vũ trang. Sự thật chẳng phải vậy, người Thụy Sĩ luôn dành những khoản ngân sách đáng kể cho công cuộc bảo vệ đất nước.

"Kể từ sau Thế chiến II tới nay, miền đất vốn thanh bình này lại sống trong cảnh chiến tranh cứ vào mỗi thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần", đó là lời nhận xét đậm chất hài hước nhưng rất "chí lý" của ông Javier Solana, nguyên Tổng thư ký khối NATO và Ủy viên Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU).

Quả đúng vậy, trong các kỳ nghỉ cuối tuần hàng nghìn công dân Thụy Sĩ thường rủ nhau khoác những bộ đồng phục kaki xanh lên người, nô nức tới các sân tập bắn - hiện diện nhan nhản khắp nơi, cùng lăn lê bò toài giữa những tiếng súng nổ chát chúa, còn trên trời là tiếng gầm rú của các máy bay quân sự siêu thanh mới nhập cảng từ EU và Mỹ, bay tới bay lui trên rặng Alpes tuyết phủ...

Trong lịch sử người Thụy Sĩ là những chiến binh điêu luyện, hiếm có kẻ thù nào chinh phục được đất nước họ - chủ yếu do địa hình quá ư hiểm trở, cũng như  khả năng phòng thủ hữu hiệu của dân chúng; hay như câu ngạn ngữ truyền đời ở xứ này: "Toàn dân là chiến sĩ".

Trong màn cuối thuộc vở bi kịch bất hủ "Hamlet" của Đại văn hào W.Shakespeare, nhà vua Đan Mạch đã phán: "Những người bạn Thụy Sĩ của ta đâu rồi? Hãy để họ trấn giữ cửa nẻo!", thể hiện sự coi trọng phẩm chất tinh nhuệ của sắc dân này. Cho đến tận bây giờ, trải qua nhiều thế kỷ, Tòa thánh Vatican vẫn chỉ sử dụng duy nhất đạo quân vệ binh rặt... người Thụy Sĩ oai phong lẫm liệt - dám "xả thân", phần nào đã nói lên lòng kiên trung quả cảm "sẵn sàng xung trận" của họ.

Tuần tra địa bàn.

Nhưng gần đây danh tiếng của đạo quân vẻ vang ấy đột nhiên bị "hạ bệ" không phải trên bình diện quốc tế, mà ngay ở trong nước - dựa theo kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý. Có cả thảy 68,6% tổng số người Thụy Sĩ trưởng thành đã tham gia - con số cử tri đông hơn bất kỳ dịp bầu cử nào trong vòng 15 năm trở lại đây, trong đó có 35,6% đại diện của "phái yếu" (phụ nữ Thụy Sĩ chỉ mới giành được quyền bầu và ứng cử vào năm 1971). Kết quả cuối cùng: tuy lực lượng vũ trang vẫn được duy trì, nhưng cần phải cải tổ mạnh mẽ - song song với việc cắt giảm đáng kể những nguồn chi cho ngân sách quốc phòng.

Dĩ nhiên quân đội sẽ không bị giải thể - như ý kiến của 15% số người được hỏi (trên thế giới duy nhất chỉ có Cộng hòa Costa Rica là xảy ra điều này qua cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1949), nhưng đó là một ý tưởng khiến đa phần người Thụy Sĩ "choáng váng".

Với một đất nước có quá nhiều sự khác biệt nội bộ: tín ngưỡng, ngôn ngữ, tập tục... ở giữa là một chính phủ liên bang "lỏng lẻo" quy tụ các chính kiến, đảng phái khác nhau, thì vai trò của quân đội luôn được đề cao - là lực lượng chủ chốt bảo vệ sự thống nhất dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Đa phần người Thụy Sĩ coi quân đội là "trường học quốc thể", thậm chí còn là "hạt nhân của khối đoàn kết dân tộc". Quân lực được "rải đều" tại các địa hạt khác nhau, tạo khả năng can thiệp kịp thời trước những vụ đối kháng bột phát luôn tiềm ẩn giữa các sắc dân có tôn giáo và tiếng nói khác biệt.

Theo truyền thống, việc thi hành nghĩa vụ quân sự là một vinh dự lớn lao của người Thụy Sĩ (riêng nữ giới được miễn). Mọi nam công dân đủ 20 tuổi đều được gọi nhập ngũ, xung vào các trung tâm huấn luyện với khóa đào tạo "khởi điểm" kéo dài 17 tuần lễ. Sau đó, những chiến sĩ mới ưu tú nhất sẽ được giữ lại để tham gia quân đội chuyên nghiệp, số còn lại rời bỏ quân trường chuyển sang ngạch dự bị. Với chiến sĩ dự bị từ 21 đến 32 tuổi, hàng năm đều được gọi trở lại quân đội trong những khóa rèn luyện kéo dài chừng 3 tuần lễ, rồi lần lượt được thăng cấp hàm tương ứng với số thời gian trực tiếp "mặc áo lính".

Hạ sĩ quan dự bị phải phục vụ quân đội tổng cộng tối thiểu là 360 ngày trong cả đời, riêng với cấp đại tá - hàm sĩ quan dự bị cao nhất - tối thiểu là 5 năm. Bất cứ binh sĩ dự bị nào cũng được trang bị thường trực tại gia: súng tự động, đạn dược, lựu đạn, mìn cá nhân... cũng như các trang thiết bị quân dụng cần thiết khác. Bất kỳ ai từ chối thực thi luật quốc phòng toàn dân đều bị trừng phạt nặng nề, kẻ trốn thi hành nghĩa vụ quân sự sẽ bị tống giam tối đa là 12 tháng.

Người dân đi "dã ngoại" cuối tuần.

Hàng năm chi khoảng 3 tỉ USD cho các nhu cầu phòng thủ, chưa kể khoản 1,3 tỉ USD tiền lương cho binh sĩ chính quy cũng như số lượng quân dự bị đông đảo khác, trở thành một "gánh nặng tài chính" thực sự. Một vài biện pháp đáp ứng các đòi hỏi từ cuộc trưng cầu dân ý đã được thực thi, phần nào "gây tổn thương tới vai trò sống còn của "siêu cường" Thụy Sĩ trong phạm trù quân sự" - như nguyên văn lời nhận định của nhà xã hội học Carl Shatner, Ủy viên Hội đồng điều hành Trung tâm Chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Zurich.

Riêng Trung tướng André Blattmann, Tổng tư lệnh Quân lực Liên bang vừa công bố quyết định giảm niên hạn tại ngũ từ 3-5 năm tùy theo chức trách đang phục vụ, đồng thời quy định giới hạn tối đa cho lực lượng dự bị nói chung là 42 tuổi

T.H. (theo The Times)
.
.