EU chật vật với cuộc chiến chống trốn thuế

Thứ Sáu, 15/12/2017, 16:19
Chỉ riêng trong năm nay, 2 scandal mang tên “Hồ sơ Panama” và “Hồ sơ Paradise” đã khiến giới chức Liên minh châu Âu (EU) đứng ngồi không yên. Cùng với đó, chiến dịch chống trốn thuế được thực hiện và đẩy mạnh trên phạm vi toàn khu vực với bước tiến mới nhất là thành lập một “danh sách đen” các thiên đường trốn thuế và một “danh sách xám” các quốc gia cần lưu tâm về khả năng giúp doanh nghiệp rửa tiền, trốn thuế.

Những “thiên đường trốn thuế”

Có thể nói rằng, EU trong những ngày này đang rất nóng bỏng khi liên tục nhận được phản hồi không mấy tích cực từ các quốc gia trên thế giới xung quanh bản “danh sách đen về thiên đường trốn thuế”.

Hôm 7-12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng rằng, thông qua các kênh ngoại giao, nước này sẽ cố gắng thuyết phục EU rút nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á ra khỏi “danh sách đen” nói trên. Cụ thể, đại diện của Hàn Quốc sẽ có các cuộc đàm phán cấp cao với EU và các cuộc gặp riêng rẽ với từng nước thành viên EU để làm sáng tỏ quan điểm của Seoul.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thì nhấn mạnh nước này cam kết tuân thủ tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế về giám sát tài chính và quy định về thuế chứ không phải như những gì EU nghĩ. Vì vậy, UAE đề nghị sẽ hợp tác, đáp ứng các yêu cầu của EU về trao đổi thông tin liên quan đến thuế quan nhằm nhanh chóng được rút khỏi “danh sách đen”.

Cùng chung quan điểm, Tunisia nhấn mạnh, động thái của EU sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư và kinh doanh của quốc gia Bắc Phi này. Riêng Panama có thái độ cứng rắn hơn cả khi triệu hồi đại sứ của mình tại Brussels (Bỉ) để tham vấn...

Nguyên do là, vào ngày 5-12, các Bộ trưởng Tài chính của EU đã thông qua một “danh sách đen” gồm 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài EU bị cho là các “thiên đường trốn thuế”. Danh sách này gồm cả vùng lãnh thổ Samoa và Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, Bahrain, Barbados, Grenda, Hàn Quốc, Macau (Trung Quốc), Cộng hòa quần đảo Marshall, Mông Cổ, Namibia, Palau, Panama, Saint Lucia, Trinidad & Tobago, Tunisia, UAE...

Các Bộ trưởng Tài chính EU đã trải qua 10 tháng đàm phán căng thẳng để thông qua bản “danh sách đen” và “danh sách xám”. Ảnh: Forbes.

Ngoài ra, EU còn lập một “danh sách xám” gồm 47 nước và thực thể bị coi là không đáp ứng các tiêu chuẩn về thuế của EU nhưng cam kết sẽ thay đổi và EU sẽ giám sát quá trình này.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu về đồng Euro và đối thoại xã hội Valdis Dombrovskis cho biết, để có được 2 danh sách nói trên, các Bộ trưởng Tài chính EU đã phải trải qua 10 tháng đàm phán căng thẳng. Và việc đẩy nhanh các cuộc thảo luận được thực hiện trong giai đoạn nước rút vào tháng 11, sau khi rò rỉ kho tài liệu mang tên “Hồ sơ Paradise”, hé lộ những khoản đầu tư bí mật ở nước ngoài của các cá nhân và tổ chức giàu có khắp thế giới.

“Đây cũng là một trong những nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OEDC) đưa ra một danh sách tương tự. Các quốc gia và vùng lãnh thổ có trong danh sách của EU đã không thỏa mãn 3 điều kiện gồm chấp nhận trao đổi thông tin liên quan đến thuế doanh nghiệp, có biện pháp ngăn cản tạo lập các công ty bình phong không có hoạt động thực chất trên lãnh thổ của mình và cam kết chống lại hành vi chuyển giá trốn thuế. Danh sách này có thể được xem xét và bổ sung hằng năm”, ông Valids Dombrovskis nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng chỉ ra rằng, bản danh sách chỉ là bước đi đầu tiên, sau đó, các nước EU sẽ tiếp tục thảo luận về việc có nên áp đặt trừng phạt tài chính đối với các nước nằm trong “danh sách đen” hay không và nếu có trừng phạt tài chính thì nên dùng biện pháp như thế nào là thích hợp. Hiện, vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các thành viên EU xung quanh vấn đề này.

