EU bị kiện ra tòa án hình sự quốc tế

Thứ Ba, 11/06/2019, 07:22
Một nhóm luật sư quốc tế vừa nộp hồ sơ lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) yêu cầu truy tố Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia thành viên với cáo buộc “phạm tội ác chống lại loài người” trong việc áp dụng chính sách đối với người di cư từ châu Phi cách đây vài năm.

Hồ sơ pháp lý dày 245 trang đưa ra những chứng cứ, văn bản, thư tín, trích dẫn phát ngôn, nhằm chứng minh các lãnh đạo châu Âu đã “cố ý hy sinh mạng sống của người di cư trên biển, chỉ với mục tiêu duy nhất là nhằm khuất phục những người khác nản chí từ bỏ ý định tìm kiếm thiên đường ở châu Âu”.

Hai tác giả chính của hồ sơ - Juan Branco, từng làm việc tại ICC và Bộ Ngoại giao Pháp và Omer Shatz, một luật sư người Israel đang giảng dạy tại trường đại học danh tiếng Sciences Po ở Paris - đưa ra cáo buộc gay gắt rằng các quan chức và chính khách EU đã tố tình tạo ra “con đường di cư chết người nhiều nhất thế giới”, với 12.000 người đã bỏ mạng.

Những cáo buộc đưa ra trong hồ sơ nhằm vào ban lãnh đạo EU và các quốc gia thành viên có liên quan trong vấn đề người di cư gồm Đức, Italia và Pháp. Hồ sơ không nêu đích danh chính khách cụ thể nào phải chịu trách nhiệm nhưng có trích dẫn những phát ngôn của từng người, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cáo buộc “tội ác chống lại loài người” một phần dựa trên cơ sở các văn bản giấy tờ nội bộ của Frontex, cơ quan phụ trách bảo vệ biên giới EU. Theo các luật sư, các văn bản này chứa đựng những lời cảnh báo từ Frontex rằng việc từ bỏ chính sách cứu hộ người di cư, còn gọi là chính sách Mare Nostrum, có thể dẫn đến số thương vong tăng đột biến.

Hồ sơ nêu: “Để dập dòng người di cư từ Libya bằng mọi giá... thay cho hoạt động cứu hộ và đưa lên bờ an toàn như pháp luật quy định, EU đã triển khai một chính sách ép buộc chuyển người di cư trở lại các trại tập trung dã chiến ở Libya để làm mồi cho bọn tội phạm hung hãn”.

Chính sách tìm kiếm và cứu hộ Mare Nostrum được triển khai vào tháng 10-2013, và ngay lập tức mang lại thành công to lớn, cứu vớt được 150.810 người di cư chỉ trong thời gian 364 ngày. Tuy nhiên, sang năm 2014 thì nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách này bắt đầu vang lên, cho rằng chính sách này không có đủ tác động về mặt nhân đạo và thời điểm đó cũng đang có một sự chuyển hướng từ hỗ trợ trên biển sang hỗ trợ trên đất liền.

Các quan chức EU khi đó muốn chấm dứt chính sách Mare Nostrum để giảm số người vượt biên và những cái chết liên quan. Và EU đã chuyển từ chính sách cứu hộ Mare Nostrum sang chính sách mới có tên gọi là Triton. Công tác hỗ trợ cứu hộ người di cư trong chính sách Triton chỉ triển khai trong phạm vi 30 hải lý tính từ bờ biển Lampedusa của Italia, còn vùng 40 hải lý ngoài khơi bờ biển Libya thì bỏ ngỏ, không hỗ trợ.

Ngoài ra, số lượng tàu cứu hộ tham gia hỗ trợ người di cư cũng cắt giảm đáng kể. Cho nên, khi chính sách Mare Nostrum chấm dứt, không những vấn đề vượt biên không giảm mà ngược lại số người chết đã tăng gấp 30 lần.

Bên trong trại tập trung ở Gheryan, Libya.

Mặt khác, chính sách Triton còn ép buộc đưa hàng trăm ngàn người di cư trở lại bờ biển Libya và đưa họ vào các cơ sở tập trung dã chiến. Hồ sơ viết: Chính sách Triton đã tấn công một cách có tổ chức vào những dân thường vô tội mà ICC hoàn toàn có thẩm quyền tư pháp để xem xét xử lý. Các quan chức EU và các nước thành viên đã biết trước và ý thức đầy đủ về các hậu quả chết người của việc thực hiện chính sách Triton.

Để chứng minh, hồ sơ pháp lý dẫn ra một báo cáo nội bộ của Frontex đề ngày 28-8-2014 thừa nhận rằng “việc rút bớt tài sản hải quân trên biển nếu không được trù tính kỹ và thông báo trước có thể sẽ dẫn đến số người chết cao hơn”. Báo cáo cho biết, vụ chết đuối tập thể đầu tiên xảy ra vào ngày 22-1-2015, với 365 người chết tại khu vực gần bờ biển Libya.

Trong “tuần lễ đen tối” từ 12 đến 18-4-2015, xảy ra 2 vụ chìm thuyền trên biển liên tiếp làm chết 1.200 người. Cũng như tai nạn chìm thuyền chết đuối, việc ép buộc quay trở lại các trại tập trung dã chiến đối với 40.000 người khiến họ có nguy cơ bị tra tấn, hành quyết và nhiều hình thức hành hạ khác do các tay súng phiến quân gây ra.

Hiện EU vẫn không thừa nhận những cáo buộc nêu trong hồ sơ pháp lý của các luật sư. Một người phát ngôn EU cho báo chí biết EU bảo lưu quan điểm đúng đắn về các chính sách đối với người di cư là bảo vệ sinh mạng mọi người trong suốt chặng đường di cư của họ. Đây là một nhiệm vụ không một ai có thể đơn phương thực hiện.

Người phát ngôn EU cho rằng hành động của khối trong vấn đề người di cư dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và của châu Âu, vì vậy EU không thể thực hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ bên trong hải phận của Libya và việc đó phải do phía Libya thực hiện. Ngoài ra, người phát ngôn EU cũng cho biết thêm khối này đã thúc đẩy chính quyền Libya xây dựng và vận hành các cơ chế nhằm cải thiện cách đối xử với người di cư được lực lượng Bảo vệ bờ biển Libya cứu hộ trên biển đưa vào các trại tập trung. Tuy nhiên, hiệu quả của hành động này chưa rõ ràng. Thực tế tình trạng đối xử với người di cư trong các trại tập trung ven biển Libya là đáng báo động.

Báo cáo tổng hợp của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) hôm 29-5 đã đưa ra lời cảnh báo hầu hết người di cư trong các trại tập trung ở Libya đang gặp nguy hiểm cao độ, do thiếu thức ăn, nước uống và những vấn đề ngược đãi, hành hạ... Báo cáo nêu tình trạng người di cư chết trong trại tập trung ở Zintan và các trại tập trung ở Tripoli là rất đáng báo động, rất đáng quan tâm. UNHCR đã yêu cầu phải di tản tất cả người di cư ra khỏi các trại tập trung và tìm kiếm phương án thay thế nhằm bảo đảm an toàn hơn cho những người di cư này.

ICC chưa có thông báo chính thức nào về hồ sơ pháp và hiện tại Văn phòng Công tố của ICC cũng đang điều tra các tội ác ở Libya nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào những vấn đề trong cuộc nội chiến Libya lật đổ ông Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, công tố viên Fatou Bensouda của ICC đã đề cập đến việc điều tra các tội ác đối với người di cư trung chuyển qua Libya.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.