Tuy nhiên, một số quốc gia dẫn đầu EU như Pháp, Đức lại đang nghiêng về giải pháp dùng các biện pháp trừng phạt cứng rắn trong đó có thể là không cho các nước trong “danh sách đen” nhận tài trợ của EU và Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra, Đức cũng khuyến nghị nên để các nước thành viên EU có những biện pháp trừng phạt riêng, tùy vào hoàn cảnh...

Cuộc chiến chống trốn thuế của EU có tên nhiều Tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Ảnh: EUObserver.

70 tỷ Euro một năm và cuộc chiến chống chuyển giá

Hãng tin AP cho biết, ban đầu, bản “danh sách đen” của EU có tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, sau đó, danh sách đã được rút gọn. Và đó mới chỉ là danh sách chung của EU còn mỗi quốc gia thành viên khu vực này đều có “danh sách đen” của riêng mình cũng như tiêu chuẩn để xác định “thiên đường trốn thuế”.

Phần lớn các “danh sách đen” riêng đều được lập nên dựa vào “Hồ sơ Panama” và đặc biệt là “Hồ sơ Paradise” bởi đây là thành quả điều tra của Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Hơn nữa, nếu như “Hồ sơ Panama” trước đây tiết lộ cách thức trốn thuế của những người giàu nhất thế giới và các công ty đa quốc gia thì “Hồ sơ Paradise” lại phanh phui những câu chuyện về các tài khoản giữ tiền tại nước ngoài (nơi mà hầu hết chính phủ các nước không thể can thiệp) của những người giàu có nhất thế giới. 120 chính khách đến từ 50 quốc gia, những mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber đều có tên trong “Hồ sơ Paradise”.

Dựa trên 13,4 triệu tài liệu bị rò rỉ từ Công ty Luật quốc tế Appleby, các quốc gia EU đã đưa ra những quy định nhằm siết chặt việc đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Cách thức mà EU thực hiện khá bài bản. Đầu tiên, Ủy ban châu Âu (EC) đệ trình Nghị viện châu Âu các biện pháp chống tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia này, trong đó buộc mỗi nước thành viên công bố dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh thu, lợi nhuận, ngưỡng trần tính thuế mà họ phải nộp tại mỗi thành viên EU.

Thêm vào đó, các tập đoàn có doanh thu trên 750 triệu Euro/năm phải công bố các thông tin về kế toán, doanh thu và lợi nhuận... Lợi nhuận thu được tại nước nào phải nộp thuế tại nước đó và các cơ quan thuế của quốc gia thành viên chia sẻ thông tin cho nhau một cách tự động để ngăn chặn việc đặt trụ sở và khai thuế ở nước thành viên nhẹ thuế nhất...

Chưa hết, Pháp và Đức hồi tháng 9 vừa qua còn công bố một chương trình đánh thuế mới nghiêm khắc để chống hình thức chuyển giá của các đại gia công nghệ này. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại EU phải công khai với từng nước thành viên của khối những dữ liệu liên quan đến tài chính gồm doanh thu, lợi nhuận và các loại thuế phải trả. Những tập đoàn đa quốc gia không có chi nhánh ở EU cũng bị yêu cầu công khai các thông tin hoạt động kinh doanh của họ trên khắp thế giới, nhất là tại những nước bị đưa vào “danh sách đen”, hoặc “danh sách xám”.

Ngoài ra theo những điều khoản trong thỏa thuận mà các thành viên EU đạt được thì từng quốc gia cũng có những thay đổi trong hệ thống luật về vấn đề thuế từ nay cho đến năm 2019. Dự kiến, các dự luật thuế mới ở EU sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020.

Câu hỏi được đưa ra lúc này là vì sao EU lại quyết tâm đánh mạnh nạn trốn thuế của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia đến vậy? Theo thống kê của EU, hằng năm, khu vực này thất thu gần 70 tỷ Euro do hành vi trốn thuế. Và kể cả khi biết rõ mười mươi hoạt động của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia này, song các thành viên EU vẫn chưa thể làm gì được vì thiếu chế tài.

Vụ kiện thuế nhằm vào Google ở Pháp là một ví dụ điển hình. Hồi tháng 7, một tòa án Pháp đã phải ra phán quyết rằng Google không có trách nhiệm phải trả 1,1 tỷ Euro tiền thuế truy thu theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Pháp do điều hành hoạt động kinh doanh từ Ireland.

Phán quyết có lợi cho Google nói trên được đưa ra sau khi một cố vấn của tòa án khuyến nghị rằng Google không có một "cơ sở thường trú" hay sự hiện diện đủ để đánh thuế tại Pháp và vì vậy không có nghĩa vụ phải trả hóa đơn thuế mà cơ quan chức năng nước này yêu cầu.

Các ngôi sao làng túc cầu cũng nằm trong tầm ngắm của chiến dịch chống trốn thuế tại EU. Ảnh: NewsMobile.

Năm 2015, Google chỉ nộp 6,7 triệu Euro thuế doanh nghiệp tại Pháp bằng cách đăng ký doanh thu của công cụ tìm kiếm và trang web chia sẻ video YouTube ở Ireland, vốn là quốc gia có thuế suất thấp ở châu Âu và cũng là lỗ hổng pháp lý đã bị nhiều công ty đa quốc gia lợi dụng.

Trước đó, tờ Le Soir đưa tin, chi nhánh Google tại Bỉ đã bị điều tra về các khoản tài chính trong 2 năm 2014 và 2015. Google tại Bỉ đang thương lượng với giới chức về thuế vụ để đi đến một thỏa thuận về vấn đề này. Còn tại Italia, 6 tháng trước, Google chấp thuận thanh toán khoản tiền thuế lên tới 306 triệu Euro, để giải quyết cuộc tranh cãi về gian lận thuế.

Chuyện bắt đầu khi nhà chức trách Italia điều tra việc chuyển lợi nhuận kinh doanh của Google tại Italia sang chi nhánh ở Ireland. Tài liệu dài hơn 150 trang của Cơ quan Chống độc quyền EU còn chỉ rõ, ngoài trốn thuế, Google đã vi phạm quy định chống độc quyền khi sử dụng hệ điều hành di động Android để ngăn cản các công cụ tìm kiếm của đối thủ và phải nộp phạt 2,4 tỷ Euro...

Chiến dịch làm trong sạch bóng đá

Sẽ là thiếu sót nếu nói về chống trốn thuế ở EU mà không nhắc đến chiến dịch làm trong sạch làng túc cầu - môn thể thao vua của cả thế giới. Hãng Reuters cho biết, chiến dịch này của EU bắt nguồn từ thông tin mà 12 hãng tin tại châu Âu đồng loạt đăng tải hồi tháng 1, trong đó công bố hàng triệu tài liệu tài chính về các hình thức và mức độ trốn thuế thông qua việc chuyển tiền bản quyền hình ảnh, hợp đồng quảng cáo cho một đối tác nước ngoài của nhiều ngôi sao bóng đá như Lionel Messi, Neymar, Javier, Mascherano, Cristiano Ronaldo, Angel di Mari và Paul Pogba.

Khi đó, EU quyết định, các đối tượng thực hiện hành vi tư vấn hoặc giúp đỡ cho các ngôi sao thể thao với thu nhập cao thực hiện hành vi trốn thuế sẽ phải đối mặt với việc nộp những khoản tiền phạt rất nặng.

Ủy viên EU phụ trách kinh tế Pierre Moscovici trả lời phỏng vấn báo chí còn khẳng định, những cá nhân, doanh nghiệp có thể giúp các ngôi sao bóng đá này thường là các nhà tư vấn về thuế, tư vấn tài chính, kế toán viên, luật sư hay người đại diện của vận động viên.

Để ngăn chặn và mang tính răn đe, EU yêu cầu các quốc gia phải thực thi biện pháp mạnh nhất, trong đó nổi bật là vụ ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo bị triệu tập ra tòa với cáo buộc trốn thuế tới 14,7 triệu Euro thông qua các đầu mối trung gian và có nguy cơ phải ngồi tù tới 7 năm về hành vi này.

Hiện Tây Ban Nha đang là “quốc gia điểm” trong chiến dịch này. Nguyên do là từ năm 2004, vì muốn thu hút các ngôi sao bóng đá nước ngoài, Chính phủ Tây Ban Nha đã ra biểu thuế hết sức ưu đãi dành cho những người nước ngoài làm việc tại đây với mức 24%. Nhưng đến năm 2010 thì Tây Ban Nha xóa bỏ luật cũ, tăng mức thuế thu nhập lên 43% khiến các ngôi sao bóng đá, nhất là những người có thu nhập cao kỷ lục như Ronaldo, Messi hay Neymar không hài lòng.

Từ đó, các ngôi sao bóng đá ở Tây Ban Nha mới nảy sinh ý muốn trốn thuế. Và chiến dịch làm trong sạch bóng đá cũng được thực hiện từ Tây Ban Nha, sau đó đến Italia, Đức, Bồ Đào Nha, Áo, Anh và Pháp với sự hỗ trợ của Europol. 

Châu Anh (tổng hợp)
.
.